Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/10/2018 00:00 2577
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cuộc khai quật tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi) bắt đầu từ ngày 4/6/2013 đến ngày 23/6/2013, được tiến hành theo phương pháp hoàn toàn mới. Sau khi xây dựng bờ kè bằng cừ lá sen bao quanh dấu tích con tàu khoảng 300 m2, Ban khai quật đã cho hút cạn nước biển để tiến hành công việc như trên cạn. Chúng tôi đã giới thiệu kết quả sơ bộ về cuộc khai quật này trong Thông báo khoa học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân, 2013: số 2, tr83-87) và Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi) (Nguyễn Đình Chiến , Phạm Quốc Quân & Đoàn Ngọc Khôi, 2017). Kết quả khai quật cho thấy con tàu có 13 khoang, với 12 vách ngăn, chiều dài 20,5m và chiều ngang rộng nhất ở khoang giữa tàu là 5,6m (xem bản vẽ: Sơ đồ mặt bằng tàu cổ Bình Châu).

Cuộc khai quật tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi) bắt đầu từ ngày 4/6/2013 đến ngày 23/6/2013, được tiến hành theo phương pháp hoàn toàn mới. Sau khi xây dựng bờ kè bằng cừ lá sen bao quanh dấu tích con tàu khoảng 300 m2, Ban khai quật đã cho hút cạn nước biển để tiến hành công việc như trên cạn. Chúng tôi đã giới thiệu kết quả sơ bộ về cuộc khai quật này trong Thông báo khoa học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân, 2013: số 2, tr83-87) và Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi) (Nguyễn Đình Chiến , Phạm Quốc Quân & Đoàn Ngọc Khôi, 2017). Kết quả khai quật cho thấy con tàu có 13 khoang, với 12 vách ngăn, chiều dài 20,5m và chiều ngang rộng nhất ở khoang giữa tàu là 5,6m (xem bản vẽ: Sơ đồ mặt bằng tàu cổ Bình Châu).

Bản vẽ: Họa sỹ Nguyễn Sơn Ca

Hàng hóa trong tàu bao gồm nhiều loại hình đồ gia dụng như hũ, lọ, chậu, ấm, chén, bát và đĩa thuộc các dòng gốm sứ men nâu, men ngọc, hoa lam và trắng xanh. Trong bài viết này chúng tôi trình bày về các loại hình đồ sứ hoa lam tìm được qua khai quật tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi).

1.TÀI LIỆU

Các loại hình thuộc dòng sứ hoa lam tìm được trong tàu cổ Bình Châu, đa số bị vỡ nát. Đây là các loại hình thuộc đồ gia dụng, đều có kích thước nhỏ nhưng kiểu dáng và hoa văn mang phong cách và đặc trưng gốm sứ hoa lam thời Nguyên, thế kỷ XIII-XIV, tương đồng với những đồ sứ hoa lam đã tìm được ở nhiều nơi tại Trung Quốc , Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á.

1.Ấm rượu sứ hoa lam : có 2 chiếc.

Ấm có dáng quả bầu lọ có hai bầu, cao: 21,1cm; đkm: 2,2 cm, miệng cúp, eo giữa thân, chân đế thấp, đáy bằng không men. Ấm có vòi cao gắn với bầu dưới và sát với bầu trên. Quai ấm hình khuyên đối xứng với vòi. Nắp ấm hình núm quả bầu lọ. Xung quanh ấm có trang trí bằng những mảng men xanh đen không có hình thù nhất định, hoặc mảng 3 chấm mà chúng tôi tạm gọi là văn "hoa bèo" dưới men nền trắng ngà rạn. Ngoài chiếc ấm trên còn có một tiêu bản khác cùng loại đã vỡ mất phần trên, quai và vòi (Ảnh 1 a,b).

Ấm rượu sứ hoa lam

2.Lọ sứ hoa lam.

Đây là loại lọ sứ men trắng có trang trí bằng những mảng men xanh đen không có hình thù nhất định, hoặc mảng 3 chấm mà chúng tôi tạm gọi là văn "hoa bèo", cũng có khi vẽ cành hoa lá. Điểm chung giống nhau là dùng l loại men xanh cobalt, sắc độ xanh đen dưới lớp men trắng xanh rạn.

- Kiểu 1: Lọ cao: 5,5cm; đkm: 2,5 cm, có miệng đứng, gờ miệng tròn, thân chia kiểu "múi khế", đáy bằng không men. Giữa cổ và vai gắn 2 quai cong đối xứng, xung quanh thân cũng vẽ trang trí văn hoa bèo có 1 hay 3 chấm men xanh đen dưới men trắng (Ảnh 6)..

Lọ sứ hoa lam đen

- Kiểu 2: Lọ cao: 5,5cm; đkm: 2,5 cm ,tạo dáng hình quả lựu, gờ miệng dày có viền nổi, cổ ngắn hình trụ, thân hình cầu, đáy bằng không men. Giữa cổ và vai gắn 2 quai cong đối xứng, xung quanh thân vẽ trang trí văn hoa bèo 3 chấm tròn men xanh đen dưới men trắng (Ảnh 8). Cũng có lọ cùng loại, tuy chỉ còn mành nhưng xung quanh thân vẽ cành hoa lá (Ảnh 10).

Lọ sứ hoa lam

Trong số các mảnh vỡ của loại lọ Kiểu 1, chúng tôi thấy nhiều trường hợp bên trong lọ còn rõ dấu tích kỹ thuật ghép khuôn 2 nửa khi tạo hình , thành ngoài vẽ cành hoa lá (Ảnh 9 a,b).

Mảnh lọ sứ hoa lam

Ngoài ra chúng ta còn thấy nhiều mảnh vỡ của loại hình ấm và lọ đồ sứ hoa lam có cùng đặc điểm trang trí vẽ văn hoa bèo hay cành lá (Ảnh 7).

Mảnh ấm rượu và lọ sứ hoa lam đen

3. Mảnh đĩa sứ hoa lam

Đây là 3 mảnh của loại đĩa sứ hoa lam vẽ men xanh cobalt dưới men trắng xanh. Loại đĩa này có kích thước lớn, miệng loe, thành cong, lòng phẳng, chân đế thấp, đáy lõm không men. Thành trong đĩa vẽ băng hoa dây lá, hoa 5 cánh ,xen giữa các đường chỉ men lam. Thành ngoài vẽ băng hoa dây mẫu đơn giữa 2 cặp đường chỉ men lam. Kiểu dây lá uốn có tay xoắn, hoa mẫu đơn nhiều lớp cánh (Ảnh 16 a,b).

Mảnh đĩa sứ hoa lam

4. Nắp sứ hoa lam.

Trong nhóm đồ sứ hoa lam tìm thấy trong tàu cổ Bình Châu còn đáng chú ý có 5 chiếc nắp của loại lọ/ hũ nhỏ, có kiểu dáng và trang trí giống nhau nhưng kích thước khác nhau.

Đây là kiểu nắp tạo hình lá sen. Trên mặt nắp vẽ theo hình gân lá sen bằng men xanh cobalt dưới lớp men trắng xanh. Mặt dưới nắp tạo gờ nổi, trong lõm, phía ngoài có diềm phẳng, không phủ men (Ảnh 21).

Nắp sứ hoa lam

5. Mảnh bình sứ hoa lam

Đây là mảnh thân của loại bình sứ hoa lam vẽ hoa dây mẫu đơn giữa 2 cặp đường chỉ men lam. Kiểu dây lá và bông hoa mẫu đơn tương tự như trên đĩa. Dưới băng hoa dây là băng cánh sen”đầu vuông” trong có xoắn ốc (Ảnh 22).

Mảnh bình sứ hoa lam

6. Chén sứ hoa lam

Số lượng chén và mảnh chén tìm thấy trong tàu khá nhiều nhưng chỉ có một kiểu duy nhất là miệng loe, thành cong, chân đế thấp, đáy lõm không men. Giữa tâm của đáy cũng thấy nổi xoáy tròn phản ánh kỹ thuật tạo hình trên bàn xoay tương tự loại chén sứ men trắng cùng tìm thấy trong tàu. Sự khác biệt giữa các chén là đề tài trang trí trên thành miệng, giữa lòng và thành ngoài của mỗi chiếc. Những chiếc chén còn đủ hình dáng, cao: 4cm - 4,5 cm; đkm: 7,7cm - 8,5 cm, cho thấy thành miệng vẽ băng hoa chanh 4 cánh hay hồi văn chữ S gấp khúc, giữa lòng vẽ mây lửa hay để trơn, thành ngoài vẽ băng hoa cúc dây (Ảnh 24 a,b,c).

Chén sứ hoa lam

Quan sát nhiều mảnh vỡ của loại chén sứ hoa lam này, chúng tôi còn thấy các đề tài trang trí khác vẽ ở thành trong miệng chén như nửa băng hoa chanh hay hoa dây hình sin (Ảnh 23, 25 a,b).

Mảnh chén sứ hoa lam

Chén sứ hoa lam

Điểm đáng chú ý là giữa lòng của loại chén sứ hoa lam này không trang trí hoặc vẽ văn mây lửa nhưng thường có một chấm tròn khởi đầu. Cũng có khi giữa lòng chén còn thấy vẽ bằng men lam một bông hoa 5 cánh hay một cành hoa lá cúc trong ô tròn; 2 chữ Hán hay một chữ Thọ viết theo thể thảo thư (Ảnh 26; 27).

Mảnh chén sứ hoa lam

Bát sứ men lam - Thời Nguyên (1271 - 1368) (Shanghai Museum, 2012: 166)

2.NHẬN XÉT

Khi nghiên cứu tìm hiểu nhóm đồ sứ hoa lam tìm được trong tàu cổ Bình Châu, tuy số lượng và loại hình không nhiều, lại đều bị vỡ mẻ nhưng chúng tôi nhận thấy các loại hình này đều tương đồng với các loại đồ sứ hoa lam trong các tài liệu đã công bố hay hiện vật đang trưng bày tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á.Tiêu biểu như loại ấm rượu 2 bầu có quai hình khuyên, vòi cao, trên thân trang trí các mảng chấm men xanh đen là đồng loại của chiếc ấm sứ hoa lam hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Thượng Hải (Trung Quốc). Loại ấm này cũng tìm được trong tàu cổ Shinan, khai quật tại vùng biển Hàn Quốc, niên đại nửa đầu thế kỷ XIV (Ảnh 2). Chiếc ấm này cao: 10,9cm; đkm: 1,8cm (National Research Institute of Maritime Cutural Heritage of Korea, Guide, 2012: 109). Loại ấm này cũng được tìm thấy ở Philippine, cao 10,9 cm (Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997: 62). Ở đây còn tìm được loại ấm men trắng và loại vẽ các băng hồi văn, dây hoa lá và cánh sen ( Ảnh 3).

Ấm sứ men lam đen - Thời Nguyên, Nửa đầu tk: 14.Tàu Shinan

(National Research Institute of Maritime Cutural Heritage of Korea: 109.)

Lọ sứ hoa lam (Kiểu 1) trong tàu cổ Bình Châu có miệng đứng, thân tạo hình múi khế, vai có 2 quai nhỏ (Ảnh 6). Trên thân lọ trang trí các mảng chấm men đen cũng tìm thấy loại hình tương tự ở Philippine , có niên đại thời Nguyên, thế kỷ XIV. Cũng ở Philippine còn tìm được các loại lọ và hũ nhỏ có kiểu trang trí hoa văn tương tự (Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997:74) ( Ảnh 4, 5).

Lọ sứ men lam đen - Thời Nguyên, TK: 14.

(Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997: 74)

Lọ sứ hoa lam (Kiểu 2) có gờ miệng dầy, cổ ngắn hình trụ, thân hình cầu vẽ” hoa bèo” hay cành hoa lá cúc trong tàu cổ Bình Châu cũng được phát hiện khá nhiều ở Philippine, Singapore…Trong các tài liệu công bố, các tác giả đều xếp niên đại của loại hình lọ sứ hoa lam này vào thời Nguyên, thế kỷ XIV (Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997: 69, 71; S.T.Yeo & Jean Martin, 1978: 97,99; Trade Ceramics found in the Philippines from Collection of Mr & Mrs. Andrew Seki Drzik of Sato Art Museum Toyama, 1999: 68, 69; Shanghai Museum, 2012:163-165).

Đặc biệt có loại nắp của lọ sứ hoa lam vẽ lá sen (Ảnh 21), vốn là nắp của loại hũ/ chóe vẽ hoa dây mẫu đơn, phong cảnh người cưỡi ngựa và băng cánh sen đầu vuông, hiện vật gốc của Idemitsu Museum of Arts, Japan tham gia trưng bày tại Bảo tàng Thượng Hải (Shanghai Museum, 2012: 65).

Những mảnh của loại đĩa sứ hoa lam vẽ hoa mẫu đơn dây điển hình tìm được trong tàu cổ Bình Châu (Ảnh 16 a,b) tương tự trên loại bát sứ hoa lam (Ảnh 18 a,b) hiện lưu trữ tại Bảo tàng quốc gia Singapore (Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997: 47), hay trên loại kendi sứ hoa lam (Ảnh 17) tìm được ở Philippinne (Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997:15,55), hoặc trên loại đĩa sứ hoa lam (Ảnh 19) hiện lưu trữ tại The British Museum, Vương quốc Anh (Shanghai Museum, 2012:105). Cũng như trên loại tước sứ hoa lam (Ảnh 20) của Bảo tàng Ashmolean của Nghệ thuật và khảo cổ, Vương quốc Anh tham gia trưng bày tại Bảo tàng Thượng Hải (Shanghai Museum, 2012:99).

Mảnh bát sứ hoa lam - Thời Nguyên, tk : XIV, - Bảo tàng quốc gia Singapore.

(Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997: 47)

Ấm sứ hoa lam.Thời Nguyên, Tk: XIV

(Larry Gotuaco. Rita C.Tan & Allison I.Diem, 1997: 15, 55.)

Bát sứ hoa lam - Thời Nguyên (1271 - 1368) - The British Museum, Anh

(Shanghai Museum, 2012: 105)

Tước sứ hoa lam - Thời Nguyên, tk: XIV - Ashmolean Museum of Arts and Archlogy Oxfond, Anh - (Shanghai Museum, 2012: 99)

Đáng chú ý hơn là loại chén sứ hoa lam, miệng loe, thành cong, sâu lòng, chân đế thấp. Loại chén này tìm thấy khá nhiều trong tàu Bình Châu. chứng tỏ là một loại hàng hóa của tàu. Vành trong gờ miệng chén vẽ băng hồi văn chữ S đầu vuông, dây hình sin hay vạch chéo trong tam giác . Chính giữa lòng chén vẽ dải mây lửa có một chấm tròn khởi đầu, một bông hoa 5 cánh hay một hai chữ Hán viết theo lối thảo thư… Thành ngoài chén đều vẽ dây hoa cúc (The interaction in Medieval East Asian Sea, BV 2). Những chén sứ hoa lam đồng loại đã phát hiện và trưng bày tại Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong các hoa văn này, loại văn mây lửa có đính chấm tròn khởi đầu (Ảnh 26,27) là dấu ấn đặc trưng của sứ hoa lam thời Nguyên (S.T.Yeo & Jean Martin, 1978: 97; Shanghai Museum, 2012:166; The interaction in Medieval East Asian Sea, BV 1).

Với những loại hình đồ sứ hoa lam so sánh đối chiếu trên đây cho phép chúng ta nhận ra niên đại của đồ gốm sứ hoa lam trong tàu cổ Bình Châu là thuộc thời Nguyên, thế kỷ XIII-XIV. Hơn nữa, chúng ta còn nhận ra nơi sản xuất các loại đồ sứ hoa lam này từ khu vực lò Cảnh Đức Trấn tỉnh Giang Tây (Trung Quốc).

Trong các hiện vật phát hiện ở tàu cổ Shinan (Hàn Quốc), được xác định niên đại nửa đầu thế kỷ XIV, ngoài các mẫu đĩa gốm men ngọc, ấm sứ hoa lam còn có loại đèn đồng cũng tương tự về kiểu dáng và kích thước với đèn đồng tìm được trong tàu cổ Bình Châu.

Cùng với các cứ liệu trên, kết quả phân tích giám định sưu tập tiền đồng tìm được trong tàu cổ Bình Châu mà loại tiền đồng muộn nhất là đồng Chí Đại thông bảo đời Nguyên Vũ Tông (1308-1311) (Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Ái Dung, 2015: 77-84) góp phần củng cố hơn cho kết luận về niên đại của tàu cổ Bình Châu là những năm đầu thế kỷ XIV. Nhóm đồ sứ hoa lam trong tàu cổ Bình Châu không chỉ đóng góp vào việc xác định niên đại của con tàu vào cuối thời Nguyên mà còn bổ sung tư liệu cho nhận thức của chúng ta về đồ sứ hoa lam thời Nguyên ở Việt Nam và Đông Nam Á.

TS.Nguyễn Đình Chiến

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4212

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Văn hóa Sa Huỳnh nhìn từ văn hóa Đồng Nai

Văn hóa Sa Huỳnh nhìn từ văn hóa Đồng Nai

  • 20/09/2018 15:44
  • 12327

Hai nền văn hóa khảo cổ Sa Hùynh và Đồng Nai đều có niên đại khoảng 3500 đến 2000 năm cách ngày nay. Cùng với văn hóa Đông Sơn, ba nền văn hóa này đã trở thành 3 trung tâm văn hóa thời Kim khí trên đất nước ta, vừa có những nét chung nhưng đồng thời cũng có những đặc trưng khác biệt, làm nên sự đa dạng của những khu vực văn hóa tộc người trong bối cảnh Đông Nam Á thời cổ. Từ những nghiên cứu về văn hóa Sa Hùynh và văn hóa Đồng Nai giai đoạn sơ kỳ sắt, bài viết nhìn lại sự tương đồng và khác biệt cơ bản nhất về các di tích mộ chum của hai nền văn hóa này, góp phần làm rõ hơn sự phong phú đa dạng của các nền văn hóa tiền – sơ sử Việt Nam.