Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/05/2024 10:27 454
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong bố cục chung của chuỗi bài về Đông Sơn trên báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) vào thứ Năm mỗi tuần mang tên "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất", dung lượng dành cho phần nghề mộc với đỉnh cao mỹ thuật nằm ở đồ sơn then dự kiến có 5 bài, sau đó sẽ là câu chuyện của vải sợi, trang phục. Và hôm nay, tôi sẽ cùng các bạn dạo vòng hai, cũng là vòng cuối cùng dành cho nghệ thuật sơn then.

1. Trước hết, tôi xin kể một số câu chuyện của khảo cổ và các bảo tàng thuộc chuyên ngành này để chúng ta cùng thấy vị trí, vai trò và cả số phận của đồ gỗ sơn then trong thời Đông Sơn.

Hẳn nhiều bạn đọc sẽ rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết cư dân Đông Sơn lại "sang chảnh" đến vậy với đồ sơn then của mình. Và không phải chỉ các bạn, ngay cả những chuyên gia khảo cổ học, bảo tàng học cũng có sự ngỡ ngàng tương tự. Lý do đơn giản chỉ vì đây là một lĩnh vực từng khai quật được không ít, nhưng do rất khó bảo quản và nghiên cứu nên trở nên rất hiếm tư liệu.
 
Khay sơn then phát hiện trong một mộ quý tộc Đông Sơn vùng chiêm trũng Phú Xuyên (Hà Nội)
Năm 2000, khu vực Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) lại cấp báo việc xuất lộ hai mộ thân cây khoét rỗng khi vét mương. Chúng tôi đã thu được hàng trăm hiện vật có nguồn gốc hữu cơ như cuốc, đĩa, mâm, khay, nhĩ bôi, cán rìu, giáo, vải, hạt quả… Thế nhưng, khai quật xong, chỉ vài ngày sau quay lại, bảo tàng đã không thể chụp được một tấm hình nào tươi đẹp như khi chúng mới được vuốt sạch khỏi bùn đất trong mộ - ngoại trừ những miếng vải liệm, hạt quả kịp thời bảo quản trong phòng thí nghiệm của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.
Trước đó, năm 1974, cũng đoạn mương này từng xuất lộ hàng chục quan tài Đông Sơn như vậy.
Kết quả khai quật đã được công bố dưới dạng chuyên khảo khoa học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trước nữa là công trình chuyên khảo khu mộ Việt Khê. Đồ gỗ và sơn then phát hiện được khá nhiều, nhưng ở Việt Khê, các nhà khảo cổ, bảo tàng chỉ đến chậm một tuần, những đồ gỗ, sơn then đẹp đó chỉ còn là dấu vết hoặc những que, cục xoăn và ngót đến mức không thể nhận ra được nữa.
 
Chiếc đĩa sơn then màu đen bên ngoài, bên trong lòng sơn màu vàng. Một số quả sấu như dạng ô mai vẫn còn nguyên vẹn
Tình hình trên cũng từng xảy ra ở nền khảo cổ học và bảo tàng học thuộc loại hàng đầu thế giới là Trung Quốc. Một trong những ngôi mộ giàu đồ sơn then và đồ gỗ nhất ở thế kỷ 2 trước Công nguyên là mộ quý tộc Nam Việt La Bạc Loan (Lobouwan, Quảng Tây, Trung Quốc). Một khu mộ khác ở Dương Phụ Đầu (Yangpudou, Vân Nam, Trung Quốc), khai quật khoảng 1998 - 2001, thu được hàng trăm đồ sơn then màu vô cùng rực rỡ, quý giá. Khi mới đào lên, chúng đều rất đẹp, như mới. Nhưng năm 2013, khi tôi có dịp ghé thăm kho thì nhiều hiện vật cũng đã bị co ngót, hư hỏng.
Trong một số hội nghị trong và ngoài nước, tôi đã từng nêu ý kiến cần đầu tư những phòng bảo quản cho đồ sơn then. Dù việc này tốn nhiều trăm triệu, nhưng chỉ đổi lấy giá trị thật của một đồ sơn then đẹp, ta đã đủ tiền hoàn vốn đầu tư những phòng thí nghiệm như vậy. Nhưng hiện mới chỉ có ở một vài nước châu Âu và ở một số bảo tàng lớn ở châu Á làm được điều này.
"Lần đầu tiên, tôi bắt gặp một con rồng đang cùng bay nhảy với hươu nai trên mảng thân bên ngoài chiếc đĩa" - TS Nguyễn Việt.
2. Đồ sơn then mà tôi "rì rầm" cùng các bạn hôm nay chính là một siêu phẩm nghệ thuật Đông Sơn trên sơn then may mắn còn lại.
Có thể khẳng định, chủ nhân đồ sơn then này là một quý tộc lớn. Ngôi mộ chứa nhiều đồ trang sức đồng và một góc toàn những đồ sơn then được sơn thếp màu đen với những loại hình rất hiếm có.
Trong đó, đáng chú ý nhất là một hộp đựng son phấn và đồ ngọc quý giá. Bên dưới là một hộp lớn chia nhiều ngăn, bên trên là các ô chứa những khay nhỏ xinh hình cốc cong có nắp đậy, xếp rất khít trong những không gian hẹp dành riêng như những cặp lồng cơm hiện đại mà các kỹ sư bậc thầy của hãng nội thất Thụy Điển IKEA phải mất rất nhiều công sức mới có thể sánh kịp. Hộp và các khay đều rất mỏng, phủ sơn đen cả trong lẫn ngoài. Trên đó là các đồ án chim, hươu, mây vờn màu trắng, vàng, huyết dụ phối trộn rất mỹ thuật.
 
Một số đồ án hươu, rồng với nét vẽ điêu luyện bằng sơn màu vàng trên nền đen có vân mây
Cùng với chiếc khay kể trên, chủ nhân ngôi mộ còn được người thân gửi theo một chiếc đĩa sơn then có những đồ án rất đẹp. Chiếc đĩa sâu lòng có đường kính khoảng 25cm, cao 5 cm. Trong lòng đĩa chia làm hai ngấn. Ngấn giữa màu sơn vàng nổi giữa nền đen trong, ngoài. Toàn thân bên ngoài đĩa phủ sơn màu đen, được làm nổi bằng màu nhũ vàng ở các ngấn quanh thân. Bên trong đĩa còn một số quả sấu khô quắt như ô mai.
Đĩa được vẽ nhiều hình thú ở bên ngoài, đa số là hươu nai đang trong tư thế chạy nhảy rất sinh động. Ngoài ra, lần đầu tiên tôi bắt gặp một con rồng đang cùng bay nhảy với hươu nai trên mảng thân bên ngoài chiếc đĩa.
Chiếc đĩa này khiến tôi xót xa liên tưởng đến một đĩa sơn quý giá hơn nhiều, được đặt trong lòng một chiếc hộp đồng hình khối vuông chạm trổ khắp thân, trên nắp có đúc nổi bốn con cừu. Tôi đã nói đến phát hiện này trong phần nói về shaman (thầy cúng) Đông Sơn khi trong hộp còn có một chiếc chân gà ám màu rỉ đồng xanh. Chiếc đĩa trong hộp này cũng rộng khoảng 25 cm, sơn then đỏ với những đường sóng nước trang trí màu vàng.
Điều đáng nói là phần miệng đĩa bọc một bản đồng ốp toàn bộ vành miệng đĩa bên trên. Vành đồng này được đúc riêng từ trước, khá dày dặn, trên đó thếp vàng lá. Người thợ làm phần gỗ phải tuân theo cái vành miệng đồng mạ vàng chế sẵn, chứ không phải phần viền miệng đồng ốp vào sau khi phần đĩa sơn đã làm xong.
Ngôi mộ Đông Sơn chôn trong quan tài làm từ nửa chiếc thuyền cũ mà tôi và các chuyên gia Úc khai quật năm 2004 ở Động Xá (Kim Động, Hưng Yên) có một khoang chứa đồ tùy táng nhỏ, ngăn bằng hai vách vỏ cây dày. Bên trong có một nồi gốm đã sử dụng. Bồ hóng lấy từ đáy nồi, định tuổi C14 cho biết, cuộc đun nấu cuối cùng diễn ra khoảng 2.050 năm trước. Trong nồi chỉ có hai mảnh nhĩ bôi vỡ, không nguyên vẹn. Nhĩ bôi đó rất mỏng, đẹp. Người thợ đã tạo hình khung nhĩ bôi bằng nhiều vách đan ghép mỏng rất tinh tế trước khi dán phủ lụa làm nền cho các lớp sơn then màu đỏ huyết dụ.
Việc một người đàn ông Đông Sơn khi chết vẫn được chôn theo những phần nhĩ bôi đã hư hỏng chứng tỏ giá trị của đồ sơn then đương thời.   
Trong một số hội nghị trong và ngoài nước, tôi đã từng nêu ý kiến cần đầu tư những phòng bảo quản cho đồ sơn then. Dù việc này tốn nhiều trăm triệu, nhưng chỉ đổi lấy giá trị thật của một đồ sơn then đẹp, ta đã đủ tiền hoàn vốn đầu tư những phòng thí nghiệm như vậy. (Còn tiếp)
TS NGUYỄN VIỆT
https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4212

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Người Đông Sơn (kỳ 19): Những bậc thầy Đông Sơn vẽ sơn then

Người Đông Sơn (kỳ 19): Những bậc thầy Đông Sơn vẽ sơn then

  • 04/05/2024 10:36
  • 455

Chúng ta đã dừng lại khá lâu với những thợ Đông Sơn vẽ và nặn tượng để chế ra những sản phẩm đồng thau trang trí đẹp. Cũng phải thôi, vì trên 90% đồ mỹ thuật Đông Sơn để lại đến ngày hôm nay là trên đồ đồng mà! Nhưng trong thực tế đời sống Đông Sơn, lao động nghệ thuật gắn vào các đồ vật hàng ngày không chỉ có trên đồ đồng mà chiếm tỷ trọng cao ở trên những vật dụng bằng gỗ, tre nứa và vải sợi nữa.