(Phần 1)
Vào thế kỷ 15, các nước Đông Nam Á có nhiều biểu hiện tăng trưởng, tình hình chính trị ổn định, kinh tế giao thương rất phát triển trong khu vực và quốc tế. Đây là thời kỳ nở rộ của nghề thủ công làm đồ gốm. Trong khi nhà Minh có lệnh cấm buôn bán đường biển (Hải cấm) chính là cơ hội cho gốm Việt Nam, Thái Lan xuất khẩu, góp phần thúc đẩy con đường tơ lụa trên biển. Bài viết này điểm qua những phát hiện khảo cổ học chứng minh tình hình phát triển và giao thương quốc tế thông qua một phần bức tranh toàn cảnh về gốm sứ Đông Nam Á ở thế kỷ 15.
1.Bối cảnh lịch sử:
Vào thế kỷ 15 ở Trung Quốc là thời kỳ kết thúc của Vương triều Nguyên và sự mở đầu của Vương triều Minh. Trải qua các đời Hoàng đế Vĩnh Lạc (1423-1424), Tuyên Đức (1426-1435), Thành Hóa (1465-1487) và Hoàng Trị (1488-1505) nền kinh tế của nhà Minh có nhiều biểu hiện phát triển, đặc biệt là ngành chế tạo đồ gốm sứ. Nhiều trung tâm sản xuất gốm sứ rất nổi tiếng như Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), Đức Hóa (Phúc Kiến)… Việc giao lưu buôn bán về đồ gốm sứ đã mang lại nguồn lợi nhuận to lớn và sức lan tỏa rộng rãi trên khắp các châu lục. Đồ gốm sứ Trung Quốc thời Minh chịu sự kế thừa của nghề truyền thống qua thời Tống-Nguyên và ngày càng phát triển. Đỉnh cao là sứ xanh trắng, celadon, sứ men trắng, sứ tam thái, ngũ thái… gây được ảnh hưởng rộng rãi cho khách hàng từ châu Á đến châu Âu.
Tuy nhiên, do chính sách Hải cấm (haijin hay kaichin) của triều Minh (từ 1371-1567) có ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa với Đại Việt và các nước xung quanh.
Việc nhà Minh thi hành chính sách Hải cấm khiến cho một số mặt hàng thông thương truyền thống giữa Trung Quốc và Nhật Bản như tơ lụa, gốm sứ… bị cấm vận. Do vậy, thuyền buôn Nhật Bản và phương Tây phải tìm mua thay thế các loại hàng này từ các nước khác như Việt Nam, Ấn Độ, Xiêm La… hoặc sử dụng các hải cảng của nước này để trung chuyển hàng hóa. Điều đó đã biến các cảng thị của Đông Nam Á trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa trong vùng biển Thái Bình Dương và là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thương vùng biển giữa châu Á với châu Âu và ngược lại.
Vào thế kỷ 15, Việt Nam đã trải qua giai đoạn lịch sử cuối triều Hồ với nền kinh tế chậm phát triển, nền chính trị khủng hoảng. Sau đó, Việt Nam bị nhà Minh đặt ách đô hộ trong khoảng 10 năm (1417-1427). Với cuộc khởi nghĩa của anh hùng Lê Lợi đã quét sạch quân xâm lược nhà Minh mở ra một trang sử mới trong lịch sử Việt Nam. Vương triều Lê thành lập, lịch sử Việt Nam gọi là triều Lê Sơ (1428-1527). Trong thời gian lịch sử này nước Đại Việt với kinh đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay) đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa. Đất nước ổn định, kinh tế phát triển, giao lưu hàng hóa không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra khu vực và quốc tế. Nước Đại Việt là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á. Nhà Lê Sơ lấy tư tưởng Nho giáo làm nền tảng được tổ chức chặt chẽ. Luật pháp được xây dựng khá hoàn hảo.
Dưới thời Lê Sơ, cùng với việc duy trì quan hệ với Trung Quốc, Đại Việt còn đón tiếp thương nhân và các sứ thần một số quốc gia Đông Nam Á như Xiêm La, Trảo Oa, Mã Lạt Gia, Tam Phật Tề, Chiêm Thành, Ai Lao sang buôn bán, triều cống. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn chép sự kiện năm 1437, “Nước Xiêm La sai bọn Trai Cương Lạt sang cống, vua nhà Lê giao cho sắc thư mang về nước và trừ cho phần thuế buôn giảm xuống bằng nửa phần năm trước, cứ 20 phần thu 1 phần, rồi thưởng cho rất hậu. Ngoài ra, về phần Chúa nước ấy cho 20 tấm lụa màu, 30 bộ bát sứ, phần của bà Phi nước ấy là 5 tấm lụa màu, 3 bộ bát sứ, mỗi bộ 35 chiếc” (Đại Việt sử ký toàn thư, 1972: 346). Các ngành nghề thủ công đều được phục hưng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt nghề sản xuất gốm sứ đã đạt đỉnh cao. Với sự phát hiện nhiều sản phẩm gốm sứ chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á đã được giới thiệu trưng bày trong các bảo tàng, cũng như việc phát hiện và khai quật khảo cổ học tàu cổ Cù Lao Chàm tại vùng biển tỉnh Quảng Nam đã chứng minh điều đó.
Vào thế kỷ 15, Thái Lan cũng là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển sau khi Vương triều Ayuthya thống nhất với triều Sukhothai từ năm 1438. Trong các ngành nghề thủ công đồ gốm sứ Thái Lan cũng có nhiều biểu hiện phát triển. Gốm Thái Lan nổi tiếng với dòng gốm celadon, sản xuất tại trung tâm Sukhothai và Sawankhalok ở Bắc Thái Lan.
Trong nhiều năm qua ở Việt Nam đã có những phát hiện khảo cổ học rất quan trọng, phát hiện nhiều đồ gốm sứ thế kỷ 15 đáng chú ý như Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), khu mộ Mường (tỉnh Hòa Bình), khu mộ người Mạ (tỉnh Lâm Đồng), đặc biệt là những cuộc khai quật tàu cổ trong vùng biển Việt Nam như tàu cổ Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) (1997-1999), Hòn Dầm (tỉnh Kiên Giang) (1991), Bình Châu (tỉnh Quảng Ngãi) (2013)… Sau đây, chúng tôi trình bày về một số phát hiện đáng chú ý ở Việt Nam để gợi lên bức tranh toàn cảnh về gốm sứ Đông Nam Á vào thế kỷ 15.
2. Đồ gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15.
2.1. Đồ gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ngày nay, có tiền thân là Bảo tàng Loui Finot thuộc trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội. Việc sưu tập về đồ gốm sứ bao trùm các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp. Trong đó, đồ gốm sứ Việt Nam có khoảng trên 10 nghìn hiện vật thuộc các dòng gốm men ngọc, men nâu và hoa nâu, men trắng, hoa lam, nhiều màu, đồ sành, đồ đất nung v.v. Niên đại kéo dài từ đầu công nguyên đến đầu thế kỷ 20. Đồ gốm sứ thế kỷ 15 chủ yếu là đồ hoa lam mà đỉnh cao là các chủng loại hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ở đây chúng tôi trình bày về sưu tập hiện vật gốm sứ tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm thế kỷ 15, một trong số 6 con tàu cổ đã khai quật trong vùng biển Việt Nam.
Tháng 5 năm 1997 cho đến tháng 6 năm 1999, tàu cổ ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An), nay thuộc tỉnh Quảng Nam đã được thăm dò và khai quật khảo cổ học.
Số lượng hiện vật trong con tàu Cù Lao Chàm với hơn 240 nghìn, không kể hàng vạn mảnh vỡ, hàng nghìn hiện vật đã bị trục vớt trước khi khai quật khảo cổ là một con số khổng lồ. Trong số hàng hóa này có cả một số gốm Chămpa, Trung Quốc và Thái Lan, được các nhà nghiên cứu thống nhất cho là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Phần còn lại là hàng hóa gốm sứ có nguồn gốc sản xuất ở Chu Đậu (tỉnh Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội ngày nay) phía Bắc Việt Nam.
Niên đại con tàu cũng được các nhà khoa học thảo luận. Ở Việt Nam, các ý kiến đều cho là khoảng giữa tới cuối thế kỷ 15 dưới thời Lê sơ. Ý kiến về niên đại này khác hẳn với Butterfiels, cho vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 .
Chúng tôi cho rằng, hiện vật gốm tàu cổ Cù Lao Chàm phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với kiểu dáng, loại men và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
Xét về loại hình hiện vật đồ gốm, chúng ta thấy chỉ tập trung theo dòng gốm gia dụng, từ đồ đựng đến đồ dùng ăn uống, ngoại trừ một vài loại dùng cho tín ngưỡng tôn giáo như lọ kendi, lư hương. Nhiều loại hình tạo theo kiểu dáng truyền thống như âu, ang hình cầu, chén, hộp, lọ các loại nhưng cũng xuất hiện những loại hình mới độc đáo như: ấm hình rồng, phượng, thú hay quả đào, bình và ấm hình tỳ bà (yuhuchun), tước, bình phỏng dáng mai bình, hộp hình cua cá. Trong số này cũng có những loại hình mang đậm ảnh hưởng về tạo hình của gốm sứ Nguyên-Minh (Trung Quốc).
Về trang trí trên đồ gốm sứ Cù Lao Chàm gây ấn tượng nhất là dòng gốm hoa lam, hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như trên đĩa, bát, kendi, lọ tỳ bà (Yuhuchun), chén quả đào, tượng người, hộp... Dòng gốm hoa lam của Việt Nam ở thế kỷ 15 đặc biệt đáng chú ý với 2 cách thể hiện:
- Vẽ chi tiết, nét mảnh, những người sưu tầm gốm Việt Nam gọi là “pake”.
- Vẽ thoáng với nét đậm.
Tùy theo từng chủng loại gốm mà ta thấy tài khéo của người sản xuất.
Gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim là hiện tượng xuất hiện lần đầu tiên trong sản xuất gốm sứ ở Việt Nam. Thí dụ loại bình tỳ bà cao khoảng 101/4 inches (26cm) ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng nước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân. Đây cũng là kỹ thuật trang trí mới lạ, đặt ra câu hỏi: Trang trí vàng kim, nguồn gốc và kỹ thuật ở Việt Nam?
Cũng trong đồ gốm Cù Lao Chàm còn thấy một số loại hình bình, lọ, ấm, đĩa phủ men xanh cobalt sau đó vẽ vàng kim. Điểm đặc biệt khác là loại bát, đĩa, chén gốm men trắng mỏng, trong lòng trang trí in nổi hoa mai dây hay in nổi hình rồng mây và sóng nước. Loại này có xương rất mỏng, nhiều chiếc thấu quang đạt tiêu chuẩn đồ sứ. Ngoài phát hiện trong tàu Cù Lao Chàm ở Việt Nam loại gốm men trắng này còn được tìm thấy ở lò gốm Chu Đậu (Hải Dương), Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh (Thanh Hóa)...
Đồ gốm sứ trong tàu Cù Lao Chàm đã gây nhiều bất ngờ về nhận thức cho giới nghiên cứu gốm sứ cả trong và ngoài Việt Nam, và chắc chắn sẽ còn được bàn thảo, công bố nhiều hơn nữa.( Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2008)
2.2. Đồ gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15 tìm được tại khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long.
Cuộc khai quật khảo cổ học do Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành năm 2002-2003 là cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô rất lớn với trên 24 nghìn m2, đã phát lộ một phức hệ di tích, di vật phong phú góp phần soi sáng lịch sử của kinh thành Thăng Long qua nhiều triều đại trong lịch sử Việt Nam trong đó có triều Lê Sơ.
Các loại hình vật liệu trang trí kiến trúc bằng đất nung, gốm men và đồ đá đã cho thấy những bằng chứng xác nhận về các công trình cung điện lâu gác nguy nga với trang trí rồng, phượng, hoa sen, hoa cúc. Đặc biệt là những đồ Ngự dụng, những đồ gia dụng của Hoàng cung mà tập trung nhất là nhóm đồ gốm thuộc dòng gốm men trắng và gốm hoa lam. Sự hoàn hảo và tinh mỹ của sản phẩm gốm thể hiện trình độ tạo tác gốm sứ rất tinh xảo ngay tại kinh thành Thăng Long. Nhiều bát, đĩa gốm men trắng mỏng là loại được nung đơn chiếc, men phủ kín đáy và mép vành chân đế. Có chiếc bát in nổi cặp rồng 5 móng xen kẽ văn mây hình khánh, giữa lòng in nổi chữ Quan. Ở đây cũng tìm được loại bát gốm men trắng mỏng trang trí in nổi hoa cúc dây, giữa lòng cũng in nổi hay viết chữ Quan bằng men lam.
Nhiều bát đĩa hoa lam vẽ trang trí hình rồng 5 móng, giữa lòng in nổi chữ Quan hoặc chữ Kính là các dấu hiệu đích thực phản ánh thuộc dòng đồ Ngự dụng. Những bát,đĩa hoa lam vẽ rồng,phượng này chắc chắn là sản phẩm được dùng trong cung cấm. Đặc biệt các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều bát đĩa hoa lam có viết chữ Trường Lạc, Trường Lạc cung, Trường Lạc khố chỉ rõ là đồ dung trong cung Trường Lạc ở kinh đô Thăng Long của bà Thái Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ vua Lê Thánh Tông (1460-1497) (Bùi Minh Trí, 2004: 106).
Ngoài bát, đĩa các loại như trên khu vực khai quật còn tìm thấy nhiều đĩa đèn dầu lạc men trắng, ấm rượu, bình vôi, ống đựng bã trầu, phản ánh phong tục ăn trầu phổ biến trong tầng lớp vua quan hoàng tộc triều Lê Sơ.
TS. Nguyễn Đình Chiến