Trong bài trước đây chúng tôi đã giới thiệu về Gia đình tượng nhân Đỗ Phủ lưu danh trên gốm Bát Tràng. Với cặp chân đèn gốm men rạn có minh văn cho biết rõ do Đỗ Phủ xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An tạo tác vào niên hiệu Hoằng Định (1600-1618), được xem như là mốc khởi đầu của dòng gốm men rạn ở Bát Tràng (Nguyễn Đình Chiến, 2018:73-75). Đáng chú ý là, hiện nay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu trữ bộ sưu tập những đồ gốm men rạn có khắc hay viết minh văn, được tạo tác trong các niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671), Vĩnh Thịnh (1705-1719), Vĩnh Hựu (1735-1740), Cảnh Hưng (1740-1786) và Gia Long (1802-1819). Lớp men rạn phủ ngoài thường có màu vàng xám, vàng ngà, trắng xám hay ngà xám. Các đồ gốm này đều có xương gốm xốp màu xám đen. Từ niên hiệu Quang Trung (1788-1792) đến niên hiệu Gia Long còn thấy những đồ gốm Bát Tràng kết hợp men rạn với trang trí vẽ lam . Bài viết này chúng tôi giới thiệu về sưu tập đồ gốm men rạn có niên đại tạo tác, cũng là những mẫu chuẩn để làm cơ sở tham khảo xác định cho nhiều đồ gốm Bát Tràng thời Lê- Nguyễn khác không có minh văn. Dưới đây là các loại hình đồ gốm men rạn có minh văn trong sưu tập của BTLSQG.
Hai chiếc chân đèn gốm men rạn lưu danh tượng nhân Đỗ Phủ, tạo tác vào niên hiệu Hoằng Định, cao 64,8 cm, gồm 2 phần rời lắp khớp lại. Phần trên chân đèn có miệng đấu, khoảng giữa phình tang trống đồng, hai phía hình loa. Phần dưới chân đèn có dáng như loại chóe cao. Nhìn cây đèn có dáng bầu bĩnh và vững chãi. Trang trí nổi từ miệng tới chân đế gồm các băng dây hoa lá, lông công, bộ tứ linh Long - Ly - Quy - Phượng trong 4 ô hình bông hoa tròn, băng lá đề trong có chữ Vạn. Hình rồng nổi ở phần dưới hai chân đèn đối xứng, đầu rồng vươn cao. (Nguyễn Đình Chiến,1999: 82-83; 176-177).
Hai chiếc bình men rạn hình lục giác, tạo tác vào niên hiệu CảnhTrị ,cao 56,5 cm, có miệng đấu, cổ eo, vai phình, thân vát, đế lõm. Trên 6 mặt của bình khá đều nhau, chạm nổi dây lá quanh miệng, ở cổ bình, chạm nổi xen kẽ nhau: 2 cành cúc, 2 cành trúc và 2 cành mai (đề tài tam hữu) .Dưới thân bình tương ứng 6 ô trên chạm nổi 2 cành cúc và 2 cành trúc có thêm một hình chim chân cao mỏ dài, 2 cành mai thêm một hình thỏ. Minh văn khắc 2 dòng 4 chữ Cảnh Trị niên chế (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 93;178).
Đồ gốm men rạn tạo tác dưới niên hiệu Vĩnh Thịnh có một chiếc lư hương và hai chiếc chân nến. Dưới đế các đồ gốm này đều có minh văn 2 dòng 4 chữ Hán viết bằng men lam Vĩnh Thịnh niên chế. Lư hương cao 27,5 cm, đường kính miệng 28,5 cm, có miệng tròn, thành lư tạo hình bông sen nở với 3 lớp cánh nổi. Đế lư tạo hình chiếc lá sen úp.
Hai chiếc chân nến cao 46 cm, có kiểu dáng, trang trí nổi tương tự nhau với kiểu tạo hình khá độc đáo. Đế chân nến là tượng nghê quỳ, đầu có một sừng, miệng há. Trên lưng nghê đặt cột trụ hình vuông, đỉnh hình trụ. Trang trí nổi trên thân là bông hoa cúc tròn và 2 cành trúc - mai. (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 97; 179).
Đồ gốm men rạn tạo tác dưới niên hiệu Vĩnh Hựu là chiếc đỉnh có nắp. Đỉnh cao 60 cm. Nắp đỉnh là tượng nghê vờn ngọc, xung quanh nắp trổ thủng đề tài bát quái gồm 8 quẻ : Càn, khảm, cấn ,chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Đỉnh có miệng đấu, cổ eo, thân phình, 3 chân quỳ chạm hình đầu rồng và mặt hổ phù. Hai quai đỉnh gắn vào miệng và thân là tượng rồng thân ngắn, vẩy lõm. Trang trí nổi quanh miệng là băng dây lá lật. Thân chạm nổi băng hồi văn chữ T, lá đề và rồng mây. Đầu rồng có 2 sừng dài, chân trước nắm vào 2 dải mây tản đối xứng. Miệng rồng ngậm chữ Thọ.Minh văn khắc dưới bụng 4 dòng chữ Hán. Phiên âm: Vĩnh Hựu vạn vạn niên chi nhị tứ nguyệt nhật cung tác ( Kính cẩn tạo tác một ngày tháng 4 năm Vĩnh Hựu 2, 1736) (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 97-98; 180-181).
Đồ gốm men rạn tạo tác dưới niên hiệu Cảnh Hưng có các loại hình đỉnh chữ nhật, chóe lục giác có nắp, bình miệng vuông, lư hương miệng tròn, tượng Di lạc, tượng Kim cương…Đỉnh chữ nhật, cao 57,6 cm, tạo ba phần nắp, thân và chân đế rời lắp khớp lại. Nắp đỉnh có chỏm hình tượng nghê quỳ vờn ngọc. Thân đỉnh có miệng chữ nhật, cắt vát góc, cổ eo, vai phình, dưới có 4 chân quỳ. Trang trí nổi từ miệng tới đế gồm các băng hoa dây lá lật, lá đề, đề tài tam hữu: tùng - trúc - mai. Hai quai đỉnh là tượng nghê chầu, gắn vào miệng và vai. Đế đỉnh hình chữ nhật có 4 chân thấp. Minh văn đúc nổi và viết bằng men lam cho biết đỉnh tạo tác vào niên hiệu Cảnh Hưng , do bậc quan Thái sư, Thiếu sư (tức hàng Tam công và Thiếu khanh) đặt làm để cung tiến. (Phan Huy Chú,1961, T II: 12).
Hai chiếc chóe lục giác gốm men rạn cũng là loại hiếm, có kích thước và trang trí như nhau. Chóe cao 58,5 cm. Nắp chóe có hình lục giác lắp khớp với miệng. Trên nắp gắn 3 tượng rồng đấu đuôi vào chỏm nắp. Ba mặt nắp khắc chìm mây dải. Miệng chóe có gờ viền dày,cổ ngắn, vai phình, thân thuôn, chân đế thấp lõm .Vai chóe chạm nổi băng văn thừng, dưới khắc chìm băng văn lá đề xen kẽ 3 đầu sư tử ngậm vòng tròn. Trên 6 mặt thân chóe chạm nổi rồng mây và sóng nước. Minh văn khắc 2 dòng 4 chữ Cảnh Hưng niên chế.
Hai chiếc bình miệng vuông, cao 44,4 cm. Cả hai đều có kiểu dáng, trang trí nổi phủ men rạn và kích thước tương tự nhau. Miệng bình có gờ viền, cổ eo, vai phình xuôi dần xuống đế. Xung quanh cổ bình chạm nổi băng lông công, cao thấp xen nhau. Trên 4 mặt thân bình chạm nổi tứ quý : Tùng - cúc - trúc - mai. Minh văn viết bằng men lam dưới đế 2 dòng 4 chữ : Cảnh Hưng niên chế.
Chiếc lư hương tròn, cao 20,5 cm, có miệng đứng, gờ viền nổi dày, cổ eo ngắn, bụng phình, 3 chân thấp chạm nổi mặt thú. Trên thân chạm nổi 2 mặt hổ phù ngậm vòng tròn xen 2 ô hình bầu dục chạm nổi rồng mây và 3 nghê vờn ngọc. Minh văn khắc dưới đế 2 dòng 4 chữ : Cảnh Hưng niên chế. Tượng Di Lặc, cao 21 cm, tư thế ngồi khoanh chân, 2 tay đặt trên đầu gối, phanh áo, hở ngực và bụng. Mặt vuông chữ điền, trán rộng,tai to, mũi nở, miệng đang cười thể hiện chân tướng của một vị tiên.. Bên trong tượng viết 2 chữ Hán men lam : Cảnh Hưng.
Tượng Kim Cương, cao 48,5 cm, tạo tư thế đứng trên bệ chữ nhật, đầu đội mũ Đâu mâu có diềm chạm nổi 2 hình rồng chầu mặt nguyệt. Mình mặc giáp trụ, bụng mang đai nổi, chân đi hài mũi cao, tay phải chống hông, tay trái giơ ngang ngực, mang dáng vẻ oai vệ của thần hộ vệ . Dưới đế khắc 1 dòng 4 chữ : Cảnh Hưng niên chế .
Cũng mang niên hiệu Cảnh Hưng, trong sưu tập của BTLSQG còn có cặp tượng hổ, gốm men rạn vẽ men nâu vàng. Hai tượng hổ tạo tư thế nằm khác nhau. Một tượng có đầu ngẩng cao, miệng há, bụng áp xuống, 4 chân choãi, đuôi uốn trên mông bên trái. Một tượng có đầu cúi, miệng ngậm, đuôi uốn quặp trên mông bên phải. Cả hai tượng đều có vằn khắc chìm tô men nâu vàng. Men rạn màu trắng ngà. Dưới bụng một tượng khắc 2 chữ Hán :Cảnh Hưng. (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 98-100; 182-186).
Những loại hình gốm men rạn tạo tác dưới niên hiệu Gia Long gồm có 3 chiếc nậm rượu 2 bầu, 2 chiếc bình dóng trúc và 1 chiếc hũ. Tất cả các loại hình này đều phủ men rạn ngà và minh văn viết bằng men lam dưới đế 2 dòng 4 chữ Hán : Gia Long niên chế. Hai chiếc nậm rượu gốm men rạn ngà, cao 46,8 cm, đều có kiểu dáng 2 bầu và trang trí giống nhau. Nậm có miệng đứng, cổ hình trụ cao, thân 2 bầu, trên nhỏ dưới to. Bầu trên chạm nổi đề tài tam đa : thể hiện 3 cành quả đào- lựu - phật thủ. Bầu dưới chạm nổi đề tài Bát bảo của Đạo giáo : Kiếm, bút gài cuốn thư, túi gấm, đỉnh ngọc, cây đàn và bình ngọc…
Một chiếc nậm rượu gốm men rạn 2 bầu khác có cùng kiểu dáng như loại trên, cao 38 cm. Bầu trên chạm nổi 2 hình chim phượng. Bầu dưới chạm nổi 3 hình sư tử ngậm vòng. Nội dung đề tài không chỉ cầu mong cho hạnh phúc đôi lứa mà còn cầu cho quan tước đến bậc Tam sư.
Hai chiếc bình gốm men rạn tạo hình dóng trúc, cao 37,5 cm, đều có kích thước, kiểu dáng, trang trí, men phủ tương tự nhau. Bình có miệng tròn, thân hình trụ. Gần miệng và đế tạo 2 gờ nổi phỏng theo hình gân đốt trúc, 2 cành lá trúc cùng 2 con chim chao cánh. Đây cũng là một cách thể hiện đề tài trúc điểu trên gốm cổ Bát Tràng.
Chiếc hũ gốm men rạn ngà, hiện lưu giữ tại BTMTQG, cao 24,5 cm, có gờ miệng đứng, cổ ngắn, vai phình, thân thuôn, đế lõm. Trên vai hũ đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng. Xung quanh thân hũ chạm nổi 2 cặp tùng - lộc và mai - điểu. (Nguyễn Đình Chiến, 1999, 103-104, 192-194).
Thuộc dòng gốm men rạn Bát Tràng còn đáng chú ý những loại hình thể hiện sự kết hợp sử dụng men rạn và trang trí vẽ men lam. Theo tài liệu hiện biết có thể thấy xuất hiện kiểu này từ thời Tây Sơn. Đó là 2 chiếc bát gốm men rạn vẽ lam trong sưu tập BTLSQG. Hai bát có cùng kích thước, kiểu dáng, trang trí, men vẽ và men phủ tương tự nhau. Bát có miệng loe, thành cong, đế thấp và rộng.Thành ngoài bát, một phía vẽ khóm trúc men lam. Minh văn viết 4 dòng chữ Hán, ở một phía thành ngoài bát: Vị xuất địa đầu tiên hữu tiết và dưới đế Quang Trung niên tạo. Nội dung này tạm hiểu là người quân tử từ lúc còn trong bụng mẹ đã có khí tiết ,ví như cái măng tre khi chưa nhô khỏi mặt đất thì đốt dóng (tiết) của nó đã sớm ra trước. Hai chiếc bát mang niên hiệu Quang Trung này hiện là duy nhất của đồ gốm có niên đại thời Tây Sơn (Nguyễn Đình Chiến, 1999, 100-101, 187).
Dưới niên hiệu Gia Long, hiện ở BTLSQG còn có các loại hình đồ gốm kết hợp men rạn và trang trí vẽ lam như 2 chiếc đế chậu và 5 chiếc hũ có nắp. Hai chiếc đế chậu đường kính 26,5 cm, nhưng có trang trí trên mặt khá độc đáo. Trên mặt đế chậu thứ nhất trang trí vẽ lam đề tài: Hậu thiên lạc thư, thần quy phụ thư: nửa phía trên viết minh văn bằng men lam 6 dòng chữ Hán theo hàng dọc và ngang ở trong lòng (Phiên âm) : Ngự tiền thị bảo, Trung chính điện cung trần, hậu thiên lạc thư thần quy phụ thư, Công bộ thần phụng chế, Quốc triều Gia Long niên gian, Khâm lục. Bao quanh là các chuỗi chấm tròn tượng trưng cho các số chẵn 2,4,6,8 và còng tròn nhỏ tượng trưng cho các số lẻ 1, 3,5,7,9. Nửa phía dưới vẽ hình rùa đội hòm sách gài thanh gươm, đang lướt trên các lớp sóng. Dưới đế viết 2 dòng 4 chữ Hán : Nhược thâm trân tàng, một mác hiệu thường gặp trên đồ sứ đời Khang Hy (1662-1722) (Davison Gerald, 1994: 99) và trên loại đồ sứ ký kiểu đời Tự Đức (1848-1883) (Trần Đức Anh Sơn, 1996: 72).
Trên mặt đế chậu thứ 2 trang trí vẽ lam đề tài Tiên thiên hà đồ, long mã phụ đồ: nửa phía trên vẽ các dấu chấm tròn thể hiện số chẵn : 2, 4, 6, 8 và vòng tròn nhỏ thể hiện số lẻ : 1, 3, 5, 7, 9. Điều kỳ lạ là theo cách xếp này, cộng các số hàng dọc, ngang và chéo đều cho kết quả là 15. Phía dưới vẽ hình long mã mang hình âm dương rạo phi trên sóng nước. Minh văn viết bằng men lam 8 dòng, nhưng 7 dòng tương tự như trên, chỉ một dòng khác 8 chữ: Tiên thiên hà đồ long mã phụ đồ.(Nguyễn Đình Chiến, 1999: 101; 110).
Theo khảo cứu của tác giả Phương Anh và Thanh Hương, đề tài Hà đồ - Lạc thư là một trong những biểu tượng của Đạo giáo pha lẫn Nho giáo đã thấy trang trí trên tấm y môn bằng gỗ ở đình Thắng Núi (Bắc Giang), cuối thế kỷ 18. (Phương Anh và Thanh Hương, 1976: 58-59). Hai chiếc chậu này do thần ở Bộ Công triều vua Gia Long đặt làm tại làng gốm Bát Tràng, tuy nay chỉ còn phần đế nhưng thực sự là những cổ vật quý hiếm. Trong sưu tập gốm men rạn vẽ lam tạo tác ở Bát Tràng dưới triều Gia Long của BTLSQG còn có hai chiếc hũ dáng cao và ba chiếc hũ dáng thấp. Hai chiếc hũ cao 59,5 cm, có gờ miệng dày, cổ cao, vai phình, thân thuôn dài gần dáng chuông, vành đế choãi, dưới đế lõm. Nắp hũ hình chỏm cầu, vẽ lam phong cảnh đề tài mã- liễu; tùng - lộc, chóp gắn tượng nghê vờn ngọc.Trên vai hũ đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng tròn. Trang trí vẽ lam có mây dải quanh cổ hũ; phong cảnh sơn thủy, nhà cửa, cây lá, người đội ô qua cầu, người chèo thuyền, người gồng gánh ở quanh thân hũ. Dưới đế viết minh văn 4 chữ Hán: Gia Long niên chế. Hai chiếc hũ có nắp khác, cao 32 cm, có gờ miệng đứng, cổ ngắn, vai phình thân thuôn, đế lõm. Nắp hũ hình chỏm cầu, chóp gắn tượng nghê vờn ngọc, xung quanh vẽ lam hoa lan, hoa cúc.Trên vai hũ đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng tròn. Quanh thân hũ vẽ lam đề tài trúc- điểu, mai - điểu và liên - điểu. Dưới đế viết minh văn 4 chữ Hán: Gia Long niên chế. {a113; 114}.
Đặc biệt có chiếc hũ gốm men rạn vẽ lam, cao 27,9 cm, có kiểu dáng giống như hai chiếc hũ trên. Nắp hũ hình chỏm cầu, xung quanh vẽ mây, chóp gắn quả đào.Trên vai hũ gắn 4 đầu voi xen kẽ 4 dòng chữ Hán men lam ứng với 4 ô quanh thân. Hai ô vẽ lam các dải chấm tròn (số chẵn: 2,4,6,8) và vòng tròn (số lẻ:1, 3, 5, 7, 9). Hai ô vẽ 2 hình Long mã phụ đồ và Thần quy phụ thư .Hai hình vẽ này giống như hai đế chậu trên đây. Dưới đế viết minh văn 4 chữ Hán: Gia Long niên chế.
Như vậy , sưu tập đồ gốm men rạn và men rạn kết hợp trang trí vẽ lam trên đồ gốm Bát Tràng thế kỷ 17-19 đã cho chúng ta nhiều loại hình mẫu đáng chú ý. Trong đó tập trung là loại đồ gốm thờ với các loại chân đèn, chân nến, đỉnh, lư hương, bình ,chóe, tượng, bát và hũ thường được tạo tác thành đôi, phản ánh tư duy đối xứng theo truyền thống. Tất cả đồ gốm này đều có minh văn, thể hiện bằng khắc hay viết bằng men lam. Các loại đồ gốm này có phải hoàn toàn thuộc dòng gốm Cung đình? Duy nhất có hai chiếc chân đèn lưu danh tượng nhân Đỗ Phủ ở khoảng 1600-1619. Từ sau đó trên đồ gốm không còn thấy lưu danh họ tên người tạo tác và những người đặt hàng nữa. Điều đó phản ánh một giai đoạn lịch sử rất khác thời Lê - Mạc trước đó, khi vương triều có những quy định nghiêm ngặt hơn hay không khí dân chủ trong xã hội không còn như trước nữa? Đó hẳn là những câu hỏi chưa dễ trả lời.Tìm hiểu những đồ gốm men rạn này chúng ta có thể lấy các mẫu gốm có niên đại để so sánh. Đồ gốm men rạn đều có xương gốm xốp, màu đen xám. Có lẽ chính điều này tạo ra bởi sự chênh lệch độ co sau khi nung gốm. Quan sát màu sắc men rạn thường thấy là màu vàng ngà, vàng xám, trắng ngà hay trắng xám, với những săc độ khác nhau. Vết rạn màu xám đen có lẽ là màu mực Tàu hay đất bùn xoa lên sản phẩm sau khi nung. Hoa văn trang trí trên đồ gốm men rạn đều tạo theo kỹ thuật chạm nổi , in nổi hay khắc tay với những đề tài truyền thống như rồng- mây, tứ linh:Long - Ly - Quy - Phượng, tứ quý :Tùng - cúc - trúc - mai, tam hữu :cúc- trúc - mai; tam đa : đào- lựu - phật thủ; bát quái gồm 8 quẻ : Càn, khảm, cấn ,chấn, tốn, ly, khôn, đoài; Hà đồ - Lạc thư; Các đề tài phổ biến khác như mã- liễu, tùng- lộc, trúc- điểu, mai- điểu, liên - điểu, lá đề, lông công, hoa dây lá lật, hoa sen, hoa cúc biểu trưng của Phật giáo; bát bảo của Nho giáo. Từ niên hiệu Vĩnh Hựu đến Gia Long, xuất hiện loại tượng nghê trên chỏm nắp, mang dáng dấp rất điển hình của gốm Bát Tràng.Từ niên hiệu Cảnh Hưng đến Gia Long xuất hiện kiểu trang trí đầu sư tử ngậm vòng tròn. Các minh văn khắc hoặc viết bằng men lam hay dùng cách ghép niên hiệu và chữ niên tạo hay niên chế. Tất cả những điều này phản ánh sự sáng tạo và chắt lọc yếu tố giao lưu nhưng nét đặc sắc nhất là trên gốm men rạn Bát Tràng thế kỷ 17-19 có những đề tài hoàn toàn độc lập với gốm sứ Trung Quốc mà điều này đã thể hiện trong sưu tập đồ gốm men rạn Bát Tràng có minh văn./.
TS.Nguyễn Đình Chiến
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Phương Anh- Thanh Hương (1976), Hà Bắc ngàn năm văn hiến. T II. Ty Văn hóa Hà Bắc xb.
2.Nguyễn Đình Chiến (1999), Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ XV-XIX. BTLSVN xb.
3.Nguyễn Đình Chiến (2018), « Gia đình tượng nhân Đỗ Phủ lưu danh trên gốm Bát Tràng thế kỷ XVI- XVII ». Di sản văn hóa, số 1 (66)-2019., tr73-75.
4. Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí. T II.Nxb.Sử học. Hà Nội.
5. Trần Đức Anh Sơn (1996), « Về niên hiệu đề trên đồ sứ ký kiểu thời Lê- Nguyễn ». Khảo cổ học, Số3, tr 67-72.
6.Davion Gerald (1994),The Handbook of Markes on Chinese Ceramic. London.