Dựa trên tư liệu khảo cổ học thì nhận thức của loài người về mẹ có những bằng chứng đầu tiên vào khoảng trên dưới 50 ngàn năm trước. Thói quen theo mẹ, bám mẹ là bản năng động vật tự nhiên của con người, nhưng nhận thức về mẹ như một tiến trình trong lịch sử nhận thức của loài homo sapiens (người hiện đại - modern human) lại là kết quả của quá trình tích lũy nhận thức lâu dài và biểu hiện ra khá muộn.
Chứng cứ rõ nét nhất của điều này là sự xuất hiện những biểu tượng phụ nữ mang bầu, do con người tạo ra bằng ngà voi, đá hay đất nung vào cuối thời đại đá cũ. Cho đến nay sách báo vẫn dùng từ "venus" (thần vệ nữ) để đặt tên cho các biểu tượng đó: một tượng khối người với sự nhấn mạnh đặc trưng tiêu biểu nhất của mẹ: Bụng, bầu vú và âm hộ khi mang thai.
Ở Việt Nam, chúng ta chưa phát hiện được những biểu trưng mẹ sớm tương tự như vậy. Có lẽ vào khoảng 4.000 năm trước, những đồ gốm thể hiện bầu sữa mẹ xuất hiện trong các làng trống lúa sớm đã xác nhận vị trí được tôn vinh của mẹ. Và cho đến khi xã hội Việt Nam phát triển đến giai đoạn tiền nhà nước và nhà nước sơ khai Âu Lạc tương ứng với nền văn hóa khảo cổ Đông Sơn thì vai trò của mẹ và kèm theo cả nữ quyền vẫn còn rất đậm nét.
Tượng “Venus” thời đại đá cũ (25.000 năm trước) phát hiện ở Willendorf (Áo). Phiên bản trưng bày tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, Kim Bôi, Hòa Bình (hình bên trái) và chiếc vò gốm có bốn cặp vú khai quật được ở Hòa Diêm (Khánh Hòa), thuộc văn hóa Sa Huỳnh, 2000 năm trước
Tôi bắt đầu tập trung hơn về vấn đề này khoảng 15 năm trước, khi được mời tham dự một hội nghị quốc tế về Thờ Mẫu. Báo cáo của tôi khi đó nhấn mạnh hai hiện tượng: 1- Ưu thế của nữ thần (Âu Cơ, Nữ Oa, Tây Vương Mẫu…) luôn trội hơn nam thần cặp đôi (Lạc Long Quân, Phục Hy, Đông Vương Phụ); và 2 - Nam thần Ấn Độ giáo Quan Âm khi du nhập vào thế giới tiền sử muộn phương Đông, mà cụ thể ở Việt Nam, đã hóa nữ thần - mẹ (Phật Bà Quan Âm). Điều đó trùng hợp với hiện tượng biểu tượng nữ được tôn vinh trên nghệ thuật đồng thau Đông Sơn.
Trong bài này tôi muốn giới thiệu những bằng chứng khảo cổ tôn thờ nữ tính qua nghệ thuật Đông Sơn, đặc biệt trên hai phương diện: phồn thực và sinh nở.
Phồn thực
Có một thời gian dài, nhiều nhà khoa học khá ngại ngần khi dụng chạm vào vấn đề "phồn thực" mà đôi khi dư luận xã hội cho là "tục tĩu" và rất nhạy cảm này. Đây cũng là điều mà các sử gia Đại Việt Sử ký Toàn thư gặp phải. Tuy nhiên, sử gia Ngô Sĩ Liên đã có một lời như tổng kết rất đáng chú ý: "Phong tục thời Hùng Vương rất thuần hậu, chất phác". Hẳn khi đó, những diễn xướng dân gian như "Trò Trám", "Nõ Nường"… đang còn phổ biến trong dân gian, được coi như tàn tích từ thời dựng nước.
Câu chuyện phồn thực rất "thuần hậu, chất phác" đó được cởi mở khi nắp thạp Đào Thịnh được phát hiện với 4 cặp nam nữ đang "ân ái" giữa thanh thiên bạch nhật trên nắp một hiện vật đồng có giá trị tâm linh cao đương thời. Có lẽ trước khi việc thờ Linga, Yoni theo chân các đạo sĩ Ấn Độ giáo đưa vào Đông Nam Á, những biểu tượng thiêng trong tâm linh Đông Sơn đã bao hàm cả sự trần tục đó rồi.
Ảnh trái : Nhóm tượng đôi chụp ở các góc khác nhau, được cho là hiện vật Đông Sơn phát hiện ở Yên Bái năm 2014 (Những phát hiện mới Khảo cổ học 2015). Ảnh phải: Uyên ương – tượng đá trên cán một thanh kiếm Đông Sơn
Gần đây, xung quanh vùng Đào Thịnh, nơi phát hiện chiếc thạp có năm kể trên, còn phát hiện hai trống đồng lớn. Trên các ô trang trí trên thân trống mô tả rõ hình tượng trai gái "ân ái' cả trong tư thế đứng lẫn nằm. Đặc biệt, một đôi đang "ân ái" nằm trong màn (trướng), bên ngoài có một shaman đang hành lễ. Rõ ràng, đó không chỉ là sự "vẽ bậy" tùy tiện của thợ đúc đồng mà là một nghi lễ phồn thực được xã hội trân kính.
Cảnh như vậy tôi cũng đã từng thấy trên hình khắc trang trí ở một tấm đeo ngực Đông Sơn. Từ đó có thể hiểu những biểu tượng cóc, nhái, trâu bò… trên lưng nhau trong nghệ thuật Đông Sơn tuân thủ một tín ngưỡng tâm linh phồn thực rất tự nhiên và nhân bản. Cần khẳng định rằng trước khi các quy chế mang màu sắc Khổng/Nho/Giáo… du nhập và áp đặt lên từng bộ phận xã hội Việt Nam, có lẽ ào ạt từ thế kỷ 2 - 3 sau Công nguyên, thì về cơ bản các nhóm dân cư bản địa trên lãnh thổ Việt Nam vẫn sống rất "thuần hậu, chất phác" như vậy.
Sinh nở
Nhà dân tộc học Tạ Đức đã rất ấn tượng với điệu múa giang hai tay ngang vai của phụ nữ Cơ Tu khi anh viết cuốn sách về dân tộc này trong những năm 1990. Đây cũng là một tư thế thường thấy trên trang trí đồ đồng Đông Sơn khối Tây Âu, mà những năm đầu 1960 - 1970 các nhà nghiên cứu thường mô tả là "hình tượng nhái bén".
Những hình này thấy rất rõ trên cán dao găm đồng kiểu Đông Sơn Tây Âu: các sợi đan tạo thành một con vật đầu hình quả trám, chân tay dạng căng ra bốn góc. Trong nhiều mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn, ta bắt gặp những hiện vật dạng như cái tram cài đầu, có ba chân, bên trên như hình búp sen hay lá đề với các hình chim thú đậu xung quanh. Đáng chú ý là hình người ở giữa đứng dạng hai chân, hai bàn tay xòe ra giơ ngang vai như kiểu các phụ nữ Cơ Tu múa cầu thánh.
Hình tượng nữ thần MẸ trong tư thế sinh nở trên qua đồng và trên vật trang trí Đông Sơn
Hình ảnh rõ hơn cả được thể hiện trên hàng trăm chuôi qua dạng lưỡi thẳng phổ biến trong khối văn hóa Đông Sơn dạng Tây Âu - Điền. Đây là loại qua được chứng minh là có phong cách ảnh hưởng từ đất Thục cổ (vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc) trong thế kỷ 4 - 5 trước Công nguyên. Đặc trưng chung là thể hiện ba vị thần đầu nhọn hình củ hành, trong đó người ngồi giữa là chính, hai người hai bên giống nhau như thần tả hữu phù trợ. Cả ba người đều xòe bàn tay giơ tay giơ lên trời theo hướng hai bên, đan vào nhau. Chân họ dạng ra tạo thành hai hình nấm đầu tròn có mắt mũi ở hai bên, tạo thành bố cục 5 người: một chính to lớn ở giữa, hai người lớn phụ trợ ở hai bên và hai nấm bé con ở dưới, rất giống hình ảnh một gia đình.
Trống đồng phong cách Đông Sơn Tây Âu đào ở Yên Bái có trang trí trên thân cảnh đôi nam nữ ân ái trong màn và một shaman (thày cúng) làm lễ ở bên ngoài (sưu tập trống Nguyễn Đình Sử, Hà Nội)
Từ lâu, tôi có rủ một tiến sĩ khảo cổ Trung Quốc chuyên khai quật văn hóa đồng thau ở Vân Nam thu gom các hình tượng người trên chuôi qua này. Năm 2011, tôi bắt gặp một chiếc qua có nhóm hình người tương tự nhưng cách thể hiện chân thực hơn đã khiến tôi nghĩ đến tín ngưỡng thờ Mẹ. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với Mẹ thực sự diễn ra vào năm 2013, khi tôi thực hiện chuyến thăm hầu hết các sưu tập và địa điểm khảo cổ học quan trọng thời Đông Sơn, Chiến Quốc - Tần/Hán ở Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc). Trong một sưu tập đồ đồng do Sở Văn vật Khúc Tĩnh (Vân Nam) giới thiệu, tôi bắt gặp hàng chục chiếc qua đồng có hình những vị thần đầu củ hành ở chuôi. Trong đó có những chiếc thể hiện rõ ràng hình ảnh nữ thần giơ tay, dạng chân với hình âm hộ rõ nét. Dự đoán của tôi đã chính xác: đây là biểu tượng thờ thần Mẹ với chức năng và trong tư thế đang sinh nở.
Mọi sự có vẻ dần được sáng tỏ vai trò mẹ trong văn hóa Đông Sơn. Cũng cần nhắc lại một lần nữa: Di ảnh đậm nét vai trò mẹ được truyền tụng trong dân gian đến tận thế kỷ 13, khi những cuốn sách sử Đại Việt đầu tiên tìm về gốc gác tiên tổ ra đời, rằng 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi đã thay nhau thế tập Hùng Vương chứ không phải là 50 người con trai theo cha. Hy vọng những thành tựu khảo cổ Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục minh chứng chủ đề này.
"Đặc biệt một đôi nam nữ đang "ân ái" nằm trong màn (trướng), bên ngoài có một shaman đang hành lễ. Rõ ràng, đó không chỉ là sự "vẽ bậy" tùy tiện của thợ đúc đồng mà là một nghi lễ phồn thực được xã hội trân kính" - TS Nguyễn Việt. (Còn nữa)
TS NGUYỄN VIỆT