Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, trong quá trình cải tạo ao nuôi trồng thủy sản của hai hộ gia đình tại thôn Cầu Cọ (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô) đã phát lộ nhiều mảnh gốm sứ có mật độ cao, niên đại trải dài từ thời Trần (thế kỷ XIII) đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).
Bản đồ vệ tinh xã Yên Thắng, huyện Yên Mô
Địa điểm này nhân dân thường gọi là Bến Sành, nằm ven dấu tích một con sông cổ, cách địa điểm di tích khảo cổ học Mán Bạc và làng gốm cổ Bồ Bát khoảng 4km về phía Tây Bắc.
Theo đó, để kịp thời bảo vệ, làm sáng tỏ giá trị của địa điểm khảo cổ, góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển nghề gốm cổ trên địa bàn tỉnh, những liên hệ với làng gốm cổ Bồ Bát trong lịch sử, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định cho phép Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình khai quật khẩn cấp địa điểm khảo cổ tại khu vực xã Yên Thắng, huyện Yên Mô.
Trong thời gian khai quật khẩn cấp, các cơ quan được cấp giấy phép có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không được đưa ra những kết luận vội vàng khi chưa được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đồng ý.
NGUYỄN LINH