Khi lật giở lại những trang sách cũ theo nhiều cách, người ta có thể tình cờ phát hiện ra những điều thú vị mà ngày nay ít người biết đến.
Trong tiểu thuyết Il nome della rosa (đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Tên của đóa hồng) do Umberto Eco viết năm 1980, cuốn Poetics (Thi pháp học) của Aristotle đóng một vai trò quan trọng bởi liên quan đến những cái chết bất đắc kỳ tử với những vết đen trên lưỡi và ngón tay của những người đọc nó. Vậy những gì mà Umberto Eco miêu tả trong một cuốn sách hư cấu gần với sự thật không? Có phải những người không may này đều bị nhiễm độc?
Trên thực tế là có.
Điều này được phát hiện một cách hết sức tình cờ. Nhóm nghiên cứu Di sản văn hóa và Trắc lượng khảo cổ (Archaeometric Research Team CHART) trường Đại học Nam Đan Mạch tìm hiểu về ba cuốn sách thế kỷ 16 và 17 trong bộ sưu tập đặc biệt Herlufsholm của thư viện trường. Họ mang ba cuốn sách này đến phòng thí nghiệm tia X bởi vì họ phát hiện ra là thứ da dùng để bọc chúng có thể nguyên thủy là các trang bản thảo các cuốn Luật La Mã xuất bản thời Trung cổ. Điều này không có gì lạ bởi người ta thường tái sử dụng các trang giấy cổ bằng da cừu bằng cách làm sạch các nội dung cũ đi để tạo ra một trang mới (palimpsest) hoặc dùng để gói hàng, làm giày… Nguyên nhân là các tác phẩm bằng chất liệu da thường rất đắt đỏ (ví dụ để có được một cuốn Kinh thánh hoàn chỉnh, cần da của khoảng 200 con cừu).
Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu cố gắng nhận diện phần chữ Latin ở trang sách cũ hay ít nhất là nắm bắt một số nội dung của chúng. Tuy nhiên, họ sớm phát hiện ra là phần chữ Latin trên đó rất khó đọc bởi vì chúng bị chìm lấp dưới một lớp màu màu xanh lá cây. Do đó, họ mang đến phòng thí nghiệm với mục đích là sử dụng kính hiển vi điện tử XRF và quang phổ Raman để xem các nguyên tố hóa học của mực in phía dưới, thường là sắt và calcium, với hy vọng là có thể đọc được thông điệp trên những trang sách đặc biệt này.
Họ không nhầm bởi dường như không gì có thể giấu được dưới “con mắt lọc lõi” của kính hiển vi điện tử. Kết quả phân tích cho thấy, lớp màu xanh lá ấy chứa arsen, một trong những nguyên tố hóa học độc bậc nhất thế giới. Việc phơi nhiễm nó có thể dẫn đến một số triệu chứng nhiễm độc, rủi ro phát triển bệnh ung thư và thậm chí là cái chết. Phát hiện mới sau đó đã trở thành nội dung của bài báo “Poisonous books: analyses of four sixteenth and seventeenth century book bindings covered with arsenic rich green paint” (Những cuốn sách nhiễm độc: phân tích bốn bìa sách thế kỷ 16 và 19 nhuộm màu xanh lá cây chứa arsen), được xuất bản trên Heritage Science. “Vấn đề bản chất tự nhiên của màu xanh lá, mục tiêu ban đầu của nó, bản chất hóa học của nó, lịch sử cụ thể của chúng cũng như các vấn đề liên quan đến việc xử lý và bảo tồn các cuốn sách này – và những cuốn tương tự – có vai trò quan trọng với các viện nghiên cứu và các thư viện, các kho lưu trữ, bảo tàng, các nhà sưu tập cũng như lịch sử hóa học và vật lý”, giáo sư Kaare Lund Rasmussen viết như vậy trong công bố.
Màu sắc thời thượng
Màu sắc thường rất thu hút, bởi nó gợi lên rất nhiều cảm xúc phong phú của con người. Là một trong những màu như thế, màu xanh lá cây thường được cho là giúp cân bằng cảm xúc và đem lại cảm giác về sự êm ả, bình thản và trong trẻo. Năm 1598, nó được gọi là màu lục ngọc bảo bởi những sắc thái sáng rỡ, tươi tắn của nó làm người ta gợi nhớ đến những tia phát ra từ loài đá quý này. Trong lịch sử, nó còn mang tên xanh Paris, xanh Verona hay xanh hoàng gia do toát ra sự tinh tế, sang chảnh và kiêu kỳ. Tuy nhiên, những cái tên này đã mất đi theo thời gian.
Màu xanh lục ngọc bảo trở nên phổ biến vào những năm 1800, chủ yếu là trong giới hội họa, dệt nhuộm và sơn tường. Những họa sĩ nổi tiếng của trường phái Ấn tượng như Monet, Cezanne và Vincent van Gogh, cũng thích màu xanh này, ví dụ như van Gogh chủ yếu tô màu cho bức vẽ năm 1889 Madame Roulin Rocking the Cradle. Thật không may vào thời điểm đó, điều góp phần làm cho màu sắc này trở nên đẹp đẽ là do chứa arsen, dẫn đến nguy cơ rủi ro khi nhiễm độc. Người ta có thể rúng động về tình trạng nhiễm độc trong dân chúng châu Âu nước Anh thời kỳ nữ hoàng Victoria dường như ngập trong màu xanh lục ngọc bảo: chỉ trong năm 1860, quốc gia này chế tạo ra hơn 700 tấn bột màu.
Màu xanh lục ngọc bảo (chứa arsen) có nhiều sắc thái thu hút mắt người. Những khác biệt trong sắc thái ấy phần lớn phụ thuộc vào kích thước của các hạt arsen (ở dạng bột): các hạt thô hơn, có kích thước lớn hơn đem lại cho màu xanh lục ngọc bảo sắc sẫm hơn còn những hạt mịn hơn tạo ra sắc sáng hơn. Cũng như những màu sắc khác, xanh lục ngọc bảo cũng có xu hướng bị rạn nứt, rơi rụng và phai màu theo thời gian và dưới tác động của môi trường. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe con người.
Màu xanh lục ngọc bảo chứa arsen đã được dùng phổ biến ở châu Âu thế kỷ 19. Nguồn: TheConversation.
Nhưng vào thời kỳ bình minh của sản xuất màu xanh lục ngọc bảo, người ta chưa biết đầy đủ về tác hại lâu dài của nó. Nhiều vùng ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 10 đến 16 đã áp dụng cách này còn ở châu Âu, người ta tìm thấy nhiều bức vẽ thời kỳ đế quốc Byzantine đến đầu Trung cổ. Người ta đã sớm biết cách tạo ra màu xanh này bằng việc hòa trộn thư hoàng và chàm: ở đây thư hoàng (As2S3) là một khoáng vật sulfur của arsen có màu vàng cam sẫm và chàm (indigo) được lấy từ cây chàm. Công thức của nó đã được ghi lại trong cuốn sách nổi tiếng Libro dell’arte (Sách về nghệ thuật) của họa sĩ Ý Cennino Cennini viết vào nửa đầu thế kỷ 15: “Có thể thu được màu xanh lá cây từ việc trộn lẫn hai phần thư hoàng và một phần chàm (indigo). Màu này tốt cho việc vẽ lên khiên và giáo cũng như vẽ trên tường”. Có bằng chứng cho thấy vào trước Công nguyên, người Ai Cập đã dùng thư hoàng để tô màu và việc nó xuất hiện trong cuốn sách của Cennini cho thấy màu này vẫn luôn được sử dụng từ đó đến thời kỳ của họa sĩ Ý này. Chương sách mà Cennini nhắc đến thư hoàng cũng lưu ý về cách chuẩn bị làm màu và lưu ý là nên hòa thêm với một ít bột thủy tinh để làm gia tăng độ nhuyễn của hỗn hợp khi quyện thêm với chàm.
Việc tìm thấy màu xanh lục ngọc bảo trên bìa các cuốn sách của nhóm nghiên cứu di sản văn hóa là một phát hiện mới. Dựa trên kết quả phân tích, họ không chỉ thấy hỗn hợp được hòa trộn từ thư hoàng và chàm mà còn có cả thạch anh, có thể được dùng để thư hoàng thêm mịn hơn. Dẫu vậy thì người ta vẫn chưa chắc chắn về mục đích chính của thạch anh: liệu nó được thêm vào hay nó có sẵn trong thành phần thư hoàng lúc ban đầu? Việc xác định nó cũng khá quan trọng vì nó liên quan đến nguồn gốc của thư hoàng. Trong tự nhiên, thư hoàng được tạo ra chủ yếu ở một số nguồn: những lỗ phun khí ở núi lửa, mạch thủy nhiệt nhiệt độ thấp, suối nước nóng hoặc những sản phẩm thăng hoa của hoạt động núi lửa, một phần kết quả của quá trình phân rã khoáng chất hùng hoàng (sulphur arsen). Tuy nhiên người ta cũng cho rằng đây là một chất nhân tạo. Một số ghi chép đề cập tới việc thư hoàng là một màu nhân tạo vào thế kỷ thứ 15 nhưng bằng chứng chính xác về sự thăng hoa của thư hoàng là vào nửa cuối thế kỷ 18. Theo kết quả phân tích nhiễu xạ tia X, sự hiện diện của calcite – khoáng vật carbonat và là dạng bền nhất của calci carbonat (CaCO3), khiến người ta nghiêng về nguồn gốc tự nhiên của thư hoàng trong mẫu.
Độc chất len lỏi vào ngành xuất bản
Vậy điều gì khiến màu xanh lục ngọc bảo lại có mặt trên các cuốn sách? Để đi tìm câu trả lời, nhóm nghiên cứu di sản văn hóa đã đi sâu tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của màu xanh lục ngọc bảo trong các cuốn sách mà họ có. Thông tin họ phát hiện ra thật hữu ích, thông qua những phân tích nhiễu xạ tia X, sắc ký khối phổ…, ví dụ như thành phần của màu ở các sắc độ xanh hết sức tương đồng nhau, sự khác biệt nếu có chỉ là việc trộn các thành phần ở các tỉ lệ khác nhau cũng như việc hồ bột thành lớp dày hay mỏng. Về tổng thể, sự tương đồng nhau kỳ lạ về mặt hóa học cho thấy có thể là nguồn gốc màu của tất cả các cuốn đều được làm cùng một xưởng. Có thể là màu được làm từ một công thức chung, vốn đã phổ biến ở châu Âu vào thời kỳ đó, và việc áp dụng công thức này đem lại hiệu quả hơn so với việc cố gắng tạo ra một công thức mới. Các họa sĩ và những người làm sách thích tìm kiếm những nguyên liệu thô trong những cửa hàng trên phố thời kỳ đó, điều này có thể giải thích nguyên nhân vì sao có sự tương đồng về thành phần khoáng chất. Và dường như màu xanh giàu arsen là một phần của quy trình làm sách.
Dẫu các cuốn sách đều được in ở những địa điểm khác nhau ở châu Âu – Basel, Bologna, và Lübeck – phong cách của những bìa sách chỉ dấu là chúng có thể được làm cùng một thời kỳ, cùng một vùng khi đều áp dụng phong cách đóng sách phổ biến vào thế kỷ 16 và 17 ở Đức: vô cùng chắc chắn và ngay cả các trang sách bằng da cũng hiếm khi bị cong vênh (để hạn chế sự cong vênh của sách da, người ta phải đục lỗ, đóng chốt, ghì chặt các trang lại với nhau và dùng bìa dày nén chúng xuống. Dấu vết của cách đóng sách này chính là các loại gáy xoắn của những cuốn sổ hiện đại). Dần dà, chi phí dành cho nguyên liệu xuất bản sách gia tăng, cộng với sự giới hạn của các nguồn cung và một số lí do tôn giáo và chính trị khác ở châu Âu thời bấy giờ khiến cho giới xuất bản phải liên tục đi tìm những cách mới để hạn chế chi phí.
Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện giới xuất bản và nhanh chóng giúp các ông chủ nhà in in được những cuốn sách với số lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu của một lượng lớn độc giả. Điều này khiến giới xuất bản phải nghĩ đến việc đổi mới, đó là tìm một vật liệu khả dĩ có thể thay thế da làm sách. Thực ra, nhiều tài liệu ghi lại là vải đã được dùng để bọc những cuốn sách da từ lâu nhưng phải đến đầu thế kỷ 19, nó mới được sử dụng một cách phổ biến, chủ yếu bắt nguồn từ nhu cầu giảm chi phí. “Vải thì rẻ hơn nhiều so với da, nhờ vậy họ có thể bán sách với giá thấp hơn nhiều”, Melissa Tedone, người đứng đầu Phòng thí nghiệm về bảo tồn vật liệu thư viện ở bảo tàng, vườn và Thư viện Winterthur ở Delaware (Mỹ), nhận xét.
Vào những năm 1820, vải đã được cả giới xuất bản đồng loạt dùng làm vật liệu bọc bìa sách, gần như tương đồng với thời điểm quy trình sản xuất màu xanh lục ngọc bảo được tối ưu: công ty Màu và Chì trắng Wilhelm ở Schweinfurt, Đức, sản xuất và thương mại hóa màu xanh lục ngọc bảo lần đầu vào năm 1814 – một sản phẩm của việc kết hợp đồng acetate và arsen trioxide tạo thành copper acetoarsenite.
Nhưng rắc rối là các tấm vải được dệt theo phương pháp truyền thống lại không đủ bền như người ta mong muốn để trải qua quá trình bọc sách đòi hỏi những căng kéo cơ học và cũng không đủ cứng cáp để làm được bìa sách như da. Vào những năm 1820, ông chủ nhà xuất bản William Pickering và người thợ đóng sách là Archibald Leighton đã phát triển một quy trình xử lý đầu tiên ở quy mô công nghiệp, đó là hồ bột lên vải để lấp các ô nhỏ giữa các đường dệt và nhờ đó, tạo ra một vật liệu cứng cáp như mong đợi. “Đó là vật làm thay đổi cuộc chơi”, Melissa Tedone nói. Nó làm thay đổi cách sách được đọc. “Họ khiến nhiều người có thể có được sách hơn, ở mọi cấp độ giàu nghèo”.
Những cuốn sách có bìa bọc vải xuất hiện vào những năm 1840 và quy trình tạo ra những tấm vải đủ tiêu chuẩn trở thành một bí mật nghề nghiệp. “Nó đem lại rất nhiều tiền cho các nhà xuất bản nhưng thật không may là không có nhiều tài liệu ghi lại bằng chứng về cuộc cải cách này,” Tedone nói.
Những gì chúng ta biết ngày nay là những người làm sách đã có một dải các màu sắc bắt mắt, vốn đều là những dung dịch chứa các hợp chất có sự liên kết chặt chẽ về mặt hóa học và các màu đó đều có thể là tấm áo phủ mang tính vật lý, giống như việc hồ bột cổ áo sơ mi trắng. Và do đây là kỷ nguyên của màu xanh lục ngọc bảo mà màu sắc này phổ biến trong các bìa sách. Theo cách này, arsen đã chen chân được vào những cuốn sách.
Thêm một điều thú vị khác là trong số bốn cuốn sách được nghiên cứu thì có một cuốn ghi là xuất bản vào năm 1575 nhưng những người đóng sách lại ghi ngày trên bìa là năm 1581. Khoảng trống thời gian này cho thấy năm xuất bản có lẽ không phải bao giờ cũng cùng với năm làm bìa nhưng có một điều chắc chắn là màu xanh lục ngọc bảo được thêm vào bởi những người làm bìa và việc quyết định màu thuộc về họ.
Độc tố trong thư hoàng đã được biết đến từ thời cổ đại. Để tránh bị phơi nhiễm, người La Mã đã buộc nô lệ tới các mỏ để khai thác khoáng chất này. Trong cuốn Libro dell’arte, Cennini đã cảnh báo về độc chất thư hoàng, nguy hiểm nhất là khi vô tình nuốt phải.
Vậy có cách nào để người đọc hoặc các nhà nghiên cứu, những nhân viên thư viện tránh phơi nhiễm aren khi vô tình tiếp xúc với những cuốn sách bìa xanh lục ngọc bảo? Một dự án về những cuốn sách chứa độc dược đã được Melissa Tedone khởi xướng, đến ngày 8/5/2022 đã liệt kê được 91 cuốn đang được lưu trữ trong các thư viện. Hiện tại, cô và nhóm nghiên cứu di sản văn hóa đề xuất những cách bảo quản để độc tố không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Nhưng có lẽ, cách an toàn nhất là số hóa nó và trao cho mọi người khả năng truy cập mở. Nếu muốn làm việc trực tiếp trên những cuốn sách này, nhà nghiên cứu phải được trang bị găng tay và ngồi trong một căn phòng đặc biệt để có thể kiểm soát được sự phát tán của các hạt arsen
Và bây giờ, nếu ai đó lạc vào một kho lưu trữ hay thư viện nào đó, tình cờ nhìn thấy những cái bìa màu xanh lục ngọc bảo thì hãy nhớ cần cẩn thận, bởi rất có thể chúng có độc đấy. □
Tô Vân tổng hợp