Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/03/2023 09:33 1233
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Năm 2023 đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh, nhưng lịch sử mối quan hệ giữa nước ta với một trong những cường quốc hàng đầu thế giới đã bắt đầu từ những ngày đầu Anh cùng các quốc gia châu Âu mở rộng hoạt động thương mại, tìm kiếm thị trường ở châu Á sau thành công vang dội mà các cuộc phát kiến địa lý đem lại.

 

Không giống mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Pháp, hay Liên Xô/Nga, Trung Quốc hoặc các quốc gia láng giềng, quan hệ giữa Việt Nam và Anh, nhất là trong những buổi đầu tiếp xúc đã không được nghiên cứu và phổ quát một cách rộng rãi. Chính vì vậy, việc có những nhà nghiên cứu, những học giả tìm tòi những đơn hàng xuất nhập khẩu, những thư trao đổi qua lại giữa đại diện hai nước trong hàng triệu trang tư liệu cổ của Công ty Đông Ấn Anh mang một ý nghĩa hết sức đáng quý. Alastair Lamb là một nhà nghiên cứu như thế. Là một sử gia về ngoại giao, nhưng ông có một phông nghiên cứu rộng về cả khảo cổ, lịch sử và quan hệ quốc tế; cũng như khả năng đọc, tìm hiểu những tư liệu gốc quý giá tại các trung tâm lưu trữ, thư viện ở nhiều quốc gia trên thế giới để cho ra đời những tác phẩm quý giá. Khi nghiên cứu về các thuộc địa Anh ở Đông Nam Á, ông đã có cơ hội quan trọng để tìm hiểu về hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh trong khu vực, và từ đó cho ra đời những nghiên cứu về hoạt động của người Anh ở Việt Nam thời cận đại. Tuy nhiên, ông đã phải mất cả thập kỷ để hoàn thiện nghiên cứu về vấn đề này khi năm 1961 cho xuất bản chuyên san về quan hệ Anh – Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với nhan đề “British Missions to Cochin China: 1778-1822” đăng trên tạp chí Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society. Đến năm 1970, kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đó và sưu tập, bổ sung thêm một loạt tài liệu mới tìm được ở Phông Lưu trữ về Công ty Đông Ấn Anh (ngày nay các tài liệu này còn được giữ tại các Thư viện Quốc gia Anh (British Library), Bảo tàng Anh (British Museum), hay thư viện của các trường Đại học lớn và một số thư viện cá nhân, Lamb đã cho xuất bản công trình “The Mandarin Road to Old Hué: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th Century to the Eve of the French Conquest”.
Có thể nói đây là công trình nghiên cứu đầy đủ đầu tiên của một học giả về quan hệ Việt Nam – Anh đến trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng năm 1858 mặc dù thực tế những phái bộ đó đến với Đàng Trong (thời chúa Nguyễn) và khu vực Nam Trung Bộ dưới thời Nguyễn nhiều hơn là đến khu vực miền Bắc. Nhận thức được tầm quan trọng của công trình này, NXB Hội Nhà văn cùng với Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã đầu tư để Đinh Tuấn Nghĩa dịch dưới nhan đề “Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 -19”. Cái tên “Con đường thiên lý” mang đậm hơi hướng văn chương, nhưng cũng từ đó mà nó gợi lên hình ảnh về một chặng đường lâu dài, cam go của người Anh trong việc tiếp cận thị trường và chính quyền Việt Nam thời cận đại.
Những khó khăn đó được toát lên từ nhiều khía cạnh khác nhau; đơn cử như trong hoạt động ngoại giao là việc các thương nhân Anh khó tiếp cận với chúa Trịnh ở cuối thế kỷ XVII để xin giấy phép buôn bán, xây dựng thương điếm, hoặc là nếu có tiếp cận được thì cũng tốn nhiều kinh phí, bị hạch sách bởi quan lại các cấp.1 Hoặc như chuyến đi năm 1778 của Chapman gặp nhiều bất trắc do lúc này là thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn khiến người Anh phải cẩn trọng với những phe nhóm chính trị, quân sự khác nhau; và thậm chí tàu Jenny của Anh đang neo đậu ở Huế đã phải nổ súng tấn công hai tàu Đàng Ngoài vào tháng 11/1778.2 Macartney cũng gặp sự nghi ngờ của chính quyền địa phương bởi thực tế khủng hoảng và hỗn loạn lúc bấy giờ. Ngày 4/6/1793, phái bộ Anh được triều đình Tây Sơn tiếp đón với những sự chuẩn bị có vẻ khác thường khi ngoài những nghi lễ ngoại giao, quà tặng, hoạt động giải trí thông thường, người Anh còn phát hiện thấy “ngoài 150 lính giáo diễu hành gần nhà quan Trấn thủ thì còn có khoảng nửa tá voi và một số lớn kỵ binh trong làng, dù không ra mặt, cùng với lượng lớn bộ binh lẫn giữa khu nhà dân, được điều xuống từ trong đất liền ngay khi chúng tôi mới xuất hiện ở vịnh” bởi nhà Tây Sơn “vốn có những nghi ngờ không nhỏ về chúng tôi, coi chúng tôi không hơn bọn hải tặc và lục lâm là mấy”.3 Chúa Nguyễn thế kỷ XVII, XVIII là những người phóng khoáng, sẵn lòng chào đón thương nhân Anh; nhưng vương triều Nguyễn của vua Gia Long, Minh Mạng rồi Thiệu Trị, Tự Đức lại có những lý do khác nhau để từ chối, hạn chế tiếp đón và hợp tác với người Anh, khiến cho những chuyến đi của sứ bộ Anh trong thế kỷ XIX hầu như không có kết quả khả quan.
Có thể nói “Con đường thiên lý” là công trình nghiên cứu đầy đủ đầu tiên của một học giả về quan hệ Việt Nam – Anh đến trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng năm 1858.
Cuốn sách này có cách trình bày rất đơn giản, phổ thông theo biên niên sử, nhưng chính cách tiếp cận đó lại dễ dàng giúp cho người đọc có thể hình dung về diễn tiến mối quan hệ Anh – Việt Nam, hay cụ thể hơn là những hoạt động ngoại giao và thương mại của đại diện Công ty Đông Ấn Anh tại Việt Nam. Sáu phần khác nhau thực chất là sự lần lượt trình bày các phái đoàn Anh ở Việt Nam theo dòng thời gian từ cuối thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX, gồm phái bộ của Thomas Boyear (1695-1696), Chapman (1778), George Macartney (1793), Roberts (1804), John Crawfurd (1822), Davis (1847) và Thomas Wade (1855). Cách tiếp cận vấn đề của Lamb thiên về phía Anh khi đặt vấn đề nghiên cứu theo diễn biến của các phái bộ Anh tới Việt Nam, và từ đó là đưa ra góc nhìn của người Anh về câu chuyện quan hệ Anh – Việt Nam trong gần ba thế kỷ. Điều đó có thể sẽ không làm hài lòng những độc giả muốn một cách tiếp cận tổng thể, hai chiều; nhưng lại hoàn toàn phù hợp với hàm lượng khoa học của một công trình ra đời năm 1970, khi mà việc khai mở, trình bày hệ thống tư liệu gốc vốn đa dạng, phong phú về một vấn đề nghiên cứu đã được coi là một đóng góp vô cùng quan trọng cho khoa học; và tác giả cũng không phải là người dành cả cuộc đời nghiên cứu về Công ty Đông Ấn Anh và quan hệ của nó với Việt Nam. Lamb đã đóng vai trò khai mở quan trọng, giúp một loạt nhà nghiên cứu về thương mại Việt Nam thời cận đại, hay quan hệ Việt Nam – Anh tiếp tục hoàn thiện và bổ sung với những tư liệu mới và những cách tiếp cận mới.
 
Bức thư của chúa Trịnh Tạc gửi công ty Đông Ấn Anh, có thể được viết vào năm 1673. Nguồn ảnh: Bảo tàng Anh.
Với cách làm đó, phần lớn nội dung cuốn sách của Lamb không phải là những lập luận, đánh giá của tác giả về quan hệ Anh – Việt Nam mà là tổng hợp, công bố những tư liệu như hồi ký, ghi chép, đánh giá thú vị của các đại diện Công ty Đông Ấn Anh, các thủy thủ trên tàu, hoặc thư từ trao đổi giữa Anh và Việt Nam còn được lưu giữ. Những ghi chép đó là vô cùng quan trọng, quý giá để đưa ra thông tin về mối quan hệ còn nhiều điểm chưa được khai lộ như thực tế mối quan hệ thương mại Anh – Việt Nam trong thế kỷ XVII, hoặc những nỗ lực của người Anh trong tiếp xúc với triều đình và quan lại Việt Nam xuyên suốt mấy trăm năm; cũng như góp phần quan trọng vào việc cung cấp một góc nhìn của người Anh về con người, văn hóa, kinh tế và các mặt đời sống xã hội Việt Nam thời cận đại; cùng với những công trình của học giả người Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX để làm giàu hơn những ý kiến của người châu Âu về đất nước ta. Mỗi một ghi chép đều chứa đựng những thông tin cụ thể về triều đình, tranh chấp quyền lực, phân bố địa giới hành chính, chế độ quan lại, quân đội, các sản phẩm hàng hóa, các thương cảng quan trọng, hoặc hoạt động của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam.4 Ví dụ, trong hồi ký của Bowyear, ngoài những lời ca tụng về sự giàu có tài nguyên và tiềm năng hàng hóa của Đàng Trong, sự giúp đỡ và chào đón của quan lại địa phương, phái bộ Anh còn ghi lại việc có quan Giám thương thứ 2 đòi hỏi số tiền 500 lượng bạc để đưa kiến nghị của họ lên chúa Nguyễn; hay việc có sự cạnh tranh thương mại khá lớn với cả người Chăm-pa, người Campuchia.5 Ghi chép của Chapman năm 1778 khá thú vị với chi tiết về việc chia khu vực từ Đồng Hới đến Đồng Nai thành 12 dinh; hay những phân tích cụ thể về khí hậu, động thực vật Nam Trung Bộ và con người nơi đây.6 Đáng chú ý, các thương nhân Anh đều khẳng định một thương điếm ở Đàng Trong sẽ cho họ “một lợi thế vượt trội” trong việc buôn bán với Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Xiêm, Campuchia.7 Trong đó, nếu như chuyến đi của Bowyear nhấn mạnh đến sự thuận lợi của Hội An thì những phái bộ sau nhắc rất nhiều đến Đà Nẵng: nơi trú ẩn an toàn cho tàu của công ty, nơi thu hút thương nhân quốc tế, nơi dễ dàng phòng thủ (với Cù Lao Chàm) và tấn công thương điếm của người Hà Lan và Tây Ban Nha.8 Vị trí của Đà Nẵng tiếp tục được ca ngợi trong chuyến đi của Crawfurd bên cạnh hệ thống cảng ở Hội An, Phan Rí, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi để tạo ra lợi thế lớn trong hệ thống thông thương quốc tế lúc bấy giờ.9 Có thể thấy, những giá trị trên của Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy các nước phương Tây nhòm ngó nước ta, và Pháp đã nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam.
Bên cạnh vai trò tổng hợp tư liệu như đã nói, vai trò và đóng góp khoa học của Lamb cũng được khẳng định thông qua những nhận định của riêng ông trong phần mở đầu và dẫn nhập trước mỗi chuyến đi của các sứ bộ. Thế kỷ XVII với những buôn bán giữa Công ty Đông Ấn Anh với Đàng Ngoài đã phần nào được khắc họa với những nhận xét sâu sắc trong phần đầu cuốn sách như về một “chính quyền chúa Trịnh ngay từ đầu đã gây cản trở (buôn bán), còn quan lại thì hám lợi và thối nát”; hay giải thích cho sự tồn tại 25 năm của thương điếm Đàng Ngoài dù cho buôn bán với Nhật Bản bị từ chối là bởi Đàng Ngoài có thể cung cấp “nguồn lụa mịn cho Công ty Đông Ấn bán ở London và các thị trường châu Âu có nhu cầu”.10 Đặc biệt, những trao đổi thương mại Anh – Đàng Ngoài nửa sau thế kỷ XVII đã được tác giả chỉ ra dù rằng nó không thực sự nổi bật so với thương mại của Anh với Ấn Độ, Bantam, Trung Quốc đương thời. Trước mỗi ghi chép về các phái bộ Anh, Lamb đều đưa ra những nhận định của mình về bối cảnh quốc tế, khu vực, sự cạnh tranh cường quốc dẫn đến hoạt động của người Anh, cũng như tác động, giá trị của các chuyến đi. Trước nội dung về chuyến đi của phái bộ Davis và Wade năm 1847 và 1855, Lamb đã có những so sánh khá thú vị về nguyên nhân Xiêm thành công trong việc duy trì độc lập, còn triều Nguyễn thất bại và Việt Nam rơi vào tay Pháp. Ông cho rằng Xiêm có vị trí độc đáo, và chính sách ngoại giao khéo léo “uốn mình theo chiều gió”, và có những động thái có thể so sánh với Duy Tân Minh Trị. Ngược lại, triều Nguyễn có những chính sách đóng cửa, cô lập giống Mạc phủ Tokugawa đầu thế kỷ XVII và khiến cho đất nước lâm vào bối cảnh bất lợi. Lamb cũng có những đánh giá cụ thể về sự thay đổi chính sách ngoại giao qua từng vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức để làm nổi bật lên nguyên nhân Việt Nam rơi vào tay Pháp.11 Những tư liệu được khai thác cùng với những nhận định quan trọng của Lamb cho thấy ông là nhà khoa học nghiêm cẩn, khách quan và luôn cố gắng giúp độc giả có được những thông tin quan trọng nhất về vấn đề nghiên cứu.
 Lamb đã đóng vai trò khai mở quan trọng, giúp một loạt nhà nghiên cứu về thương mại Việt Nam thời cận đại, hay quan hệ Việt Nam – Anh tiếp tục hoàn thiện và bổ sung với những tư liệu mới và những cách tiếp cận mới.
Lịch sử các phái bộ Anh đến Việt Nam xuyên suốt ba thế kỷ có thể coi là minh chứng hùng hồn cho sự hấp dẫn của Việt Nam về cả kinh tế, địa chính trị thời cận đại, và thậm chí là hiện nay. Dù không phải là những thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, cũng không phải là một thuộc địa quan trọng kiểu Ấn Độ, Hồng Kông hay Singapore nhưng Việt Nam vẫn có những giá trị nhất định trong quan điểm, góc nhìn của những đại diện Anh về tiềm năng hàng hóa, vị trí địa chiến lược. Những giá trị đó được lý giải cụ thể qua các ghi chép của họ, và qua tính liên tục trong các chuyến thăm trong suốt ba thế kỷ. Nhưng, cũng chính từ các phái bộ đó đã giúp độc giả hình dung được lý do Anh không quá mặn mà thâm nhập sâu vào Việt Nam khi mà họ không nhận được sự hợp tác từ chính quyền và đã có được ảnh hưởng quan trọng ở Xiêm, thiết lập được thuộc địa ở Singapore, Hồng Kông để kiểm soát con đường buôn bán trên biển từ Ấn Độ đến Trung Quốc. Chính điều đó tạo điều kiện cho Pháp có những hành động gây hấn, xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX khi Pháp cũng cần một địa điểm có thể kiểm soát buôn bán trong khu vực, và để cạnh tranh với một loạt thuộc địa của Anh.
 
Bức tranh vẽ đoàn của Công ty Đông Ấn Anh vào cuối thế kỷ 18. Nguồn: National Geographic.
Có lẽ sẽ tuyệt vời hơn nếu cuốn sách được dịch và xuất bản sớm hơn, trước khi có những nhà nghiên cứu Việt Nam về vấn đề này, hay trước cả trào lưu dịch các sách tiếng Pháp về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; để cung cấp cho chúng ta những góc nhìn độc đáo của người nước ngoài về con người, cuộc sống, kinh tế, văn hóa Việt Nam thời cận đại. Dẫu vậy, bản dịch của Đinh Tuấn Nghĩa là bản dịch tiếng Việt đầu tiên công trình của Lamb và trở nên vô cùng đáng đọc với những ai muốn tìm hiểu về quan hệ Anh – Việt Nam, về thương mại Việt Nam và thế giới thời cận đại, về những tiềm năng quan trọng của đất nước dưới mắt người nước ngoài (dưới góc nhìn của lý thuyết trung tâm – ngoại vi quyền lực) để có thể trao đổi với quốc tế và phát triển kinh tế; hay những cảng thị có vị trí địa chính trị quan trọng như Hội An, Đà Nẵng. Công trình này do đó trở thành một kênh tham khảo quan trọng để độc giả Việt Nam tìm hiểu về quan hệ Anh – Việt Nam một cách cơ bản bên cạnh những nghiên cứu học thuật chuyên sâu gần đây về vấn đề này. 

*TS Trần Ngọc Dũng, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chú thích
1 Xem thêm Trần Ngọc Dũng, “Tiếp xúc ngoại giao Anh – Việt thế kỷ XVII dưới góc nhìn của người Anh”, Nghiên cứu Lịch sử, 4 (2019), tr. 11-22.
2 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 126-127.
3 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 259.
4 Xem thêm Hoàng Anh Tuấn, Trần Ngọc Dũng, “Tư liệu lưu trữ Anh về quan hệ Việt Nam – Anh (thế kỷ XVII- XIX)”, Nghiên cứu Lịch sử, 3 (2021), tr. 58-68.
5 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 76-79, 92.
6 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 204-209.
7 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 211.
8 A. Lamb, The Mandarin Road to Old Hue: The narrative of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the Seventeenth Century to the Eve of The French Conquest, London, 1970, p. 176.
9 G. Finlayson, The Mission to Siam, and Hue, the capital of Cochinchina in the year 1821-2, London, 1826, p. 329; J. Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin-china, 2 volumes, London, 1830, p. 244.
10 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 48, 55.
11 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 426-432.
https://tiasang.com.vn

Chia sẻ: