Những hoạt động tưởng chừng nhỏ nhặt như bơi lội cũng có thể hé lộ cho chúng ta nhiều điều về lịch sử, văn hoá, thậm chí cả tình trạng bất bình đẳng.
Các bằng chứng thời cổ đại
Khả năng bơi lội của con người thay đổi theo thời gian cùng với sự vận động của khí hậu và những khác biệt về văn hoá, địa lý. Dù không thể biết rằng loài người tiền sử biết bơi từ khi nào, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng khoảng 100.000 năm trước, người Neanderthal sống ở khu vực ngày nay là Ý đã bơi một cách tự tin. Xương tai của họ cho thấy họ bị tổn thương tai khi lặn sâu 3 – 4 mét để tìm kiếm vỏ sò nhằm chế tác thành công cụ.
Trong Cực đại băng hà cuối cùng cách đây 23.000 năm, khi các sông băng chảy về phía nam đến Anh, bắc Đức, Ba Lan và bắc Nga, con người không thể bơi lội nổi dưới làn nước lạnh buốt. Do đó, trong hàng chục nghìn năm tiếp theo, con người không biết bơi.
Trên khắp lục địa Á – Âu, con người chuyển sang trồng lúa mì và kê để làm bánh mì, đồng thời bắt đầu ăn ít cá hơn, một loại thực phẩm giàu vitamin D. Để hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời và sản xuất đủ lượng vitamin D cần thiết cơ thể, con người có những thay đổi về mặt di truyền như màu da sáng hơn. Một phần trong số những người da trắng có làn da sáng hơn này sau đó di cư về phía nam và con cháu của họ, người Hy Lạp, La Mã, Scythia và Iran tiếp tục là những người không biết bơi cho đến cuối Thời đại Đồ đồng, ngay cả khi họ sống ở những nơi ấm áp trong Kỷ Băng hà.
Hàng ngàn năm nữa trôi qua, chúng ta có thể theo dõi dòng chảy lịch sử qua những bức tranh trên đá tại Tassili n’ Ajjer ở miền nam Algeria, mô tả những người đang di chuyển trong tư thế nằm ngang với hai cánh tay dang rộng. Rất có thể họ đang bơi.
Đến năm 8000 trước Công nguyên, trong Hang động của những người bơi lội (Cave of Swimmers) ở phía tây Ai Cập, ta có thể nhận ra những hình người nhỏ màu đỏ đang bơi.
Những người bơi lội trong Hang động của những người bơi lội tại sa mạc phía tây, Ai Cập. Ảnh: Wikimedia Commons
5000 năm nữa trôi qua, các văn bản và chữ tượng hình của người Ai Cập tràn ngập hình ảnh biểu trưng cho hoạt động bơi lội. Các vị vua Ai Cập bơi lội, người Ai Cập nghèo cũng bơi. Các cô gái và phụ nữ Ai Cập đã bơi, và rất có thể là Cleopatra đã bơi. Mark Antony biết bơi.
Bơi lội trở thành hoạt động phổ biến trên khắp lục địa Châu Phi, và những câu chuyện về bơi lội để vui chơi và giải trí cùng với săn bắn và kiếm ăn, được tìm thấy trong nhiều câu chuyện dân gian cổ xưa. Trong câu chuyện “Hai bà vợ ghen” của người Ethiopia, hai anh em sinh đôi khi bị ném xuống sông đã nhanh chóng được những người đang bơi cứu sống. Một câu chuyện hài hước của Tây Phi thì kể về người phụ nữ keo kiệt háo hức nhảy xuống sông để bơi hòng tìm một hạt đậu.
Bơi sải (overarm: cánh tay nhấc lên khỏi mặt nước và duỗi thẳng về phía trước qua vai) là kiểu bơi lâu đời nhất được ghi nhận. Trong các bức tranh của Ai Cập, Hittite, Hy Lạp và La Mã thời kỳ đầu, có thể nhận ra con người đang bơi, luân phiên nhấc hai cánh tay và đôi khi vẫy bàn chân. Những người bơi lội ở Hy Lạp và La Mã không được úp mặt xuống nước, và bơi ếch không xuất hiện trong các hình ảnh và câu chuyện cổ xưa.
Tác phẩm Phaedrus của Plato là tác phẩm duy nhất đề cập đến động tác bơi ngửa, mô tả một người đàn ông “nằm ngửa bơi ngược dòng nước”. Bơi nghiêng (sidestroke – cả thân người nằm nghiêng so với mặt nước nhằm hạn chế sức cản của nước) thường được dùng khi người bơi cần đẩy xuồng hoặc vận chuyển vật gì đó mà không muốn dính nước.
Một số nhà khoa học cho rằng người Assyria là những người đầu tiên tạo ra các thiết bị hỗ trợ nổi trên mặt nước, họ thường sử dụng một loại “phao” làm từ da dê để giúp họ nổi trên các con sông chảy xiết ở miền đông Syria và miền bắc Iraq.
Một chiếc thìa Ai Cập cổ đại có hình dạng của một người đang bơi lội. Ảnh: Bảo tàng Louvre/Wikimedia Commons
Phản ánh tư tưởng và văn hoá
Ở lục địa Á – Âu cổ đại, bơi lội còn phản ánh quan niệm, tư tưởng của người dân. Tại khu vực ngày nay là phía Bắc Trung Quốc, người dân không bơi lội, với họ nước rất thiêng liêng, có phần nguy hiểm, đôi khi liên quan đến ma thuật và không thể bị ô nhiễm bởi cơ thể con người.
Nhà sử học Hy Lạp Herodotus nhận xét rằng người Ba Tư tôn sùng nước, họ “không bao giờ đi tiểu hoặc khạc nhổ xuống sông, thậm chí không rửa tay trong một dòng sông; cũng không cho phép người khác làm vậy; họ rất tôn kính những dòng sông”.
Khả năng bơi lội đôi khi cho thấy địa vị, tầng lớp của một người. Phụ nữ Hy Lạp và La Mã giàu có thỉnh thoảng vẫn đi bơi. Cháu gái của hoàng đế La Mã Augustus có khả năng bơi lội cừ khôi. Khi bà bị tấn công, bà đã trốn thoát bằng cách bơi qua một cái hồ, những kẻ tấn công bà vì không biết bơi nên không thể đuổi theo.
Không phải người dân trong tất cả các nền văn hoá thời cổ đại đều thích bơi. Trên khắp châu Âu và Bắc Á, ở vùng Lưỡng Hà (Syria, Iraq và Kuwait) và Tây Nam Á, mọi người không biết bơi, họ sợ nước cũng như sợ những sinh vật có thật lẫn tưởng tượng sống dưới biển và hồ.
Có thể nhận thấy sự khác biệt về văn hóa thể hiện qua bơi lội xuyên suốt các câu chuyện lịch sử. Bơi lội không phải lúc nào cũng là đặc quyền của giới thượng lưu, ở một số khu vực, khả năng bơi lội bị so sánh với hành vi của động vật. Trên khắp các lục địa Châu Phi và Châu Mỹ, các nhà thám hiểm châu Âu thời trung cổ đã đề cập kỹ năng bơi lội của một người là lý do cho việc họ bị bắt làm nô lệ. Dù bị xem là một hành vi thấp kém, song các chủ sở hữu nô lệ vẫn mong đợi những nô lệ người Mỹ bản địa và châu Phi của mình biết bơi. Họ sẽ yêu cầu người nô lệ lặn để làm sạch tàu, làm nhân viên cứu hộ khi những người da trắng, trục vớt hàng hóa bị mất từ vụ đắm tàu, làm thợ lặn ngọc trai.
J. Wesley Van der Voort, Pearl Divers at Work, 1883. Ảnh: Đại học Washington/Wikimedia Commons
Ngày nay, bơi lội vẫn nói lên nhiều điều về sự bất bình đẳng. Báo cáo của OECD vào năm 2022 cho thấy tại các nước có thu nhập thấp, với những người có trình độ học vấn tối đa là 8 năm, cứ bốn người thì chỉ có một người biết bơi – con số này ở các quốc gia phát triển là 59% – và phần lớn những người không biết bơi là trẻ em gái và phụ nữ. Tình trạng tư nhân hoá các bờ biển, bãi biển, cũng như việc xây dựng các con đập, đường xá, bến cảng, cũng khiến khả năng tiếp cận các khu vực sông nước tự nhiên trên toàn thế giới giảm đi.
Hà Trang tổng hợp