Nghiên cứu mới đã giải mã các yếu tố bí ẩn trong văn bản cổ Kaogong ji, làm sáng tỏ cách người Trung Quốc sản xuất các đồng tiền đồng đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu đã giải mã các công thức chế tạo kim loại bí ẩn có trong một văn bản cổ của Trung Quốc, cho thấy sự phức tạp không ngờ trong việc chế tạo kim loại thời đó.
Cụ thể, nghiên cứu đã giải mã sáu công thức hóa học được ghi lại trong một văn bản tiếng Trung từ năm 300 trước công nguyên, có tên là Kaogong ji. Văn bản này được coi là là Bách khoa toàn thư về công nghệ cũ nhất thế giới, là một phần của kho lưu trữ chi tiết về thời kỳ đầu của các triều đại phong kiến trung quốc, và các nhà khảo cổ học đã cố gắng giải mã văn bản này từ những năm 1920
Nguồn ảnh: Getty Images
“Kaogong ji có thể đã được viết bởi một người quản lý để đảm bảo với hoàng đế rằng mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát," Giáo sư Mark Pollard, từ Đại học Oxford, cho biết. Đó là một phần của cẩm nang hướng dẫn cách điều hành đế chế.
Trong 100 năm, các học giả đã tìm mọi cách để giải nghĩa hai thành phần chính của công thức: Jin và Xi. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã xác định được đó là hai thành phần nào.
Hai thành phần bí ẩn Jin và Xi trước đây được cho là đồng và thiếc, nhưng một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Antiquity cho thấy chúng thực chất đề cập đến các hợp kim chế tạo sẵn, được sử dụng trong việc sản xuất đồ đồng thời đầu của Trung Quốc.
Hợp kim được tạo ra bằng cách trộn các kim loại khác nhau với nhau. Mặc dù họ chưa xác định được tổ hợp chính xác, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng Jin và Xi ám chỉ sự pha trộn của một số kim loại, chứ không phải một kim loại nhất định.
Khám phá được thực hiện bằng cách xem xét các đồng xu Trung Quốc từ khoảng thời gian mà Kaogong ji được viết. Các đồng xu dường như chứa hai hợp kim được chuẩn bị trước, một hợp kim đồng-thiếc-chì và một hợp kim đồng-chì, khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ.
Pollard nói: “Tôi chợt nhận ra rằng nếu bạn giải thích lại ý nghĩa của Jin và Xi, chúng có thể là các khái niệm mô tả các hợp kim đã được chuẩn bị trước."
Nghiên cứu cho thấy sự phức tạp không ngờ trong quá trình sản xuất kim loại ban đầu của Trung Quốc. Pollard nói: “Nó ám chỉ một giai đoạn chuẩn bị và cung cấp kim loại hoàn toàn mới mà chúng ta chưa thực sự hiểu."
Cũng như làm sáng tỏ cách chế tác đồ đồng cổ của Trung Quốc, một định nghĩa chính xác hơn về Jin và Xi có thể giúp các nhà nghiên cứu giải mã các văn bản lịch sử khác của Trung Quốc.
“Nghiên cứu này đưa ra một giả thuyết thú vị về các công thức, giới thiệu ý tưởng về các hợp kim đã được chuẩn bị trước rồi mới đưa vào quá trình chế tạo tiếp tục. Nó có khả năng cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về cách người Trung Quốc cổ đại nhìn thế giới tự nhiên,” Pollard nói.
Giáo sư Lothar von Falkenhausen, từ Đại học California, Los Angeles, đồng ý và nói: "Việc Jin và Xi đề cập đến hợp kim, thay vì kim loại, có vẻ đáng được coi là một giả thuyết và có thể được kiểm chứng tiếp tục trong các nghiên cứu sâu hơn."
Kaogong ji có thể đã được dùng để kiểm soát việc sản xuất đồ đồng vào thời kỳ đầu của Trung Quốc. Pollard nói: “Sự tồn tại của văn bản này cho thấy có một số sự kiểm soát của triều đại đối với việc sản xuất đồ đồng. Đồng là vật liệu chiến lược vào thời sơ khai của Trung Quốc, giống như dầu mỏ ngày nay. Kiểm soát nó là chìa khóa cho quyền lực của triều đại."
“Việc chế tác đồ đồng được thực hiện trên quy mô lớn, do đó cần một hình thức quy định và tiêu chuẩn hóa để đảm bảo rằng mọi người làm việc phối hợp chặt chẽ với nhau,” Tiến sĩ Ruiliang Liu từ Bảo tàng Anh cho biết.
“Kaogong ji là một tài liệu thực sự quan trọng vì nó mô tả những gì mọi người muốn, hoặc những gì họ nghĩ về thế giới tự nhiên. Về cơ bản, nó đang cho chúng ta biết về hành vi của con người,” Pollard nói.
Phạm Nhật theo theguardian