Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/07/2022 14:36 1473
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngay sau khi vương quốc Chăm được thành lập (192), đặc biệt là sau khi vua Chăm Phạm Văn mở rộng cương thổ đến vùng Hoành Sơn (đèo Ngang), mối quan hệ giữa triều đình phong kiến Chăm và tập đoàn cai trị phong kiến Trung Hoa lúc bấy giờ đang đặt ách đô hộ trên lãnh thổ Âu Lạc (Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nay) vô cùng phức tạp và hầu như không mấy yên bình

Thôn tính được quốc gia Âu Lạc, đế chế phong kiến Trung Hoa tiếp tục dòm ngó những vùng đất xa hơn về phương nam, trong đó có vương quốc Chăm giàu tài nguyên, sản vật. Trong khi đó, các vua Chăm hùng mạnh ở vùng Amaravati, sau khi thâu tóm được các tiểu quốc lân cận, lại tiếp tục mối tham vọng mở rộng lãnh thổ về phía bắc, một mặt để tranh cướp đất đai, giành quyền cai trị vùng đất Âu Lạc, mặt khác là nhằm củng cố sức mạnh, ngăn chặn sự trỗi dậy của các tiểu quốc.

Bức tranh chung về thảm họa miền biên viễn giữa 2 vùng lãnh thổ Việt - Chăm vẫn không mấy được cải thiện sau khi người Việt giành quyền tự chủ từ tay quân xâm lược phong kiến phương bắc - vào đầu thế kỷ thứ X. Lợi dụng những khi Ðại Việt rơi vào thế suy yếu, loạn lạc, đói kém, mất mùa, hoặc bị phong kiến Trung Hoa xâm lược, thì các thủ lĩnh Chăm lại đưa quân ra bắc cướp phá, xâm chiếm. Ngược lại, khi đã củng cố được sức mạnh thì triều đình Ðại Việt lại tính chuyện “bình Chiêm” nhằm khôi phục và mở rộng đất đai, triệt phá tiềm lực, buộc các vua Chăm phải thần phục, triều cống.
 
Tháp Chăm Chiên Đàn (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) niên đại cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI 
 Ðầu thế kỷ XIV, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, triều đình phong kiến Ðại Việt và nhà nước phong kiến Chăm nhận thấy sự cần thiết phải chấm dứt những cuộc can qua, ít ra là tạm hòa hoãn chiến cuộc để khoan thư sức dân và kiến thiết đất nước. Ðỉnh cao của thời kỳ giao hảo giữa 2 vương quốc là sự kiện Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Jaya Simhavarman III (Chế Mân) vào năm 1306. Ðáp lại, vua Chăm dâng 2 châu Ô và Lý (nay là vùng đất từ phía nam đèo Ngang đến Thừa Thiên-Huế và tây bắc Quảng Nam), tiếp giáp biên giới Ðại Việt, cho vua Trần để làm sính lễ. Thế nhưng thời kỳ hòa hoãn Chăm - Việt lại không thể kéo dài. Khi ngấm ngầm, khi công khai, các thế lực chống đối bang giao hòa bình với Ðại Việt trong nội bộ vương quốc Chăm đã dần dần phá vỡ thế ổn định tạm thời ở 2 miền biên giới. Người Chăm liên tục đưa quân đánh cướp Hóa Châu, bắt đàn bà, con gái đem về phục dịch, cướp bóc của cải, triệt phá thành quách của Ðại Việt. Đối lại, triều đình Ðại Việt cũng mở những cuộc viễn chinh tấn công đến tận kinh đô Chà Bàn của vương quốc Chăm. Tình thế phân tranh Chăm - Việt càng trở nên căng thẳng sau cái chết của vua Trần Duệ Tông khi thân chinh mang quân đánh Chà Bàn (1377). Tiếp theo đó là những trận công phá liên tục và hung hãn của quân Chăm ra miền Thanh Hóa, Quảng Oai, tận cửa ngõ Thăng Long, kinh đô Ðại Việt, kéo dài từ năm 1377 - 1390.
Xen vào những mâu thuẫn của 2 quốc gia Chăm - Việt là những mưu toan của tập đoàn phong kiến Trung Hoa. Tuy đã bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ Âu Lạc và liên tục thất bại trong các cuộc xâm lược từ thế kỷ thứ X - XIV, buộc chấp nhận quyền tự chủ của triều đình phong kiến Ðại Việt, nhưng các triều đại phong kiến Trung Hoa không ngừng dòm ngó và chờ thời cơ thôn tính vùng đất Ðại Việt giàu tài nguyên và là cửa ngõ bành trướng xuống phương nam. Cùng với những cuộc động binh áp sát biên giới và thủ đoạn uy hiếp, dọa dẫm về ngoại giao, phong kiến Trung Hoa dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, khống chế, kích động các vương triều Chăm quấy phá biên giới phía sau lưng Ðại Việt, làm cho Ðại Việt lâm vào thế phải căng sức chống đỡ từ 2 phía.
 
Linga và Yoni tìm thấy trong cuộc khai quật phế tích tháp Núi Bút (Quảng Ngãi), năm 2017
Trong tình thế như vậy, các triều đại phong kiến Đại Việt đã thực thi một đối sách chiến lược vừa khôn ngoan, vừa dứt khoát: một mặt tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm tạo ra thế ổn định ở biên giới phương nam, một mặt kiên quyết chống trả các cuộc tiến công cướp đất, cướp người song song với việc chủ động mở các cuộc hành quân về phía nam, triệt phá mầm mống xâm lược và làm suy yếu vương quốc Chăm, giữ vững vùng “Nam giới” để tập trung sức lực đề phòng, đối phó với hiểm họa xâm lăng từ phương bắc.
Năm 1400, nhà Hồ thay nhà Trần. Năm 1402 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử vùng đất Quảng Nam - Ðà Nẵng - Quảng Ngãi ngày nay. Thực hiện mệnh lệnh của cha là Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua nhà Hồ là Hồ Hán Thương cùng anh trai - Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng dốc sức quân dân mở đường thiên lý vào nam, đặt nhiều dịch quán, đưa quân thủy bộ áp sát biên giới. Hai bên đụng trận, tướng Việt là Đinh Đại Trung và tướng Chiêm Thành là Chế Tra Nan đều tử trận. Vua Chiêm Jaya Indravarman VII (tiếng Việt là Ba Đích Lại) hoảng sợ, sai cậu là Bố Điền dâng đất Chiêm Động (nay là phần lớn tỉnh Quảng Nam và TP.Ðà Nẵng), một voi trắng, một voi đen và các sản vật địa phương để xin rút quân. Bố Điền tới, Quý Ly bắt ép phải dâng nộp thêm Cổ Lũy Động (nay là phần lớn tỉnh Quảng Ngãi).
Tiếp quản Chiêm Ðộng và Cổ Lũy Ðộng, nhà Hồ chia đất ấy làm các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, thuộc vào lộ Thăng Hoa, đặt chức An phủ sứ, đưa người Việt từ Hoan Châu, Ái Châu, Hóa Châu vào khai khẩn. (còn tiếp)

Lê Hồng Khánh

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4281

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Xứ Quảng Nam xưa: Chiêm Động, Cổ Lũy Động - vùng đất đặc biệt

Xứ Quảng Nam xưa: Chiêm Động, Cổ Lũy Động - vùng đất đặc biệt

  • 11/07/2022 10:25
  • 1409

Trong bộ sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép về ranh giới phía nam của nước Đại Việt vào thời đầu nhà Hậu Lê như sau: “Nam giới xưa là nơi nội bạn của châu Bắc cảnh, thuộc bộ Việt Thường. Thời nội thuộc bị Chiêm lấy mất, chia làm Chiêm Chiêm, Chiêm Lũy. Đông và bắc tiếp giáp Thuận Hóa, tây và nam thông với Chiêm Thành. Có 3 lộ phủ, 9 thuộc huyện, 97 làng xã. Đấy là phên dậu thứ 5 về phương Nam” (Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.235).