Bài viết của Paul Boudet trên Tờ Indochine, năm 1944. TTLTQGI
Do cần chuẩn bị vật liệu và nghiên cứu việc lắp đặt nên đến cuối năm 1898, công ty Daydé & Pillé mới có thể bắt đầu tổ chức công trường thi công. Nhưng do công nhân ban đầu còn chưa thạo việc nên phải đến tháng 3 năm 1899, công việc mới bắt đầu có hiệu quả với việc đào móng xây xong 2 trụ đầu tiên ở bên bờ phải. Tuy nhiên, vào mùa lũ từ tháng 6, công trình buộc phải dừng và bắt đầu lại vào tháng 10 năm đó.
Năm 1899, trong một bài báo đăng trên Tờ Tương lai Bắc Kì, có đoạn viết :
« … Một bãi đất rộng ở khu vực kè sông đã được rào kín bằng tre và nơi đây là nơi công ty Daydé et Pillé, công ty được giao xây dựng cầu, đã tập kết gỗ và đá, cũng như một phần máy nén khí của họ.
Văn phòng và máy hơi nước được bố trí ở phía bên kia đường. Bốn đầu máy cung cấp năng lượng được sử dụng cho công trình. Ở phía ngoài khu vực rộng lớn này, nơi có các cu li, thợ xây và thợ mộc làm việc, người ta thấy có các kho gỗ và cọc dành cho các công trình lớn. Xa hơn một chút, ở trên bến có chất đầy đá đục đẽo hình vuông và được đánh số bằng vôi hoặc sơn đỏ theo mục đích sử dụng. »[2] Ảnh công trường chụp tháng 3 năm 1899. Nguồn: Université Côte d'Azur. BU Lettres Arts Sciences Humaines. Fonds ASEMI Việc đào móng xây trụ cầu dưới lòng Sông Hồng được tiến hành bằng phương pháp dùng giếng chìm hơi ép để đào và xây móng sâu dưới 30 mét tính từ mực nước thấp nhất. Giếng chìm bằng thép được nhấn chìm trong lòng đất nhờ máy nén khí.[3] Revue indochinoise, 1902. TTLTQGI
Phương pháp đào móng xây trụ này có tên tiếng Pháp là Fonçage, do kỹ sư Jacques Triger sáng chế ra. Đây là phương pháp tương tự đã được sử dụng vài năm trước khi xây cầu ở Hà Nội, để làm móng cho cầu Brooklyn ở New York và Tháp Eiffel.
Công trường đào móng xây trụ cho Tháp Eiffel. Ảnh sưu tầm
Đào móng xây trụ bằng phương pháp này là công đoạn kỹ thuật phức tạp và nguy hiểm. Trong một buồng khí nén phía dưới, công nhân đào đất chuyển lên trên theo ống giếng thép hẹp. Chiếc giếng chìm bằng thép được nhấn chìm sâu xuống mỗi ngày vài chục xen-ti-mét. Rồi dần dần giếng được dằn đá và bê tông, khi đạt đến độ sâu mong muốn, giếng chìm được giữ nguyên vị trí và tạo thành nền móng cho các trụ cầu, để sau đó xây dựng ở phía trên. Quy trình cơ bản để đào móng xây trụ bằng phương pháp này như sau:
Cần có 3 công nhân: một ở phía trên khoang điều áp, một ở trong khoang và một ở dưới đáy để đào đất. Công nhân bên dưới luôn khô ráo, vì áp lực không khí luôn đẩy nước ra ngoài qua đường ống thoát nước.
1. Người công nhân đào đất đá, đổ đầy xô và chuyển lên cho công nhân khoang điều áp. Khoang điều áp tại thời điểm này trong tình trạng khí nén.
2. Khoang điều áp đóng nắp phía dưới và từ từ mở van ra bên ngoài. Khi ở áp suất khí quyển, nắp khoang phía trên được mở ra, công nhân ở bên ngoài lấy xô và đổ đất đá ra ngoài phía trên ống giếng.
3. Người ở trong khoang điều áp lại lấy xô, đóng nắp phía trên và mở van áp suất phía dưới. Sau đó, từ từ trở lại áp suất của khoang làm việc. Chu trình mới lại bắt đầu.
Hình vẽ mô phỏng phương pháp Triger Tại công trường xây cầu, có tám chiếc giếng chìm hơi ép cùng hoạt động. Số lượng công nhân người bản xứ lao động trên công trường là 2.000, đôi khi lên đến 3.000 người bản xứ dưới sự giám sát của 40 kỹ sư và quản đốc người Âu. Ở công trường có một trạm phát điện công suất 350[4] mã lực cung cấp điện vận hành máy móc và máy nén khí[5]. Đào móng xây trụ là công đoạn kỹ thuật phức tạp và nguy hiểm cho người lao động. Làm việc ở áp suất 3 át-mốt-phe rất vất vả gây ra các tai nạn vì giảm áp, được gọi là bệnh giảm áp (bệnh Caisson hay bệnh giếng khí nén), là một mối nguy hiểm thường trực. Kể từ năm 1878, người ta biết căn bệnh này là do sự hình thành bọt khí nitơ trong máu và các mô. Năm 1898, kỹ thuật ứng dụng “thang giải khí nén” đã ít nhiều đã có thành quả và tai nạn đã hiếm xảy ra hơn. Áp dụng cách này là cần phải tránh áp suất cao, hạn chế thời gian ở phía dưới sâu và di chuyển lên phía trên từng nấc thang một. Công nhân làm việc trong bốn giờ ở phía dưới, trong môi trường khí nén, sau đó từ từ di chuyển lên ra bên ngoài trời, và sẽ một đội khác thay thế. Công nhân ngay lập tức phải được đưa đến một túp lều, ở đó họ được cho uống thuốc bổ, được mát xa; có một bác sĩ thăm khám khi cần. Mặc dù trong Hồi kí của Doumer đã viết, quá trình xây dựng cầu “không có tai nạn nào xảy ra”[6] nhưng cho đến nay, công nhân đào móng xây trụ có di chuyển ra khỏi giếng theo tuân theo các “nấc thang giải nén khí” hay không và câu trả lời chính xác về tai nạn và bệnh giảm áp xảy đến với họ đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Tài liệu tham khảo:
- A. Raquez, Revue indochinoise, 1902, tr.275-280, TTLTQGI
- Le Génie civil, 3.4.1909.- François MARTIN, Le fonçage TRIGER, Plus d'un siècle et demi d'efficacité, Article pour l'Association Française des Travaux en Souterrain – Mai 2004.
[1] Mốc thời gian ngày 12/9/1898 căn cứ theo bài viết của Paul Boudet đăng trên Tờ Indochine, năm 1944. Tuy nhiên, trên Tờ L’Avenir du Tonkin năm 1898 và năm 1902 thì thời điểm đặt viên đá đầu tiên lại là ngày 13/9/1898.
[2] L’Avenir du Tonkin, 20 tháng 3 năm 1899. [3] Revue indochinoise, 1902, tr.275-280 [4] Số liệu này trong Le Génie civil, 3.4.1909 là 500. [5] A. Raquez trên Tờ Revue indochinoise, 1902 [6] Paul Doumer, L’Indochine française (Souvenirs), 1905, tr. 310 Đỗ Hoàng Anh