Khu di tích Cát Tiên được phát hiện vào năm 1984, cho đến nay đã qua 4 lần khai quật do Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lâm Đồng tiến hành và sau đó Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vùng Nam Bộ đã có 5 cuộc khai quật khu di tích này. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy đây là một khu di tích kiến trúc lớn bao gồm nhiều thành phần kiến trúc khác nhau nằm trong một không gian tương đối rộng, do vậy việc đánh giá, định niên đại cho di tích Cát Tiên là một vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi, trước hết nghiên cứu và đưa ra tư liệu của những kiến trúc tiêu biểu nhất, đặc biệt là các phế tích kiến trúc thuộc khu di tích Quảng Ngãi, nơi đã được khai quật nhiều lần và một số phế tích đã được làm lộ diện khá rõ ràng. Đồng thời qua việc so sánh các nguồn tư liệu khác trong khu vực để có thể đưa ra những nhận xét tốt nhất về niên đại của di tích Cát Tiên.
Khu di tích Cát Tiên được phát hiện vào năm 1984, cho đến nay đã qua 4 lần khai quật do Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lâm Đồng tiến hành và sau đó Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vùng Nam Bộ đã có 5 cuộc khai quật khu di tích này. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy đây là một khu di tích kiến trúc lớn bao gồm nhiều thành phần kiến trúc khác nhau nằm trong một không gian tương đối rộng, do vậy việc đánh giá, định niên đại cho di tích Cát Tiên là một vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi, trước hết nghiên cứu và đưa ra tư liệu của những kiến trúc tiêu biểu nhất, đặc biệt là các phế tích kiến trúc thuộc khu di tích Quảng Ngãi, nơi đã được khai quật nhiều lần và một số phế tích đã được làm lộ diện khá rõ ràng. Đồng thời qua việc so sánh các nguồn tư liệu khác trong khu vực để có thể đưa ra những nhận xét tốt nhất về niên đại của di tích Cát Tiên.
- Niên đại cấu trúc
Trong tất cả các phế tích kiến trúc đã được khai quật tại khu di tích Quảng Ngãi, chúng tôi nhận thấy nhóm di tích số II, đặc biệt là phế tích IIa có nhiều thông tin quan trọng và cụ thể để xác định niên đại. Trước hết xin bàn về tấm mi cửa có trang trí và cột đá cửa của phế tích tháp Iia
Mi cửa là một thành phần đáng lưu ý trong kiến trúc Bà la môn giáo Đông Nam á, ngoài giá trị nghệ thuật nó còn có những chỉ định về niên đại khá rõ ràng. Cho nên có thể tìm hiểu niên đại mi cửa Cát Tiên theo hệ nghệ thuật Bà la môn giáo thời Champa, Phù Nam, tiền Ăngko và Ăngko. Song cho đến nay, mi cửa phát hiện trong các di tích Champa, Phù Nam còn quá ít để phân loại, định niên đại. Trong lúc đó thì ở thời điểm tiền Ăngko và Ăngko lại có rất nhiều, hàng trăm tấm (Cao Xuân Phổ 2001: 3). Các nhà nghiên cứu như George Grosilier, H.Parmentier, Mireille Bénisti... tương đối nhất trí rằng: các mi cửa thời tiền Ăngko có thể chia làm hai loại:
- Loại một, hay còn gọi là loại mi cửa có dấu thuỷ quái Makara ở hai đầu, giữa hai đầu Makara là một bó hoa chạy dài và có 7 hoa xen kẽ móc vào nhau. Trên đường diềm thường được trang trí hoạ tiết hình ôvan nổi lên như những huy chương mang hình các vị thần linh hoặc hình người.
- Loại mi cửa thứ hai là một biến hóa của loại một. Hai đầu mút và đường diềm vẫn như mi cửa loại một nhưng đầu Makara được thay bằng bó hoa hoặc đường lượn lá lật. Hình huy chương biến thành mô típ bông hoa và không có hình người ở giữa (Grosilier 1921: 276-278, Parmentier 1927: 272-296, Bénisti 1966: 71-75 ). ở tấm mi cửa tháp IIa Cát Tiên có hai đặc điểm trùng với các loại vừa nêu: Đó là bó hoa, lá kéo dài suốt chiều dài mi cửa và các bông hoa móc treo vào. Các bông hoa sen này giống hệt với bông hoa của mi cửa Sambor Prei Kuk và Prei Khmeng. Như vậy, tấm mi cửa này có thể có niên đại khoảng thế kỷ 7 - 8.
Đôi cột đá đi liền tấm mi cửa của tháp IIa là cột đá nhỏ hình trụ tròn với ba hàng nhẵn dẹt tròn không có hoa văn, ở hai đầu có hàng cánh sen nở được cắm vào bộ phận cối quay cửa bằng đá có hoa văn khá giống với cột cửa của Sambor Prei Kuk (Parmentier 1927: 265).
Về cột đá này, Lương Ninh cho rằng thuộc cột đá cửa loại I theo bảng phân loại của Ph. Stern: Khá chắc chắn là kiến trúc tiền Ăngko loại sớm. Có lẽ không thể sớm hơn, từ nửa sau thế kỷ 7 và nhất là không thể muộn hơn, sang thế kỷ 9 (Lương Ninh 2001: 3).
Trên tường gạch tháp IIa, mặc dù không còn một đồ án trang trí nào nguyên vẹn song may thay, làm ranh giới giữa đế tháp và tường thân tháp còn giữ lại được một hàng gạch hoa sen và trên nó là hàng gạch có trang trí hình dấu hỏi, hay "con sâu" (Vermiculé) (ảnh 2). Yếu tố này rất giống với hoa văn trên kiến trúc mandapa của di tích Sambor Prei Kuk (Parmentier 1927: 265-257). Kiến trúc này được H. Parmentier định niên đại thế kỷ 8.
Người ta thấy ở di tích Pô Shanư (Bình Thuận) một bộ cửa khá giống như cột đá tháp IIa Cát Tiên mà kiến trúc này được định niên đại giữa thế kỷ 8 (Nguyễn Xuân Lý, Nguyễn Hồng Kiên 1996: 299-301).
Qua các tài liệu trên cho thấy có thể xếp ngôi tháp IIa vào niên đại nửa đầu thế kỷ 8. Và từ ngôi tháp này có thể làm đơn vị chuẩn so sánh với các kiến trúc đền tháp khác, cùng với các di vật để tiến hành định niên đại các di tích đó.
Ngôi tháp IIb nằm liền kề tháp IIa về phía bắc, qua cuộc khai quật năm 1998 đã cho thấy hiện tượng tường chắn trượt của ngôi tháp này cắt vào tường chắn trượt của tháp IIa. Toàn bộ phần chân móng phía nam của ngôi tháp IIb đã cắt vào phần sân và tường chắn trượt của tháp IIa. Không nghi ngờ gì nữa, ngôi tháp IIb chắc chắn được xây sau ngôi tháp IIa, tuy nhiên thời gian có thể không lâu lắm bởi các mô típ hoa văn trên gạch của tháp IIb gần như được giữ nguyên từ tháp IIa và được phát triển phong phú hơn với các đường nét chạm khắc trên gạch mềm mại và có độ sâu hơn. Về mặt bằng kiến trúc của hai ngôi tháp này đều có bình đồ vuông, cửa giả có ở ba mặt tường bắc, nam, tây. Cửa chính quay hướng đông và các lần giật cấp góc tháp khá đều đặn và tương đồng với nhau, tạo nên một bình đồ tháp tựa như bông hoa nở. Mặc dù quy mô, kích thước của ngôi tháp IIb nhỏ hơn ngôi tháp IIa song chúng tôi vẫn thấy sự đồng điệu trong ý đồ kiến trúc của hai ngôi tháp này (Bản vẽ 1).
Trở lại với mô hình 3 tháp liền nhau theo hàng ngang chiều đông-tây, chúng tôi nhận thấy ở nhóm đền tháp Pô Shanư (Bình Thuận), một di tích đã được H.Parmentier ghi nhận trong Inventaire descrifs des monuments Chams de l' Annam (Parmentier 1927-1918: 28). Một nhóm đền tháp ảnh hưởng khá đậm phong cách kiến trúc của Khmer. Mặt bằng của nhóm kiến trúc II - Cát Tiên khá tương đồng với nhóm đền tháp này với các kiến trúc: Kalan A chính, 2 Kalan phụ C và D, Kosagriha E và Mandapa H với niên đại thế kỷ 8 (Nguyễn Xuân Lý 2000: 59-64).
Về cấu trúc lòng tháp, cả hai ngôi tháp đều được xử lý khá giống nhau, dù sao ngôi tháp IIb được xử lý cầu kỳ hơn song nó lại thiếu hẳn một cái trụ giới trong lòng tháp như ở tháp IIa. Trụ giới của tháp IIb chỉ còn là 4 viên gạch xếp thành hình vuông ở đáy tháp mà thôi. Một điểm nữa được nhận thấy là các viên gạch của tháp II nói chung có kích thước nhỏ hơn gạch tháp IIa.
Qua các cứ liệu trên, chúng tôi cho rằng tháp IIa và tháp IIb nằm trong một hệ thống 3 tháp nằm liền kề nhau (tháp thứ 3 không ngoại trừ là ngôi tháp được đánh số di tích III nằm gần đó) và được xây dựng không cùng một thời gian. Nếu ngôi tháp IIa có niên đại nửa đầu thế kỷ 8 với các minh chứng trên các bộ phận kiến trúc đá như mi cửa, cột cửa thì ngôi tháp IIb có thể sẽ nằm ở nửa sau thế kỷ 8 (Nguyễn Tiến Đông 1998: 659-661) với một bề mặt tường được trang trí đẹp hơn, mềm mại hơn, cột cửa bằng gạch có gờ vuông và có băng nhẵn dẹt khá giống với cột cửa của tháp IIa (nhất là cột cửa phía tây tháp IIa).
Bản vẽ 1. Mặt bằng chung tháp IIa và IIb
Ở phế tích IV, chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng về quy mô, kết cấu của ngôi tháp này với tháp IIb. Đồng thời trên các viên gạch có trang trí cũng thấy có sự đồng nhất về các mô típ hoa văn, đường nét khắc chạm và kích thước. Do vậy có thể xếp các phế tích này có niên đại tương đương với phế tích tháp IIb. Và như phần di tích chúng tôi đã nêu tháp IV có quan hệ mật thiết với các baray (hồ nước) phía trước nó. Tháp IV ở trên một quả gò đất đắp khá cao. Chúng tôi nghĩ rằng khi đào baray này, người ta đã lấy đất vượt và từ đấy dựng lên một kiến trúc tháp số IV. Vì vậy có khả năng cái baray này có niên đại tương đương tháp IV.
Di tích Đồi Khỉ, nhóm tháp I nằm trên đồi cao (50m so với mặt nước sông Đạ Đờng vào mùa khô), ngôi tháp Ia khi còn nguyên vẹn chắc chắn có một quy mô rất hoành tráng. Thông thường một ngọn tháp có chiều cao gấp 2,2 lần số đo chiều dài thân tháp thì ngôi tháp này có cạnh đáy 12m sẽ có thể cao đến 26m. Thật là một ngôi tháp kỳ vĩ, có thể coi đây là một đền (tháp) núi (temple de la montagne). Mặt nào đó có thể so sánh với di tích Vat Phou nổi tiếng mà H.Parmentier đã cho rằng "temple de la montagne" xây gạch chỉ có thể tồn tại ở thời kỳ tiền Ăng Kor (Pré - Angkorienne) (Parmentier 1914: 1-31). Theo P.Lintingre thì ngôi đền ở Vat Phou vừa nêu có niên đại sau thế kỷ 7 (Lintingre 1974: 34-521).
Về mặt bằng của kiến trúc tổng thể, chúng tôi nhận thấy ngôi tháp Ia ở trên đỉnh đồi cao có tường bao chạy phía đông và đông bắc tháp, phía trước có sân rộng, chếch về bên trái cửa chính (hướng đông) có hai ngôi tháp nhỏ. Một số dấu vết của một kiến trúc nào đó còn thấy ở góc sân phía đông bắc, cổng khu tháp ngay sát sườn dốc, từ đó đi xuống bến sông có dấu vết của bậc cấp xuống sườn đồi. Mô hình này khá giống với di tích Phnom Bayàn. Theo H.Mauger phân tích về sự phát triển của mặt bằng kiến trúc của Phnom Bayàn từ đầu thế kỷ 7 (năm 604) với chức năng của một ngôi đền Bà la môn giáo đến thế kỷ 11 với chức năng của một ngôi đền Phật giáo thì mặt bằng của thời kỳ thế kỷ 7-8 ngoài ngôi tháp chính, mới chỉ có một vài công trình nhỏ xung quanh, tường bao quanh chưa hoàn chỉnh. Trường hợp của kiến trúc I - Cát Tiên có thể so sánh với trường hợp thứ II của Phnom Bayàn theo chỉ dẫn của H.Mauger có lẽ nó nằm vào cuối thế kỷ 7 - đầu thế kỷ 8 (Mauger 1938: 240-257). Kiến trúc bình đồ chữ nhật, không cửa giả, tường tháp gần như phẳng, vị trí trên đồi cao là những điểm chung có thể nhận thấy ở các ngôi đền chính của Vat Phou, ngôi đền Phnom Bayàn, ngôi đền chính Sambor Prei Kuk mà các kiến trúc này đều được định niên đại trong khoảng cuối thế kỷ 7 (Vieng Keo SOUKSA VATDY 1997: 71-73).
Như vậy, qua so sánh với một số kiến trúc khác đã được nghiên cứu, kiến trúc tháp Ia Cát Tiên có thể có niên đại trong khoảng cuối thế kỷ 7 đầu thế kỷ 8, đây có lẽ là kiến trúc có niên đại sớm nhất của Thánh địa Cát Tiên. Có thể lý giải, khi xây dựng Thánh địa, công trình đầu tiên được tiến hành là ngôi đền chính, có vị trí bao trùm lên toàn bộ Thánh địa như là biểu tượng của thần quyền và vương quyền để thu hút tín đồ cũng như thần dân. Đây cũng chính là nơi đặt Linga - Yoni lớn nhất, nơi có bộ hiện vật vàng và đá quý phong phú và có số lượng nhiều nhất của khu di tích.
Với kết cấu của Đài thờ (di tích V) chúng tôi nhận thấy kiến trúc này gần như một cái lõi của ngôi tháp Ia, tuy nhiên quy mô nhỏ hơn với các viên gạch có kích thước tương tự như di tích I, lớn hơn gạch của di tích II và IV. Rất tiếc, lòng kiến trúc này đã bị phá huỷ nên không thu được những hiện vật quan trọng để so sánh với bộ hiện vật của tháp Ia. Tuy nhiên, những hiện vật ít ỏi như đĩa đồng, chà gạc cũng cho thấy sự tương đồng với hiện vật tháp Ia. Do vậy, bước đầu chúng tôi đoán định di tích V (Đài thờ) có thể có niên đại tương đương di tích I (Đồi Khỉ), cuối thế kỷ 7, đầu thế kỷ 8.
- Niên đại của Linga - Yoni
Nếu chúng ta tạm thời chấp nhận niên đại của các kiến trúc vừa nêu thì một loạt di vật rất quan trọng, luôn luôn gắn với những kiến trúc ấy được tìm thấy trong khai quật là Linga và Yoni liệu có cùng niên đại ấy không? Câu trả lời thật không dễ dàng gì.
Bản vẽ 2. Yoni tháp IIa (4 phần)
H.Parmentier đã nói đến hai bệ Yoni bằng đá ở di tích Cổ Lâm Tự và Phnom Run trong cuốn L' art Khmer Primitif (Parmentier 1927: 15-20, hình 2-3-4-5). Các bệ Yoni ở Cổ Lâm Tự và Phnom Run gồm bốn phần ghép lại và có hình vuông, lỗ đặt Linga hình vuông (Yoni Cổ Lâm Tự) và tròn (Yoni Phnom Run). Về hình thức và cách tạo dáng chúng hoàn toàn giống với hai bệ Yoni của di tích tháp IIa và IIb Cát Tiên. Trong cuốn sách của mình, H.Parmentier cho rằng các Yoni này cũng thấy ở Sambo Prei Kuk. Các vòi Yoni thường được kéo tương đối dài ra khỏi bệ và cắt phẳng ở phần đầu vòi. Toàn bộ Yoni được cắt phẳng vuông vức và mài nhẵn. Các yếu tố đó chúng tôi cũng nhận thấy ở bệ tháp Yoni tháp IIa và IIb Cát Tiên. Chúng ta biết rằng các di tích Cổ Lâm Tự, Phnom Run, Sambo Prei Kuk đều là các di tích tiền Ăng Kor, niên đại thế kỷ 7 - 8.
Người ta lại thấy ở Vọng Thê (An Giang) một bộ Linga - Yoni hoàn chỉnh có bệ Yoni giống hệt Yoni của tháp IIa và hai Yoni vừa nêu trên, còn Linga có đầu tròn, phần cắm vào Yoni có hình bát giác (Lê Xuân Diệm,Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1985: 313 - 315).
Về mặt hình thức, bệ Yoni của hai ngôi tháp IIa và IIb khá giống nhau, chúng đều được tạo từ nhiều bộ phận xếp chồng lên nhau: Yoni tháp IIa có 4 phần, Yoni tháp IIb có 3 phần. Tuy nhiên nơi đặt Linga lại khác nhau, ở tháp IIa là lỗ tròn còn Yoni ở tháp IIb là lỗ hình chữ nhật.
Tới đây có thể đặt loại hình Yoni có hình vuông, thắt giữa gồm nhiều phần ghép lại (thường là 4 phần) (Bản vẽ 2), vòi Yoni tương đối dài và cắt phẳng đầu vào khung niên đại thế kỷ 8. Chúng tôi cho rằng loại bệ Yoni vuông gồm 4 phần chồng lên nhau, lỗ đặt Linga tròn sẽ có niên đại nửa đầu thế kỷ 8.
Bệ Yoni ở di tích IIb nay chỉ còn thấy 3 phần chồng lên nhau (có thể một phần chưa tìm thấy hoặc mất) song lỗ đặt Linga lại có hình chữ nhật, vòi dài,cắt phẳng đầu (Bản vẽ 3) có niên đại nửa sau thế kỷ 8.
H1H2H3
Bản vẽ 3. Yoni tháp IIb. H1: Phần trên cùng; H2: Phần giữa; H3: Phần đế
Phù hợp với phế tích tháp III và IV, bệ Yoni vuông, vòi dài, cắt phẳng đầu, lỗ đặt Linga hình chữ nhật sẽ có niên đại cuối thế kỷ 8 muộn hơn niên đại của Yoni tháp IIb một chút. Có thể đến thời kỳ của tháp III và IV, Yoni chỉ còn lại một bệ đơn (Bản vẽ 4).
Bản vẽ 4. Yoni bằng đá (tháp IV)
Trong cuốn Văn hoá óc Eo những khám phá mới các tác giả đã thống kê được khoảng 60 hiện vật Linga - Yoni, trong đó có nhiều nơi chỉ thấy hoặc Linga hoặc Yoni, Linga có 22 cái gồm 3 loại:
- Đầu tròn đủ 3 phần: tròn, bát giác, vuông.
- Đầu tròn gồm hai phần: tròn, vuông.
- Đầu tròn 1 phần: tròn.
Riêng loại đầu tròn còn đủ ba phần có 6 chiếc, được định niên đại vào thế kỷ 7-8. Loại đầu tròn, đủ 3 phần có 4 chiếc, được định niên đại thế kỷ 7-9 (Cao Xuân Phổ 2001: 3)
Chúng tôi nhận thấy Linga ở tháp IIa, ở di tích đài thờ V, di tích IV Cát Tiên có dạng gồm đủ 3 phần:
- Đầu tròn tượng trưng cho Siva.
- Phần giữa bát giác tượng trưng cho Visnou.
- Phần giữa vuông tượng trưng cho Brahma.
Linga dáng cân đối, các phần chia khá đều nhau, tuy nhiên Linga của tháp Ia rất lớn (cao 210cm; cạnh đế vuông 71cm) (ảnh 3). Cao Xuân Phổ cho rằng Linga loại này có thể có niên đại thế kỷ VII - VIII (Cao Xuân Phổ 2001: 3). Lương Ninh định niên đại thế kỷ 7 cho loại hình Linga thấm nhuần di tích Hindu giáo (gồm đủ 3 phần) được gia công chu đáo, công phu, đẹp đẽ ở nghệ thuật Champa và cũng coi thế kỷ 7 là thời gian ra đời của các linh tượng bằng đá thuộc không gian văn hoá châu thổ Nam Bộ (Lương Ninh 1994: 81-88).
Hãy xem lại Yoni đi cùng với các Linga loại này ở Cát Tiên. Các bệ Yoni này (tháp Ia và di tích Đài thờ V) đều có hình vuông, song các góc Yoni được vê tròn, không sắc cạnh, vòi ngắn và vát tròn xuôi xuống (Bản vẽ 5).
Bản vẽ 5. Yoni tháp Ia
Bệ Yoni gồm 2 phiến đá ghép lại. Đặc biệt lỗ đặt Linga hình bát giác, chính nơi đó sẽ ôm lấy Linga, giấu phần vuông xuống dưới để lộ một phần bát giác và toàn bộ phần tròn lên trên. Lê Đình Phụng nhận xét Linga - Yoni kiểu này thường gặp trong các công trình kiến trúc giai đoạn tiền Ăng Kor (Lê Đình Phụng 1999: 733-734).
Chúng tôi cho rằng Linga - Yoni loại hình một bệ đơn có lỗ giữa bát giác, vòi ngắn, vát tròn xuôi, các góc vê tròn cùng Linga đủ 3 phần: tròn, bát giác và vuông có niên đại cuối thể kỷ 7 đầu thế kỷ 8. Niên đại này phù hợp với niên đại kiến trúc đã được trình bày ở phần trên.
Tựu chung, chúng tôi đưa ra nhận xét ban đầu về niên đại các loại hình Linga - Yoni ở khu di tích Quảng Ngãi - Cát Tiên như sau:Loại Linga có đủ 3 phần tròn, bát giác, vuông được gia công cẩn thận, nhẵn bóng, có các đường gân chạy quanh gốc phần tròn, kéo lên trên tạo mặt Siva không nổi khối (di tích tháp Ia;
di tích Đài thờ V. VI) đi cùng với bệ Yoni đơn hình vuông, các góc vê tròn không sắc cạnh, vòi ngắn, đầu vòi vê tròn vát xuôi, lỗ đặt Linga hình bát giác (tháp Ia, Đài thờ V) có niên đại cuối thế kỷ 7, đầu thế kỷ 8 (Bản vẽ 6).
Bản vẽ 6. Linga-Yoni di tích V
Tiếp đó loại Yoni gồm nhiều phần bệ xếp chồng lên nhau hình vuông (4 phần) thắt giữa, được mài nhẵn vuông vức, lỗ đặt Linga có hình tròn vòi dài, cắt phẳng đầu (tháp IIa). Linga chắc chắn sẽ nhỏ mà có thể chỉ có một phần tròn hoặc có hai phần bát giác và tròn (giả định) sẽ có niên đại nửa đầu thế kỷ 9.
- Sang nửa cuối thế kỷ 8, bệ Yoni làm đơn giản đi chỉ còn 3 phần xếp chồng lên nhau (có thể có đủ 4 phần) song sự gia công không còn cẩn thận như trước, vòi nhỏ và dài cắt phẳng đầu. Lỗ đặt Linga chuyển sang hình chữ nhật (tháp IIb). Trong thời gian này có thể bệ Yoni sẽ tiếp tục được đơn giản hoá chỉ còn lại một bệ đơn (trở lại thời kỳ đầu) song các góc không được mài vê tròn, vòi Yoni dài, đầu vòi cắt phẳng không mài vát xuôi nữa. Lỗ đặt Linga có hình chữ nhật (di tích tháp III, IV). Linga được gá lắp theo kiểu đặt mộng khớp với Yoni và có thể có kích thước nhỏ, có hình trụ tròn, mô phỏng kiểu dáng của Linga bằng đá bán quý tại tháp IV (ký hiệu hiện vật 94CT. ĐT.01).
- Linga - Yoni một bệ nhỏ hình vuông, có Linga nhỏ khoét rỗng lòng đặt úp lên bệ Yoni như các hiện vật thuộc các di tích Đức Phổ, Gia Viễn có thể nằm ở giai đoạn muộn hơn nữa, thế kỷ 9.
Nói chung các hiện vật Linga - Yoni bằng đá được thờ ở giữa lòng tháp Cát Tiên có niên đại khá phù hợp với các kiến trúc đi theo, chứa đựng chúng.
Ngoài những chứng cớ về kiến trúc, Linga - Yoni, nghệ thuật tạo hình trên mi cửa và cột đá…thì những hiện vật vàng phát hiện trong lòng các ngôi đền tháp ở đây cũng mang những thông tin quan trọng cho việc định niên đại cho di tích. Rõ ràng về hình thức, các mảnh vàng có trang trí ở Cát Tiên không hoàn toàn giống như những hiện vật vàng ở vùng châu thổ sông Cửu Long đã từng được biết đến. Hơn nữa những văn tự ghi trên các mảnh vàng ở Cát Tiên có thể nhận ra được đó là dạng tự Palava thế kỉ 7-8 (Nguyễn Tiến Đông 2001: 81-91) (Bản vẽ 7). Điều quan trọng là với kỹ thuật xây dựng đền tháp từ trong ra, từ dưới lên trên mà phần lõi kiến trúc nơi đặt những hiện vật vàng phải là nơi khởi điểm việc xây công trình nên niên đại của kiến trúc không thể sớm hơn niên đại hiện vật mà nó chứa đựng như các hiện vật vàng vừa nêu.
Gần đây, qua một số bài viết và báo cáo khai quật khảo cổ học di tích Cát Tiên của các đồng nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi được biết về những niên đại khá sớm cho khu di tích này thế kỷ 4 đến thế kỷ 7 (Bùi Chí Hoàng, Đào Linh Côn 2004: 319-369). Cơ sở để đưa ra khung niên đại này chủ yếu dựa vào các kết quả của phương pháp định niên đại các bon phóng xạ (C14) và một số đồ gốm mà theo các tác giả có đặc trưng của gốm óc Eo thế kỷ 3-4. Tôi hoàn toàn tôn trọng những ý kiến của các đồng ngiệp nhưng chỉ xin đưa ra một chút hoài nghi bởi chúng ta đều biết cần hết sức thận trọng và cảnh giác với niên đại C14 bởi sự sai lệch là không nhỏ, chưa kể đến việc có sai sót trong quy trình lấy mẫu. Trong khảo cổ học, kết quả C14 bao giờ cũng chỉ là một dữ kiện mang tính tham khảo, khảo cổ học lịch sử với độ dài thời gian tính bằng vài mươi năm lại càng thận trọng hơn trong việc dùng niên đại C14. Về các mẫu gốm đã nêu, tôi thấy rằng kỹ thuật làm gốm cũng như hình thức của gốm trên thực tế cho thấy có những loại giữ truyền thống rất dài vài ba, thậm chí hàng chục thế kỷ, rất nhiều loại hình gốm óc Eo trong đó có những kiểu bình, vò, kendi, vòi ấm kiểu con tiện (hiện vật đã phát hiện nhiều ở những đợt khai quật trước) có truyền thống rất dài, ví như cái cà ràng cho đến ngày hôm nay người ta vẫn còn dùng ở Nam Bộ mà điểm khởi đầu của nó chắc ai cũng biết có cả hai chục thế kỷ rồi. Hơn nữa cần lưu ý trong lớp đất tôn nền xây đền tháp ở Cát Tiên rất có thể chủ nhân của di tích này đã vô tình đào trúng di chỉ cư trú của thời kỳ óc Eo chính hiệu rồi vượt lên làm nền, làm đền tháp để hôm nay chúng ta gặp khó khăn trong nghiên cứu khoa học. Cách di tích kiến trúc Cát Tiên vài cây số (di chỉ Phù Mỹ) các nhà khảo cổ học đã khai quật một di chỉ cư trú có niên đại trên 2.000 năm cách ngày nay (Trần Quý Thịnh 1999: 279-281). Phải chăng các kiến trúc Cát Tiên vừa khai quật có thể đang nằm trên một di chỉ thời óc Eo?
- Nhận xét
Qua nhận xét về niên đại của kiến trúc và một vài tư liệu khác như hiện vật vàng, điêu khắc đá, Linga - Yoni, chúng tôi nhận thấy di tích Cát Tiên là một Thánh địa Hindou giáo nằm trên một không gian rộng lớn. Trên Thánh địa ấy có rất nhiều công trình kiến trúc chủ yếu là các đền tháp bên cạnh đó có các kiến trúc kiểu đài thờ. Đại bộ phận các kiến trúc ấy tập trung ở bồn địa Quảng Ngãi, có thể coi khu di tích Quảng Ngãi là trung tâm của Thánh địa Cát Tiên, là phần lõi quan trọng nhất, nơi có ngôi tháp Ia là tháp chủ của cả khu di tích rộng lớn. Do có nhiều công trình kiến trúc chắc chắn sẽ có niên đại sớm muộn khác nhau. Việc định niên đại cho một khu di tích lớn như vậy cần có nhiều thời gian và công sức mới có thể đưa ra những nhận xét thuyết phục. Đặc biệt di tích này có những mối kiên quan mật thiết với các di tích thuộc các địa bàn khác trong khu vực chịu ảnh hưởng văn minh ấn Độ, do vậy việc tham khảo, nghiên cứu các tư liệu đó để so sánh nhằm đưa ra những nhận định khoa học là một việc làm rất cần thiết để nghiên cứu tổng thể khu di tích rất quan trọng này. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu ban đầu có thể thấy rằng thế kỷ 8 dường như là thời gian mà các công trình xây dựng được dựng lên nhiều nhất. Có thể đưa ra một khung niên đại chung cho Thánh địa Cát Tiên từ cuối thế kỷ 7 đến cuối thế kỷ 9 sau Công nguyên. Tất nhiên, đây mới chỉ là những ý kiến ban đầu, vấn đề còn phải được tiếp tục nghiên cứu.
TS.Nguyễn Tiến Đông
Tài liệu dẫn
BOISSELIER J. 1963. La statuaire du Champa recherches sur cultes et Iconographie, Paris.
Bùi Chí Hoàng 2004. Khu di tích Cát Tiên, tư liệu và nhận thức mới. Báo cáo khai quật. Tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng.
Bùi Chí Hoàng, Đào Linh Côn 2004. Khai quật di tích Cát Tiên (Lâm Đồng). Tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng.
Cao Xuân Phổ 2001. Đi tìm niên đại tấm mi cửa và bộ Linga - Yoni đồ sộ ở Cát Tiên. Kỷ yếu Hội thảo khoa học di tích khảo cổ học Cát Tiên. Sở Văn hoá Thông tin Lâm Đồng: 43-47.
Lê Đình Phụng 2000. Linga - Yoni ở Cát Tiên (Lâm Đồng). Trong Những phát hiện mới vè khảo cổ học năm 1999. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 733-734.
Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995. Văn hoá óc Eo, những khám phá mới, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Linnntigre p. 1974. A la recherche du sanctuaire Préangkorien de Vat Phou. Trong Société Francais d' Histore d' outremer (225), Paris: 34-52.
Lương Ninh 1994. Thần tích Hinđu giáo và nghệ thuật tiếu tượng Hinđu giáo ở Đông Nam á. Khảo cổ học, số 2: 81- 88.
Lương Ninh 2001. Cát Tiên - Di tích và lịch sử. Kỷ yếu Hội thảo khoa học di tích khảo cổ học Cát Tiên. Sở Văn hoá Thông tin Lâm Đồng: 33-38.
Monoki shiro 1999. A Short introduction to Champa studies. Trong The Dry areas in Southeast Asia. Edited by Fukui Hayao, Kyoto University: 65-74.
Nguyễn Tiến Đông 1999. Khai quật di tích Cát Tiên lần thứ 4. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1998. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 659-661.
Nguyễn Tiến Đông 2001. Bước đầu tìm hiểu một số hiện vật kim loại vàng ở di tích Cát Tiên. Khảo cổ học, số 2: 81-91.
Nguyễn Xuân Lý, Nguyễn Hồng Kiên 1996. Khai quật khảo cổ lần thứ ba tại nhóm đền - tháp Pô Sahnư. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 229-301.
Nguyễn Xuân Lý 2000. Những vấn đề đặt ra xung quanh quá trình trùng tu các di tích Chăm ở Bình Thuận. Kỷ yếu Hội thảo kỹ thuật lần thứ nhất trùng tu các di tcíh đền tháp Champa. Nha Trang 3/2000: 59-64.
Parmentier h. 1927. L' art Khmer Primitif, Paris.
Parmentier h. 1927. Inventaire descritifs des monuments Chams de l' Annam, Paris.
Parmentier h. 1927. Le temple de Vatphou. BEFEO, 14 (2), Hà Nội: 1-31.
Souksavatdy Vieng Keo 1997. L' archéologie des débuts de l' Histoire Khmer dans la région de Champasak, Paris.