Qua nghiên cứu các loại mộ cổ thuộc văn hóa Đông Sơn có thể thấy hình thức mai táng thời kỳ này khá phong phú, phù hợp với địa hình sinh thái đa dạng của cư dân Đông Sơn như: mộ huyệt đất; mộ thuyền; mộ nồi – vò gốm úp nhau; mộ thạp…Cùng với đó là hiện tượng chôn theo đồ vật cho người chết cho thấy người Đông Sơn quan niệm rằng chết là sự chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này và bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới bên kia.
Cuộc sống sau khi chết cũng tương tự như khi đang sống, người chết vẫn phải lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Vì thế, dù ở hình thức mai táng nào thì người Đông Sơn cũng đều thực hiện táng tục giống nhau, đó là chôn cùng người chết các đồ vật gồm: đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức… Trong các loại hình mộ táng nói trên, mộ thuyền là một đặc trưng tiêu biểu cho phong tục mai táng của cư dân Đông Sơn.
Trên thực tế, mộ thuyền Đông Sơn phát triển qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn sớm, mộ chôn trong huyệt đất, quan tài gỗ có mặt cắt ngang tròn - gần tròn, hai đầu chừa lại hai đoạn thân cây gỗ làm vách ngăn, dùng đinh chốt hoặc mộng khớp liên kết tấm thiên và địa, trong mộ chôn theo nhiều đồ đồng. Mộ thuyền Việt Khê không chỉ tiêu biểu cho giai đoạn sớm này mà còn là một minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn sinh sống tại các vùng trũng ở châu thổ Bắc Bộ.
Năm 1961, tại công trường đào đất Việt Khê (thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), công nhân đã phát hiện được 5 ngôi mộ cổ có quan tài bằng thân cây khoét rỗng phân bố trong phạm vi khoảng 400m2, độ sâu từ 1,5 đến 2m ở góc dải ruộng nằm cách bên bờ sông Hàn khoảng 50m. Trong số 5 ngôi mộ, ngôi mộ số 2 là to nhất và trong đó có tới hơn 100 đồ tùy táng, đó chính là Mộ thuyền Việt Khê. Đây là ngôi mộ thuyền được đánh giá là “vô cùng quý giá” bởi nó có kích thước lớn và nguyên vẹn nhất trong số những mộ thuyền Đông Sơn đã được phát hiện ở Việt Nam. Tuy không còn dấu vết gì của di cốt, nhưng đồ tùy táng trong mộ Việt Khê hầu như còn khá nguyên vẹn. Ngôi mộ này được phát hiện ở độ sâu khoảng 1,5m so với mặt đất. Mộ được tạo từ thân cây gỗ lim khoét rỗng, có chiều dài 476cm, rộng 77cm, dày 6cm, sâu 39cm, cao cả nắp 60cm, có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc với một đầu to, một đầu nhỏ, mặt trong được khoét rất đều và đẹp nhưng mặt bên ngoài chỉ được bóc lớp vỏ cây chứ không có vết chế tác. Nắp quan tài cũng được khoét hình lòng máng nhưng nông hơn (Nguồn:http://baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/1001/28546/bao-vat-quoc-gia-viet-nam-mo-thuyen-viet-khe.html – TS. Nguyễn Văn Đoàn).
Mộ thuyền Việt Khê phát lộ tại công trường đào đất Việt Khê, thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng năm 1961
Đồ tùy táng chôn theo đa dạng về loại hình và hầu như còn khá nguyên vẹn với hơn 100 hiện vật được sắp xếp như sau: ở đầu to là những đồ vật cỡ lớn như trống, thạp, bình, đỉnh…; ở đầu nhỏ là các công cụ và vũ khí như rìu, đục, dao găm, chiếm 60% trong tổng số hiện vật; ở giữa có chuông, khay,…; dọc hai bên đặt các loại giáo có cán và bơi chèo bằng gỗ. Đây có lẽ là ngôi mộ không chỉ đa dạng về loại hình mà còn phong phú về chất liệu như: đồng chiếm tỷ lệ cao nhất, ngoài ra còn có chất liệu gỗ, da. Điều đó cho thấy ngôi mộ này rất có giá trị và ý nghĩa, bởi nó đưa đến hình dung trực quan, sinh động nhất về đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt cổ cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm.
Khay đồng
Chuông đồng
Ngoài ra, trong Mộ thuyền Việt Khê còn có một số hiện vật độc đáo như: chiếc muôi bằng đồng dáng hình quả bầu, cán trang trí tượng người thổi khèn; một tiêu bản giũa đồng duy nhất với hình dáng gần giống chiếc bàn chải hiện đại, dài 19cm, thân giũa hình chữ nhật góc vê tròn, một mặt phẳng, một mặt có viền gờ nổi ở mép, trong lòng có nhiều răng nhọn, một số răng đã bị gãy. Những răng giũa không xếp theo một trật tự nhất định, có thể giũa đã được sử dụng; một số hiện vật khác như: mảnh da có dấu sơn – có thể đây là chiếc hộ tâm phiến da thuộc được sơn màu trang trí, chiếc bơi chèo gỗ có vết sơn màu đỏ, những ngọn giáo còn nguyên lưỡi và cán,…đã giúp chúng ta hiểu thêm được nhiều khía cạnh về đời sống xã hội của cư dân Đông Sơn đặc biệt là những chất liệu có liên quan tới một số ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam như nghề thuộc da, nghề sơn.
Giũa đồng
Mảnh da vẽ sơn màu
Ngoài ra, còn có một số vũ khí như: giáo đồng được cắt mất phần mũi hoặc bẻ cong phần mũi một cách có ý thức bởi người Đông Sơn quan niệm đồ vật của người chết phải khác biệt so với người sống. Hay như trống đồng thời kỳ này không chỉ là một vật báu được chôn theo người chết mà nhiều khi cũng bị đập thủng mặt cho khác với trống đồng trên trần thế và ngày nay một số nơi vẫn còn giữ tục đập vỡ đồ tùy táng như ở Tây Nguyên.
Cùng với đó là sự xuất hiện của một số hiện vật có nguồn gốc văn hóa Trung Hoa thời Chiến Quốc (thế kỷ 5 - 3 trước Công nguyên) như kiếm thẳng, dao chuôi khuyên và một số hiện vật chế tác tại chỗ nhưng mang những yếu tố du nhập từ Trung Hoa như bình chân cao trổ thủng, đỉnh 3 chân... là bằng chứng sinh động về mối giao lưu văn hóa rộng rãi từ rất sớm của văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa trong khu vực.
Dao chuôi khuyên
Bình chân cao trổ thủng
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc chôn người chết trong những quan tài hình thuyền độc mộc - một phương tiện phổ biến để đi lại trên sông nước, mà bên trong quan tài lại có những mái chèo (bơi chèo) đã phản ánh cuộc sống của chủ nhân ngôi mộ này gắn bó chặt chẽ với sông nước, với ý niệm họ mong được tiếp tục cuộc sống, nếp sinh hoạt đó ở thế giới bên kia.
Như vậy, mộ thuyền Việt Khê không chỉ là nguồn tài liệu quý giá để nghiên cứu về táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn, quan niệm về cõi sống và cõi chết trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt cổ, mà theo các nhà nghiên cứu, số lượng đồ vật chôn theo cùng với loại hình và giá trị của đồ vật, thì chủ nhân của Mộ thuyền Việt Khê thuộc tầng lớp quyền quý, giàu có. Điều đó cho thấy rằng, xã hội thời văn hóa Đông Sơn phát triển đã bước vào giai đoạn phân hóa, đánh dấu việc hình thành giai cấp. Cùng với các tư liệu khảo cổ học nói chung, tư liệu mộ táng thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã cho thấy sự phân hóa xã hội - sự phân hóa tài sản, trên cơ sở sản xuất phát triển tạo ra của cải dư thừa đã dẫn tới hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau mà sự phát triển ở giai đoạn sau của văn hóa này đã đưa đến sự hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - nhà nước Văng Lang, Âu Lạc.
Nguyễn Thảo