Năm 1428, vua Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi đã ngay lập tức triệu tập các đại quan trong triều để bàn về tiền tệ và ban Chiếu rằng: Tiền là thứ vô cùng cần thiết, như huyết mạch của dân vậy, không thể thiếu được. Nay muốn tiền tệ lưu thông dồi dào, thuận lòng dân cần một quy chế tiền tệ hợp lý.
1. Tiền và những vấn đề về tiền tệ
Tiền (money) là phương tiện trung gian trong hoạt động thương mại, được phát hành và kiểm soát bởi nhà nước. Tiền ra đời từ nhu cầu thực tế của con người khi nền sản xuất đạt đến một trình độ nhất định, cần một vật trung gian có giá trị để thanh toán trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Các đơn vị tiền khác nhau được gọi chung là “tiền tệ” (currency), giá trị của tiền hình thành từ giá trị đối ứng mà tiền là đại diện.
Giá trị của tiền không nằm ở giá trị tự thân mà được áp đặt bởi một “mệnh giá” nhất định. Ví dụ: tờ tiền 1 đô-la và tờ tiền 100 đô-la có cùng kích thước, trọng lượng, kinh phí in ấn… nhưng mệnh giá được quy định khác nhau, dẫn đến giá trị đồng tiền khác nhau.
Giá trị của tiền không nằm ở giá trị tự thân mà được áp đặt bởi một “mệnh giá” nhất định. Nguồn: Sưu tầm
Chức năng đầu tiên và quan trọng nhất của tiền là “phương tiện thanh toán pháp quy”, tức được luật pháp quy định và cưỡng bức lưu hành. Mỗi quốc gia đều có thể phát hành đồng tiền riêng, đưa vào lưu thông và bắt buộc người dân sử dụng theo những quy định của pháp luật.
Vì tiền là vật có giá trị trong thanh toán rộng rãi nên nó cũng được coi là một phương tiện để tích lũy. Đây là chức năng bảo toàn giá trị, người ta có thể tích trữ tiền hoặc đầu tư sinh lợi từ tiền với nhiều hình thức khác nhau như gửi vào ngân hàng hoặc cho vay để lấy lãi…
Trong hoạt động kinh tế, bản thân tiền cũng là một loại hàng hóa có thể trao đổi với một loại tiền tệ của các quốc gia khác. Sự chênh lệch về giá trị tiền tệ giữa các quốc gia được gọi là “tỷ giá”. Cũng như hàng hóa hoặc dịch vụ, tiền có thị trường riêng đối ứng giữa cung và cầu, giữa người có tiền và người cần tiền. Đơn vị trung gian kết nối giữa hai nhóm đối tượng này là hệ thống Ngân hàng. Thay vì người có tiền và người cần tiền phải tự tìm nhau để giao dịch, Ngân hàng sẽ đứng ra làm đại diện môi giới và hưởng chênh lệch bằng hiệu số giữa “lãi suất tiết kiệm” và “lãi suất cho vay”.
Có thể nói tiền là phương tiện không thể thiếu trong đời sống và hoạt động thương mại, trong đó thông dụng nhất vẫn là tiền giấy và tiền kim loại. Tuy nhiên ngày nay ngoài các hình thức tiền tệ truyền thống, còn có một số loại hình khác thay thế tiền mặt như: séc, chi phiếu, thẻ tín dụng, tiền kỹ thuật số (tiền ảo)…
2. Tiền tệ thời quân chủ Việt Nam
Theo các tư liệu lịch sử ghi nhận, tiền đã xuất hiện rất sớm tại Việt Nam, tuy nhiên trong giai đoạn Bắc thuộc (thế kỷ thứ 10 trở về trước) tiền tệ lưu hành trong nước hầu hết là tiền Trung Hoa. Ngoài ra còn có vàng và bạc là các kim loại quý cũng được sử dụng trong hoạt động thương mại tại Việt Nam. Sau khi nhà nước quân chủ Việt Nam độc lập, mỗi triều đại đều cho phát hành các loại tiền riêng, thông thường tiền đúc dưới triều đại nào sẽ mang niên hiệu của triều đó. Vì vậy mỗi khi thay đổi niên hiệu thường sẽ đúc lại tiền mang niên hiệu mới. Thậm chí một niên hiệu có thể có nhiều lần đúc tiền tùy theo nhu cầu thực tế. Nhưng cũng có triều đại chỉ đúc duy nhất một niên hiệu tiền, như nhà Tiền Lê chỉ có một niên hiệu tiền là Thiên Phúc trấn bảo.
Dưới thời quân chủ Việt Nam tiền tệ lưu hành đa phần là tiền kim loại, chủ yếu được đúc từ đồng và kẽm hoặc pha chế giữa các kim loại với nhau. Lý do sử dụng nhiều thứ kim loại khác nhau để đúc tiền là bởi đồng là thứ kim loại quý và không phải lúc nào cũng sẵn có. Hơn nữa người dân thấy đồng quý nên thường cho nấu chảy đồng để đúc các đồ dùng quý khác, vì vậy tiền đồng dễ bị hao hụt nhiều. Về hình thức, tiền kim loại được đúc dưới dạng xu hình tròn dẹt khoét lỗ vuông ở giữa, tuy nhiên kích thước, trọng lượng, độ dày mỏng, chất lượng kim loại mỗi lần đúc có thể khác nhau, vì vậy trị giá đồng tiền cũng khác nhau. Tiền kẽm do chất lượng kim loại kém hơn dễ bị mòn gãy dẫn đến giá trị tiền kẽm thường thấp hơn tiền đồng. Ví dụ dưới triều Nguyễn nhà nước cho đúc và lưu hành cả tiền đồng và tiền kẽm nhưng có thời điểm một đồng tiền đồng giá trị gấp 10 lần một đồng tiền kẽm[1]. Tiền kim loại thời quân chủ Việt Nam. Nguồn: Sưu tầm
Đồng tiền được cho là ra đời sớm nhất dưới thời nhà nước quân chủ Việt Nam độc lập là Thái Bình hưng bảo, đúc bằng đồng thời Đinh Tiên Hoàng đế[2]. Nhà Tiền Lê niên hiệu Thiên Phúc năm 984 cho đúc tiền Thiên Phúc trấn bảo[3]. Đồng tiền này được lưu hành suốt 25 năm từ năm 984 đến năm 1009 mà không có bất cứ niên hiệu tiền nào khác. Nhà Lý, thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) cho đúc tiền Thuận Thiên đại bảo. Đời vua Lý Thái Tông phát hành tiền Càn Phù nguyên bảo (niên hiệu Càn Phù từ 1039 đến 1041), năm 1042 khi đổi niên hiệu là Minh Đạo lại cho đúc tiền Minh Đạo nguyên bảo[4]. Các đời vua sau tiếp tục cho đúc các loại tiền theo các niên hiệu Thiên Phù, Thiên Thuận, Đại Định, Chính Long, Thiên Cảm, Trị Bình. Nhà Trần cũng cho đúc khá nhiều loại tiền như Kiến Trung thông bảo, Nguyên Phong thông bảo, Khai Thái nguyên bảo, Thiệu Phong nguyên bảo, Đại Trị nguyên bảo, Đại Định thông bảo… Nhà Hồ, năm 1396 Hồ Quý Ly bắt đầu cho phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao và đặt lệnh “bảo sao” để quy định việc sử dụng và lưu thông loại tiền này. Nhà Hồ quy định tiền giấy: loại 10 đồng vẽ rau rong, loại 30 đồng vẽ thủy ba, loại 1 tiền vẽ đám mây, loại 2 tiền vẽ con rùa, loại 3 tiền vẽ con lân, loại 5 tiền vẽ con phượng, loại 1 quan vẽ con rồng. Người nào làm giả sẽ phải tội tử hình, tịch thu điền sản sung công. Khi tiền giấy đã in xong, hạ lệnh cho dân được đem tiền thực (tức tiền xu) đổi lấy tiền giấy, cứ 1 quan tiền thực đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Lại cấm chỉ dân gian không được dùng tiền đồng, bao nhiêu tiền đồng đều nộp vào quan, nếu như người nào tàng trữ riêng hoặc tiêu dùng riêng cũng phải tội như người làm giả tiền giấy[5]. Ngoài ra theo một số tư liệu nhà Hồ cũng phát hành một số tiền kim loại mang niên hiệu Thánh Nguyên thông bảo. Nhà Lê, năm 1428, vua Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi Hoàng đế đã ngay lập tức triệu tập các đại quan trong triều để bàn về tiền tệ và ban Chiếu rằng: Tiền là thứ vô cùng cần thiết, như huyết mạch của dân vậy, không thể thiếu được. Nước ta đúc tiền đã ít, mà tiền đồng lại bị người Minh tiêu hủy rất nhiều, chỉ còn chừng một phần trăm thôi. Nay việc tiêu dùng trong nước thiếu thốn, muốn tiền tệ lưu thông dồi dào, thuận lòng dân cần một quy chế tiền tệ hợp lý. Vậy không thể không sớm bàn định tâu lên, Trẫm sẽ cân nhắc thi hành[6]. Sau đó cho đúc tiền Thuận Thiên nguyên bảo, theo quy định 50 đồng là 1 tiền. Trong vòng một thế kỷ từ năm 1428 đến năm 1527, nhà Lê đã nhiều lần đúc tiền với các niên hiệu Thuận Thiên, Thiệu Bình, Đại Bảo, Thái Hòa, Diên Ninh, Thiên Hưng, Quang Thuận, Hồng Đức, Cảnh Thống, Đoan Khánh, Hồng Thuận, Quang Thiệu.
Nhà Mạc (1527-1677) mặc dù tồn tại chính thức trong thời gian ngắn lại trong tình trạng chiến tranh liên miên nhưng nhà Mạc cũng đúc và phát hành một số niên hiệu tiền là Minh Đức, Đại Chính, Quảng Hòa, Vĩnh Định, Càn Thống.
Thời Lê Trung hưng trong 255 năm tồn tại (từ 1533 đến 1788) đã nhiều lần đúc tiền với nhiều niên hiệu như: Nguyên Hòa, Gia Thái, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trị, Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Bảo Thái, Cảnh Hưng, Chiêu Thống. Trong đó riêng tiền niên hiệu Cảnh Hưng được đúc lại rất nhiều lần với nhiều mẫu khác nhau.
Nhà Tây Sơn (1788-1802) cho phát hành cả tiền đồng và tiền kẽm với các niên hiệu Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh. Trong đó riêng tiền Quang Trung có 2 loại là Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo. Nhà Nguyễn, ngay từ thời các Chúa Nguyễn đã cho đúc và lưu hành cả tiền đồng và tiền kẽm. Lý do lưu thông cả hai loại tiền sau này được vua Minh Mệnh giải thích rằng: Nước ta đúc tiền có hai hạng, tiền đồng và tiền kẽm. Tiền kẽm đưa ra tiêu dùng, các nhà giàu không dám tích trữ mà người nước láng giềng đi lại buôn bán cũng không dám mang về nước họ, như vậy chẳng những lợi cho dân mà còn lợi cho nước nữa. Tuy nhiên nếu không có tiền đồng, thời sau này ai mà biết được đại hiệu của nước ta. Vậy tiền đồng cũng không nên để thiếu[7]. Đại Nam thực lục tiền biên chép rõ: Thời Túc Tông (chúa Nguyễn Phúc Chú) sai đúc nhiều tiền đồng, đến thời Thế tông Hiếu vũ Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Khoát) bắt đầu đúc tiền kẽm trắng, cho mở cục đúc tiền ở Lương Quán, đúc theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống. Lại nghiêm cấm đúc riêng, từ đó tiền của lưu thông, công tư đều tiện. Sau đúc thêm tiền Thiên Minh thông bảo[8]. Năm 1796 thời Thế tổ Cao Hoàng đế lại đúc tiền Gia Hưng thông bảo. Thời vua Gia Long năm 1803 cho phát hành tiền Gia Long thông bảo, chính thức đặt cục Bảo tuyền để phụ trách việc đúc tiền ở cửa Tây Long ngoài thành. Năm thứ 12 (1813) cho đúc tiền kẽm 7 phân, giao cho Bộ Hộ tạo mẫu đúc, tiền 1 quan, nặng 2 cân 10 lạng cân bình thiên, khi thành tiền cứ 125 quan tiền kẽm đổi được 100 quan tiền đồng. Năm thứ 13 (1814) lại đúc thêm tiền kẽm 6 phân giao cho cục Bảo tuyền Bắc Thành phỏng theo phép đúc tiền của nước Thanh để làm. Lần đó tỷ lệ đúc gồm 500 cân đồng đỏ, 415 cân kẽm, 65 cân chì, 20 cân thiếc[9]. Năm 1817 vua Gia Long ban Chiếu tiêu hủy tiền ngụy cũ (tức tiền Tây Sơn) để lưu thông tiền kẽm trắng mới đúc. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn
Triều Nguyễn trải qua 13 đời vua, trừ 2 đời vua tồn tại quá ngắn là Dục Đức (3 ngày) và Hiệp Hòa (4 tháng 10 ngày) chưa kịp đúc tiền, còn lại 11 triều vua đều có đúc tiền theo từng niên hiệu gồm Gia Long, Minh Mênh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.
Một số niên hiệu tiền xu thời Nguyễn. Nguồn: Tác giả
Dưới triều Nguyễn, ngoài tiền thông dụng để tiêu dùng còn có “tiền mỹ hiệu” là loại tiền xu để lưu niệm. Mỗi triều vua đều đúc một số tiền này dùng cho nhà vua ban thưởng công thần. Tiền mỹ hiệu thường đúc bằng vàng, bạc hoặc đồng mạ vàng, có lỗ hoặc không có lỗ ở giữa, một mặt khắc hình rồng phượng hoặc các hoa văn trang trí, một mặt đúc nổi chữ Hán ghi niên hiệu triều vua hoặc những câu chúc ý nghĩa. Mặc dù không thể lưu thông và không có giá trị thanh toán nhưng tiền mỹ hiệu đặc biệt quý giá, bởi đây vừa là kỷ vật trang trọng của triều đình vừa mang tính mỹ thuật rất cao.
Tiền mĩ hiệu thời vua Thiệu Trị. Nguồn: Sách Rồng phượng triều Nguyễn
Đón xem kỳ II: Quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng trước năm 1945
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.
2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư.
3. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tiền biên, Chính biên).
6. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.
[1] Từ thời vua Gia Long bắt đầu lưu hành cả tiền đồng và tiền kẽm, ban đầu hai loại tiền xu này có giá trị ngang nhau, nhưng vì tiền đồng ngày càng khan hiếm nên giá trị tăng dần, từ gấp đôi, rồi gấp ba, gấp sáu, thậm chí đến thời vua Thành Thái tiền đồng có giá trị gấp mười lần tiền kẽm.
[2] Niên hiệu Thái Bình nhà Đinh từ năm 970 đến năm 980. [3] Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ) - Quyển I (16b) [4] Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ) - Quyển II (31a). [5] Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên)- Quyển XI. Trên thực tế giai đoạn này vẫn còn niên hiệu nhà Trần nhưng vì quyền lực nằm trong tay Hồ Quý Ly nên người dân buộc phải miễn cưỡng tuân theo. [6] Đại Việt thông sử - Quyển II - Đệ Nhị kỷ (56a-b). [7] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ - Quyển 53 - Bộ Hộ (Pháp luật - Tiền tệ). [8] Đại Nam thực lục (Tiền biên) - Quyển X (Thực lục về Thế tông Hiếu vũ Hoàng đế). [9] Đại Nam thực lục (Chính biên) - Quyển 46 (Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế). Nguyễn Thu Hoài