Lần đầu tiên vùng đất thiêng liêng ngàn đời hiện ra qua lớp dấu tích kiến trúc dày hàng mét chứa hàng triệu tiêu bản di vật niên đại suốt từ thế kỷ VII – IX đến thế kỷ XIX – XX. Trên diện tích khoảng 19.000m2 đã phát hiện những dấu tích của các công trình kiến trúc lớn và hàng ngàn di vật nguyên vẹn, trong đó phần lớn là các loại hình vật liệu xây dựng- kiến trúc bằng đất nung như gạch, ngói, đồ gốm trang trí … Cho đến nay công tác khai quật tại hiện trường đã tạm ngưng để chỉnh lý và nghiên cứu hiện vật và bước đầu tiến hành việc bảo tồn toàn bộ khu di tích. Trong tổng thể vật liệu xây dựng và trang trí khu cung điện Hoàng Thành thuộc các thời đại Lý – Trần – Lê có thể nhận biết đặc điểm của từng giai đoạn: thế kỷ VII – IX có hoa sen, hoa cúc, đầu linh thú dáng vẻ gân guốc dữ tợn, thời Đinh – Tiền Lê có hoa sen, tượng uyên ương, thời Lý đạt đến đỉnh điểm của sự tinh tế với các đồ án rồng phượng, uyên ương, hoa lá…thời Trần xu hướng trang trí có xu hướng khoẻ khoắn và đơn giản nhưng vẫn tinh tế và tỉ mỉ, thời Hậu Lê đã có sự khác biệt so với thời Lý – Trần ở chỗ trang trí trên gạch ngói rất đơn giản nhưng nhiếu đồ án hơn… Gạch “Giang Tây quân” – thời kỳ Đại La, thế kỷ VIII-IX (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long) Nhiều nhất là gạch xây thành số lượng lên đến hàng chục ngàn viên. Một phần đáng kể có in những chữ Hán như Giang tây quân, Đại Việt quốc quân thành chuyên, Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ thái bình tứ niên tạo, Vĩnh Ninh trường, Tráng phong quân, Tam tự quân… Nhiều loại gạch bìa, gạch hình chữ nhật, gạch vuông lát nền trang trí hoa sen, hoa cúc rất tinh xảo. Gạch Giang Tây quân là loại gạch do các đoàn quân chủ yếu từ vùng Giang Tây (Trung Quốc) được phái sang nước ta, tham gia công việc đóng gạch ngói xây dựng thành Đại La thời Bắc thuộc (thế kỷ VII – IX). Loại gạch này khá tốt còn được giai đoạn sau sử dụng lại. Những viên gạch khác hoặc in quốc hiệu, đời vua, địa phương, tên các đội quân …cho biết một thực tế là triều đình thời Lý và nhất là thời Trần đã thi hành chính sách động viên các địa phương và quân đội đóng góp công của vào công việc xây dựng kinh thành. Có thể nhận thấy khá nhiều phiên hiệu quân đội trên các viên gạch, từ đội quân ở các địa phương đến các đơn vị đóng ngay trong kinh thành. Các viên gạch phải in dấu tên địa phương hay quân hiệu là do sản phẩm phải qua nghiệm thu nghiêm nhặt và thưởng phạt công minh. Viên gạch có dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” Không chỉ có vậy, những viên gạch xây dựng còn cho ta nhiều thông tin thú vị khác. Đặc biệt gạch mang quốc hiệu Đại Việt quốc quân thành chuyên lần đầu tiên được tìm thấy tại di tích kinh thành Hoa Lư (Ninh Bình) thuộc thời Đinh – Tiền Lê thế kỷ X và đến nay tìm thấy rất nhiều tại khu vực Hoàng thành Thăng Long. Đây là loại gạch xây thành nước Đại Việt, vì vậy một vấn đề đã được đặt từ cuộc khai quật Hoa Lư trước kia lại một lần nữa đặt ra là: quốc hiệu nước ta thời Đinh – Tiền Lê và đầu thời Lý là Đại Việt hay Đại Cồ Việt? “Cồ” là một từ tiếng Nôm cũng chỉ sự to lớn (từ này hiện còn được sử dụng ở Nam bộ cũng với nghĩa này, có lẽ đã được những lưu dân người Việt mang theo vào vùng đất xa xôi này và “bảo tồn” từ thế kỷ XVI, XII đến nay?). Trong Việt sử lược (cuối thời Trần, khoảng sau năm 1377) chưa thấy ghi quốc hiệu nước ta từ thời Đinh – Lê đến thời Lý và thời Trần mà chỉ có hiệu các đời vua. Căn cứ vào chữ in trên những viên gạch xây thành Hoa Lư thì phải chăng, quốc hiệu thời Đinh – Tiền Lê và cả thời Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông chính là Đại Việt (cả hai từ đều là chữ Hán) nhưng trong dân gian thì vẫn phổ biến thói quen nói ghép hai từ Hán – Nôm đồng nghĩa nên gọi là Đại Cồ Việt (tương tự như từ: bông hoa), để rồi sử đời sau là Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê ghi lại quốc hiệu theo cách gọi dân gian này và cả sự kiện vào năm 1054, niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình năm thứ nhất, vua Lý Thánh Tông “đặt quốc hiệu là Đại Việt” như một sự “xác định lại” cách gọi tên nước ta cho đúng? Đây chỉ là một cách thử lý giải cho vấn đề nêu trên, hy vọng sẽ có thêm những tư liệu để có thể giải mã một cách thấu đáo hơn. Cùng với các loại gạch xây dựng là nhiều loại ngói lợp như ngói bò úp nóc, ngói ống, ngói âm dương, ngói mũi hài, mũi sen…Nhiều loại đầu ngói và lưng ngói gắn thêm các tượng uyên ương hay lá đề trang trí rồng phượng, hoa lá với hàng chục biến thể khác nhau.
Ngói ống tạo hình con Rồng, men vàng, thời Lê sơ ( thế kỷ 15) Ngói ống tạo hình con Rồng, men xanh, thời Lê sơ ( thế kỷ 15) Tượng đầu rồng, đầu phượng lớn, đầu linh thú cũng được tìm thấy ở nhiều vị trí trong hố khai quật. Tất cả đều là loại đất nung màu đỏ son, chất liệu rắn chắc, qua hàng trăm năm nằm trong lòng đất ẩm nhưng vẫn tươi màu, các chi tiết chạm khắc còn nguyên nét sắc xảo. Từ những di vật này có thể nhận biết các đồ án trang trí và ý nghĩa của chúng trong các kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long. Ngói úp nóc mái, gắn lá đề trang trí chim phượng, thời Lý (thế kỷ 11- 12) Đề án trang trí phổ biến là Rồng- Phượng theo kiểu “cặp đôi” Rồng hoặc Phượng trong một lá đề nguyên, hoặc đối xứng nhau bằng hai lá đề lệch. Trên các đầu ngói ống có trang trí rồng cũng vậy, đó là những con rồng thân uốn lượn nhiều khúc hình sin, mào lửa dài, mồm ngậm ngọc, đỉnh đầu có chữ S, vây lưng là những đao lửa nhỏ liền khít nhau. Là biểu tượng của sức mạnh thần thánh, sáng tạo và sắp đặt, Rồng tượng trưng cho đế vương, đồng thời, gắn liền với sấm sét, mưa, Rồng nối liền trời và đất bằng những cơn mưa mang lại sự sống trên mặt đất. Tượng đầu chim phượng, trang trí đầu nóc mái, thời Lý (thế kỷ 11- 12) Chim phượng gắn trên thân ngói úp nóc, thời Lý (thế kỷ 11- 12) Do đó Rồng là dấu hiệu của điềm lành, của một triều đại hưnh thịnh. Chim Phượng đối xứng chầu lá đề ( tượng trưng cho ngọn lửa hay mặt trời?) là loại mỏ to dài khoằm, mắt tròn lộ, mào hình lá đề, bờm lượn nhẹ, cánh rộng và đuôi uốn lượn xếp nếp nhiều đoạn. Dù bố trí đối xứng hay đứng riêng lẻ thì đầu Phượng vẫn ngẩng cao kiêu hãnh. Chim Phượng biểu tượng cho Hoàng hậu đối xứng với biểu tượng Rồng của Hoàng đế, đôi chim Phượng mang ý nghĩa giao duyên, hạnh phúc lứa đôi. Trang trí Rồng – Phượng là mô tip chủ đạo trên các kiến trúc ở Hoàng thành Thăng Long bởi đây là hai con vật tượng trưng cho Quyền uy, Thái bình và Thịnh trị. Một hình tượng khác cũng rất phổ biến là những con Uyên ương. Những tượng Uyên ương ở đây được thể hiện rất sinh động: mình thon thả hai cánh xoè rộng, ngực ưỡn đuôi cong, đầu ngẩng cao nhìn thẳng về phía trước, lông tỉa chạm rất chi tiết. Nếu hình tượng Rồng- Phượng mang lại cho ta cảm giác uy nghiêm xa cách thì trái lại, những con Uyên ương mềm mại, uyển chuyển cho ta cảm giác gần gũi, quen thuộc như ta đang ngắm nhìn bầy vịt thong thả bơi lội bên bờ ao làng. Nhìn từ trên cao xuống các công trình kiến trúc, những lớp ngói âm dương làm nền cho tượng Uyên ương xen giữa những lá đề lệch trang trí trên ngói bò úp nóc. Dường như khi được tập hợp từ nhiều miền quê về xây dựng kinh thành, các nghệ sĩ dân gian đã mang theo hình ảnh đàn vịt lội quấn quýt giữa hồ sen với lớp sóng nhẹ lăn tăn, rồi cách điệu hình tượng đậm đà tính dân gian này vào việc trang trí cung điện nguy nga sang trọng, như một hoài niệm về chốn thôn dã – nơi xuất thân của những vị vua nay đang ngự ở Hoàng Thành. Ngói úp nóc gắn tượng uyên ương, thời Đinh- Tiền Lê ( thế kỷ 10) Đề án trang trí các loài hoa như sen, cúc, mẫu đơn … trên gạch lát hay trên đầu ngói ống chiếm đa số trong các hiện vật cùng loại hình. Trước hết đây là những loại hoa phổ biến ở nước ta và sớm được chọn làm biểu tượng cho sự thanh cao, trong sạch, giản dị, nhất là trong quan niệm dân gian và tư tưởng Phật giáo. Hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” tượng trưng cho âm tính vì sống trong nước, sinh ra từ trong nước, trong bóng tối nhưng nở bừng ngoài ánh sáng như một sự thăng hoa về tinh thần, của sự hài hòa vũ trụ. Hoa cúc “hướng dương” với những cánh hoa được sắp xếp từng lớp như những tia sáng phát ra từ một tâm, biến hoa này trở thành biểu tượng của mặt trời, liên kết với ý niệm về sự trường thọ. Ở Trung Quốc và Việt Nam hoa cúc còn tượng trưng cho sự viên mãn, toàn vẹn, của cái đẹp hoàn hảo vì hoa cúc là hoa của mùa thu, mùa kết thúc một chu kỳ nông nghiệp. Thế giới âm dương hòa hợp “mưa thuận gió hoà” luôn là ước nguyện của con người. Gắn liền với các đề án trên là các dạng hoa văn sóng nước, mây, hoa lá…theo đồ án uốn lượn theo chiều ngang nhưng với những cao độ khác nhau, nhấp nhô xen kẽ nhau, là sự tuần hoàn chuyển động liên tục của không gian và thời gian trong vũ trụ. Những mô típ trang trí trên khá phổ biến ở Trung Quốc và nếu có mặt ở các nước trong khu vực Đông Nam Á thì thường được lý giải theo ý nghĩa và điển tích văn hóa Trung Hoa. Từ thế kỷ 10 Đông Nam Á bước vào giai đoạn xác lập các Quốc gia độc lập và phát triển thịnh đạt của các Vương triều phong kiến. Thế kỷ 10 là thế kỷ bản lề đánh dấu kỷ nguyên phục hưng chính trị và văn hóa trên toàn ĐNA với đặc điểm nổi bật là sự trở lại chính mình, khẳng định ý thức dân tộc và nền văn hoá dân tộc. Trong quá trình xác lập các vương quốc dân tộc đôi khi các cuộc xung đột là không tránh khỏi nhưng xu hướng cơ bản là thống nhất về lãnh thổ và văn hóa, trong đó tư tưởng Phật giáo là chủ đạo ở nhiều quốc gia ĐNA. Trong thiên niên kỷ này có thể nói văn hóa vật chất Đông Nam Á có sự phát triển vượt bậc mà thành quả của nó là những công trình phục vụ tôn giáo như chùa, đền tháp, các thành thị kinh đô mới … trong đó một số đã trở thành di sản văn hóa vô gía của nhân loại. Điều dễ dàng nhận thấy là các công trình lớn ở ĐNA trong thời kỳ này hầu hết đều phản ánh triết lý, tư tưởng Phật giáo. Anh hưởng rõ nhất là các loại hình vật liệu kiến trúc và đề tài trang trí. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như Borobudua “ công trình mang dấu ấn của Phật giáo Đại thừa” ở Indonesia TK VIII-IX; khu đô thị cổ Pagan – vùng đất tâm linh của người dân Mianmar –một vương quốc lấy Phật giáo Tiểu thừa làm quốc giáo, phát triển rực rỡ từ TK IX đến TK XII; kỳ quan Angkor, khu đền Bayon - nơi đóng đô của các vua trị vì ở Campuchia thời kỳ phát triển huy hoàng nhất trong lịch sử của dân tộc Khmer từ TK IX đến TK XV – công trình kiến trúc đền núi và tôn giáo Thần Vua mà biểu tượng Phật giáo tràn ngập khắp nơi; Thạt Luổng – ngôi tháp tâm linh của dân tộc Lào – một trong những ngôi tháp lớn nhất theo mô hình tháp Phật giáo có nguồn gốc từ An Độ, hình ảnh cõi niết bàn của Phật giáo Tiểu thừa; các công trình thời Ayutthaia ở Thái Lan TK XV –XVIII… Trong suốt nhiều TK Phật giáo có vai trò to lớn trong đời sống chính trị văn hóa xã hội của các quốc gia ĐNA, tuỳ những hoàn cảnh khác nhau mà ảnh hưởng của nó được thể hiện khác nhau, phong phú và đa dạng dù đều có một nguồn gốc chung từ Phật giáo An Độ. Trong bối cảnh một Đông Nam Á thống nhất và đa dạng như vậy, văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần không thể không chịu ảnh hưởng nhất định của văn hóa Đông Nam Á – mà trực tiếp và cụ thể là văn hóa Chămpa – bên cạnh một “ hình mẫu” trước mắt là cả ngàn năm văn hóa Trung Hoa. Điều này các nhà nghiên cứu khảo cổ học lịch sử và mỹ thuật Việt Nam đã có sự nhận biết từ trước qua kiến trúc và trang trí của một số chùa tháp và di vật còn lại từ các di tích khảo cổ học. Trong những vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc thời Lý – Trần phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long còn phát hiện một số viên gạch có chữ Chăm cổ, bằng chứng của việc có những người Chăm tham gia công cuộc xây dựng Hoàng Thành, càng làm đậm thêm ấn tượng đó (cũng như gần đây tại khu di tích Mỹ Sơn đã tìm thấy những viên gạch có chữ Trần – dấu tích của người Đại Việt tham gia xây dựng sửa chữa đền tháp Mỹ Sơn). Điều khác biệt so với những Di sản văn hóa Đông Nam Á nêu trên là ở Thăng Long – Đại Việt, các biểu tượng trên không mang duy nhất một ý nghĩa của Phật giáo mà ta có thể tìm thấy ở đó nhiều tầng nghĩa nữa, như ảnh hưởng của văn hóa Chămpa trong nghệ thuật điêu khắc, các biểu tượng phổ biến của tôn giáo An Độ, và cả nghệ thuật dân gian Đại Việt hồi sinh sau ngàn năm “ Bắc thuộc”, bên cạnh hướng lý giải khá phổ biến là từ điển tích và ý nghĩa biểu tượng của văn hóa Trung Hoa. Ví như có thể lý giải hình tượng chim Phượng như một hình thức của Garuda, hay Uyên ương – ngỗng thần Hamsa … Những di vật kể trên nằm trong tổng thể hàng triệu di vật các chất liệu như đá, đất nung, gốm sứ, gỗ, kim loại, di cốt cổ… phản ánh sự tồn tại và phát triển của Hoàng thành Thăng Long qua bao biến động của lịch sử suốt hơn mười thế kỷ. Chính vì vậy mà di tích Hoàng thành Thăng Long đã được quyết định bảo tồn toàn bộ và nguyên vẹn. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể nghiên cứu hết, nghiên cứu xong những vấn đề lịch sử – văn hóa liên quan đến di sản văn hóa vô giá này trong một vài năm, thậm chí một vài thập kỷ tới. Bảo tồn là cách tốt nhất để có thêm thời gian, tri thức và điều kiện vật chất cần thiết có thể đáp ứng những phương án tiên tiến của việc trùng tu, tôn tạo di tích trong một thời gian thích hợp. Bảo vệ di tích Hoàng thành Thăng Long là bảo vệ cho sự trường tồn và giá trị vĩnh cửu của Thăng Long – Đại Việt ngàn năm sau. TS. Nguyễn Thị Hậu (Ảnh Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội) |