Đâu là điểm khác biệt giữa mặc quần áo để bảo vệ cơ thể và mặc quần áo nhằm mục đích thời trang? Tại thời điểm nào thì con người bắt đầu suy nghĩ về giá trị xã hội của trang phục? Khi nào quần áo trở thành một phần của văn hóa, trái ngược với chức năng bảo vệ con người trước các yếu tố thời tiết?
Theo tiến sĩ Ian Gilligan, phó giáo sư danh dự thuộc ngành Khảo cổ học tại Đại học Sydney, câu trả lời nằm ở “những chiếc kim khâu có lỗ xỏ”, thứ cho phép con người khâu những họa tiết, hoa văn tinh tế hơn.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney là những người đầu tiên đề xuất kim có lỗ xỏ là một cải tiến kỹ thuật mới được người xưa sử dụng để trang trí quần áo cho các mục đích xã hội và văn hóa, đánh dấu bước chuyển quan trọng từ quần áo chỉ để che thân, chống lại thời tiết nóng lạnh sang một biểu hiện của bản sắc.
“Các cây kim có lỗ xỏ là một phát triển quan trọng trong thời tiền sử, bởi vì chúng ghi lại một chuyển biến về chức năng của quần áo từ tiện dụng sang mục đích xã hội”, tiến sĩ Ian Gilligan chia sẻ.
Từ những công cụ bằng đá để thuộc da động vật làm tấm phủ che chắn cơ thể của người tiền sử, cho tới sự xuất hiện của chiếc dùi xương và kim có lỗ xỏ để tạo ra những bộ đồ được trang trí đẹp mắt và vừa vặn với vóc người, lý do nào khiến chúng ta bắt đầu ăn mặc để thể hiện bản thân và gây ấn tượng cho người khác?
Trong bài báo “Kim có lỗ xỏ ở thời kỳ Đồ đá cũ và sự phát triển của trang phục” đăng trên tạp chí Science Advances, tiến sĩ Gilliganvà các đồng tác giả đã phân tích lại bằng chứng từ những khám phá gần đây về sự phát triển của trang phục.
“Vì sao chúng ta mặc quần áo? Chúng ta cho rằng đấy là một phần tất yếu của nhân loại, nhưng khi nhìn vào các nền văn hóa khác, bạn sẽ nhận thấy rằng con người tồn tại và hoạt động hoàn toàn tốt trong xã hội mà không cần mặc quần áo”, tiến sĩ Gilligancho biết. “Điều khiến tôi phải suy nghĩ là sự chuyển đổi của trang phục từ vật thiết yếu trong một số môi trường nhất định, sang một nhu cầu xã hội trong mọi môi trường”.
Việc xác định chính xác con người bắt đầu mặc quần áo từ khi nào là một thách thức lớn cho các nhà khảo cổ học và khoa học, bởi vì các bằng chứng trực tiếp về trang phục thời tiền sử thường rất khan hiếm và dễ bị phân hủy.
Chúng ta thường cho rằng cây kim có lỗ xỏ ra đời với công dụng khâu được bộ quần áo vừa vặn với cơ thể. Nhưng nhiều bằng chứng cho thấy nếu chỉ nhằm mục đích này thì người tiền sử cần dùng dùi xương là được. Những chiếc dùi xương đầu tiên xuất hiện ở châu Phi khoảng 80.000 năm trước. Để tạo ra vật dụng này, người tiền sử cần mài nhọn một đầu mảnh xương động vật. Khi dùng nó để khâu vá, họ sẽ đục một lỗ trên tấm da, sau đó luồn sợi gân qua lỗ rồi thắt nút lại. Từ đây nảy sinh một câu hỏi: vì sao người xưa lại sáng tạo ra cây kim có lỗ, nếu nó không dùng để làm ra quần áo vừa người?
Cây kim có lỗ xỏ là một biến thể của dùi xương, xuất hiện sớm nhất vào khoảng 40.000 năm trước tại Siberia. Với người hiện đại, cây kim là một vật dụng bình thường trong nhà, nếu mất thì ta có thể mua lại dễ dàng với số lượng lớn và giá rẻ. Nhưng với người tiền sử chỉ có những công cụ thô sơ, làm ra một cây kim có lỗ xỏ đòi hỏi nhiều nỗ lực. Họ phải tìm được mảnh xương phù hợp, mài nhọn rồi đục một lỗ ở trên mà không làm hỏng mảnh xương. Khi cây kim có lỗ xỏ ra đời, nó đã kết hợp hai công đoạn làm quần áo dùng dùi xương thành một. Nhờ thế, người tiền sử dễ dàng khâu vá bằng sợi gân hoặc sợi chỉ, tạo thành đường may tinh xảo hơn mà không phải tốn nhiều công sức. Khi công cụ lao động và năng suất được cải tiến, việc tạo ra những bộ quần áo nhiều lớp hơn, với trang trí đẹp mắt như khâu các hạt và các món trang trí nhỏ khác lên quần áo trở nên khả thi.
Xuất hiện từ khoảng 40.000 năm trước, cây kim có lỗ xỏ đánh dấu bước ngoặt trang phục vì mục đích giữ ấm sang mục đích thẩm mỹ. Nguồn: Tiến sĩ Gilligan
Các nhà nghiên cứu đề xuất hai lý thuyết có thể liên quan tới sự phát triển của cây kim có lỗ xỏ.
Một là trong giai đoạn lạnh hơn của Kỷ băng hà cuối cùng cách đây 40.000 năm, khi khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn, quần áo dày đã không đủ để giữ ấm cho cơ thể người, mà nó cần có nhiều lớp. Vì thế, người tiền sử đã phát minh ra quần áo lót, thứ đòi hỏi phải có đường may tinh tế. Mà đây là một trong những chức năng của kim có lỗ xỏ, chúng cho phép người dùng tạo ra đường may mịn và hiệu quả hơn.
Khả năng thứ hai là cây kim có lỗ xỏ rất tiện dụng cho việc trang trí y phục bằng hạt cườm và vỏ sò. Các nhà khảo cổ đã khai quật được những vỏ sò được đục lỗ đầu tiên từ khoảng 100.000 năm trước ở các vùng mát hơn ở châu Phi; và khoảng 30.000-40.000 năm trước, con người đã trang trí quần áo của mình bằng các hạt có lỗ. Khu chôn cất Sunghir, gần Moscow (Nga), là một ví dụ cho điều này. Tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy các hạt nhỏ được sắp xếp theo những cách gợi ý rằng chúng được gắn vào quần áo.
Nhóm tác giả còn cho rằng điều kiện khí hậu lạnh hơn không chỉ thúc đẩy việc làm quần áo để giữ ấm, mà nó cũng khiến người tiền sử may vá vì lý do văn hóa. Ở nhiều xã hội phi công nghiệp, con người trang trí cơ thể bằng cách vẽ đất son lên người, xăm màu hoặc xăm khắc da (bằng cách tạo sẹo thành hoa văn). Trong giai đoạn sau của Kỷ băng hà cuối cùng, từ khoảng 40.000 năm trước, người dân sống ở lục địa Á-Âu đã phải chịu đựng những điều kiện khí hậu khắc nghiệt tới nỗi họ gần như phải mặc quần áo liên tục. Trong hoàn cảnh như vậy, họ khó lòng trang trí cơ thể theo phương pháp truyền thống, chưa kể cởi quần áo để tạo hình trên người còn gây nguy hiểm cho tính mạng của họ. Vì thế, chức năng thể hiện về mặt xã hội chuyển từ bề mặt làn da người sang bề mặt quần áo.
“Đó là lý do vì sao sự xuất hiện của kim có lỗ xỏ cực kỳ quan trọng, nó là dấu hiệu cho thấy con người đã biết dùng quần áo vì mục đích làm đẹp”, tiến sĩ Gilligancho biết.
Vì lẽ đó, trang phục phát triển, nó không chỉ phục vụ nhu cầu thiết thực là giữ ấm và bảo vệ con người trước các yếu tố bên ngoài, mà nó còn có chức năng xã hội, thẩm mỹ để con người thể hiện bản sắc cá nhân và văn hóa.
Việc con người mặc quần áo thường xuyên hơn cũng dẫn tới hình thành các xã hội lớn hơn và phức tạp hơn. Nhờ quần áo có nhiều lớp giữ ấm, con người có thể chuyển tới sinh sống tại những vùng có khí hậu lạnh giá hơn. Trong quá trình di cư, họ sẽ hợp tác với các bộ lạc và cộng đồng dựa trên kiểu dáng trang phục lẫn biểu tượng. Các kỹ năng liên quan tới việc làm ra trang phục đã góp phần mang lại lối sống bền vững hơn và nâng cao sự tồn tại lâu dài lẫn hưng thịnh của cộng đồng loài người. Ta có thể nói rằng, một thứ đơn giản và tưởng như tầm thường như cây kim sẽ mở ra cánh cửa nhìn vào đời sống phong phú bất ngờ của con người sống ở Kỷ băng hà.
Nguồn: phys.org, cosmosmagazine, CNN
Phương Anh lược dịch