Tiếp theo bài Chuyện từ những ngôi mộ táng trẻ em thời Đông Sơn chuyên mục kỳ này sẽ trở lại với 2 trường hợp mộ trẻ em nữa do tôi và đồng nghiệp trực tiếp khai quật và nghiên cứu năm 2004 tại Hà Nam và 2007 tại Thanh Hóa.
Trường hợp thứ 3: Em nhỏ khoảng 8 tuổi, chôn trong quan tài bằng thân cây quế khoét rỗng
Năm 2004 sau khi khai quật và xử lý sơ bộ mộ Đông Sơn ký hiệu 04DX-M01 tại Động Xá (Kim Động, Hưng Yên), tôi có đưa các chuyên gia khảo cổ và bảo tàng Autralia sang thăm bảo tàng Hà Nam và cùng cán bộ bảo tàng này đưa đoàn xuống thăm khu mộ táng Yên Bắc mà Bùi Văn Liêm đã khai quật năm 2000.
Khi đoàn đến nơi, chúng tôi chứng kiến một ngôi mộ vừa bị đào trộm ngày hôm trước, ván lá và mảnh vỡ quan tài vứt bên miệng hố. Sau khi trao đổi với lãnh đạo Bảo tàng Hà Nam chúng tôi quyết định khai quật lại ngôi mộ này.
Cuộc khai quật vớt vát một ngôi mộ em nhỏ Đông Sơn 8 tuổi chôn trong quan tài thân cây khoét rỗng ở Yên Bắc (Hà Nam) 2004
Theo kinh nghiệm của tôi, những người đào trộm chỉ mò lục lấy đi những đồ đồng, đồ đá có thể bán được thôi. Tất nhiên hiện trạng xương cốt và các đồ tùy táng khác không còn nguyên vẹn như ban đầu nữa. Tuy nhiên, do mục tiêu nghiên cứu khi đó nhằm phục dựng lại ngôi mộ và hướng đến vớt vát những mảnh vải quần áo và bọc xác còn lẫn trong bùn nên cuộc khai quật vẫn tiến hành rất bài bản.
Rất may mắn, trong hoàn cảnh đào vớt vát đó, chúng tôi đã bắt gặp một mộ trẻ em nhà giàu được chôn cất với khá nhiều đồ tùy táng, và đặc biệt đã phục dựng lại toàn bộ cách thức chôn cất và dựng nhà mồ xưa nay chưa từng thấy.
Toàn cảnh ngôi mộ em bé Đông Sơn 8 tuổi khai quật ở Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) năm 2004
Nhờ kích cỡ quan tài và nhất là nhờ những mảnh xương sọ, răng còn lại, chúng tôi xác định được người chôn trong mộ là một trẻ em khoảng 8 tuổi. Lọc kỹ bùn đất trong quan tài chúng tôi thu được một số mảnh đồng vỡ của những đồ đồng đã bị lấy đi, một ít đồ gỗ, sơn then và một số khuyên tai, vòng chuỗi thủy tinh và đá quý, chứng tỏ cha mẹ em bé khá giàu có.
Dù đã bị xới tung do những người đào trộm tìm của, chúng tôi vẫn nhận ra những mảng cói đẹp và nhiều lớp vải bọc quanh xác người vương lại, trong đó có những mảnh vải dệt rất cầu kỳ bằng loại sợi mà cho đến nay tôi và các chuyên gia Nhật Bản ở Đại học Chiêu Hòa vẫn chưa xác định được chúng dệt từ loại sợi vỏ cây gì, bên cạnh vải gai, lanh, lụa.
Miếng vải trong mộ em bé Yên Bắc, đến nay chưa xác định được sợi loại cây nào
Điều đáng nói nhất của ngôi mộ này là ở chiếc quan tài và cấu trúc mộ. Dường như cái chết của em bé khá đột ngột nên gia đình đã tìm một thân cây gỗ quế cắt làm 2 đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 1,5m, rộng 50-60cm để đẽo, khoét rỗng lòng làm thân và nắp quan tài. Quan tài bị vỡ nhưng còn nguyên vẹn và gom được đủ mảnh. Kiểu cách quan tài hình thân cây đơn giản với những chốt ngoàm Đông Sơn quen thuộc.
Chúng tôi đã từng phân tích một số gỗ quan tài Đông Sơn dành cho người lớn ở Châu Can và Động Xá. Kết quả là gỗ lim xanh. Trường hợp mộ em bé này, tôi cũng mang mẫu quan tài sang Viện Nghiên cứu gỗ Dresden (Đức) phân tích. Kết quả là gỗ quế, một loại gỗ rất ưa dùng trong thời Đông Sơn làm đồ sơn then, cán rìu, ốp dao kiếm… do chất gỗ mềm, dẻo dai và có mùi thơm dễ chịu.
Sau khi được bọc, buộc kín bằng vải và cói, đưa vào chèn trong quan tài, xác em bé sẽ chờ ngày đưa xuống mộ. Mộ được đào trên cánh đồng phù sa mới phủ dày chừng 10-15cm trên lớp sét xanh vàng loang lổ, bên dưới là tầng sét bùn màu đen do phong hóa của lớp sú vẹt thời kỳ biển ngập Flandrian tạo Vịnh Hà Nội. Quan tài nằm trong tầng sét sú vẹt yếm khí này với độ pH thấp 3-4 đã cho phép bảo tồn gỗ, vải, xương cốt rất nguyên vẹn.
Đáy huyệt mộ được trải một lớp ván cắt ra từ gỗ ghép mạn của một con thuyền độc mộc nào đó. Hai bên thành mộ đóng mỗi bên 3 cọc tre, khi đào ra vẫn còn như mới. Chiều cao cọc tre khoảng 80cm chính là chiều cao huyệt mộ bên trong chứa quan tài. Trên đó lại có một lớp ván mạn thuyền như ván lát đáy mộ, phủ bên trên làm sàn cho một nhà mồ có mái lộ hẳn trên mặt đất, tương tự cách làm nhà mồ của đồng bào Mường hiện nay ở tỉnh Hòa Bình. Lá lợp bên trên khá giống với loại lá bện làm đệm lưng người chết trong quan tài 04DX-M01 làm từ nửa chiếc thuyền.
Niên đại C14 của ngôi mộ này rơi vào khoảng thế kỷ 2-3 sau Công nguyên mang theo tùy táng hoàn toàn là đồ Đông Sơn.
Trường hợp thứ 4: Em nhỏ khoảng 6 tuổi, đầu gối lên đĩa đồng…
Năm 2007 thầy trò Khoa Sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành 2 cuộc khai quật ở Thanh Hóa. Đó là công xưởng đá công cụ basalt sớm Đông Khối, Thiệu Hóa và công xưởng vòng đeo tai Đông Sơn muộn ở Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Tôi và nhân viên của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á có điều kiện tham gia ở cả 2 cuộc khai quật này.
Ảnh trái là chiếc đĩa đồng bên trên có sọ em bé 5-6 tuổi. Ảnh bên phải là một chiếc vòng tai còn dính lại trên sọ. Hai chiếc cùng cỡ đã rơi ra khi làm vệ sinh đất bám trên sọ. Hiện vật Bảo tàng Phạm Huy Thông
Câu chuyện kể lại hôm nay gắn với mộ một em bé khoảng 5-6 tuổi chôn cùng cha mẹ. Đây là một làng cổ Đông Sơn chuyên chế tác phác vật từ các vỉa đá thạch anh và nephrite để chế tạo ra các khuyên đeo tai vành khăn, có rãnh rất được ưa chuộng đương thời.
Vòng tai em bé ở phía trên. Vòng tai người lớn ở phía dưới
Khu mộ táng nằm ở rìa làng xuất lộ một cụm mộ gồm hài cốt 2 người lớn mang kiếm sắt dài kiểu Giao Chỉ thời Hán và sát liền bên dưới là một em bé, đầu gối lên một đĩa đồng. 2 người lớn bên trên là 1 nam, 1 nữ. Tôi ngờ rằng đó là cha mẹ đứa trẻ. Ngoài kiếm sắt họ đều đeo vòng tai tương tự như 4 vòng tai của em bé.
Chiếc đĩa đồng em bé gối đầu cũng giống của cha mẹ, thuộc loại đĩa dùng trong ăn uống rất thông dụng khi đó. Đó là loại đĩa vành to sâu lòng không trang trí gì. Chúng tôi tìm thấy nhiều trường hợp dùng 1 hoặc vài ba đĩa đỡ dưới đầu hoặc đậy trên mặt người chết.
Điều đáng nói là 4 vòng tai đeo lệch, 1 bên 3 chiếc nhỏ như nhau (đường kính khoảng 3cm), bên kia chỉ có 1 chiếc lớn hơn (đường kính khoảng 4cm). Những vòng tai này được chế tạo dành riêng cho trẻ em, đều rất tinh xảo. Chiếc kiếm sắt bên bộ hài cốt cha mẹ bên trên, xác nhận em thuộc gia đình võ tướng giàu có.
Vòng tai đeo cho em bé chôn trong mộ Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Hiện vật Bảo tàng Phạm Huy Thông
Hiện tại phần sọ em bé bị dập nhưng còn khá đầy đủ mảnh và răng cùng đĩa đồng đang lưu giữ tại Bảo tàng Tiền sử Phạm Huy Thông.
"Rất may mắn, trong hoàn cảnh đào vớt vát đó, chúng tôi đã bắt gặp một mộ trẻ em nhà giàu được chôn cất với khá nhiều đồ tùy táng, và đặc biệt đã phục dựng lại toàn bộ cách thức chôn cất và dựng nhà mồ xưa nay chưa từng thấy" - TS Nguyễn Việt.
(Còn nữa)
TS NGUYỄN VIỆT