Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/01/2019 10:02 39105
Điểm: 3.07/5 (15 đánh giá)
Từ những năm 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã biết đến những đồ gốm sứ Việt Nam qua các phát hiện tàu cổ bị chìm ở vùng biển Đông Nam Á. Những đồ gốm sứ Việt Nam cũng thường được tìm thấy cùng đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, chúng t­­­a lại chưa thấy có một con tàu nào chỉ chuyên chở đồ gốm sứ Việt nam riêng biệt. Trong khi đó, nhiều bảo tàng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á công bố những sưu tập đồ gốm sứ Việt Nam xuất khẩu có chất lượng cao. Điều đó chứng minh rằng đã có nhiều đồ gốm Việt Nam được xuất khẩu ra khu vực này từ những thế kỷ trước.

 

 
Bình gốm hoa lam, tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15

Bức tranh xuất khẩu gốm Việt Nam đã được phác thảo nhờ những phát hiện mới trong vùng hải đảo Đông Nam Á và Đông Á. Như­ng đáng chú ý hơn là đồ gốm phát hiện từ tàu cổ Rang Kwian ở tỉnh Chonburi, phía Đông Nam vịnh Thái Lan, năm 1976. Trong đó người ta đã phát hiện nhiều đồ gốm hoa lam Việt Nam thuộc loại hình bát, đĩa, chén, âu vẽ xanh cobalt đề tài cánh hoa lá cúc và văn mây hình khánh tư­ơng tự trên đồ gốm phát hiện ở Dazaifu (Nhật Bản). Cùng với đồ gốm Việt Nam còn có nhiều đồ gốm men ngọc lò Long Tuyền, Trung Quốc và đồ gốm Thái Lan, thế kỷ 13.

Tàu cổ Turiang (Malaysia) cũng tìm thấy những đồ gốm hoa lam có loại hình và trang trí t­ương tự đồ gốm Việt Nam trong tàu Rang Kwian, đặc biệt là loại bát hoa lam vẽ cành hoa lá cúc, niên đại 1305-1370.

Phát hiện tàu cổ Pandanan ở vùng biển Tây Nam Philippines tháng 6 năm 1993 và việc khai quật con tàu này trong khoảng tháng 2 đến tháng 5 năm 1995, đã mang lại nhiều kết quả lý thú về đồ gốm Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, thế kỷ 15. Trong đó theo thống kê số l­ượng đồ gốm Việt Nam có 4.722 chiếc, chiếm 75,6%. Gốm Việt Nam được sản xuất ở Gò Sành và Trường Cửu (Bình Định) chiếm từ 74%, còn lại là sản xuất ở phía Bắc Việt Nam (Eusebio Z. Dizon, 1996). Dựa vào phân tích khối l­ượng tiền đồng Trung Quốc tìm thấy cùng với những đồ sứ có nguồn gốc sản xuất ở lò trấn Cảnh Đức và Long Tuyền, TS. Eusebio Z. Dizon đã cho niên đại của hàng hóa trong tàu này là cuối thế kỷ 14, đến giữa thế kỷ 15. Xem các hình ảnh đồ gốm hoa lam Việt Nam trong tàu do Allison I Diem giới thiệu, chúng tôi nhận thấy niên đại giữa thế kỷ 15 là có cơ sở thuyết phục.

Bức tranh về xuất khẩu đồ gốm Việt Nam càng rực rỡ hơn với việc phát hiện và khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm. Đây cũng là sự kiện khảo cổ học dưới nư­ớc đặc biệt ở Việt Nam. Kết quả khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã đ­ược phản ánh trong báo cáo khoa học năm 2000 của Phạm Quốc Quân, Tống Trung Tín (1999) và thông báo của Bound, Mensun (2001)

Số l­ượng hiện vật thu được qua khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm là hơn 240.000, không kể hàng vạn mảnh vỡ, hàng nghìn hiện vật đã bị trục vớt trái phép trước khi khai quật khảo cổ là một con số khổng lồ. Trong số hàng hóa này có cả một số gốm Champa, Trung Quốc và Thái Lan, được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Phần còn lại là hàng hóa gốm Việt Nam có nguồn gốc sản xuất ở vùng Hải Dương và Thăng Long, phía Bắc Việt Nam.

Niên đại con tàu cũng đ­ược các nhà khoa học thảo luận. Ở Việt Nam, các ý kiến đều cho là khoảng giữa tới cuối thế kỷ 15, dư­ới thời Lê Sơ. Ý kiến về niên đại này khác hẳn với Butterfiels, cho vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 (Butterfilds SanFrancisco, 2000).

Chúng tôi cho rằng, hiện vật gốm sứ trong tàu cổ Cù Lao Chàm đã phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với loại men, kiểu dáng và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

Sau đây, chúng tôi giới thiệu về loại hình hiện vật đồ gốm hoa lam, loại hàng hoá chủ yếu trong tàu. Chúng ta thấy chỉ tập trung theo dòng gốm gia dụng, từ đồ đựng đến đồ dùng ăn uống, và một vài loại dùng cho tín ng­ưỡng tôn giáo như­ lọ kendy, lư hư­ơng. Nhiều loại hình đồ gia dụng  tạo theo kiểu dáng truyền thống như­ âu, ang hình cầu, bát, đĩa, chén, hộp, lọ các loại nhưng cũng xuất hiện những loại hình mới độc đáo như: ấm hình rồng, phượng, động vật hay quả đào.

 
 

Ang gốm hoa lam có nắp và chén hình quả đào, quai hình chim vẹt,

 tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15

Chẳng hạn, ấm tạo hình quả đào có trang trí kết hợp vẽ lam và nhiều màu đề tài sư tử và mây. Ấm tạo hình tượng con rồng uốn khúc hình chữ U, đầu rồng làm vòi, mào và bờm uốn sóng, thân co lại, đuôi vểnh lên. Có chiếc ấm khác tạo hình chim vẹt đứng, cao 26cm, quai hình khuyên, vòi tròn, đầu và 2 cánh chim vẽ lam, bộ lông vũ vẽ men nhiều màu..

 
 
 
 

Ang ,ấm  gốm hoa lam hình tỳ bà , hình rồng và  hình chim phượng,

tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15

Ngoài ra, còn có nhiều loại bình và ấm hình tỳ bà, tư­ớc, bình phỏng dáng mai bình, hộp hình cua cá, nghiên mực hình con trâu. Lại có cả các loại tượng đồ chơi trẻ em như tượng con gà, cóc, lợn, người cưỡi ngựa... .Trong số này cũng có những loại hình mang đậm ảnh h­ưởng về tạo hình của gốm sứ Nguyên - Minh (Trung Quốc). Chẳng hạn, loại bình tỳ bà (yuhuchun) hay còn gọi bình ngọc hồ xuân, hoa lam, dù kích thước to nhỏ khác nhau nhưng đều có kiểu dáng tương tự nhau: Miệng loe, cổ eo cao, bụng phình, chân đế thấp. Mặt cắt dọc của loại hình này giống như cây đàn tỳ bà, có lẽ vì thế mà thành tên gọi! Trang trí vẽ lam thường phân chia bốn tầng hoa văn, theo trình tự từ trên xuống dưới: lông công (hay tàu chuối), cánh sen kép, tầng lớn nhất vẽ một trong những hình như chim chích choè, cá măng, loài thú hoặc bướm và mây, tầng dưới cùng vẽ cánh sen trong có xoắn ốc .Những trang trí này lại không hề thấy trên bình tỳ bà Trung Quốc.

Về trang trí trên đồ gốm hoa lam trong tàu cổ Cù Lao Chàm cũng gây ấn        t­ượng nhất. Dòng gốm hoa lam này mang đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ 15, đặc biệt mới lạ với 2 phong cách thể hiện:

- Vẽ chi tiết, nét mảnh.

- Vẽ thoáng với nét đậm.

Tùy theo dáng vóc và kích thước từng chủng loại mà ta thấy tài khéo trang trí của ng­ười thợ gốm. Trang trí trên đồ gốm Cù Lao Chàm được thể hiện rất phong phú các chủ đề kết hợp kỹ thuật trang trí nổi với vẽ lam hay vẽ nhiều màu trên men. Mỗi loại hoa văn lại có nhiều bố cục, nhiều cách thể hiện tạo nên sự đa dạng chưa từng có. Đồ gốm hoa lam với kỹ thuật thể hiện bằng bút lông đã cho thấy tài khéo vô cùng của người thợ gốm đương thời. Đó là một bút pháp điêu luyện tuyệt vời: khi thì tỉa vẽ thật chi tiết, khi thì phóng bút nhanh và thoáng. Lối thể hiện không gian ba chiều, luật viễn cận trong hội hoạ đều như được sử dụng rất nhuần nhuỵ. Chỉ đôi ba nét bút chấm phá đã vẽ nên cảnh non sông gấm vóc. Rõ ràng, chỉ bằng sự quan sát thần tình thế giới tự nhiên mới có thể vẽ nên cảnh gà chọi nhau, khỉ mẹ bồng con, sinh động đến thế. Lạ kỳ thay, chủ đề thế giới chim muông, tôm cá, côn trùng, ong bướm, chuồn chuồn của miền nhiệt đới lại được phô bày sinh động và đa dạng đến như vậy trên gốm hoa lam Cù Lao Chàm (Nguyễn Đình Chiến, 2001).

Nghiên cứu các đề tài trang trí trên gốm hoa lam Cù Lao Chàm còn cho chúng ta cảm nhận những nét mới lạ của mỹ thuật dân gian giàu chất liệu tươi mát và sáng tạo, bên cạnh tính chất cung đình, kinh viện của nền mỹ thuật Đại Việt ở thế kỷ 15.

 
 
 

  Hũ, đĩa và lọ gốm hoa lam , tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15

Chúng tôi thống kê một số chủ đề trang trí chính như sau:

- Hình tượng con người xuất hiện với tiên Ông, tiên Bà, những quý tộc trong lầu son gác tía, cụ già thả câu, trai gái chèo thuyền, một chiếc ô xoè rộng chở che cho đôi uyên ương quá giang như diễn tả một đám cưới trên sông. Đây là cảnh chiến binh trên lưng ngựa,  kia là cảnh trẻ nhỏ đùa vui, cưỡi trâu thổi sáo.

 

Tượng nữ quý tộc gốm hoa lam vẽ nhiều màu và vàng kim trên men , tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15

 
 

Ấm và đĩa gốm hoa lam vẽ nhiều màu , tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15

-Hình tượng động vật có từ loài linh vật: long, lân, quy, phượng, cho đến các loài thú vùng nhiệt đới: sư tử, voi, ngựa, trâu, bò, khỉ, hươu, chim đại bàng, vẹt, chích choè, chào mào, sáo, bói cá, vịt, thiên nga, chim sâu, dơi. Trong số này, hình tượng con ngựa được thể hiện rất tuyệt vời trên nhiều loại hình như kendy, bình tỳ bà, đĩa cỡ lớn, với nhiều tư thế khác nhau như phi nước đại, bay trong mây, cùng ông quan đội mũ cánh chuồn, người cưỡi ngựa sau có người hầu. Ngựa có cánh diễn tả như trong tư thế đang bay, phải chăng đã hoá thân từ huyền thoại Thánh Gióng đánh giặc Ân của dân tộc Việt. Hơn nữa, hình tượng ngựa trên gốm Cù Lao chàm còn ít nhiều mang màu sắc tôn giáo như con ngựa trong văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc.

 
 
 Đĩa và tước gốm hoa lam, tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15
 

Đĩa gốm hoa lam, tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, TK 15

-Đề tài côn trùng cũng được mô tả sinh động như các loài ong, bướm, chuồn chuồn.

-Các loài thuỷ tộc có rắn, cá chép, cá măng, cá trê, tôm, cua, ếch, nhái… đều được bố cục trong bối cảnh sinh thái.

-Phong cảnh sơn thuỷ, nhà cửa, chùa tháp, cung điện như ghi lại những hình ảnh kiến trúc đương thời. Đặc biệt, trên một âu hũ tròn có vẽ cảnh một phụ nữ đang tắm, khuất lấp sau một khóm cây có một chú nhỏ trèo lên ngó trộm, một người đàn ông ngoảnh mặt đưa quần áo cho người phụ nữ với vẻ ngượng ngùng. Đây là một cảnh sinh hoạt dân gian còn thấy xuất hiện trên nhiều chất liệu khác trong nghệ thuật cổ Việt Nam. Đáng chú ý hơn, lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện cảnh trai gái làm tình vẽ trên một chiếc đĩa hoa lam. Chỉ trong một diện tích hẹp của loại đĩa nhỏ, đường kính 12,5cm, nghệ nhân đã thể hiện rất tài tình, một cặp trai gái, một khuôn mặt nhìn nghiêng và một khóm lá tre .

-Hoa lá, cây cối là đề tài phổ biến với các lọai hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn, tùng, mai, trúc… cho đến cả tàu chuối, nhánh rong, cọng rau muống.

 

Đĩa gốm hoa lam, tìm được trong khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, TK 15

-Đề tài phong cảnh sơn thuỷ, tùng đình hay tam hữu, tứ linh, tứ quý tuy phảng phất ảnh hưởng trang trí trên gốm sứ thời Minh nhưng không hề thấy một nguyên mẫu tích cổ Trung Hoa, càng tỏ rõ truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

-Đồ gốm hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như­ trên đĩa, bát, kendy, lọ tỳ bà (yuhuchun), chén quả đào, tư­ợng ngư­ời, hộp... Trong số này, đĩa có rất nhiều kích thước khác nhau, đường kính có chiếc tới 50cm, nhưng phổ biến trên dưới 25cm. Trang trí vành đĩa vẽ cành rau, nhánh lá, lòng đĩa vẽ nhiều cảnh động vật như chim công, vạc, nghê, cá chép vượt Vũ Môn, cá hoá rồng, hươu trên đồng cỏ, đôi chích choè bên khóm trúc, đàn vịt bơi trong hồ sen… Đặc biệt hơn, gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim. Thí dụ loại tỳ bà cao 26cm, ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng n­ước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân….Một trường hợp rất đáng chú ý như bức tượng người phụ nữ quý tộc, cao 37,6cm, là tượng nghệ thuật thuộc loại hiếm và quý. Tượng ở tư thế đứng, mặt nhìn thẳng, tóc búi cao, trang trí nhiều bông hoa mai tròn nổi, khuôn mặt thanh tú, mi cong, mũi thẳng, tai dài, hai tay nâng một chiếc bình trước bụng, xiêm áo nhiều lớp, bao lưng có dải tua dài. Trang trí trên tượng vẽ lam kết hợp vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Đề tài vẽ lam và nhiều màu là chim phượng, hoa cúc, hoa sen, mây cuộn… Tuy phần vẽ nhiều màu đã bay, chỉ còn lại dấu vết nhưng dấu tích vẽ vàng kim còn lại nhiều chỗ trên thân tượng.

Vào thế kỷ 15-16 là giai đoạn đất nước Thái Bình, quốc gia phong kiến Đại Việt thịnh đạt. Các ngành kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp được nhà nước khuyến khích phát triển. Nhiều tài liệu đã chứng minh cho sự vươn xa của đồ gốm Việt Nam trong giai đoạn này (Bùi Minh Trí – Kerry Nguyen Long, 2001). Ở Bảo tàng Topkapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ) hiện còn trưng bày chiếc lọ gốm hoa lam mà minh văn viết bằng men lam trên vai lọ cho biết năm sản xuất là năm Đại Hòa thứ 8 (1450) của nghệ nhân họ Bùi, người ở châu Nam Sách (Phan Huy Lê – Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc (1995) .

 

Bình gốm hoa lam tại bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Niên đại 1450; Tượng nhân Họ Bùi vẽ ( hay Bùi Thị Hý).

 Cũng ở giai đoạn thế kỷ 15, nhiều đồ gốm hoa lam của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã phải ngạc nhiên trước sự xuất hiện của đồ gốm hoa lam phục vụ việc trang trí các công trình xây dựng ở Majapahit thuộc đảo Sumatra. Gạch men trang trí hoa lam cũng tham gia vào các công trình nhà thờ ở Troulan, Damark, tháp Rudus ở Indonêxia. Phát hiện tàu cổ Cù Lao Chàm cũng là bằng chứng gốm Việt Nam xuất khẩu với số lượng lớn, chất lượng hàng gốm rất cao. Nhiều chuyến hàng đã tới đích và có mặt trong nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á. Song, bên cạnh đó nhiều chuyến hàng đã không tới đích, còn nằm lại trên hải trình. Và, không chỉ có tàu Cù lao Chàm, nhiều con tàu khác đã được khai quật như tàu Rang Kwian, Sichang III ở Thái Lan và tàu Pandanan ở Philippin (Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân ,2008) đã chứng minh điều đó.

Đồ gốm thế kỷ 15 - 16, được sản xuất ở Thăng Long, ở Bát Tràng  chắc chắn có nhiều đóng góp vào sự bùng nổ của xuất khẩu gốm.

Có nhiều đồ gốm thu được trong các cuộc khai quật ở khu vực lò gốm Chu Đậu, Hợp Lễ, Cậy (Hải Dương) và khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, lâu nay, khiến cho việc phân định còn không ít khó khăn. Nhiều đồ gốm đạt trình độ kỹ thuật cao, xương gốm mỏng thấu quang, đạt tiêu chuẩn đồ sứ. Lớp men phủ bóng, mịn, đều làm cho sản phẩm gốm thêm hoàn hảo. Điều đó phản ánh sự lựa chọn và luyện lọc kỹ của xương gốm, tỉ lệ cao lanh tăng, xương gốm trắng và mịn, độ nung cao. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng gốm men sản xuất phục vụ xuất khẩu trong tàu cổ Cù lao Chàm đã có sự góp mặt của gốm ở Thăng Long. Chẳng hạn như loại bát gốm men trắng mỏng, có in nổi hình rồng mây, hoa lá. Bởi vì loại bát này không chỉ thấy trong tàu cổ Cù lao Chàm mà còn thấy xuất hiện ở Thăng Long, Lam Kinh khá nhiều.

Trong khu khảo cổ học Thăng Long năm 2003, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy không chỉ loại bát, chén, đĩa men trắng mỏng mà còn các loại bình, hũ, bình vôi gốm men trắng. Những sản phẩm gốm này đã phản ánh mặt hàng gốm có chất lượng cao bởi kỹ thuật tạo dáng và trang trí rất điêu luyện.

Ngoài gốm men trắng, gốm hoa lam, các trang trí màu cobalt dưới men được vẽ bằng bút lông nét nhỏ. Đặc biệt, nhiều đĩa bát chén vẽ lam đề tài rồng phượng, với hình rồng 5 móng, cũng gặp không ít. Trước đây Bảo tàng Louis Finot có thu thập được một số đồ gốm hoa lam vẽ rồng phượng như bát vẽ rồng, đường kính 12,3 cm, cao 7,8cm; bát vẽ phượng đường kính 14,2 cm, cao 6,6 cm (Phan Huy Lê – Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc ,1995) Nay phát hiện nhiều đồ gốm men cao cấp như bát đĩa hoa lam vẽ rồng 5 móng, phượng thời Lê Sơ, thế kỷ 15, nên các nhà khảo cổ đã cho rằng đây là "đồ ngự dụng dành riêng cho vua và hoàng hậu".

 
 

   Một cặp chân đèn gốm hoa lam: do Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu tạo tác;

Ngày 24 tháng 6, năm Diên Thành 3 (1580).

 
 

Chân đèn và lư hương do Đỗ Xuân Vi tạo tác ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590). (Bảo vật quốc gia)

Đồ gốm hoa lam được sản xuất ở vùng Chu Đậu, Hợp Lễ, Cậy (Hải Dương) Bát Tràng và Thăng Long (Hà Nội) còn thê hiện tính phong phú, đa dạng đặc biệt ở loại hình đồ thờ là chân đèn và lư hương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trên các loại hình này không chỉ thể hiện sự tài khéo của người thợ gốm trong việc kết hợp trang trí nổi để mộc với vẽ lam. Hơn nữa, cũng trên các loại hình này còn thể hiện nhiều minh văn chữ Hán – Nôm cho biết nhiều thông tin về niên đại, họ và tên, quê quán của các nghệ nhân, về những thiện nam tín nữ cùng quê quán của họ đã đóng góp cho việc đặt hàng gốm để cung tiến vào các ngôi chùa, đền, miếu. Chính vì vậy, chúng tôi đã tập hợp những đồ gốm hoa lam này góp phần xây dựng bộ cẩm nang giúp cho việc giám định những đồ gốm Việt Nam khác không rõ niên đại (Nguyễn Đình Chiến ,1999). Nghiên cứu gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16 không chỉ cung cấp tài liệu cho lĩnh vực nghiên cứu hàng hóa thời đó mà còn góp phần soi sáng nhiều vấn đề lịch sử xã hội khác…

Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16 là một mảng màu tươi sáng và rực rỡ nhất trong bức tranh toàn cảnh của gốm hoa lam Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Chiến

 

Tài liệu dẫn

1.Bound, Mensun (2001), Prelimainary typology of Material from the Cu Lao Cham wreck (1997 – 1999), St. Peter’s College, Oxford.

2.Butterfilds Auctioneers Corp (2000), Treasures from the Hoi An Hoard, Vol 1 & 2, Sanfrancisco.

3.Nguyễn Đình Chiến (1999), Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, thế kỷ XV – XIX, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội

4.Nguyễn Đình Chiến (2000), “Sưu tập hiện vật độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm”, TBKH Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, HN, tr. 28 – 41.

5.Nguyễn Đình Chiến (2008), “Vietnamese Blue-and-white Ceramics from the Cu Lao Cham shipwreck” Viet Nam from myth to modernity. Asian Civilisation Museum, p 29-31.

6.Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân (2008), Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xb, Hà Nội

7.Diem, I Allison (2001), “Vietnamese ceramics from the Pandanan shipwreck excavation in the Philipines”, Taoci, No. 2, December 2001, pg. 87 – 93.

8.Dizon, Z (1996), “Anatomy of a Shipwreck: Archaeology of the 15th century Pandanan Shipwreck”, The pearl roard tales of treasure ships in the Philippines, Manila.

9.Phan Huy Lê – Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quang Ngọc (1995). Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV- XIX. Nxb Thế Giới, Hà Nội.

10.Phạm Quốc Quân, Tống Trung Tín (1999), Báo cáo kết quả thăm dò và khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) năm 1997 – 1999, Tư liệu lưu tại Ban Khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm.

11.Bùi Minh Trí – Kerry Nguyen Long (2001), Gốm hoa lam Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4277

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

DI SẢN VĂN HÓA BIỂN VIỆT NAM TỪ CÁC CON TÀU ĐẮM

DI SẢN VĂN HÓA BIỂN VIỆT NAM TỪ CÁC CON TÀU ĐẮM

  • 22/01/2019 10:00
  • 5735

Biển Đông có vị trí quan trọng về địa kinh tế, địa chính trị, văn hóa, địa quân sự trong khu vực. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý trường tồn “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, chân lý đó đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, là nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.