Chủ Nhật, 10/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/08/2022 08:56 1841
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Di tích Gò Thành (thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) được đề cập năm 1941 trong tập 4 thuộc công trình khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long của Louis Malleret và cộng sự.

Gò Thành phân bố trên một giồng đất lớn dài 200 m, rộng 150 m, địa hình cao hơn 3 m so với mực nước biển. Trên mặt giồng có nhiều tảng đá cuội, đá phiến, mảnh tượng vỡ được gom thành đống trước cửa một ngôi chùa và rải rác trong khu vực, cùng nhiều vết tích gạch và nhiều dấu tích cư trú khác.

 
Di tích Gò Thành - Tiền Giang (Đặng Văn Thắng)
Năm 1987, Trung tâm khảo cổ học - Viện KHXH vùng Nam bộ khảo sát cho thấy tại đây có nhiều dấu tích kiến trúc, hiện vật liên quan đang trong tình trạng bị phá hoại do việc đào bới tìm vàng. Tiến sĩ Đào Linh Côn (nguyên Giám đốc Trung tâm khảo cổ học - Viện KHXH vùng Nam bộ) người phụ trách khảo sát khi đó đã nhận xét đây là một khu di tích gồm nhiều loại hình di tích: di tích kiến trúc tôn giáo và di chỉ cư trú của cư dân Phù Nam.
Năm 1988 - 1989, Bảo tàng Tiền Giang phối hợp với Trung tâm khảo cổ học - Viện KHXH vùng Nam bộ tiến hành tổ chức khai quật di tích Gò Thành. Trong đợt khai quật này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 3 loại hình di chỉ: cư trú, nền kiến trúc gạch và di tích mộ táng.
 
Lá vàng, một trong số 18 lá trang trí hình voi sưu tập Bảo vật quốc gia phát hiện tại Gò Thành - Hiện vật Bảo tàng Tiền Giang (Lương Chánh Tòng)
Đỉnh cao về nghệ thuật kim hoàn
Đợt khai quật di tích Gò Thành đã thu được 271 hiện vật. Trong đó có 196 hiện vật chất liệu vàng (111 hiện vật tìm thấy trong lòng mộ, 85 hiện vật tìm thấy bên ngoài). Đáng chú ý là bộ sưu tập 18 hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi, đây là bộ sưu tập hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi độc đáo với số lượng nhiều nhất trên bình diện hệ thống sưu tập di vật vàng của cư dân Phù Nam - văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long. Voi được chạm chủ yếu theo hướng nhìn chính diện, khác với đề tài voi được chạm theo hướng nhìn ngang thân như những di vật chạm khắc đề tài voi trên lá vàng ở di tích Gò Xoài tỉnh Long An và một số nơi khác.
 
 Hiện vật vàng tìm thấy tại Gò Thành - Hiện vật Bảo tàng Tiền Giang (LƯƠNG CHÁNH TÒNG)
Theo nhiều nhà nghiên cứu, đề tài chạm khắc hình voi trên lá vàng là hình thức phản ánh chức năng của những con voi này tương ứng với những vị thần canh giữ các phương ánh sáng theo quan niệm của văn hóa - thần thoại Ấn Độ thuộc Hindu giáo ảnh hưởng sâu đậm đến tín ngưỡng của cư dân Phù Nam và văn hóa Óc Eo. Đây là nét độc đáo và là tư liệu quan trọng để nhận diện các nội dung cơ bản liên quan đến loại hình di tích kiến trúc tại Gò Thành nói riêng, các di tích văn hóa Óc Eo tương tự ở Nam bộ nói chung.
Với những giá trị gốc độc bản, hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu về văn hóa, lịch sử và khoa học - nghệ thuật, bộ sưu tập lá vàng chạm khắc hình voi phát hiện trong quá trình khai quật di tích Gò Thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021.
Tại Gò Thành, các nhà khảo cổ học còn phát hiện các loại hình di vật vàng khác như: trang sức có vòng đeo gắn hình lá cây, bông tai có dính hoa bốn cánh, hạt chuỗi hình trái xoan, hình mũi tên 5 cạnh, hình bông sen, hoa mai 6 cánh… thể hiện nội dung tôn giáo; có 6 hiện vật bằng đồng tìm thấy trong khu phế tích kiến trúc có 2 nhẫn dạng hình đầu voi và xập xõa…
 
Tượng thần Vishnu tìm thấy tại di tích Gò Thành (Tư liệu Bảo tàng Tiền Giang - Lương Chánh Tòng)
Cũng tại Gò Thành đã phát hiện 22 hiện vật bằng chất liệu đá gồm tượng Vishnu, tượng Nam thần, 2 hạt đá quý màu tím xanh và trắng, bệ thờ, yoni và một mảnh đá chạm minh văn Phạn ngữ (Sanskrit).
Tiến sĩ Đào Linh Côn nghiên cứu thực địa trong quá trình khai quật cho rằng những di vật vàng và các kiến trúc gạch liên quan đến mộ táng của cư dân Óc Eo. Trong khi đó, PGS-TS Đặng Văn Thắng (Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM) lại phản biện rằng những dấu tích này đều thuộc loại hình kiến trúc khu đền thờ Hindu giáo của cư dân Phù Nam - văn hóa Óc Eo.
Niên đại được xác định trong khoảng từ thế kỷ 4 - 8 qua các mẫu vật được phân tích cacbon đồng vị C14 (Mộ M6 - M9).
Những phát hiện khảo cổ học tại di tích Gò Thành cho thấy Gò Thành từng là một trung tâm dân cư, kinh tế lớn của cư dân văn hóa Óc Eo từ thế kỷ 4 - 8; trong đó, bộ sưu tập hiện vật vàng lá hình voi độc đáo, đỉnh cao về nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo - giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn hóa Óc Eo - văn minh Phù Nam. (còn tiếp)

 

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4409

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Vương quốc Phù Nam: Cư dân Phù Nam và văn hóa Óc Eo ở Nam bộ

Vương quốc Phù Nam: Cư dân Phù Nam và văn hóa Óc Eo ở Nam bộ

  • 22/08/2022 14:47
  • 3574

Những năm 1937 - 1944, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã phát hiện 5 pho tượng thuộc cả nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở địa bàn Trà Vinh, tập trung ở Lũng Cú. Còn trong lòng đất Duyên Hải, khảo cổ học còn tìm thấy nhiều vết tích vật chất của thời kỳ vương quốc Phù Nam - văn hóa Óc Eo từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 - 8 sau Công nguyên.