Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/03/2024 14:49 890
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đến thăm xưởng của vị thợ cả lò đúc Đông Sơn hôm nay là một nữ vệ sĩ. Thủ lĩnh của bà cũng là một nữ tướng vừa được Hội đồng bô lão chọn làm thủ lĩnh một bộ lạc Đông Sơn ở vùng núi Thanh Nghệ. Bà muốn tặng cho vị nữ thủ lĩnh của mình một món quà, đó là một con dao găm đồng đúc cán tượng chính bà đang... đội thủ lĩnh trên vai trong ngày ra mắt chúng dân toàn bộ lạc.

1. Vị thợ cả đã từng làm những tượng cán dao thủ lĩnh nữ mang phong cách nữ chúa Núi Nưa, tay cầm rìu chiến, nhưng yêu cầu đặt ra là làm 1 tượng đôi 2 người công kênh nhau trên vai để tạo thành cán dao găm khiến ông không khỏi ít phút đăm chiêu suy nghĩ. Rồi một tia sáng lóe lên trong đầu, ông nói bà vệ sĩ cứ về đi, 2 hôm sau đến duyệt mẫu để ông tạo khuôn rót đồng.

Tôi đã mơ thấy câu chuyện này trước khi chuẩn bị đặt bút cho kỳ "rì rầm" tuần đầu tiên của năm 2024. Cho đến nay tôi mới có điều kiện tiếp xúc và làm việc với 3 khối tượng nữ công kênh nhau trên cán dao găm Đông Sơn. Chiếc đầu tiên là năm 2001, khi tôi dừng chân làm việc 2 hôm trong hầm kho của Bảo tàng Guimet (Pháp). Quản thủ bảo tàng khi đó là tiến sĩ Baptiste có cho tôi xem hình và hỏi ý kiến tôi về con dao găm này. Đây là hiện vật đang trưng cầu ý kiến chuyên gia trong quá trình giao dịch giữa bảo tàng Barbier-Mueller ở Geneva (Thụy Sĩ) với một Gallery Đông Sơn tại Pháp.
 
Cuốn sách của Bảo tàng Barbier-Mueller xuất bản năm 2008 tại Geneva lần đầu tiên công bố hình dao găm Đông Sơn có cán tượng 2 người nữ công kênh nhau (hình trái) và hình đặc tả con dao găm đó (hình phải) được dùng minh họa cho bài viết của TS Nguyễn Việt về văn hóa Đông Sơn trong sách
Tôi khá bất ngờ vì chưa từng thấy hình ảnh Đông Sơn nào như vậy: Một thủ lĩnh nữ ngồi trên vai, 2 tay ôm trán và chân quặp nách 1 hầu nữ Đông Sơn khác, cao to, vạm vỡ như đàn ông, nếu cô hầu này không mặc chiếc váy với búi thắt lưng có đầu trùy che kín tận mắt cá chân.
Thủ lĩnh nữ ngồi trên cũng có thể nhận diện được ngay là nữ với phong cách ăn mặc kiểu nữ phổ biến trên cán dao găm đã khai quật được ở Làng Vạc. Năm 2008 lần đầu tiên hình dao găm này xuất hiện trong niên giám kỷ niệm 60 năm ra đời Bảo tàng Barbier-Mueller nhan đề Le profane et le divin ARTS DE L'ANTIQUE - Fleurons du musée Barbier-Mueller. Ảnh này có được sử dụng trong phần minh họa cho bài viết của tôi trong sách đó.
"Tượng người và thú trên cán dao găm cũng như hình ảnh lễ hội mô tả trên đồ đồng chính là tấm gương phản ánh các hiện tượng tâm linh xã hội đương thời" - TS Nguyễn Việt.
2. Giấc mơ của tôi kể ở đầu bài viết liên quan đến cán tượng dao găm 2 nữ công kênh nhau hiện đang trưng bày tại nhà hàng Trống Đông Sơn trên đường Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội. Tượng đôi công kênh nhau trên dao găm này bố cục đẹp hơn nhiều so với chiếc công bố trong sách của Bảo tàng Barbier-Mueller.
Nhìn lớp áo bóng, ngả màu thời gian trên thân khối tượng, có thể nghĩ rằng con dao găm này không bị gỉ xanh do chôn dưới đất mà là đồ cất giấu trong hang. Toàn thân dao găm dài khoảng 32cm chia làm 2 phần rõ rệt. Phần lưỡi sử dụng có bản dẹt, hình lá tre với chắn tay kiểu sừng trâu uốn cong quen thuộc. Phần tay cầm là tượng 2 người công kênh nhau, trang phục nữ rõ nét với chiếc váy trùm đến mắt cá và 2 dải thắt lưng trước sau buộc đầu trùy thả đến gần sát đất.
 
Đặc tả mặt trước và sau cán dao găm Đông Sơn 2 người công kênh nhau hiện trưng bày tại nhà hàng Trống Đông Sơn (Hà Nội)
Tượng nữ thủ lĩnh bên trên đầu đội vành đai vương miện kiểu hất lên trên rất phổ biến, tai đeo vòng, ngực đeo hạt chuỗi, 2 tay ôm trán, chân quắp vào nách người hầu bên dưới. Người hầu nữ dùng 2 tay ôm lấy chân chủ nhân, đứng thẳng hiên ngang, vững chãi.
Đây chính là tư thế ra mắt của thủ lĩnh nữ trong ngày nhậm chức thủ lĩnh bộ lạc mà tôi đã từng hình dùng trong "giấc mơ" kể trên. Tôi may mắn biết cả chủ nhân đầu tiên đã nhượng lại con dao găm này cho chủ nhân nhà hàng Trống Đồng, nhờ đó biết được dao găm có gốc tích "vùng Làng Vạc".
3. Như đã nói trong bài đầu tiên đề cập đến dao găm tượng người hoặc thú, niên đại xuất hiện kiểu trang trí cán dao găm bằng tượng khối các con thú hay hình người kéo dài khoảng nửa thiên niên kỷ, từ thời Chiến quốc (thế kỷ 3 - 4 trước Công nguyên) đến thời Đông Hán (thế kỷ 2-3 sau Công nguyên). Đây là thời kỳ có nhiều biến động quân sự, chính trị tác động vào xã hội Đông Sơn với sự xuất hiện nhiều nhân vật huyền thoại hay lịch sử.
Tượng người và thú trên cán dao găm cũng như hình ảnh lễ hội mô tả trên đồ đồng chính là tấm gương phản ánh các hiện tượng tâm linh xã hội đương thời. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi gắn kết các hình tượng 2 chị em sinh đôi ngồi trên lưng voi với câu chuyện Hai Bà Trưng, hình tượng nữ chúa Núi Nưa với Bà Triệu... Những tượng nữ thủ lĩnh được công kênh trên vai hầu nữ mà tôi "rì rầm" kể chuyện hôm nay chính là chất thực của câu chuyện các thủ lĩnh nữ đương thời như Bà Trưng, Lê Chân, Bà Triệu và hàng trăm nữ tướng được thờ do có công tham gia trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng hồi đầu Công nguyên.
 
Một cách khác thể hiện sự tôn vinh 2 nữ thủ lĩnh sinh đôi trong nghệ thuật tượng cán dao găm Đông Sơn: Ngồi xổm trên lưng voi có đôi cá sấu đỡ (sưu tập Gallery Hioco, Paris, Pháp)
Thời kỳ xuất hiện những dao găm tượng thủ lĩnh nữ trang trí trên cán dao găm cũng trùng với thời kỳ truyền tụng trong sử sách những thủ lĩnh bộ lạc nữ. Điển hình nhất ở vùng văn hóa Đông Sơn sông Hồng là chuyện Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Chân...Ở vùng Đông Sơn sông Mã sông Chu là bà Triệu Thị Trinh, vùng sông Tiền, sông Hậu là bà Liễu Diệp của nền văn hóa Óc Eo.
Năm nay tròn 100 năm văn hóa Đông Sơn. PGS-TS khảo cổ Phạm Minh Huyền vẫn còn nhớ câu chuyện của chồng bà - ông Diệp Đình Hoa, PGS-TS khảo cổ học đầu tiên của Việt Nam. Khi được Ty Văn hóa Thanh Hóa mời xin ý kiến về xây dựng hình tượng Bà Triệu, ông Hoa đã chỉ thẳng vào cán dao găm Núi Nưa mà khẳng định: Đây chính là biểu tượng gần gũi và chân thực nhất về Bà Triệu!
Trở lại với câu chuyện đặt hàng đối với thợ cả đúc đồng Đông Sơn và những tính toán để đáp ứng nhu cầu biểu tượng tâm linh khi đó. Hình ảnh người hầu nữ để thủ lĩnh "cưỡi" trên vai đã tạo ra một hình ảnh vừa chân thực, vừa oai phong. Truyền thống Đông Sơn thiếu vắng ngựa, chỉ có voi để cưỡi khi diễu hành và xung trận. Nếu đặt một hình thủ lĩnh trên lưng voi với sự hỗ trợ của đôi hổ hay cá sấu tạo tay cầm, thì tương quan sẽ khiến hình thủ lĩnh bị thu nhỏ. Giải pháp dùng thân người hầu là cán tay cầm và thủ lĩnh ngồi trên vai người hầu đã thỏa mãn chủ đích đủ lớn để tôn vinh thủ lĩnh mà vẫn thực hiện chức năng tay cầm cho một cán dao.  
Khi được Ty Văn hóa Thanh Hóa mời xin ý kiến về xây dựng hình tượng Bà Triệu, ông PGS-TS Diệp Đình Hoa đã chỉ thẳng vào cán dao găm Núi Nưa mà khẳng định: Đây chính là biểu tượng gần gũi và chân thực nhất về Bà Triệu! (Còn tiếp)

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4212

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 12): Một kiểu cán dao găm đàn ông Đông Sơn xuất hiện nhiều nhất

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 12): Một kiểu cán dao găm đàn ông Đông Sơn xuất hiện nhiều nhất

  • 01/03/2024 08:35
  • 1094

Hơn 10 năm trước, khi thống kê các dạng người được nghệ nhân Đông Sơn chọn thể hiện trên cán dao găm, tôi mới nhận ra 3 kiểu tượng nam phổ biến nhất, đặt tên theo địa danh phát hiện khảo cổ học là: Sơn Tây, Quả Cảm, Tràng Kênh. Chuyên mục "Đêm đem rì rầm trong tiếng đất" hôm nay tôi sẽ dành nói về những cán dao găm thuộc phong cách Quả Cảm, được coi như phong cách tượng nam trên cán dao găm chiếm số lượng nhiều nhất hiện biết.