Trong quá trình thu thập các nguồn tài liệu về đồ gốm Việt Nam có minh văn, chúng tôi đã gặp họ và tên của 27 tác giả làm gốm Việt Nam ở thế kỷ 15-17. (Nguyễn Đình Chiến, 1996 : 96 - 101). Nhưng đặc biệt nhất có 2 trường hợp rất đáng chú ý là gia đình tượng nhân Đặng Huyền Thông ở Hải Dương và Gia đình tượng nhân Đỗ Phủ ở Bát Tràng , đều thấy lưu danh trên những tác phẩm gốm thế kỷ 16- 17. Bài viết này xin giới thiệu về gia đình tượng nhân Đỗ Phủ lưu danh trên gốm Bát Tràng .
Trước đây, chúng tôi đã tập hợp tài liệu về 132 tác phẩm gốm có minh văn, trong đó có nhiều tác phẩm gốm lưu danh các thành viên của gia đình Đỗ Phủ và đã công bố trong sách Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, (Nguyễn Đình Chiến, 1999).Tượng nhân Đỗ Phủ là một người làm gốm ở Bát Tràng có họ tên trùng với nhà thơ Đỗ Phủ nổi tiếng thời nhà Đường ở Trung Quốc. Họ tên của tượng nhân Đỗ Phủ còn thấy lưu danh cùng vợ của ông là bà Nguyễn Thị Bản , con trai là Đỗ Xuân Vy, con gái là Đỗ Thị Tuân và con dâu (vợ của Đỗ xuân Vy) là Lê Thị Ngọc trên 13 tác phẩm gốm Bát Tràng thế kỷ 16-17. 13 tác phẩm gốm này đều thuộc loại hình chân đèn và lư hương. Hiện nay Bảo tàng lịch sử Quốc gia (BTLSQG) lưu giữ 7 chiếc chân đèn và lư hương , Bảo tàng mỹ thuật Quốc gia (BTMTQG) lưu giữ 2 chiếc chân đèn ; Bảo tàng Nam Định (BTNĐ) lưu giữ một bộ chân đèn và lư hương; 2 chiếc chân đèn lưu giữ trong sưu tập riêng của The Family Collection, USA và ở Australia.
Một đặc trưng nổi bật của loại gốm thờ thời kỳ này là chân đèn và lư hương đều được tạo dáng khá cao. Chân đèn (còn gọi cây đèn) có chiều cao khoảng 72cm đến 86cm. Chính vì vậy, tượng nhân phải tạo 2 phần rời rồi lắp khớp lại sau khi nung. Các lư hương còn lại đến nay cũng thấy tạo 2 phần tuy không tách rời nhau , cao tới 40cm. Một đặc điểm nữa đáng chú ý là hoa văn trên cả chân đèn và lư hương đều kết hợp trang trí nổi để mộc (không phủ men) và vẽ xanh cobal.


Hai tác phẩm gốm lưu danh các thành viên trong gia đình tượng nhân Đỗ Phủ là 2 chiếc lư hương (nay chỉ còn phần dưới) hiện lưu giữ tại BTLSQG, chỉ còn chiều cao 25-25,5cm. Phần dưới lư hương có cấu tạo gồm 2 đoạn, trên dáng như chiếc chén, dưới như dáng chiếc chuông thấp, xung quanh thân và đế chạm nổi 2 băng lá đề phủ men rạn màu trắng xám. Cả hai bài minh văn chữ Hán trên hai chiếc chân đế lư hương này đều khắc 20 dòng dọc theo chiều cao của lư trước khi nung, và cũng đều cho biết thông tin về tượng nhân Đỗ Phủ xã Bát Tràng cùng vợ Nguyễn Thị Bản, con trai Đỗ Xuân Vy và con gái Đỗ Thị Tuân tạo tác. Bên cạnh đó còn có thông tin về các thiện nam tín nữ thuộc 8 dòng họ: Đàm, Nguyễn, Hoàng , Đỗ, Phạm, Bùi, Lê và Ngô thuộc xã Quách Xá và Lưu Xá huyện Đan Phượng , phủ Quốc Oai cung tiến một tòa bình hoa (tức lư hương này) làm của Tam bảo. (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 60-61).


Chân đèn 2 phần (vì chân đèn gồm 2 phần trên và dưới ghép lại với nhau) hiện nằm trong sưu tập của The Family Collection, USA. Phần trên, đoạn miệng chỉ còn viền nổi, 2 đoạn còn lại có chiều cao cân đối nhau, 2 phía hơi loe. Phần dưới chân đèn có dáng chóe cao, vai và thân trên phình, thân dưới thuôn, chân đế choãi.Trang trí nổi có 4 hình chim phượng bay xen 2 mặt hổ phù ngậm vòng tròn ở thân trên và một hình rồng kiểu yên ngựa ở thân dưới. Trang trí vẽ lam có băng cánh hoa trên vai, băng cánh sen đầu vuông, bên trong vẽ dải xoắn ốc. Men nâu tô ngoài hình chim phượng, hổ phù, hình rồng và viền chân đế (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 82,143). Qua tấm ảnh từ The Family Collection, USA gửi cho, chúng tôi thấy3 dòng minh văn chữ Hán, khắc và tô men nâu. Phiên âm như sau: Thuận An phủ, Gia Lâm huyện, Bát Tràng xã, Đỗ Phủ tịnh thê Nguyễn Thị Bản tạo. Dịch nghĩa : Đỗ Phủ và vợ là Nguyễn Thị Bản người xã Bát Tràng ,huyện Gia Lâm, phủ Thuận An tạo tác.



Một chiếc phần dưới chân đèn khác, hiện lưu giữ tại BTLSQG, có hiện trạng khá nguyên, cao 52,3cm. Trang trí nổi để mộc có băng lá đề trên vai, hình rồng yên ngựa ở thân trên, bông hoa cúc 12 cánh nhọn ở chân đế. Trang trí vẽ lam có mây dải quanh hình rồng, cánh sen đứng ở thân dưới, dây hoa lá cúc ở chân đế. Men vẽ màu xanh đen, men phủ màu trắng xám. Minh văn chữ Hán khắc 18 dòng dọc theo chiều cao. Nội dung minh văn cho biết, tượng nhân Đỗ Phủ và vợ là Nguyễn Thị Bản, cùng con trai Đỗ Xuân Vy và con dâu là Lê Thị Ngọc ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An tạo tác. Minh văn còn cho biết thời gian hoàn thành chân đèn vào ngày 3 tháng 5 (Âm lịch) niên hiệu Đoan Thái 2 (1586) dưới đời vua Mạc Mậu Hợp. Người đặt làm chân đèn này để cung tiến là vợ chồng Phò mã Mạc Ngọc Liễn và Công chúa Phúc Thành (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 68, 128).




Nhưng điều phát hiện thú vị khác là trong sưu tập gốm men rạn hiện lưu giữ tại BTLSQG còn có một cặp chân đèn lưu danh tượng nhân Đỗ Phủ. Cả hai chiếc chân đèn này đều có 2 phần rời lắp khớp lại, cao 64,8cm. Phần trên, miệng đấu, khoảng giữa phình tang trống, 2 phía hình loa. Phần dưới dáng như loại chóe cao. Trang trí nổi từ miệng đến chân đế gồm các băng dây hoa lá, lá đề bên trong có chữ Vạn, lông công và bộ tứ linh (Long , Ly, Quy, Phượng) đặt trong 4 ô tròn hình bông hoa. Hình rồng nổi ở phần dưới 2 chân đèn này đối xứng, 2 đầu rồng hướng vào nhau tạo nên dáng vẻ cân đối,vững chãi khi đặt trên ban thờ. Xương gốm màu xám xốp. Men rạn phủ ngoài có màu vàng xám. Minh văn khắc 4 dòng chữ Hán trước khi nung trên cả hai chân đèn đều giống nhau. Nội dung cho chúng ta biết Đỗ Phủ người xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm tạo tác. Thời gian tạo tác trong khoảng niên hiệu Hoằng Định (1600-1618) đời vua Lê Kính Tông. Như vậy, họ tên tượng nhân Đỗ Phủ đã lưu danh trên chân đèn và lư hương của dòng gốm hoa lam ở Bát Tràng. Không những thế, Đỗ Phủ còn là người xuất hiện đầu tiên trong dòng gốm men rạn ở Bát Tràng (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 82;76 -177).
Về tượng nhân Đỗ Xuân Vy, con trai Đỗ Phủ, hiện còn thấy xuất hiện trên nhiều tác phẩm chân đèn và lư hương khác rất đặc biệt. Dựa trên so sánh loại hình, trang trí và men mà trong đó đặc biệt là băng dây hoa lá với bông hoa 12 cánh nhọn để mộc xuất hiện ở quanh chân đế , chúng tôi đã xác định được phần dưới chân đèn của BTLSQG cao53,5cm và phần dưới chân đèn của BTMTQG cao 42cm, đều là tác phẩm do Đỗ Xuân Vy tạo tác (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 77,140). Điều kết luận này càng được khẳng định khi xem kỹ ở phần dưới chân đèn BTLSQG còn có dòng chữ Hán: Bát Tràng xã, Đỗ Xuân Vy tạo. Chiếc chân đèn gốm hoa lam trong sưu tập riêng ở Australia, dẫu không có minh văn nhưng với bông hoa 12 cánh nhọn để mộc ở chân đế đã xác nhận một tác phẩm gốm của Đỗ Xuân Vy.





Tượng nhân Đỗ Xuân Vy còn thấy lưu danh trên các tác phẩm gốm tạo tác vào năm 1589 và 1590. Đó là một cặp chân đèn 2 phần, hoàn toàn trang trí vẽ men xanh cobal. Men nâu chỉ dùng tô trên các đai nổi, viền miệng và chân đế. Do yêu cầu về sử dụng hiện vật trưng bày trước đây nên cặp chân đèn này được giao cho BTLSQG và BTMTQG, mỗi nơi giữ một chiếc. Chiều cao của cặp chân đèn này từ 71,2cm đến 72cm. Trang trí vẽ lam trên cặp chân đèn này gồm đề tài hình chim phượng bay, rồng mây, cánh sen đứng, lá đề, dây lá hình sin. Men vẽ màu xanh đen, men phủ màu trắng xám. Minh văn chữ Hán khắc trên 2 chân đèn cho biết người tạo tác là Đỗ Xuân Vy, xã Bát Tràng. Thời gian tạo tác là ngày 1 tháng 4 (Âm lịch) niên hiệu Hưng Trị 2 (1589). Ngoài ra, minh văn còn cho biết cặp chân đèn này do các sãi vãi ở xã Thanh Lãng, huyện Văn Giang , phủ Thuận An đặt làm để cúng dường chùa Quan Âm làm vật Tam bảo (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 70;134 -135).




Bộ chân đèn và lư hương còn khá nguyên hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định cũng do tượng nhân Đỗ Xuân Vy tạo tác. Chân đèn còn đủ 2 phần, lắp khớp với nhau, cao76cm. Trang trí nổi để mộc gồm các dải hoa, chữ Phật, hình chim phượng múa, tượng rồng có cánh ở phần trên. Phần dưới có băng lá đề ở vai, hình rồng yên ngựa và mây, cánh sen đứng có xoắn ốc, băng lá đề tô men nâu, dây hoa lá với bông hoa 12 cánh nhọn không men và băng răng cưa. Trang trí vẽ lam có 6 cánh hoa xung quanh miệng, mây tản xung quanh hình chim phượng và rồng, hình kỳ lân trước đầu rồng và dây lá ở chân đế. Minh văn khắc 1 dòng trước đầu rồng cho biết chân đèn được tạo tác vào ngày 20 tháng 8 (Âm lịch) niên hiệu Hưng Trị 3 (1590) đời vua Mạc Mậu Hợp. Cùng bộ với chân đèn trên đây là lư hương cao 40cm. Đây là chiếc lư hương còn đày đủ hình dáng của loại lư cao. Lư có miệng loe, cổ hình trụ thấp, bụng phình kiểu tang trống đồng Đông Sơn. Chân đế lư có 2 đoạn tương tự 2 chiếc chân đế lư đã giới thiệu trên đây. Giữa bụng và chân đế lư còn gắn 4 chân quì chạm nổi đầu rồng. Trang trí nổi để mộc gồm loại bông hoa 12 cánh nhọn, hình rồng yên ngựa, kỳ lân, ngựa có cánh, diềm hình răng cưa, 4 chân quì chạm mặt thú và rồng. Trang trí vẽ lam có bông hoa trong ô chữ nhật ở cổ lư, mây quanh hình rồng, phượng. Minh văn chữ Hán khắc 27 dòng gồm 258 chữ, dọc theo chiều cao chân đế lư. Bài minh văn này phủ gần kín xung quanh chân đế lư, tương tự 2 chiếc chân đế lư đã giới thiệu ở trên. Nội dung bài minh văn này cho biết các sãi vãi lớn nhỏ thôn Cự Linh, xã Phương Để, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường hưng công tạo một chiếc bình hoa cúng dường chùa Thanh Quang làm vật Tam bảo. Danh sách họ tên của nhiều người được ghi cùng với tên tự (tên chữ của họ) thuộc 7 dòng họ : Vũ, Âu, Cẩn, Nguyễn, Bùi, Phạm, Đỗ. Họ và tên tác giả tạo tác là Đỗ Xuân Vy, xã Bát Tràng. Đặc biệt cuối bài minh khắc họ tên người soạn văn là Tòng thị lang, Giảng dụ Vũ Bang Trinh (Nguyễn Đình Chiến, 1999: 75-77; 136-139). Bộ chân đèn và lư hương này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 2, Quyết định số 2599 QĐ/TTg ngày 30 tháng 12 năm 2013.
Như vậy là chúng tôi đã trình bày về 13 tác phẩm gốm Bát Tràng lưu danh các thành viên trong gia đình Đỗ Phủ. Trong số này có 7 tác phẩm có niên đại xác định theo minh văn rất cụ thể. 6 trường hợp khác, niên đại của chúng được xác định bằng việc so sánh loại hình, men vẽ, men phủ cùng đề tài trang trí và minh văn, đều nằm trong khoảng niên hiệu Đoan Thái (1585-1588) và Hưng Trị (1588-1591), nghĩa là khoảng những năm cuối thế kỷ 16 dưới đời vua Mạc Mậu Hợp. Nhưng đáng lưu ý nhất là những hoa văn trang trí nổi để mộc (không phủ men) như hình rồng có cánh, hình ngựa có cánh và bông hoa 12 cánh nhọn. Đây chính là những mẫu hoa văn rất đặc biệt, góp phần xác định niên đại cho nhiều đồ gốm khác không có minh văn.
TS.Nguyễn Đình Chiến
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc, 1995. Gốm Bát Tràng thế kỷ 15-19. Nxb. Thế Giới.
Nguyễn Đình Chiến, 1996. “Về 27 tác giả làm gốm Việt Nam ở thế kỷ15-17”. Thông báo khoa học BTLSVN, tr.96-101.
Nguyễn Đình Chiến, 1999. Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ 15-19. BTLSVN xb.
Nguyễn Đình Chiến, 2017. Đặng Huyền Thông- Tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc. Nxb. Thanh Niên.