Thời quân chủ Việt Nam không có khái niệm “ngân hàng”, đại bộ phận người dân làm nghề nông như ở An Nam thì việc tích lũy tài sản thường được quy bằng thóc và các sản phẩm nông nghiệp. Chỉ đến khi những người phương Tây xuất hiện tại Đông Dương, đặc biệt sau Hiệp ước Giáp Tuất 1874, vùng đất Nam kỳ chính thức trở thành xứ thuộc địa của Pháp, hoạt động tiền tệ bắt đầu thay đổi toàn diện tại đây.
1. Quản lý tiền tệ thời quân chủ Việt Nam
Thời quân chủ Việt Nam không có khái niệm “ngân hàng”, việc quản lý tiền tệ nhà nước nói chung thuộc chức trách của Bộ Hộ. Bộ Hộ chịu trách nhiệm coi giữ việc ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thuế khoá, định giá lương thực trong nước, bình chuẩn việc phát ra thu vào điều hoà nguồn của cải quốc gia. Tuy nhiên việc quản lý ngân khố của triều đình lại thuộc về Phủ Nội vụ. Dưới triều Nguyễn, thời vua Gia Long gọi là Nội đồ gia, năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) đổi tên thành Phủ Nội vụ. Đây là cơ quan chuyên trách việc coi giữ kho tàng, của công và các hạng vàng ngọc châu báu, tơ lụa trong cung, thu phát cất trữ các vật cống tiến, điều tiết ngân khố của Hoàng cung...
Việc phân bổ ngân sách quốc gia giao quyền tự chủ một phần cho các địa phương thông qua việc thu thuế tại chỗ. Các địa phương sau khi thu thuế và nộp về Kinh theo quy định hàng năm, phần còn lại sẽ thuộc ngân sách địa phương. Việc thu, chi, sử dụng ngân sách tại địa phương đều phải báo cáo thường xuyên bằng văn bản về triều đình.
Đối với người dân, đại bộ phận làm nghề nông như ở An Nam thì việc tích lũy tài sản thường được quy bằng thóc và các sản phẩm nông nghiệp. Thậm chí những hộ buôn bán cũng thường tích trữ thóc gạo, tiền đồng và một số kim loại quý như vàng, bạc... làm của để dành. Các nhà giàu có thể dùng tiền nhàn rỗi để cho vay lấy lãi thông qua các khế ước tự phát. Việc gửi tiền vào một tổ chức trung gian như ngân hàng để tích trữ sinh lời gần như không có.
Chỉ đến khi người Pháp xuất hiện tại Đông Dương, đặc biệt là sau Hiệp ước Giáp Tuất 1874, vùng đất Nam kỳ chính thức trở thành xứ thuộc địa của Pháp, hoạt động tiền tệ bắt đầu thay đổi toàn diện tại đây.
2. Hoạt động ngân hàng trước năm 1945
Người Pháp với tư duy kinh tế tư bản đã ngay lập tức nghĩ đến việc thành lập một ngân hàng để điều tiết tiền tệ và nền kinh tế tại “xứ thuộc địa Nam Kỳ và Đông Ấn thuộc Pháp”. Ngày 24/6/1874 Quốc hội Pháp ban hành một Đạo luật quy định sự phát triển các Ngân hàng thuộc địa. Theo đó ngày 21/01/1875, Tổng thống Pháp Patrice de Mac-Mahon ra Sắc lệnh thành lập Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine, viết tắt là BIC), trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp) và nhiều chi nhánh đặt tại các thuộc địa.
Tháng 4/1875 chi nhánh Ngân hàng Đông Dương đầu tiên đặt trụ sở tại Sài Gòn, do ông Édouard Hentsch một nhà tài chính ngân hàng đầy kinh nghiệm người Pháp đảm nhiệm chức vụ Giám đốc[1]. Sau chi nhánh đầu tiên tại Sài Gòn, BIC liên tiếp mở thêm các chi nhánh mới tại Hải Phòng năm 1885, Hà Nội năm 1886, Phnôm Pênh năm 1890, Đà Nẵng năm 1891, Cần Thơ, Nam Định năm 1926, Vinh năm 1927, Quy Nhơn năm 1928, Huế năm 1929. Ngoài ra còn nhiều chi nhánh khác ngoài khu vực bán đảo Đông Dương như ở Pondichéry (Ấn Độ thuộc Pháp), Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, Nhật Bản... Trụ sở đầu tiên của Ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn. Nguồn: Sưu tầm
Về chức năng, Điều 1 Sắc lệnh ngày 21/01/1875 quy định rõ BIC là “một ngân hàng phát hành, cho vay và chiết khấu”. Kèm theo Sắc lệnh là bản Điều lệ gồm 3 phần với 73 điều, trong đó quy định vốn điều lệ ban đầu là 8 triệu phơ-răng, tương đương 16.000 cổ phần[2]. Như vậy, Ngân hàng Đông Dương hoạt động theo cơ chế đa chức năng, tức vừa có chức năng của ngân hàng nhà nước được phép phát hành tiền tệ, vừa có chức năng như một ngân hàng thương mại hoạt động tín dụng. Với tốc độ phát triển nhanh chóng và các chi nhánh phủ sóng rộng khắp, Ngân hàng Đông Dương ngày càng có sự ảnh hưởng to lớn tại khu vực Đông và Nam Á. Vốn điều lệ của BIC cũng liên tục tăng trưởng:
- Năm 1875 khi mới thành lập là 8 triệu phơ-răng
- Năm 1900 là 24 triệu phơ-răng
- Năm 1920 là 72 triệu phơ-răng
- Năm 1930 là 120 triệu phơ-răng
- Năm 1945 là 157,5 triệu phơ-răng
Mặt tiền trụ sở Ngân hàng Đông Dương tại Hà Nội do Họa sĩ - KTS người Pháp Félix Dumail vẽ. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
Để kiểm soát nền kinh tế và chủ động trong giao dịch thương mại đặc biệt là thương mại quốc tế, BIC đã ngay lập tức đưa vào lưu hành đồng bạc Đông Dương gồm hai loại: tiền giấy và tiền kim loại. Những tờ giấy bạc đầu tiên mang mệnh giá 5 đồng, 20 đồng và 100 đồng, gọi là Piastre; ngoài ra còn có đồng 1 Piastre và một số tiền mệnh giá nhỏ bằng kim loại như 50 xu, 20 xu, 10 xu, gọi là Cent. Đồng tiền này được quy định lưu hành tại Nam kỳ và các xứ thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ, vì vậy được in một mặt bằng cả chữ Pháp và chữ Anh, một mặt in chữ Hán. Sau đợt phát hành đầu tiên với số lượng ít ỏi, năm 1891 BIC phát hành đợt tiền thứ hai trên toàn Đông Dương, tuy nhiên trên các tờ tiền chỉ còn một mặt in chữ Pháp, một mặt in chữ Hán. Đợt in tiền lần này có thêm đồng 1 Piastre bằng giấy, đồng thời trên mỗi tờ giấy bạc đều ghi rõ nơi phát hành như Sài Gòn, Hải Phòng, Cambodge... Ở mỗi khu vực đều phát hành theo mẫu đồng tiền chung nhưng màu sắc khác nhau.
Ngoài mệnh giá, mặt trước đồng tiền còn in dòng chữ tiếng Pháp “Payable en espèces au porteur” (được thanh toán theo yêu cầu) và hai chữ ký của Giám đốc cùng quản lý Ngân hàng. Mặt sau tờ tiền in chữ Hán thành 3 dòng, thông thường ở giữa là mệnh giá, hai bên ghi “Đông phương hối lý ngân hàng” (Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương) và “Phụng bản quốc đặc Dụ” (vâng Dụ đặc biệt của nhà nước).
Đồng 1 Piastre phát hành ngày 3/8/1891 tại Sài Gòn một mặt in chữ Pháp, một mặt in chữ Hán. Nguồn sưu tầm
Tuy nhiên giai đoạn đầu tại Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng cùng lúc có nhiều loại tiền lưu hành, gồm tiền của triều Nguyễn, đồng peso Mexico[3], đồng Franc Pháp, thậm chí cả đồng Dollar Mỹ và Dollar Hồng Kông. Vì vậy để độc chiếm thị trường và dễ dàng trong kiểm soát lưu thông, ngày 3/10/1905 Bộ Tài chính Pháp ra Nghị định: Bắt đầu từ ngày 1/1/1906, cấm lưu hành trên toàn cõi Đông Dương các đồng tiền không do Ngân hàng Đông Dương phát hành. Đầu những năm 1920, khi chữ Quốc ngữ đã thực sự phổ biến ở Việt Nam và hoạt động thương mại phát triển rộng khắp Đông Dương gồm cả Lào và Cam-pu-chia, BIC bắt đầu cho phát hành đồng bạc mới gồm cả chữ Pháp, chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Miên. Trên các đồng bạc giai đoạn này có thêm dòng chữ tiếng Pháp “L'art 139 du code pénal punit des travaux forcés ceux qui auront contrefait ou falsifié les billets de banques autorisées par la loi” (Điều 139 bộ luật Hình sự quy định những kẻ làm giả giấy bạc, phát hành bởi các ngân hàng được pháp luật cấp phép, sẽ nhận hình phạt lao động khổ sai).
Những năm cuối 1920 đầu 1930 cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến Đông Dương, Chính phủ Pháp một lần nữa ban hành Sắc lệnh sửa đổi chế độ tiền tệ của các ngân hàng thuộc địa[4]. Trước đây đồng tiền do BIC phát hành lấy bạc làm thước đo giá trị gọi là “ngân bản vị” thì giai đoạn này để tăng giá trị đồng tiền, BIC ấn định chế độ “kim bản vị”[5]. Đồng thời Ngân hàng Đông Dương cho phát hành loại giấy bạc mới trên đó ghi rõ chữ “...đồng vàng” gồm các mệnh giá: 1, 5, 20, 50, 100 và 500 đồng vàng. “Giấy năm đồng vàng” in đồng thời chữ Pháp, chữ Hán, chữ Việt, chữ Miên. Nguồn: Sưu tầm
Mặc dù đồng bạc Đông Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường và áp đảo tiền xu truyền thống của triều Nguyễn, nhưng với thói quen lâu đời của người dân An Nam đã gắn bó với đồng tiền của mình nên trong thực tế người dân bản địa vẫn lưu hành và sử dụng đồng tiền triều Nguyễn. Để thuận tiện trong giao dịch, triều Nguyễn cũng ấn định việc quy đổi tỷ giá giữa đồng bạc Đông Dương và đồng tiền kẽm của Nam triều.
Ví dụ: Năm 1934 một đồng bạc Đông Dương được ấn định tương đương 650 đồng kẽm; đến năm 1941 một đồng Đông Dương tương đương 400 đồng kẽm [6]. Ngoài chức năng phát hành tiền tệ, Ngân hàng Đông Dương cũng thực hiện nhiều hoạt động tín dụng như đầu tư, cho vay, hối đoái, cầm cố, ký gửi kim loại hoặc đồ vật quý... BIC đã nhiều lần phát hành trái phiếu để huy động vốn cho một số hoạt động đầu tư hạ tầng cơ bản tại Đông Dương như xây dựng đường sắt, cầu cống...
Đặc biệt trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), để phục vụ cho chiến tranh, ngoài việc khai thác triệt để tài nguyên đem về chính quốc, chính phủ Pháp đã một số lần phát động công trái trên toàn cõi Đông Dương thông qua BIC. Trong đó đợt phát hành trái phiếu lớn nhất là năm 1917, đích thân Toàn quyền Albert Pierre Sarraut đã ban bố lời kêu gọi toàn thể nhân dân Đông Dương mua trái phiếu quốc gia nhằm hỗ trợ cho nước Pháp trong chiến tranh. Hưởng ứng lời kêu gọi, vua Khải Định đã phê chuẩn trích ra 1 vạn đồng bạc từ ngân khố Nam triều, đồng thời đề nghị các quan lại mỗi người trích nửa tháng lương để mua trái phiếu ủng hộ nước Pháp[7]. Sau năm 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giải thể dần các chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở những khu vực chính quyền cách mạng kiểm soát. Năm 1951 bằng Sắc lệnh số 15/SL ngày 06/5/1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) chính thức được thành lập. Năm 1954 sau khi Pháp thua trận hoàn toàn và rút khỏi Đông Dương, toàn bộ các chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam đều chấm dứt hoạt động./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Công báo Nam kỳ thuộc Pháp, 1875.
3. Jean-Pierre Aumiphin, Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương, 1859-1939, Hà Nội 1994.
4. Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, NXB Khoa học xã hội, tp HCM, 2017.
5. Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Lịch sử đồng tiền Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2021.
6. M. Meuleau, Những người đi tiên phong ở vùng Viễn Đông: Lịch sử Ngân hàng Đông Dương (1875-1975), Paris:Librairie Arthème Fayard, 1990.
7. Dương Tô Quốc Thái, Sự ra đời Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine) năm 1875, Tạp chí Khoa học ĐHSP tp Hồ Chí Minh, 2013.
[1] Ông Édouard Hentsch làm Giám đốc Ngân hàng Đông Dương từ năm 1875 đến năm 1889.
[2] Công báo Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1875, tr. 119-135. [3] Đồng tiền này do các thương nhân nước ngoài mang đến để tiện giao dịch bởi họ không quen với tiền triều Nguyễn chỉ phổ biến với người dân An Nam. [4] Sắc lệnh ngày 31/5/1930, Sắc lệnh này được thay thế bằng một Sắc lệnh sửa đổi vào tháng 10/1936. [5] Bản vị vàng hay kim bản vị là chế độ tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn được ấn định bằng hàm lượng vàng. Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt (ở dạng giấy bạc hay tiền xu-còn gọi là hiện kim) cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu. Các chính phủ sử dụng thước đo giá trị cố định này nếu chấp nhận thanh toán cả tiền mặt của chính phủ nước khác bằng vàng sẽ có liên hệ tiền tệ ấn định (lượng tiền mặt lưu hành, tỷ giá quy đổi). (Từ điển Bách khoa mở Wikipedia) [6] Dụ số 1 ngày 21/02/1934 và Dụ số 55 ngày 24/4/1941 của vua Bảo Đại (Châu bản triều Nguyễn). [7] Châu bản triều Nguyễn, triều Khải Định 3/127-131. Nguyễn Thu Hoài