Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/08/2023 09:56 947
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Thời kỳ vàng son của đế chế Vijaya, vương quốc Chămpa gần 500 năm (XI - XV) đã để lại vùng đất Bình Định nhiều di sản điêu khắc vô giá. Trong số rất nhiều tác phẩm điêu khắc hiện được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định, tôi đặc biệt chú ý pho tượng Gajasimha (linh thú đầu voi mình sư tử) mới được phát hiện, rất giống với pho tượng Gajasimha cổ quý của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về lai lịch và giá trị của pho tượng này, trong quá trình tham gia thực hiện triển lãm “Bình Định theo dòng lịch sử”, tôi có cuộc trò chuyện với PGS. TS Khảo cổ học Ngô Văn Doanh, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về điêu khắc cổ Chămpa ở Bình Định.

 
PGS. TS Khảo cổ học Ngô Văn Doanh
* Thưa PGS. TS Ngô Văn Doanh, pho tượng Gajasimha hiện được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã được phát hiện như thế nào trước khi được đưa về trưng bày và lý do nào khiến ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu tìm hiểu về pho tượng này? 
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Vào năm 2002, trong khi dùng xe cơ giới xúc đất ở gò Tháp Mẫm (thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) để làm đường bê tông, người ta đã phát hiện pho tượng Gajasimha bằng đá khá to lớn (cao 195 cm) và khá nguyên vẹn (chỉ gẫy và mất phần đầu chiếc vòi voi) cùng một tượng sư tử ở hai hố khác nhau. Sau đấy, cả hai pho tượng đã được đưa về bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định. 
Sau khi biết thông tin trên, trong một chuyến công tác điền dã miền Trung năm 2004 để phục vụ cho việc biên soạn cuốn sách “Du khảo văn hóa Chăm”, công trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Việt Nam) và Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp), nhóm tác giả chúng tôi đã ghé khu di tích Tháp Mẫm và đến Bảo tàng tỉnh Bình Định để xem những hiện vật mới được phát hiện này. Thế nhưng, vì thấy hai pho tượng, đặc biệt là pho tượng Gajasimha, mới phát hiện rất giống và không được nguyên vẹn bằng những pho tượng, trong đó có tượng Gajasimha, đã được phát hiện tại đây từ năm 1934 và đã được đưa về Bảo tàng Đà Nẵng (nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm), nên khi đó và cả những năm sau, tôi hầu như không chú ý đến pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm mới được phát hiện này. 
Chỉ rất gần đây, sau khi pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày cuối cùng của năm 2020, trong một lần đến Bảo tàng tỉnh Bình Định vào năm 2021, tôi mới quyết định dừng lại lâu để ngắm kỹ pho tượng Gajasimha được phát hiện năm 2002. Càng nhìn kỹ, tôi càng thấy pho tượng Tháp Mẫm mới phát hiện của Bảo tàng Bình Định gần như giống hệt pho tượng của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Và khi ấy tôi nhận thấy phải nghiên cứu và giới thiệu về pho tượng của Bảo tàng Bình Định, mà theo quan sát của tôi, là có vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật không kém gì bảo vật quốc gia của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 
 
Pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm tại Bảo tàng tỉnh Bình Định (ảnh do nv cung cấp)
* Được biết pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong không nhiều tượng cổ Chămpa đã được các nhà chuyên môn nghiên cứu kỹ và đánh giá cao, cụ thể như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Cuộc khai quật Tháp Mẫm trong những năm 1934 và 1935 đã đưa lên khỏi mặt đất một số lượng lớn những tác phẩm điêu khắc Chămpa. Vì vậy, chỉ tám năm sau, vào năm 1942, trong công trình khảo cứu nghệ thuật Chămpa nổi tiếng của mình, P.Stern đã nhận xét rằng, nhờ có những phát hiện tương đối mới ở Tháp Mẫm, hiện nay ta có thể nghiên cứu một số khá lớn các điêu khắc thuộc phong cách Bình Định. Theo ông, các tượng và phù điêu ở Tháp Mẫm rõ ràng là thuộc phong cách Bình Định. 
Thế nhưng, phải sau hai chục năm nữa, vào năm 1963, trong công trình “Nghệ thuật tượng Champa”, những phát hiện phong phú của Tháp Mẫm mới thực sự được tác giả J.Boisselier nghiên cứu và đánh giá cụ thể. Không chỉ tiếp tục ý kiến của bậc tiền bối cho rằng các tượng và phù điêu Tháp Mẫm thuộc phong cách Bình Định, J.Boisselier còn đi xa hơn khi coi các điêu khắc Tháp Mẫm là những tác phẩm chính tạo nên phong cách nghệ thuật tượng Bình Định và dùng tên Tháp Mẫm để đặt tên cho một phong cách nghệ thuật: “Phong cách Tháp Mẫm”. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, đến công trình của J.Boisselier, một loạt tượng và phù điêu, trong đó có pho tượng con vật lai tạp Gajasimha của Tháp Mắm được phân tích kỹ và được đánh giá một cách chi tiết và có cơ sở khoa học. Riêng về pho tượng Gajasimha, J.Boisselier đã phân tích và nhận xét như sau: “Trong phong cách Tháp Mẫm, dưới dạng là các hình phù điêu, các Gajasimha được thể hiện trong tư thể năng động, nhưng khi là tượng tròn, như trường hợp của tượng Tháp Mẫm, chúng xuất hiện là con vật mạnh mẽ và có dáng vẻ hân hoan nhờ cái vòi vểnh cao lên, bốn chân cao và những tỷ lệ hoàn hảo của toàn bộ cơ thể. Ngoài chân dài hơn, trong khi Gajasimha vẫn còn tuân theo những chuẩn Gajasimha Trà Kiệu, con vật Tháp Mẫm đã được chạm khắc lên những mô típ cách điệu của Tháp Mẫm và lông được thể hiện bằng một loạt những băng trang sức. Những chiếc lục lạc trên cổ voi được trang trí bằng mô típ Tháp Mẫm giống như ở bờm và má. Ngoài dáng vẻ hân hoan và những tỷ lệ hoàn hảo của cơ thể, các nhà chuyên môn còn nhận thấy ở pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm một vài cách thể hiện tương phản đầy ấn tượng và hiệu quả: Mắt tròn với hàng mi bên dưới được chạm khắc nhẹ, ngược hẳn với hàng lông mày phía trên chạm nổi và cách điệu; cái đầu trọc được nhấn bởi những lọn tóc kỳ lạ trang trí cho tấm che đầu uốn cong; mặt ngoài để trơn và mặt trong chạm khắc của chiếc vòi voi”. Và cuối cùng, J.Boisselier đưa ra một so sánh và nhận xét: “Mặc dù không thực tế, nhưng cách cấu tạo được sự thăng bằng trong những khối lượng, cũng như trong tư thế của nó, pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm phải được coi như là một sự thành công cao hơn nhiều so với sự thành công của những con sư tử và những con Garuda trong cùng phong cách.”. Đoạn phân tích ngắn đầu tiên từ năm 1963 này của J.Boisselier luôn được các nhà nghiên cứu sử dụng và trích dẫn khi giới thiệu về pho tượng ở Bảo tàng điêu khắc Chăm mà họ cho rằng là đỉnh cao huy hoàng của thể loại tượng Gajasimha.
 
Pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng (ảnh do nv cung cấp)
* Vậy những phân tích và nhận định của J.Boisselier có thể vận dụng thế nào khi xem xét nghiên cứu Gajasimha Tháp Mẫm mới ở Bảo tàng Bình Định?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Trước hết, theo quan sát của tôi, điều dễ nhận thấy nhất là, gần như giống hệt pho tượng cũ của Bảo tàng điêu khắc Chăm, pho tượng mới của Bảo tàng Bình Định đều thể hiện con Gajasimha trong tư thế trang nghiêm và nhìn về phía trước với phần thân sư tử ngắn, mập mạp, mông nở, ngực to, bốn chân được cách điệu như bốn hình trụ tròn to; với phần đầu voi to lớn ngẩng cao, giơ thẳng chiếc vòi lên cao và nhìn thẳng về phía trước. Thoạt nhìn sẽ thấy có một số điểm bất hợp lý ở pho tượng, như: chiếc đầu voi quá to và mất cân đối so với tấm thân sư tử; bốn chân được phóng đại và cách điệu quá lớn và không giống chân sư tử… Thế nhưng, theo tôi, xét về tạo hình, như J.Boisselier đã đánh giá về pho tượng Tháp Mẫm cũ, con Gajasimha mới của Bảo tàng Bình Định cũng là con vật mạnh mẽ và có dáng vẻ hân hoan nhờ cái vòi vểnh cao lên, bốn chân cao và những tỷ lệ hoàn hảo của toàn bộ cơ thể. Điều đặc biệt là pho tượng mới cũng có kích thước gần như tương đương pho tượng cũ (cao 215 cm, dài 100 cm và rộng 84 cm); pho tượng mới (cao 195 cm, chưa tính phần đầu vòi voi có thể dài tới 20 cm đã bị gẫy và mất). 
Ngoài ra, cũng như pho tượng cũ, ở pho tượng Gajasimha mới, chúng ta thấy rất rõ một số cách thể hiện tương phản đầy ấn tượng và hiệu quả: Mắt tròn với hàng mi bên dưới được chạm khắc nhẹ, ngược hẳn với hàng lông mày phía trên chạm nổi và cách điệu; cái đầu trọc được nhấn bởi những lọn tóc kỳ lạ trang trí cho tấm che đầu uốn cong; mặt ngoài để trơn và mặt trong chạm khắc của chiếc vòi voi. Ở cả hai tượng Gajasimha cũ và mới, họa tiết trang trí kiểu hình xoắn trôn ốc có đầu nhọn hình móc câu mà các nhà nghiên cứu gọi là “mô típ Tháp Mẫm” rất đặc trưng của phong cách Tháp Mẫm đã được chạm khắc lên má, lên bờm, vòng lục lạc…; còn lông sư tử thì được thể hiện bằng một loạt những băng trang sức. Ngoài những đặc điểm khá dễ thấy kể trên, qua quan sát và khảo cứu kỹ, tôi còn nhận thấy gần như tất cả những chi tiết trên các trang sức và trên một vài bộ phận cơ thể của tượng Gajasimha phát hiện năm 2002 cũng rất giống của pho tượng Gajasimha phát hiện năm 1934. 
Các trang sức trên cổ và ngực của hai tượng Gajasimha có lẽ vì được thể hiện lớn hơn cả, nên có thể nhìn thấy rõ rất chính là chiếc vòng lục lạc đeo trên cổ của hai tượng Gajasimha. 
Không còn nghi ngờ gì, theo chúng tôi, những quả lục lạc trên cổ cả hai Gajasimha đều rất giống nhau ở những chi tiết sau: 
1. Quả lục lạc tròn được tạo bởi hai đường vòng cung uốn xoắn lại ở hai đầu và một gờ nổi thẳng cắt ngang ở giữa; 
2. Mỗi đường vòng cung được thể hiện bằng hai mô típ Tháp Mẫm với phần xoắn trôn ốc nằm trong còn phần đầu nhọn cong vươn ra tạo thành một phần vòng cung; 
3. Dải gờ nổi cắt ngang là một băng được trang trí bằng những viên ngọc tròn; 
4. Phần trên hay cuống của quả lục lạc được thể hiện như ba cánh hoa cách điệu; 
5. Các quả lục lạc được móc vảo một vòng đeo kép ở dưới cùng với một vòng hạt ngọc trang trí ở trên. 
Chi tiết giống nhau tiếp theo cũng không khó nhận ra là dải trang trí hoa văn duy nhất (dải thứ hai từ trên xuống) lọt vào giữa các dải lông sư sử được thể hiện bằng những họa tiết hình xoắn dài trên bộ ngực nở nang của cả hai tượng Gajasimha (tượng mới chỉ có hai dải trang trí hình lông sư tử cách điệu như một họa tiết hình xoắn dài, trong khi ở tượng cũ, có ba dải). Ở cả hai dải trang trí trên ngực hai Gajasimha đều chỉ có một hoa văn hình cánh sen được tạo bằng những vòng xoắn và đường cong của các mô típ Tháp Mẫm. Ở cả hai pho tượng cũ và mới, những lọn tóc trang trí cho tấm che đầu hình cong sau gáy đều được thể hiện bằng các hoa văn tạo bới những mô típ Tháp Mẫm hình xoắn trôn ốc. Ngoài các chi tiết trang trí, một vài bộ phận của con Gajasimha ở hai pho tượng cũng được thể hiện gần như giống hệt nhau. Chi tiết nổi bật nhất và cũng còn nguyên vẹn nhất để chúng ta thấy ngay sự giống nhau ở cả hai bức tượng là bốn bàn chân sư tử. Tất cả các bàn chân đều được phóng đại và cách điệu giống bàn chân người với năm ngón có đốt và có móng nhọn cho phù hợp và ăn nhập với những cái chân cao to hình trụ. Hơn thế nữa, cổ chân của cả hai con Gajasimha đều đeo vòng hạt ngọc tròn. Ngay cả bộ lông sư tử được thể hiện cách điệu phía trên cả bốn chân của hai Gajasimha Tháp Mẫm cũng giống nhau: ba băng hình tam giác vểnh cong một đầu ở bắp đùi các chân trước và hai băng dài hình cong uốn lượn ôm lấy cả đùi và mông của hai chân sau.  
* Từ những kết quả phân tích và nghiên cứu so sánh như trên, liệu có thể rút ra mối liên hệ nào giữa Gajasimha Tháp Mẫm mới tại Bảo tàng tỉnh Bình Định với Gajasimha “bảo vật quốc gia” của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Tôi cho rằng, pho tượng Gajasimha mới được phát hiện năm 2002 tại Tháp Mẫm có niên đại thế kỷ XII – XIII, thuộc phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm là tác phẩm điêu khắc đẹp và có giá trị của nền nghệ thuật cổ Champa. 
Ngoài ra, qua những so sánh, có thể khẳng định, pho tượng Gajasimha Tháp Mẫm của Bảo tàng tỉnh Bình Định có vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật sánh ngang với pho tượng Gajasimha “bảo vật quốc gia” của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Rất có khả năng, trong lịch sử trước đây, hai pho tượng Gajasimha này đã từng là một cặp tượng được tạc ra để đặt trước cổng của cả khu đền thờ hoặc trước cửa ra vào của một trong những ngôi đền thờ ở khu di tích Tháp Mẫm hiện nay.         
* Xin chân thành cảm ơn ông! 

Hồng Nhung (thực hiện)

https://archives.org.vn

Chia sẻ: