Cá voi xanh có thể sẽ mất ngôi vị loài động vật nặng nhất. Một con cá voi mới được mô tả, sống cách đây khoảng 38 triệu năm, có thể nặng gần gấp đôi cá voi xanh.
Cá voi xanh (Balaenoptera musculus), loài đang bị đe dọa, nặng khoảng 100 đến 150 tấn, thậm chí 200 tấn. Dù vậy, có khả năng chúng vẫn chưa là gì so với Perucetus colossus, nặng từ 85 đến 340 tấn, theo các nhà khoa học đã tìm thấy và mô tả phần hoá thạch còn lại của loài cá voi khổng lồ cổ đại. 13 đốt sống, 4 xương sườn và một chút xương chậu của Perucetus colossus đã được tìm thấy ở sa mạc Ica nằm ven biển của Peru. Dựa trên những gì tìm được, các nhà khảo cổ ước tính cá thể này có cân nặng khoảng 180 tấn, chủ yếu do bộ xương to và đặc, một đặc điểm thích nghi tiến hóa giúp nó lặn được dưới nước.
Nghiên cứu mới đã được công bố trên Nature.
Perucetus colossus có thể dài khoảng 20 mét và sống ở vùng nước nông.
Cá voi lặn sâu đã phát triển khả năng thổi toàn bộ khí ra ngoài, làm rỗng phổi hoàn toàn, để lặn. Nhưng P. colossus sống ở các vùng nông ven biển, dựa trên những hiểu biết về đại dương cổ đại. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này có nghĩa là nó sẽ lặn với không khí trong phổi – hành vi điển hình đối với những loài lặn ở vùng nước nông.
Với nhiều không khí trong một cơ thể khổng lồ, P. colossus không thể lặn xuống dưới đáy biển nếu không có bộ xương nặng như vậy. Trong kỷ nguyên P. colossus sinh sống, kỷ Eocene, hầu hết các nguồn tài nguyên biển đều nằm dưới đáy, theo Rodolfo Salas-Gismondi, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Cayetano Heredia (Lima), đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết.
Những phần xương của loài cá voi cổ đại mà các nhà khảo cổ tìm được đến nay.
Các loài khác đã phát triển xương đặc vì lý do tương tự, chẳng hạn như lợn biển. Eli Amson, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bang Stuttgart (Đức), cho biết xương của loài cá voi này phình to đến mức trông chúng sưng lên, trở thành hình dạng gần giống như những quả bóng bay căng phồng.
Khi những hóa thạch xương cá voi được tìm thấy lần đầu tiên cách đây nhiều năm, ở một mỏ giàu hóa thạch có tên là Hệ tầng Pisco ở sa mạc Ica, Mario Urbina, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Quốc gia San Marcos UNMSM (Lima), đồng tác giả, còn không dám chắc đó là xương. Khoảng năm 2012, Urbina đã mời Salas-Gismondi đến để tham khảo ý kiến. Hoá thạch này không có cấu trúc xốp, nhiều lỗ của xương điển hình. Salas-Gismondi nói rằng chúng trông giống như những tảng đá. Mãi cho đến khi phân tích dưới kính hiển vi, nhóm nghiên cứu mới cảm thấy tự tin rằng đó thực sự là xương.
Xương to và nặng đến mức khai quật mất nhiều năm. "Họ đã thực hiện 20 cuộc khai quật, mỗi lần thu thập 2 đốt sống vì chúng quá nặng và to", Salas-Gismondi nói. Hóa thạch hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lima, nơi đã trở thành một trung tâm nghiên cứu về cổ sinh vật học của Peru.
Các nhà nghiên cứu đã khoan vào xương của P. colossus để nghiên cứu mật độ và cấu trúc bên trong.
Geerat Vermeij, nhà cổ sinh vật học tại Đại học California (Mỹ), gọi phát hiện mới là “cực kỳ thú vị”. “Việc phát hiện thấy thứ gì đó to lớn và quan trọng như thế trong thời đại ngày nay, khi chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều về cổ sinh vật học, thật tuyệt vời", Vermeij nói.
Nicholas Pyenson, nhà cổ sinh vật học tại Viện Smithsonian ở Washington DC, đồng ý rằng P. colossus là một sinh vật tạo cảm hứng, có khả năng viết lại câu chuyện về sự tiến hóa cơ thể khổng lồ ở cá voi. Nhưng Pyenson cho rằng đây chưa chắc đã là loài động vật nặng nhất mọi thời đại. “Vương miện chính thức vẫn thuộc về một con cá voi xanh”, Pyenson nói. Lý do là rất khó tính toán trọng lượng cơ thể của một loài đã tuyệt chủng vì khó hình dung bộ xương hoàn chỉnh và cũng chưa rõ phân bố của thịt trên xương. Perucetus colossus thuộc về một nhóm cá voi đã tuyệt chủng được gọi là basilosaurid, Pyenson mô tả đã có một loài trong nhóm này được xác định có thân dài, mảnh và trơn bóng. Do đó, ông cho rằng Perucetus có lẽ sẽ nhẹ hơn một con cá voi xanh.
Amson và các đồng nghiệp cũng chưa khẳng định rằng P. colossus là loài động vật nặng nhất mọi thời đại. “Chúng tôi nói rằng loài cá voi này là một ứng viên cho ngôi vị", Amson nói. Còn nhiều bước liên quan đến việc ngoại suy trọng lượng của toàn bộ cơ thể sống từ trọng lượng của một hóa thạch. Trong trường hợp cụ thể này, các nhà khảo cổ chưa thể xác định hình dạng đầu động vật do chưa tìm thấy hộp sọ. Con vật có lẽ có khá nhiều mỡ, nhưng chính xác là bao nhiêu? Đến nay mọi yếu tố này chỉ là suy đoán. Nó có thể gầy, nhưng nó cũng có thể vừa dài vừa mập, Amson nói. Đến nay, ông cho rằng có thể loài cá voi này sẽ trông như một chiếc xúc xích khổng lồ.
Hoàng Nam tổng hợp