Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/06/2019 08:28 4219
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

- Chạc gốm có phần chân đặc, có chân phụ

 
Chạc gốm loại này có chân đế chính hình tròn, hơi cong lên, thường được đập văn thừng thô. Chân phụ nhỏ, gắn liền với thân. Phần lớn không đứng được do trọng tâm của hiện vật lệch.

 - Chạc gốm có lỗ

 

Là loại chạc gốm dưới đáy phần cốc loe rỗng thường có lỗ thủng hình tròn (từ 1 đến 4 lỗ), hình bầu dục, hình bán nguyệt, hình chữ nhật..., không có chân phụ.

- Chạc gốm có phần chân hếch cong lên

 

Đây là loại chạc gốm có phần đế, gót và mũi cong hếch lên trông giống như một mũi hài. Chạc gốm loại này đặt đứng được nhưng hơi lệch.

- Chạc gốm có quai

 

Gồm hai kiểu, quai ở phía sau gắn liền với giữa thân và chân hoặc phần chân thu khá nhỏ và phát triển dài ra, đầu uốn cong tròn tạo thành hình quai.

- Chạc kéo dài và uốn cong tạo phần chân đế

 

Chạc gốm kiểu này hình dáng nhìn giống như chiếc ủng mũi hơi cong lên.

Cũng như vấn đề về tên gọi, về chức năng của chạc gốm cũng có nhiều ý kiến khác. Có ý kiến cho rằng đó là vật giữ lửa, ông đầu rau, cốc uống nước, đồ đựng...

Đây là loại hình di vật có thể có nhiều chức năng, sử dụng trong đời sống hàng ngày hoặc mang tính chất tín ngưỡng, làm đồ tùy táng. Loại hình di vật này phát hiện trong địa tầng cư trú và trong các mộ táng.

Loại hình di vật này xuất hiện khá nhiều ở Trung Quốc tại các vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang, các vùng Hoa Bắc, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Hồ Bắc. Chạc gốm của Trung Quốc có hai loại: Hình trụ tròn thẳng đứng, dưới to trên nhỏ và hình trụ tròn nghiêng. Cả hai loại chạc gốm này đều có thân rỗng, chân chạc đặc, có một lỗ tròn xuyên qua thân, nhánh phụ không phát triển và cũng có loại chạc gốm có quai giống chạc gốm di chỉ Lũng Hòa.

Giống như các nhà khảo cổ học Việt Nam, cho đến nay, các nhà khảo cổ học Trung Quốc chưa có ý kiến thống nhất về tên gọi và chức năng của loại hình hiện vật này. Nếu như ở Việt Nam, chúng ta gọi tên dựa vào hình dáng là “chạc gốm”, “chân giò”…, ở Trung Quốc gọi chúng là “vật hình sừng”, “vật hình đầu lợn”, “vật hình mõm lợn”, “vật hình giày”… Về chức năng chúng ta cho rằng đó là các ông đầu rau, vật thờ cúng, cốc uống nước..., các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho rằng đó là đồ dùng để kê nấu, chày gốm, chân kiềng…

Chạc gốm của Việt Nam và Trung Quốc vừa có nét tương đồng, vừa có nét dị biệt. GS. Hán Văn Khẩn cho rằng “chạc gốm hai khu vực này xuất hiện và phát triển độc lập với nhau nhưng có thể có mối quan hệ qua lại với nhau”.

TS. Bùi Thị Thu Phương         


Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Về những quả bầu trong mộ thuyền

Về những quả bầu trong mộ thuyền

  • 29/05/2019 10:40
  • 4035

Trong bộ sưu tập hiện vật ở khu mộ Châu Can, huyện Phú Xuyên (Hà Sơn Bình), có một quả bầu, mà đến nay tên gọi và công dụng của nó chưa được xác định một cách chắc chắn nên vẫn còn là một vấn đề đang thảo luận.