Ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, để thu hút khách tham quan, cùng với việc đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng thì việc nâng cao chất lượng trưng bày, đầu tư nghiên cứu, xây dựng các trưng bày đáp ứng nhu cầu, thu hút được sự chú ý của công chúng luôn được Bảo tàng chú trọng, đầu tư. Bảo tàng Lịch sử quốc gia có 2 hệ thống trưng bày cố định tại 2 cơ sở ở số 216 Trần Quang Khải và số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Hệ thống trưng bày này đã được chỉnh lý, cải tạo và nâng cấp từ năm 1995 và năm 2000. Ở thời điểm đó hệ thống trưng bày này được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức, kỹ thuật, mỹ thuật. Tuy nhiên, gần 30 năm trôi qua, đến nay, hệ thống trưng bày đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, dần trở nên lạc hậu nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật cũng như những ứng dụng của nó trong bảo tàng đang ngày càng mạnh mẽ.
Nhận thức được điều đó và trước thực tế có rất nhiều khó khăn, vướng mắc để có thể đổi mới/ thay đổi cả hệ thống trưng bày cố định với gần 4000m2 trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chú trọng đầu tư cho các trưng bày chuyên đề, coi đây là những điểm nhấn, mới mẻ để thu hút công chúng. Ngoài việc lựa chọn các chủ đề hấp dẫn, tăng cường đầu tư trang thiết bị trưng bày hiện đại như tủ, giá kệ…, thì theo xu hướng tất yếu, các trưng bày chuyên đề do Bảo tàng tổ chức những năm gần đây đã chú ý đến việc tăng cường sự tương tác đối với khách tham quan, để các trưng bày không còn “tĩnh”, “một chiều” như trước đây nữa. Trong mỗi trưng bày chuyên đề diễn ra tại bảo tàng, ngoài các hiện vật, tư liệu, bản text được trưng bày trên đai và tủ, kệ cùng các bộ phim tư liệu/ video clip thì một hệ thống các màn hình cảm ứng được sắp đặt tại từng khu vực trưng bày để khách tham quan có thể tương tác, tìm kiếm thông tin sâu hơn về mỗi chủ đề/hiện vật trưng bày. Trưng bày “Văn hóa Trầu Cau” (10/2012), nhân dịp khai mạc và diễn ra trưng bày, Bảo tàng đã mời các Liền anh, Liền chị đến trình diễn hát quan họ; nghệ nhân trình diễn têm trầu. Khách tham quan đến với trưng bày có thể tự tay têm trầu dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân và các cán bộ giáo dục của Bảo tàng. Trưng bày chuyên đề “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954” (5/2014), giới thiệu hơn 100 bức tranh cổ động, ký họa, bút ký và một số kỷ vật của các họa sĩ và hiện vật liên quan đến việc in ấn, tuyên truyền thời kỳ 1946-1954. Trong không gian trưng bày khách tham quan có dịp tương tác, trải nghiệm việc in truyền đơn, tranh cổ động như cách của các chiến sĩ cách mạng đã làm đó là in thạch. Tháng 9/2016, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức và mở cửa trưng bày chuyên đề “Đổi mới - hành trình của những ước mơ”. Đây là trưng bày chuyên đề được xây dựng theo phương thức tiếp cận dựa vào cộng đồng. Những nhân chứng đã từng sống trải qua cả hai thời kỳ bao cấp và đổi mới được mời đến bảo tàng chia sẻ các câu chuyện, ký ức, hiện vật, kỷ vật gắn với chủ đề trưng bày. Những câu chuyện đó được ghi hình, ghi âm và chia sẻ, kể lại qua hệ thống ti vi và màn hình cảm ứng trong trưng bày. Đặc biệt trong trưng bày có một không gian khá ấn tượng mang tên Bức tường ký ức. Đây là nơi mà với câu hỏi gợi ý "Đổi mới đã làm thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào”, khách tham quan có thể tương tác, bày tỏ suy nghĩ, chia sẻ ký ức của mình về thời kỳ bao cấp và đổi mới. Họ có thể chia sẻ câu chuyện của mình bằng cách viết ra giấy và tự tay mình gắn những mảnh giấy đó lên bức tường hoặc gấp lại bỏ vào thùng “Ký ức” ngay dưới Bức tường. Trong thời gian diễn ra trưng bày, rất nhiều các chương trình giáo dục trải nghiệm (chủ yếu dành cho đối tượng học sinh) đã được tổ chức. Kết hợp giữa các hoạt động thể chất và trí tuệ, học mà chơi, chơi mà học, mỗi học sinh trả lời đúng các câu hỏi về các sự kiện, nhân vật và sự đổi thay của đất trong thời kỳ Đổi mới… sẽ nhận được 1 tấm tem phiếu (mô phỏng tem phiếu của thời kỳ bao cấp), trên đó có ghi tên phần thưởng mà chương trình dành cho các em. Sau đó học sinh sẽ bước vào phần trải nghiệm xếp hàng thời bao cấp trước quầy mậu dịch để mua hàng/ nhận quà và tiếp tục trải nghiệm một số món ăn thời bao cấp như cơm độn sắn, dưa xào tóp mỡ, lạc rang muối… được đựng trong những chiếc đĩa men sờn cũ một thời.
Học sinh trải nghiệm xếp hàng thời bao cấp – Trưng bày chuyên đề “Đổi mới - hành trình của những ước mơ”
Năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiên phong trong việc xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D cho 2 trưng bày chuyên đề có thời hạn “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” nhằm tăng tính trải nghiệm, tương tác cho khách tham quan. Đến với hai trưng bày ảo 3D “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” (địa chỉ: disanvanhoaphatgiao.egal.vn) và Đèn cổ Việt Nam (địa chỉ: denco.egal.vn) ngoài việc được thưởng ngoạn gần 150 hiện vật hiện đang được giới thiệu tại hai khu vực trưng bày của bảo tàng, công chúng còn được bổ sung những thông tin cô đọng, xúc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại… của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, video-clip… minh họa sinh động cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa đáp ứng được. Những công nghệ xử lý hiện đại nhất cho phép du khách xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết của những cổ vật tuyệt đẹp, cảm nhận từng vết rạn, thậm chí phát hiện những chi tiết vô cùng tinh tế mà nếu thưởng thức tại bảo tàng thực với tâm thế một khách tham quan đơn thuần sẽ không dễ được trải nghiệm. Trưng bày được giới thiệu bằng 2 thứ tiếng: Tiếng Việt và Tiếng Anh và Bảo tàng ảo 3D cũng cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter nhằm kết nối những người yêu bảo tàng trên toàn cầu dưới sự quản lý và cho phép của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Các hoạt động tương tác từ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện những năm gần đây bước đầu đã nhận được sự phản hồi, ghi nhận và đánh giá khá tích cực từ công chúng. Dù còn ở mức độ khiêm tốn, nhưng đó chính là những bước đi, sự thử nghiệm, là một trong những cách thức để bảo tàng thu hẹp khoảng cách giữa công chúng và nội dung trưng bày, tạo dựng sự gắn kết với khách tham quan, thu hút công chúng đến bảo tàng nhiều hơn.
Học sinh trải nghiệm tại phòng khám phá
Nhu cầu đưa các bộ sưu tập của bảo tàng đến gần hơn khách tham quan bằng những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ là điều mà bất kỳ bảo tàng nào cũng muốn làm được. Và xây dựng các trưng bày tương tác chính là xu hướng, cách thức hữu hiệu giúp bảo tàng làm được điều đó.
Để làm nên một trưng bày tương tác thành công cả về Nội dung tương tác (thú vị, có liên quan, gần gũi, kích thích sự tò mò của khách); Cách thức tương tác (hấp dẫn, mang tính trực giác, tạo sự vui thích, không khó hiểu, phức tạp); hay Kết quả tương tác (hấp hẫn, kích thích sự tưởng tượng, kết nối với trưng bày, không chỉ là hoạt động thể chất đơn thuần…) đòi hỏi mỗi bảo tàng phải có sự quan tâm, đầu tư đúng mức từ nhận thức đến hành động, từ khâu nghiên cứu, đánh giá khách tham quan, hình thành và phát triển ý tưởng, triển khai thực hiện, đánh giá trưng bày cũng như việc đầu tư kinh phí để thực hiện (trong trường hợp ứng dụng công nghệ hiện đại).
Ths. Phạm Thị Mai Thủy
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lilia Ziamou: Designing Interactive Museum exhibitions: Three ways to increase Audience Engagement. WWW. Lilia- artspace.com
- Marianna Adams (Institute for Learning Innovation, Annapolis, MD) and Theano Moussouri (Research Centre for Museums and Galleries, University of Leicester): ‘The Interactive Experience: Linking Research and Practice’ May 2002
- Naomi Haywood, Paul Cairns: Engagement with an Interactive Museum Exhibit. UCL Interaction Centre, 31–32 Alfred Place, London, WC1E
7DP - Smithsonian Institution, Office of Policy and Analysis: Developing Interactive Exhibition at the Smithsonian, May 2002.
- Tiffany: Mori Building Digital Art Museum: A Multi-Sensory Experience. https://tokyocheapo.com