Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/03/2019 15:21 9632
Điểm: 3/5 (1 đánh giá)
3. Đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 15. 3.1. Đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 15 tìm được ở khu khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long. Đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 15 tìm được ở Hoàng thành Thăng Long cũng phần nào phản ánh tình hình giao lưu với Đại Việt. Chẳng hạn, loại đĩa gốm men ngọc, gờ miệng cắt khấc, thành cong gãy, chân đế thấp, lòng phẳng khắc bông sen, men phủ trong ngoài màu xanh ngọc rạn. Đây là sản phẩm gốm lò Phúc Kiến thế kỷ 15.

Đồ gốm sứ hoa lam thời Minh tìm được ở đây chủ yếu là các loại bát đĩa. Đĩa cỡ nhỏ, cao 2,7-3cm, đường kính miệng 11,9-13,9cm. Hoa văn trang trí trong lòng vẽ men xanh cobalt đề tài “sư tử hí tiền” hay phong cảnh nhân vật, thành ngoài vẽ hoa dây. Có loại đĩa vẽ hình chữ Thập xen kẽ các dải tua… đây là những loại đĩa, bát sứ hoa lam có niên đại tương ứng với niên hiệu Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông. Bát sứ hoa lam thời Minh tìm thấy trong khu Hoàng thành Thăng Long thuộc loại nhỏ, đường kính miệng dưới 14,3cm. Nhiều chiếc vẽ trang trí dây lá phủ kín trong lòng và thành ngoài cùng với băng cánh sen, dưới đáy viết 4 chữ trong ô vuông: Đại Minh niên tạo. Có chiếc trong lòng vẽ hoa lá, thành ngoài vẽ đề tài “tam hữu”: Tùng-trúc-mai, đáy viết men lam 4 chữ Hán: Bính Thìn niên tạo. (tạo tác năm Bính Thìn, 1496). Nhiều chiếc bát hoa lam, trong lòng vẽ phong cảnh sơn thủy nhân vật, thành ngoài vẽ 4 khóm lá, đáy viết chữ Phúc. Có chiếc lại vẽ trong lòng hình ông tiên cưỡi rồng, thành ngoài vẽ phong cảnh sơn thủy, đáy viết 4 chữ Hán: Đại Minh niên tạo.

Nhìn chung, đồ gốm sứ thời Minh thế kỷ 15 tìm được ở khu Hoàng Thành Thăng Long cho thấy chủ yếu là đồ gia dụng như các loại bát, đĩa men ngọc và hoa lam có nguồn gốc sản xuất là lò Phúc Kiến và Cảnh Đức Trấn. Những loại hình này chính là loại hàng thương phẩm buôn bán trong phạm vi các quốc gia Đông Nam Á.

 


3.2. Đồ gốm sứ thế kỷ 15 tìm được qua khai quật khảo cổ học các di tích gốm sứ ở tỉnh Lâm Đồng.

Sau gần 20 năm nghiên cứu và khai quật khảo cổ học các di tích gốm sứ ở tỉnh Lâm Đồng, năm 2000, Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Lâm Đồng và Học Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã cho xuất bản cuốn sách: Những sưu tập gốm sứ ở Lâm Đồng (Bùi Trí Hoàng, 2000). Cuốn sách giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học tại các di tích Đại Làng, Đại Lào, Đạ Đờn và một số di tích khác như Pteng, Lộc Sơn… từ năm 1980 đến năm 2000. Các sưu tập gốm sứ được giới thiệu theo nhóm có nguồn gốc xuất xứ ở Bắc Việt Nam, Bình Định, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Khơme…

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì gốm sứ Trung Quốc đến Lâm Đồng trong thế kỷ 15-16 chủ yếu bằng con đường hàng hải qua biển Đông, thông qua thương cảng Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Nước Mặn (tỉnh Quy Nhơn).

Nguồn gốc hàng hóa gốm sứ này được sản xuất từ vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc, thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Triết Giang và Giang Tây. Những đồ gốm men ngọc thời Minh tìm được ở đây được sản xuất từ lò Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), Long Tuyền (tỉnh Triết Giang).

Đồ gốm sứ hoa lam thời Minh tìm được ở đây bao gồm các chủng loại bát, đĩa, lọ kích thước khác nhau. Trong đó loại đĩa sứ hoa lam phổ biến nhất có đường kính khoảng 17 - 30cm, cao 5-7cm. Hoa văn trang trí theo chủ đề thực vật gồm các loại dây lá mẫu đơn, mai, sen, cúc, trúc hay vẽ theo cặp mai-điểu (chim hoa), liên-áp (sen vịt). Ngoài ra, có các loài cò, thiên nga. Đề tài động vật có ngựa phi, cá nhẩy. Đề tài bát tiên trong nghệ thuật Trung Quốc rất phong phú nhưng ở đây chỉ thấy đề tài bát tiên cầm bộ bát bảo: sáo, quạt, phất trần…

Nhìn chung, đồ gốm sứ thời Minh thế kỷ 15 tìm được ở tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu trong các ngôi mộ cổ của người Mạ, phản ánh việc giao thương buôn bán về đồ gốm sứ chủ yếu của vùng phía nam Trung Quốc.

3.3. Đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 15 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tại kho lưu trữ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có một sưu tập gốm sứ thời Minh (1368-1644). Trong số đó các hiên vật gốm sứ có niên đại từ đỡi Vĩnh Lạc đến Hoàng Trị bao gồm các loại bát đĩa sứ hoa lam, sứ men trắng. Bát sứ hoa lam, đường kính 22,5cm, vẽ nhiều cành hoa lá, quả cả bên trong lòng và thành ngoài. Chân đế vẽ băng dây lá hình sin, dưới đế viết 6 băng chữ Hán men lam: Đại Minh Tuyên Đức niên chế. Lại có bát sứ hoa lam, đường kính 16,5cm, giữa lòng và thành ngoài vẽ phong cảnh sơn thủy. Dưới đế viết 6 chữ Hán men lam: Đại Minh Thành Hóa niên chế. Kendy sứ hoa lam, cao 17,8cm, thành ngoãi vẽ hoa dây và hoa lá trong ô dọc theo chiều cao. Dưới đế viết 6 chữ Hán men lam: Đại Minh Thành Hóa niên chế. Đồ sứ men trắng có loại mai bình, cao 33.7cm, thành ngoài trang trí in nổi dây hoa lá. Đặc biệt có mai bình sứ men trắng, cao 26,5cm, thành ngoài trang trí nổi hoa lá, cúc, mai, băng lá đề và băng cánh sen. Dưới đế viết 4 chữ Hán men lam: Đại Minh niên tạo.


Đáng chú ý là sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc tìm đư­ợc trong tàu Cù Lao Chàm thuộc thời Minh với ý nghĩa là đồ dùng của đoàn thủy thủ, khoảng nửa cuối thế kỷ 15.  

Đồ gốm men ngọc có đĩa và tước. Trong đó có 2 đĩa gốm men ngọc, đường kính 25-27,7cm và cao 5,5-6cm. Loại đĩa này có men dày màu xanh ngọc ngả vàng. Gờ miệng vuốt dày có rãnh lõm hình lòng máng, lòng in cánh hoa cúc là đặc điểm quen thuộc của gốm men ngọc thời Minh.

Ba chiếc đĩa men ngọc màu vàng chanh, trong đó 2 chiếc kích thước giống nhau: đường kính miệng 22,2cm, cao 9,5-10cm, một chiếc nhỏ có đường kính miệng 12,2cm, cao 5,6cm. Những đĩa men ngọc này có gờ cắt khấc, lòng khắc hoa dây, thành ngoài tạo cánh cúc nổi. Trên đáy có dính dấu kê tròn. Men phủ trùm chân đế.

Tước men ngọc có miệng loe, thành cong, chân đế tạo hình đốt trúc, chân đế dính dấu kê tròn. Thành ngoài khắc cánh sen bên trong có dải xoắn.

 
 

Đây là các loại gốm men ngọc có nguồn gốc sản xuất ở phía Nam Trung Quốc.

Đồ sứ hoa lam có 3 chiếc bát, 2 chiếc đĩa và 1 chiếc ấm có nắp. Trong đó, kiểu dáng bát đều có miệng loe, sâu lòng, chân đế thấp giống nhau. 1 chiếc bát, bên ngoài phủ men lam sẫm, trong lòng vẽ bông hoa hình chữ thập, 2 chiếc bát khác vẽ sóng n­ước, gờ trong vẽ hoa văn và bông cúc cánh xoáy.

Đĩa có 2 chiếc: a) chiếc lớn đư­ờng kính 33cm, cao 6cm, lòng và thành ngoài vẽ kỳ lân, mây và hoa dây lá. b) chiếc nhỏ đường kính 12,4cm, cao 2,7cm thành ngoài vẽ hoa dây lòng vẽ bông hoa cúc cánh chéo t­ương tự như­ trong lòng bát.

Ấm có nắp phủ men xanh lam dày cũng chỉ có 1 chiếc. Ấm cao 27,5cm. Thân ấm hình bình tỳ bà có miệng đấu, cổ eo, thân dưới phình, quai cong có xuyên lỗ tròn, vòi hình đầu thú, 2 phía thân in nổi hình lá đề, dưới đế lõm phủ men trắng xám. Nắp ấm có chỏm hình búp sen.

Nhóm đồ gốm sứ Trung Quốc này có chất lượng hàng hóa không cao, các đề tài trang trí nh­ư: kỳ lân, hoa dây, hoa hình chữ thập phổ biến từ đầu thời Minh và kéo dài sang nửa đầu thế kỷ 16. Chúng tôi thấy Prof. Peter Lam có lý khi cho rằng chúng không phải là hàng gốm sứ do lò quan ở Cảnh Đức trấn tỉnh Giang Tây sản xuất. Tuy nhiên, ở đây, ý nghĩa hơn là những đồ gốm sứ này góp một niên đại tham khảo hữu ích khi phát hiện trong tàu Cù Lao Chàm.

Những thông tin về đồ gốm sứ thời Minh thế kỷ 15 lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trên đây đã đươc công bố trong tập sách Gốm sứ thời Minh. (Lê Thị Thanh Hà, 2004).

3.4. Đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 15 tìm được trong tàu cổ Bình Châu (tỉnh Quảng Ngãi).

Cuộc khai quật khảo cổ học tàu cổ Bình Châu (tỉnh Quảng Ngãi) tiến hành vào tháng 6 năm 2013. Kết quả khai quật cho thấy đây là con tàu chở hàng gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên, thế kỷ 13. Hàng hóa trong tàu bao gồm nhiều loại hình, đồ gia dụng như hũ, lọ, chậu, bát và đĩa thuộc các dòng gốm men ngọc, men trắng, men nâu và hoa lam với các đặc trưng loại hình và trang trí điển hình của thời Nguyên, đóng góp vào việc nghiên cứu gốm sứ Trung Quốc giao lưu buôn bán ở Đông Nam Á.

Trong số các mảnh gốm sứ thu được khi khai quật còn thấy mảnh nhiều loại bát đĩa sứ hoa lam vẽ hoa cúc dây, khóm hoa sen. Dưới đáy của những mảnh bát đĩa này có viết bằng men lam trong ô tròn sáu chữ: Đại Minh Tuyên Đức niên chế, Vạn Phúc du đồng, Trường mênh phú quý. Đây là những mảnh gốm sứ của 1 tàu cổ thời Minh đã bị phá gần ngay tàu cổ Bình Châu thời Nguyên.

Đó cũng là thông tin  mới tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi cho thấy hàng hóa gốm sứ thời Minh đã có mặt trong giao thương với khu vực Đông Nam Á ở thế kỷ 15.

4. Đồ gốm sứ Thái Lan thế kỷ 15.

Cho đến nay, đồ gốm Thái Lan đã được phát hiện trong 3 chiếc tàu cổ ở biển Việt Nam là tàu cổ Hòn Dầm Kiên Giang (1991), tàu cổ Cù Lao Chàm (1997-2000) và tàu cổ Phú Quốc (2004).

4.1. Đồ gốm sứ Thái Lan thế kỷ 15 tìm được trong tàu cổ Hòn Dầm (tỉnh Kiên Giang).

Tháng 5 năm 1991, tàu cổ ở vùng biển Hòn Dầm, Phú Quốc (Kiên Giang) được khai quật. Đây là chiếc tàu cổ đã được Jeremy và Rosemary Harper thông báo trong cuộc hội thảo gốm ở Hồng Kông, năm 1978.

Số lượng đồ gốm trong tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang) theo tài liệu của Phạm Quốc Quân và Nguyễn Quốc Hùng là 16.000. Loại hình đồ gốm bao gồm 13 kiểu bát, đĩa, chén, bình, vò, lọ... với kích thước to nhỏ rất khác nhau. Đặc điểm chung của gốm trong tàu này là gốm men ngọc và men nâu được sản xuất ở vùng lò gốm Sawankhalok và Sokhothai ở Bắc Thái Lan.

Gốm men ngọc (Celedon) có mầu xanh, màu tàn thuốc. Gốm men nâu màu da lươn, lông thỏ, màu vàng hay trắng xám. Gốm men ngọc có loại hình và men tương tự thời Nguyên (Trung Quốc). Tiêu biểu là loại đĩa men ngọc dáng chậu miệng loe, gờ cắt khấc, đường kính 30cm, có chiếc đường kính tới 38cm, nặng 3 kg. Trong lòng đĩa khắc chìm dưới men bằng que răng lược tạo hình 4 bông hoa sen theo chiều bổ dọc. Thành ngoài tạo những đường sọc nổi hoặc chìm chạy xiên từ đáy lên miệng không đều đặn chau truốt như cánh sen cánh cúc nổi thường gặp trên đồ Celedon Việt Nam hay Trung Quốc cùng thời. Quan sát trên đế đồ gốm men ngọc đều thấy màu đỏ gạch hoặc xám trắng, có một vòng tròn là dấu tích kỹ thuật nung. Hoa văn trang trí trong lòng bát đĩa với các bước sóng ngắn hay dài. Giữa các bước sóng được khắc các loại hoa dây hình sin có tay mướp, hoa thiên lý, hoa phù dung hay hoa sen. Ngoài ra còn thấy các loại văn tạo bằng các đường cong chồng lên nhau, chữ V hay hồi văn tam giác bên trong có những gạch chéo.

Hoa sen, hoa cúc là đề tài khá phổ biến và được thể hiện thành công của nghệ nhân gốm Thái. Có khi cánh hoa sen tạo gần giống hình lá đề, giống như các băng hoa văn đắp nổi hoặc phù điêu trên các đế gốm hay các bệ đá của tượng Phật. Lại có khi, người ta dùng que răng lược tạo bông sen nhiều lớp cánh gần giống loại hoa cúc đại đóa mãn khai. Nhiều trường hợp, bát đĩa trong các cánh là các đường vạch tạo gân với sự cách điệu cao, xen giữa các cánh hoa lớn có cánh nhỏ tạo cảm giác nhiều lớp cánh. Chính giữa lòng bát đĩa có khi là bông hoa cúc nhụy tròn xung quanh nhiều lớp cánh, hay bông hoa sen nở với nhiều lớp cánh đơn, quanh bông hoa là những đường hồi văn kép, các đường gợn sóng.. Duy nhất có 1 chiếc bát có trang trí nổi 2 con cá quay ngược chiều như đang đuổi nhau trong bố cục tròn, khác lạ so với những bát đĩa trang trí cá của gốm Việt Nam và Trung Quốc cùng thời.

Trong sưu tập Hòn Dầm còn thấy loại lọ gốm có tai, miệng nhỏ, cổ thót, thân hình cầu dẹt hay hình thoi, chỉ cao trên dưới 5 cm. Phổ biến loại lọ nhỏ có 2 tai, men ngọc, men nâu hay men trắng xám rạn. Xương gốm có mầu hồng, mầu xám, dưới trôn có dấu con kê tròn không men.

Bên cạnh đó, sưu tập còn có loại chum cao 60-70 cm, miệng có viền nổi, cổ ngắn hình trụ, vai phình, thân hình trứng, thuôn dần xuống đế. Vai đắp nổi 4 tai ngang, men nâu đen phủ không trùm chiều cao, thường để lộ giáp đế. Bình gốm men xám hình chân đèn cao 27 cm có miệng loe, cổ cao hình trụ, vai phình, thân vát, đế bằng.

Đồ gốm sành không men có loại nồi miệng loe, cổ eo, vai xuôi, thân phình, màu xám, cao 15 cm. Cùng phát hiện với những đồ gốm, các thợ lặn khai quật đã đưa lên những đồng tiền "Vĩnh Lạc Thông bảo'' (1403-1424) càng củng cố thêm cho niên đại của sưu tập tàu cổ Hòn Dầm là thế kỷ 15 (Nguyễn Quốc Hùng, 1991).

4.2 Gốm sứ Thái Lan thế kỷ 15 tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Trong tàu cổ Cù Lao Chàm, hàng hóa đồ gốm Việt Nam là chủ yếu nhưng cạnh đó còn có một số đồ gốm Champa, Trung Quốc và Thái Lan. Đồ gốm Thái Lan ở đây thuộc dòng men ngọc và men nâu đen, số lượng ít, có thể là đồ dùng của thuỷ thủ tàu.

Gốm men ngọc có loại nậm rượu 2 bầu, cao 9,3cm, trên thân khắc rạch văn ô trám và những đường chỉ ngang, men xanh ngọc, chân đế không men, màu hồng. Lọ gốm men màu vàng xám, cao 7,2cm có miệng cúp, thân hình cầu, vai có gắn 2 tai nổi. Thân in nổi hoa văn dây lá và cánh cúc. Lại có lọ nhỏ, miệng nhỏ, thân hình cầu chia múi nổi, men xanh ngọc, cao 6cm.

Gốm men nâu ở đây không chỉ có loại chum lớn cao 59,5-66cm, có 4 tai nổi trên vai, men nâu phủ trùm không hết còn để lộ chân đế mà còn có nhiều loại hình khác với kích thước nhỏ. Bình có dáng tỳ bà (Yuhuchun), cao 8,3cm, men nâu đã bạc màu, phần không men có màu xám. Hũ miệng đấu, cổ eo hình trụ ngắn, vai phình thuôn xuống đế, vai có đính 2 tai nổi, men nâu đen, cao 16,5cm. Ấm miệng loe, cổ eo hình trụ, thân hình cầu, men nâu đen sẫm, cao 15,5cm.

Đặc biệt là một nhóm những lọ tròn dẹt hay hình cầu, miệng nhỏ phủ men nâu đen mà nay một số đã bị bong tróc gần hết và xung quanh còn dính các vết hàu biển. Chiều cao của chúng chỉ từ 4-4,8cm, cao nhất là 7,1cm. Một nhóm cối và chày gốm men nâu cũng là loại hiếm gặp. Cối được tạo dáng gần hình trụ, đáy bằng, không men. Loại cối to, đường kính miệng 15cm, cao 9,9cm, có thành dày, trong lòng và đáy không men. Cối loại nhỏ, đường kính từ 7,2-11,2cm, cao 6,3-8,8cm, men nâu phủ cả trong và ngoài. Các chày gốm tạo hình con tiện, 2 phía tròn hình chỏm cầu, dài 13,5-15cm (Nguyễn Đình Chiến – Phạm Quốc Quân, 2005).

4.3. Gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 15 phát hiện trong tàu cổ Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Kết quả khảo sát tàu cổ Phú Quốc (2004), tuy không đủ điều kiện cho việc tổ chức một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước nhưng các hiện vật tìm được đã cho thấy dấu tích một con tàu chở hàng hóa đồ gốm và ngà voi của Thái Lan. Những đồ gốm này mang lại những thông tin mới về niên đại gốm Thái tham gia xuất khẩu.

Gốm men ngọc bao gồm các loại đĩa tạo dáng chậu có vành miệng loe, gờ cắt khấc (đường kính miệng 26,5-28cm), trong và ngoài khắc chìm hoa sen và cánh sen. Lọ tỳ bà với miệng loe, cổ eo, thân dưới phình, cao trung bình 25cm. Lọ hình cầu dẹt cao 11-12,5cm, có miệng nhỏ, xung quanh miệng gắn 2-3 tai nổi. Cũng có loại lọ hình quả dưa, cao 12,5cm, miệng nhỏ, xung quanh thân chia nhiều dọc nổi.

Hũ miệng đứng, vai phình, thân thuôn (cao 14cm), xung quanh khắc rạch những đường sọc tạo cánh cúc.

Gốm men nâu có loại bình cao 27cm, chính là cùng loại và kích thước với chiếc bình trong tàu cổ Hòn Dầm (M. Flecker, 1992). Nhưng loại đồ gốm men nâu điển hình của gốm Thái là loại lọ miệng loe, cổ eo ngắn gắn 2 tai dọc thân dáng quả lê, cao 13,5cm-18cm. Có lẽ đây là một loại đồ đựng rượu, xung quanh thành ngoài còn rõ dấu vết của kỹ thuật vuốt trên bàn xoay, phần đáy không men. Một loại lọ rất bé khác cũng mang đặc điểm loại hình gốm Thái là lọ miệng nhỏ có gờ viền, cổ ngắn gắn 2 tai dọc nổi, vai xuôi, thân phình thu nhỏ về đáy, đáy bằng để mộc. Thân khắc lõm 2 băng cánh hoa và 3 đường chỉ chìm, phủ men nâu vàng.

Ngoài ra, phải kể tới loại chén miệng cúp, thành cao, sâu lòng, đế thấp và nhỏ, cao trên dưới 5,4 cm. Xung quanh thành ngoài trang trí các vạch thẳng song song lõm hình lòng máng. Dường như kiểu dáng này gần gũi với loại chén men ngọc thời Tống.

Gốm hoa lam ở đây chỉ là loại vẽ màu nâu đen rỉ sắt. Điển hình trong nhóm chính là loại đĩa dáng chậu, đường kính 27-32cm, cao 7-8cm, giữa lòng vẽ cá trong ô tròn, vành miệng vẽ lá trúc, thành ngoài vẽ mây.

Một loại đĩa khác có dáng miệng loe, thành vát, đường kính 24,5cm, cao 6,5cm, trong lòng vẽ hình cá và còn dấu kê 4 hay 5 mấu.

Loại bát vẽ men đen ở đây có miệng loe, thành cong, đế thấp, đường kính 16-17cm, cao 7-8cm, giữa lòng vẽ một cành hoa cúc, gờ miệng vẽ băng lá trúc...

Đây là một số trường hợp khá trùng hợp về kiểu dáng và trang trí của gốm châu Á mà chúng ta đã gặp trên gốm thời Nguyên, gốm hoa lam Việt Nam, thế kỷ 14-15 và gốm Thái Lan... Dù rằng sự khác nhau do nguồn nguyên liệu và kỹ thuật chế tạo nhưng sự tương đồng của loại hình và trang trí trên các mẫu bát đĩa hoa lam của 3 vùng châu Á là chắc chắn (Nguyễn Đình Chiến – Nguyễn Quốc Hữu, 2004 &2008).

5. Kết luận.

Đồ gốm sứ Đông Nam Á thế kỷ 15 tìm được ở Việt Nam hiện được lưu trữ tại các bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam cùng hệ thống bảo tàng các tỉnh, thành phố. Số lượng tập trung nhất là các cuộc khai quật khảo cổ học như Hoàng thành Thăng Long, các cuộc khai quật lò gốm cổ ở vùng Chu Đậu (tỉnh Hải Dương) và đặc biệt là các cuộc khai quật tàu cổ như Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Hòn Dầm (tỉnh Kiên Giang), Bình Châu (tỉnh Quảng Ngãi).

Đồ gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15 thể hiện một đỉnh cao của ngành sản xuất gốm sứ, chẳng những đáp ứng phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra vùng Đông Nam Á và thế giới. Gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15 góp phần soi sáng lịch sử triều Lê Sơ, một triều đại thịnh vượng có nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế, xã hội.

Đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 15 tìm thấy ở Việt Nam chủ yếu là mặt hàng gia dụng, chất lượng không cao, phản ánh tình hình giao thương bị hạn chế. Đó là điều chứng minh chính sách Hải cấm của triều Minh (1371-1561) có ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa với Đại Việt và các nước xung quanh.

Đồ gốm sứ Thái Lan thế kỷ 15 tìm thấy ở Việt Nam, không chỉ tại các di tích mộ táng cổ ở vùng Mường (tỉnh Hòa Bình), mộ của người Mạ (tỉnh Lâm Đồng) mà còn trong nhiều con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam.

Đồ gốm sứ trên các con tàu đắm cổ phát hiện được trong vùng biển Việt Nam đã chứng tỏ một tiềm năng to lớn cho việc nghiên cứu con đường tơ lụa trên biển Đông. Dù chỉ mới khai quật 6 con tàu cổ nhưng chúng tôi đã thấy sự phát triển của gốm Việt Nam trong giai đoạn thịnh vượng thế kỷ 15. Các dòng men, sự đa dạng và phong phú về trang trí của đồ gốm sứ Việt Nam trong tàu Cù Lao Chàm sẽ còn tiếp tục được nghiên cứu khám phá.

Những ảnh hưởng về tạo dáng và trang trí thể hiện trên đồ gốm sứ trong khu vực sẽ còn là đề tài nghiên cứu lý thú cho tất cả chúng ta. Những kho báu vật về đồ gốm sứ Trung Quốc ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu chuộng và ham thích. Đóng góp của các phát hiện tàu cổ chở hàng gốm sứ Trung Quốc còn mang lại nhiều nhận thức mới về gốm sứ Trung Quốc thời Minh.

Hơn thế nữa, những phát hiện này còn khẳng định tuyến đường lịch sử nối liền châu Á với châu Âu qua đường biển. Các loại hình và trang trí trên những đồ gốm sứ Trung Quốc còn mang đậm dấu ấn văn hóa giao lưu của châu Á và châu Âu. Dường như đó cũng là bằng chứng sống động về sức sống văn hóa truyền thống đã từng tồn tại qua nhiều thế kỷ.

Cũng qua phát hiện tàu cổ bị đắm ở biển Đông, chúng ta còn có dịp tiếp cận với đồ gốm Thái Lan và không ở đâu cho ta những căn cứ sinh động hơn để tìm hiểu về lịch sử giao thương gốm Thái, những loại hình và trang trí mang tính đồng đại với các nước khác trong khu vực.

Đối chiếu so sánh với những phát hiện khảo cổ học về đồ gốm sứ trên lãnh thổ Việt Nam, nghiên cứu những đồ gốm sứ trong các con tàu cổ ở biển Đông chúng ta còn có thể phác thảo con đường giao thương quốc tế qua vùng biển Việt Nam cũng như vẽ lại bức tranh toàn cảnh của đồ gốm sứ Trung Quốc - Việt Nam - Thái Lan thế kỷ 14 - 18.

Việt Nam và Hàn Quốc tuy cách xa nhau về địa lý nhưng có nhiều nét tương đồng, là quốc gia chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, Nhật Bản. Đặc biệt, trong ngành sản xuất đồ gốm sứ, Việt Nam cũng như Hàn Quốc có ảnh hưởng kỹ thuật công nghệ của của Trung Quốc nhưng chúng ta đều có sự phát triển riêng biệt. Thông qua bài viết này chúng tôi hy vọng rằng mọi người có thể nhận ra một quá khứ huy hoàng dưới các triều vua đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Thế kỷ 15 là một thời kỳ Hàn Quốc cũng như Đông Nam Á tỏa sáng. Những thành tựu của ngành sản xuất đồ gốm sứ ở Việt Nam là bằng chứng kỳ diệu có thể giúp các đồng nghiệp Hàn Quốc có cái nhìn so sánh với thời đại của vua Sejong, một thời đại vàng trong lịch sử Hàn Quốc.

TS. Nguyễn Đình Chiến
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4209

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Đồ gốm Đông Nam Á Thế kỷ 15

Đồ gốm Đông Nam Á Thế kỷ 15

  • 11/03/2019 15:30
  • 6594

(Phần 1) Vào thế kỷ 15, các nước Đông Nam Á có nhiều biểu hiện tăng trưởng, tình hình chính trị ổn định, kinh tế giao thương rất phát triển trong khu vực và quốc tế. Đây là thời kỳ nở rộ của nghề thủ công làm đồ gốm. Trong khi nhà Minh có lệnh cấm buôn bán đường biển (Hải cấm) chính là cơ hội cho gốm Việt Nam, Thái Lan xuất khẩu, góp phần thúc đẩy con đường tơ lụa trên biển. Bài viết này điểm qua những phát hiện khảo cổ học chứng minh tình hình phát triển và giao thương quốc tế thông qua một phần bức tranh toàn cảnh về gốm sứ Đông Nam Á ở thế kỷ 15.