Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/09/2022 10:05 2249
Điểm: 1/5 (1 đánh giá)
Trong quá trình tập hợp tài liệu về trung tâm gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, chúng tôi đã gặp những chỉ dấu niên đại trên gốm thế kỷ 16 - 18. Đó là những dấu hiệu chỉ rõ về niên đại của mỗi hiện vật. Bài viết này sẽ trình bày về 4 loại chỉ dấu sau đây:

1.Bông hoa cúc nổi 12 cánh nhọn.

Trên cơ sở những đồ gốm có minh văn chữ Hán, khắc hay viết bằng men lam cho biết rõ ngày tháng tức niên đại tuyệt đối cho mỗi hiện vật và họ tên tượng nhân tạo tác ra chúng. Lẽ đương nhiên, nhiều hoa văn trên hiện vật này sẽ được coi là hoa văn chuẩn để so sánh đối chiếu cho các trường hợp khác không ghi niên đại. Bông hoa cúc 12 cánh nhọn để mộc là một trường hợp như thế. Bông hoa cúc nổi này được in bằng khuôn sau đó gắn trong băng dây lá xung quanh cổ lư hay chân đế của các chân đèn gốm hoa lam của tác giả Đỗ Xuân Vy tạo tác, với hình dáng và kích thước giống hệt nhau. Theo tài liệu đến nay, chúng tôi biết có 6 chân đèn và lư hương mang trang trí loại hoa văn này.
- Phần dưới của chân đèn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn khá nguyên, cao 52,3 cm. Trang trí nổi để mộc trên chân đèn có băng lá đề trên vai, hình rồng yên ngựa ở thân trên, bông hoa cúc nổi 12 cánh nhọn ở chân đế (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 128). Trang trí vẽ lam có mây dải quanh hình rồng, cánh sen đứng bên trong có xoắn ốc ở thân dưới, dây lá cúc ở chân đế. Men vẽ màu xanh đen, men phủ màu trắng xám. Minh văn chữ Hán khắc 18 dòng dọc theo chiều cao. Nội dung minh văn cho biết, tượng nhân Đỗ Phủ và vợ là Nguyễn Thị Bản, cùng con trai Đỗ Xuân Vy và con dâu là Lê Thị Ngọc ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An tạo tác. Minh văn còn cho biết thời gian hoàn thành chân đèn vào ngày 3 tháng 5 (Âm lịch) niên hiệu Đoan Thái 2 (1586) dưới đời vua Mạc Mậu Hợp. Người đặt hàng chân đèn này để cung tiến là vợ chồng Phò mã Mạc Ngọc Liễn và Công chúa Phúc Thành.
 
 
Chân đèn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
- Chân đèn 2 phần (vì gồm 2 phần trên và dưới ghép lại với nhau) còn khá nguyên hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định, cao 76 cm. Trang trí nổi để mộc gồm các dải hoa, chữ Phật, hình chim phượng múa, tượng rồng có cánh ở phần trên. Phần dưới có băng lá đề ở vai, hình rồng yên ngựa và mây, cánh sen đứng có xoắn ốc, băng lá đề tô men nâu, dây lá cúc với bông hoa 12 cánh nhọn (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 136 -137) và băng răng cưa. Trang trí vẽ lam có 6 cánh hoa xung quanh miệng, mây tản xung quanh chim phượng và rồng, hình kỳ lân trước đầu rồng và dây lá ở chân đế. Minh văn khắc 1 dòng trước đầu rồng cho biết chân đèn được tạo tác vào ngày 20 tháng 8 (Âm lịch) niên hiệu Hưng Trị 3 (1590) đời vua Mạc Mậu Hợp.
 
Chân đèn còn khá nguyên hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định
- Chiếc lư hương cùng bộ với chân đèn trên, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định là một đại diện của loại lư cao còn khá nguyên, cao 40 cm. Lư có miệng loe, cổ hình trụ thấp, bụng phình kiểu tang trống đồng Đông Sơn. Phần dưới lư gồm 2 đoạn, trên dáng như chiếc chén, dưới như dáng chuông thấp. Giữa bụng và chân đế lư còn gắn 4 chân quì chạm nổi đầu rồng. Trang trí nổi để mộc gồm những bông hoa cúc nổi 12 cánh nhọn (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 138-139) cùng hình dáng, kích thước với chân đèn trên và hình rồng yên ngựa, kỳ lân, ngựa có 2 cánh, diềm răng cưa. Trang trí vẽ lam có bông hoa trong ô chữ nhật ở cổ lư, mây quanh hình rồng, phượng. Minh văn chữ Hán khắc 27 dòng gồm 258 chữ dọc theo chiều cao chân đế lư. Nội dung bài minh văn cho biết các sãi, vãi lớn nhỏ thôn Cự Linh, xã Phương Để, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường hưng công tạo một chiếc bình hoa cúng dường chùa Thanh Quang làm vật Tam bảo. Danh sách họ tên của nhiều người được ghi cùng tên tự (tên chữ của họ) thuộc 7 dòng họ: Vũ, Âu, Cẩn, Nguyễn, Bùi, Phạm và Đỗ. Họ và tên tượng nhân tạo tác là Đỗ Xuân Vy, xã Bát Tràng. Đặc biệt cuối bài minh khắc họ tên người soạn văn là Tòng thị lang, Giảng dụ Vũ Bang Trinh.
 
Lư hương hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định 
 - Phần dưới chân đèn gốm hoa lam hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn nguyên, cao 53,5 cm. Phần dưới chân đèn có cổ cao hình nón cụt, vai có gờ nổi cao, thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi. Trang trí nổi để mộc có băng lá đề ở vai, hình rồng ở thân trên và những bông hoa cúc 12 cánh nhọn (Nguyễn Đình Chiến, 1999:140). Trên băng dây lá ở chân đế. Trang trí vẽ lam có mây dải quanh hình rồng, cánh sen đứng có xoắn ốc ở thân dưới, 2 băng dây lá cúc ở chân đế. Men vẽ màu xanh đen, men phủ màu trắng xám rạn. Minh văn chữ Hán innổi 1 dòng trước đầu rồng: Hoàng thượng vạn vạn tuế, nghĩa là Hoàng thượng muôn muôn năm. Với băng bông hoa cúc nổi cùng kích thước như các chân đèn, lư hương trên đây, chúng tôi xác định phần dưới chân đèn này do tượng nhân Đỗ Xuân Vy ở Bát Tràng tạo tác.
 
Chân đèn gốm hoa lam hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
 - Phần dưới chân đèn gốm hoa lam hiện do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ, đã sứt cổ và nứt, cao 42 cm. Phần dưới chân đèn này có kiểu dáng và trang trí tương tự phần dưới chân đèn BTLSQG trên đây, trong đó có băng những bông hoa cúc nổi 12 cánh nhọn để mộc (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 140) còn có một hình kỳ lân vẽ lam trước đầu rồng. Ngoài dòng minh văn đúc nổi trước đầu rồng còn có 1 dòng chữ Hán khắc giữa 2 cánh sen đứng ở thân dưới: Bát Tràng xã, Đỗ Xuân Vy tạo, nghĩa là Đỗ Xuân Vy ở xã Bát Tràng tạo tác.
- Chân đèn 2 phần thuộc một sưu tập tư nhân tại Australia còn khá nguyên (thiếu 2 quai rồng). Kiểu dáng và trang trí cũng gần với chân đèn ở Bảo tàng Nam Định. Trang trí nổi 2 cặp phượng ở phần trên, băng lá đề ở vai, hình rồng ở thân trên phần dưới, băng hoa cúc nổi 12 cánh nhọn ở chân đế (Nguyễn Đình Chiến, 2019: 39). Trang trí vẽ lam có các cánh sen bên trong vẽ chuỗi dải xoắn xung quanh miệng, mây quanh hình phượng và rồng, băng cánh sen đứng trong vẽ dải xoắn, băng dây lá cúc. Qua xem hình ảnh, đầu rồng quay theo chiều kim đồng hồ, có thể xác định chân đèn này thuộc vế bên trái của ban thờ.
 
 Chân đèn thuộc một sưu tập tư nhân tại Australia
Tuy chân đèn không có minh văn nhưng qua việc so sánh hoa văn và men, đặc biệt là bông hoa cúc nổi 12 cánh nhọn, có thể nhận ra tác phẩm này do tượng nhân Đỗ Xuân Vy ở xã Bát Tràng tạo tác vào cuối thế kỷ 16. Và phải chăng, với chỉ dấu bông hoa cúc nổi 12 cánh nhọn còn cho phép chúng ta hiểu rõ hơn niên đại của chân đèn này trong khoảng 1586 - 1590.              
2. Chữ Thọ trong ô hình lá đề
Theo các tài liệu hiện biết, chỉ dấu chữ Thọ trong ô lá đề đều thể hiện nổi để mộc. Chỉ dấu này dường như được tạo bằng khuôn in sau đó dán ghép vào nhiều vị trí khác nhau trên các chân đèn và lư hương thế kỷ 17. Đấy là loại hình chân đèn đế hình tượng nghê quỳ xếp cùng bộ đồ thờ với loại lư hương hình chữ nhật hay vuông. Cả trên loại hình chân đèn tròn xếp bộ với bộ đồ thờ loại lư hương miệng tròn.
- Chân đèn đế nghê quỳ hiện lưu giữ tại Bảo tàng Guimet, Paris có kiểu dáng và trang trí tương tự những chân đèn cùng loại ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội. Nghê quỳ trên bệ chữ nhật, lưng đặt cột trụ vuông, đoạn trên cùng là hình vuông, chạm đắp nổi các đề tài hoa sen, nghê chầu, rồng mây, chữ Thọ trong ô hình lá đề để mộc (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 165) Men trắng xám phủ 4 góc cột trụ và những mảng ở đầu, ngực và đuôi nghê. Minh văn chữ Hán khắc ở rìa cột trụ và trước ngực tượng nghê cho biết thiện nam là Nguyễn Đắc Phú cùng vợ là Đỗ Thị Hịch và con gái Nguyễn Thị Đắc cung tiến 2 cây đèn (Chân đèn này) vào chùa Thánh Ân, xã Đào Xuyên, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An vào ngày lành tháng 12 năm Đinh Sửu (1637). (Chùa Thánh Ân còn gọi chùa Đào, nay ở thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm).  
 
 Chân đèn đế nghê quỳ
- Chân đèn đế nghê ở Bảo tàng Hà Nội, ngoài các hình trang trí nổi chạm khắc ở xung quanh như hình rồng mây, tượng nghê chầu, nghê nằm trên bệ chầu, cánh sen đầu vuông, còn thấy một chữ Thọ trong ô lá đề trên ngực tượng nghê.   
 
Chân đèn đế nghê ở Bảo tàng Hà Nội
- Lư hương chữ nhật của chùa Phúc Trinh trong sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng) có các trang trí nổi để mộc như nghê quỳ, nghê chầu theo dạng tượng tròn và phù điêu còn thấy rồng mây, băng cánh sen đầu vuông, chữ Thọ trong ô lá đề gắn ở 2 đầu tầng trên lư, hoa sen ở tầng giữa và dải xoắn ở tầng chân đế. 
 
Lư hương chữ nhật của chùa Phúc Trinh trong sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng)
- Chiếc lư hương chữ nhật thuộc sưu tập tư nhân (Hà Nội), các hoa văn nổi tương tự lư trên đều để mộc. Ngoài men trắng xám phủ các góc lư còn thấy một số mảng men xanh rêu. Mặt trước và sau của tầng giữa lư chạm hình rồng mây, 2 phía đầu lư gắn chữ Thọ trong ô lá đề.
 
Chiếc lư hương chữ nhật thuộc sưu tập tư nhân (Hà Nội)
- Chân đèn tròn trang trí nổi chữ Thọ trong ô lá đề ít xuất hiện, đến nay mới thấy 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, dáng chân đèn đã thay đổi phần chân đế, giống như chiếc chậu úp. 
 
 Chân đèn tròn trang trí nổi chữ Thọ trong ô lá đề 
Ngoài trang trí nổi để mộc hình rồng mây ở thân trên, hình nghê và hoa lá ở giữa thân còn gắn chữ Thọ trong ô lá đề xung quanh chân đế. Trang trí vẽ lam là mây, hoa lá xung quanh hình rồng, nghê (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995: 77). Trường hợp thứ 2, phần dưới chân đèn chỉ còn thân trên và một phần thân dưới, phần vẽ lam rải rác xung quanh chữ Thọ trong ô lá đề, hình nghê, hoa cúc hình ô van đã bị nhoè do nung quá lửa.
 
Phần dưới chân đèn vẽ lam rải rác xung quanh chữ Thọ trong ô lá đề
Theo chúng tôi, loại chân đèn tròn này đều xuất hiện vào cuối thế kỷ 17.
- Lư hương tròn 3 tầng là loại hình lư cao, tiếp nối kiểu lư hương thế kỷ 16. Kiểu lư này trong sưu tập tư nhân có cấu trúc miệng loe, cổ hình tru, thân phình giống tang trống Đông Sơn và phần chân đế giống chiếc chậu úp. Giữa thân và chân đế lư còn gắn 4 chân thú nổi. Trang trí trên lư cũng chia 2 nửa, mặt trước và sau đối xứng. Trang trí nổi có 2 tượng hạc đứng chầu vào mặt trời, bên dưới là khung diềm băng cánh sen nhọn, hoa lá; tầng giữa thân lư chạm hình rồng cuộn đầu quay vào giữa- kiểu rồng đời Chính Hòa, phía dưới là dải xoắn và băng cánh sen đầu vuông. Trên chân đế gắn chữ Thọ trong ô lá đề. Trang trí vẽ lam chỉ là các dải mây điểm quanh hình rồng, chữ Thọ.
 
 
Lư hương tròn 3 tầng trong sưu tập tư nhân
Trường hợp chiếc lư khác, thay vào hình rồng thân lư là chữ Thọ còn chân lư là bông hoa sen nổi để mộc, 4 chân hình thú cũng chạm nổi bông hoa sen.
 
Thân lư là chữ Thọ còn chân lư là bông hoa sen nổi để mộc
Trên lư hương ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vị trí gắn chữ Thọ thay bằng chữ Vạn trong ô lá đề (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995: 129).
- Chiếc lư gốm men trắng ngà lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội cao 14,5 cm, đường kính miệng 13,5 cm, miệng loe, cổ hình trụ ngắn nhưng có trang trí nổi để mộc là băng diềm lá đề trên cổ, chữ Thọ trong ô lá đề trên thân, (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995: 77) dưới thân là băng cánh sen đầu vuông và 4 chân thú nổi gắn trên chân đế.
 
Lư hương ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vị trí gắn chữ Thọ thay bằng chữ Vạn trong ô lá đề
- Chiếc lư hương gốm men trắng ngà và xanh rêu hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tuy đã vỡ phần miệng nhưng còn rõ 3 tầng. Trang trí nổi hình rồng và nghê phủ men trắng xen giữa 4 chữ Thọ trong ô hình lá đề ở cổ lư (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 174-175), rồng cuốn đầu vào giữa xen các bông hoa trong ô tam giác trên thân lư. Giữa thân và chân lư gắn 4 tượng nghê chúc đầu bên cạnh 2 tượng hạc đứng. Trên thân nghê và hạc có điểm men xanh rêu. Đặc biệt trên chân đế lư còn đọc được 2 dòng minh văn chữ Hán cho biết lư được đặt làm để cung tiến cào chùa Thái Lạc, huyện Văn Giang, phủ Thuận An (Ngôi chùa này hiện còn nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ có chạm khắc nổi tiếng thời Trần). Thời gian tạo tác lư vào tháng 2 năm Mậu Thìn, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 9 (1688).
 
Chiếc lư hương gốm men trắng ngà và xanh rêu hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
- Chiếc lư gốm men nâu xám bao phủ toàn bộ bên ngoài lư trong sưu tập tư nhân ở TP Hồ Chí Minh. Qua hình ảnh cho thấy lư có 3 tầng, miệng tròn hơi loe. Hai quai rồng nổi cuốn trên cổ và thân lư. Gờ miệng lư gắn 3 bông hoa. Hai tượng hạc đứng chầu vào bông hoa ở giữa. Trên thân lư chạm nổi hình rồng trong ô lá đề. Giữa thân và chân đế gắn 4 chân thú và băng cánh sen đầu vuông. Trên chân đế lư gắn chữ Thọ trong ô lá đề. Căn cứ vào kiểu dáng và các hoa văn trên lư, chúng tôi xếp niên đại của lư hương này vào thế kỷ 17.
 
Chiếc lư gốm men nâu xám bao phủ toàn bộ bên ngoài lư trong sưu tập tư nhân ở TP Hồ Chí Minh

3. Băng hoa dây lá lật

Băng hoa văn hoa dây lá lật là loại hoa văn đường diềm đã xuất hiện trên các loại hình đỉnh thờ có nắp, bình miệng đấu và đài thờ gốm men rạn Bát Tràng.
- Chiếc đỉnh thờ có nắp, gốm men rạn hiện lưu giữ tại BTLSQG có miệng đấu, cổ eo, thân phình, 3 chân quỳ, đắp nổi mặt hổ phù. Giữa miệng và thân gắn 2 quai rồng đối xứng. Rồng có mình ngắn, vảy lõm. Nắp đỉnh có chỏm là tượng nghê vờn ngọc, xung quanh nắp trổ thủng bát quái. Trang trí nổi quanh miệng băng hoa văn dây lá lật (Nguyễn Đình Chiến, 1999:180, 181), dưới miệng chạm nổi băng hồi văn chữ T, lá đề và giữa thân chạm đầu rồng ngậm chữ Thọ, 2 tay ngang bám vào mây. Men phủ rạn màu trắng xám. Minh văn chữ Hán khắc 4 dòng cho biết thời gian tạo tác đỉnh vào ngày tháng 4, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Kính Tông.
 
Chiếc đỉnh thờ có nắp, gốm men rạn hiện lưu giữ tại BTLSQG
- Cặp bình gốm men rạn trong sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng) có miệng đấu, cổ hình trụ, vai phình, thân dáng trái bí, đáy bằng để mộc. Xung quanh miệng chạm nổi băng hoa văn dây lá lật. Vai đắp nổi 2 đầu sư tử ngậm vòng tròn. Trên thân, một mặt chạm nổi đề tài phi- minh - túc - thực, với cảnh 1 con chim bay trên cành tre và phía dưới 3 con chim bên bờ cỏ nước. Còn ở mặt đối diện chạm nổi đề tài Ngũ phúc khánh Thọ (5 con dơi xỏe cánh xung quanh chữ Thọ triện trong ô tròn). Men phủ trắng xám rạn.    
 
Cặp bình gốm men rạn trong sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng)
- Bình gốm men rạn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, cao 40,5 cm, đường kính miệng 11,5 cm, cũng có kiểu dáng và trang trí nổi tương tự như cặp bình trên nhưng chỉ có băng văn dây lá lật trên miệng (Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Đình Chiến, 2010: 412), 2 đầu sư tử ngậm vòng trên vai và đề tài phi - minh - túc -thực trên thân. Men phủ trắng xám rạn.
 
Bình gốm men rạn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội
- Đài thờ gốm men rạn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cao 30,0 cm, đường kính miệng 20,0 cm, có kiểu dáng giống loại đài thờ bằng gỗ sơn son hay bằng đồng cùng thời. Đài thờ có nắp, mặt cắt ngang hình ô van, chỏm là tượng sư tử nằm. Xung quanh nắp đài thờ chạm nổi băng văn dây lá lật (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995: 146) và đề tài tứ quí (tùng- cúc - trúc - mai) trong ô hình khánh. Phía chân đài thờ đắp nổi đầu rồng 2 tay ngang và mây. Men phủ trắng xám rạn.
 
Đài thờ gốm men rạn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
- Đài thờ gốm men rạn trong sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng) có kiểu dáng tương tự đài thờ trên. Chỏm nắp đài là tượng nghê quỳ, xung quanh nắp chạm nổi 2 cặp rồng chầu mặt trời. Thân đài chạm nổi mây dải giữa 2 băng văn hoa mai. Xung quanh chân đế chạm nổi băng dây lá lật. Men phủ trắng xám rạn.
 
Đài thờ gốm men rạn trong sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng)
Từ băng văn dây lá lật trên chiếc đỉnh gốm có niên đại năm 1736 trên đây chính là chỉ dấu cho việc xếp niên đại của các bình miệng đấu và đài thờ gốm men rạn Bát Tràng cùng thuộc thế kỷ 18.
4. Văn mây hình khánh
Loại hoa văn này cũng do khuôn in tạo ra, sau đó được dán ghép vào trang trí. Loại văn này xuất hiện trên các loại hình gốm thờ như bình rồng, bình hình voi, lư hương.
- Cặp bình rồng gốm men rạn thuộc sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng) có miệng loe, cổ eo, vai phình, thân thuôn, chân đế choãi. Khoảng ¼ chiều cao của bình có 1 đường gờ nổi. Trang trí trên bình mô tả đề tài “Anh hùng tương ngộ” (cảnh rồng và hổ tranh hùng). Rồng có 2 sừng dài, bờm xòe rộng, thân uốn cong, đuôi rồng xoáy như bông hoa ngược lên cổ bình. Trên thân rồng chạm 2 băng vòng tròn nhỏ và 1 băng vạch ngắn song song. Hai chân trước rồng đặt trên 2 dải mây. Hổ bên khóm tre uốn mình, đầu nghênh lên đối diện với rồng. Xung quanh rồng gắn nhiều dải mây hình khánh.
 
 
Cặp bình rồng gốm men rạn thuộc sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng)
- Bình gốm men trắng rạn hiện lưu giữ tại BTLSQG, cao 63,4 cm, đường kính miệng 14,5 cm, có miệng và cổ hình vuông, thân hình trụ, đáy bằng để mộc. Trên cổ bình gắn 2 quai rồng xoắn. Hai mặt trước và sau cổ bình gắn mặt trời nổi và 3 dải mây hình khánh (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995: 142). Trên thân bình thể hiện đề tài rồng ổ với 1 rồng lớn và 6 rồng nhỏ, xung quanh gắn nhiều dải mây hình khánh có cùng kích thước.
 
Bình gốm men trắng rạn hiện lưu giữ tại BTLSQG

- Bình gốm men trắng ngà hình voi, vòi uốn cong, hiện lưu giữ tại BTLSQG, cao 41,5 cm, dài 44 cm, miệng bình vuông và bành voi đặt trên lưng.

 
Bình gốm men trắng ngà hình voi hiện lưu giữ tại BTLSQG

Trên miệng và bành voi chạm nổi hình rồng và gắn nhiều dải mây hình khánh. (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995: 146)

- Lư hương gốm men trắng xám hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cao 20,5 cm, có miệng đứng hình trụ, thân hình cầu dẹt, chân đế choãi. Xung quanh miệng gắn 2 tượng rồng (đã sứt). Giữa cổ và thân lư gắn băng lá đề nổi. Mặt chính diện trên thân lư chạm nổi đầu rồng có 2 râu uốn móc câu đối xứng, miệng rồng ngậm chữ Thọ, hai bên có 2 kỳ lân chầu vào. Xung quanh trên thân gắn nhiều dải mây hình khánh (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995: 139). Chân đế chạm băng văn sóng nước. Dưới đế bằng để mộc khắc 4 chữ Hán “Cảnh Hưng niên chế” (Chế tác trong niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) đời vua Lê Hiển Tông.
 
Lư hương gốm men trắng xám hiện lưu giữ tại BTLSQG
Với trường hợp lư hương này đã là một chỉ dấu xác định cho các loại bình trên đây niên đại thế kỷ 18.
Như trình bày ở trên cho thấy nhiều chỉ dấu xác định niên đại của đồ gốm dựa trên một hay vài loại hoa văn có sự trùng lặp, phản ánh cùng đặc điểm thời đại. Nhiều trường hợp còn giúp chúng ta chỉ ra tác giả chế tạo như những đồ gốm của tượng nhân Đỗ Xuân Vy ở Bát Tràng vào cuối thế kỷ 16.
Quá trình nghiên cứu với những tập hợp hoa văn trên đồ gốm, so sánh đối chiếu chúng ta cò có thể tìm ra nhiều chỉ dấu khác. Đây cũng là một hướng tiếp cận cần lưu ý với nghiên cứu khảo cổ học. Khi nghiên cứu chuyên đề gốm hoa nâu Việt Nam, chỉ dấu niên đại thời Lý là các bông hoa sen tả theo mặt cắt dọc, các cặp cánh đối xứng thuộc thời Lý, còn bông sen theo lối tả thực thuộc thời Trần (Phạm Quốc Quân - Nguyễn Đình chiến, 2005: 94 -103). Những bát và đĩa vẽ cành hoa cúc giữa lòng, men xanh cobatl hay xanh chì có niên đại cuối thời Trần thế kỷ 14 (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995 :95). Trường hợp khá điển hình như các tác phẩm gốm tạo tác trong khoảng 1580 -1590 của tượng nhân Đặng Huyền Thông ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách ( Nguyễn Đình Chiến, 2014), cho thấy các chỉ dấu niên đại như hình rồng yên ngựa, rồng trong ô tròn, rồng trong cánh sen, các băng văn bông hoa nổi 8 cánh nhọn như hình mặt trời, vạch thẳng song song, bông hoa trong tam giác, hoa sen dây nổi, lớp men lam xám vv… Với các chỉ dấu này sẽ giúp chúng ta nhận ra nhiều tác phẩm gốm men lam xám của Đặng Huyền Thông dù không có minh văn./.
TS. Nguyễn Đình Chiến

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Đình Chiến, 2014. Đặng Huyền Thông- Tượng nhân gốm tài hoa thế kỷ 16, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Nguyễn Đình Chiến, 2017. Sưu tập cổ vật tri ân, Nxb Thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Đình Chiến, 2019. “Gia đình tượng nhân Đỗ Phủ lưu danh trên gốm Bát Tràng thế kỷ 16 – 17”. Cổ vật tinh hoa, số 55: 36 -41
Nguyễn Văn Hùng & Nguyễn Đình Chiến, 2010. Cổ vật Thăng Long – Hà Nội.  Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội xb, Hà Nội.
Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995. Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19. Nxb Thế giới, Hà Nội.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4277

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Vương quốc Phù Nam: Suy tàn và dấu tích còn lại

Vương quốc Phù Nam: Suy tàn và dấu tích còn lại

  • 30/08/2022 10:18
  • 3095

Để thích ứng với biển tiến, cư dân Phù Nam đã phải dần rút lên khu vực đất cao từ Tây Nam bộ lên khu vực Đông Nam bộ, nam Tây nguyên thuộc địa phận các tỉnh ngày nay: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, phía nam Lâm Đồng...