Thứ Năm, 16/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/12/2018 08:53 4170
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
1.Trưng bày tương tác

1.Trưng bày tương tác

Vài thập kỷ gần đây, các bảo tàng bị đặt vào thế cạnh tranh gay gắt với tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp giải trí, từ các công viên mang tính giải trí -thương mại đến các trung tâm mua sắm cũng như giải trí tại gia đình. Điều này đã làm đảo lộn sự ổn định truyền thống của bảo tàng cũng như lượng khách đến với bảo tàng.

Các bảo tàng tương tác thông minh, các trung tâm khoa học hình thành và sự phát triển của các trưng bày tương tác chính là điều rõ nhất về cách mà các bảo tàng khẳng định lại vai trò của nó đối với xã hội. Sự chuyển đổi từ các trưng bày “một chiều” sang “tương tác”, đem đến cho công chúng khả năng được tiếp cận gần hơn với hiện vật gốc của bảo tàng, được hòa mình vào sự kiện lịch sử, “sống với” nhân vật lịch sử …  Chính sự chuyển đổi và cách tiếp cận này đã thu hút, khuyến khích lượng khách đến với bảo tàng ngày một nhiều hơn và lẽ dĩ nhiên giúp bảo tàng có được nguồn thu bổ sung.

Khách tham quan giờ đây không còn hài lòng với việc đến bảo tàng chỉ đơn giản là nhìn ngắm nhìn các hiện vật quý được trưng bày trong các tủ kính. Họ mong muốn có được các cuộc trưng bày mà ở đó họ được tham gia, được thực hành, trải nghiệm cùng các hiện vật, để tìm hiểu kiến thức/thông tin và cũng không thể thiếu đó là nhu cầu giải trí.

Đặc biệt, những năm gần đây, khách tham quan bảo tàng ngày càng trông mong, đòi hỏi một mức độ cao các hoạt động tương tác trong trưng bày bảo tàng. Có một thực tế là cả đối tượng khách tham quan là người lớn và trẻ em đều bị lôi cuốn và tham gia vào hoạt động tương tác trong bảo tàng, nhưng dường như tương tác có khuynh hướng được nghĩ  và coi như là tập trung dành cho trẻ em. Khách tham quan xem sự tồn tại của tương tác trong các trưng bày là sự cho thấy bảo tàng chào đón và phục vụ nhu cầu của trẻ em.

Vậy thế nào là trưng bày tương tác?

Có rất nhiều định nghĩa được đưa ra tại một cuộc hội thảo do Văn phòng Chính sách và Phân tích (Viện Smithsonian - Mỹ) tổ chức tháng 12/2001, trong đó tương tác được nhấn mạnh đến dưới 4 khía cạnh: Hoạt động thể chất; Kết quả, tác động; Công nghệ; Thông tin.

Hoạt động thể chất:  Tương tác trong một trưng bày là đề cao sự tham gia, tác động thể chất của khách tham quan. Tương tác là một phần trưng bày mà ở đó nó cần đến/ mong muốn/ yêu cầu khách tham quan có sự tham gia/ hay bị lôi cuốn vào đó. Tương tác vượt ra khỏi sự nhìn và nó liên quan đến các giác quan. Là cái gì đó mang lại sự trải nghiệm hơn chỉ là những gì nhìn thấy. Tương tác là có thể được chạm vào, ngửi thấy, cảm thấy, nghe thấy hoặc là một số thao tác và cung cấp một số loại thông tin hoặc là khơi gợi những cảm giác… những điều đó không thể có được với việc chỉ nhìn một vật.

Kết quả, tác động: Trưng bày tương tác là những gì đó thu hút và làm cho bạn ngạc nhiên, suy nghĩ, trở nên kích thích và muốn đào sâu, tìm hiểu hơn nữa.

Trưng bày tương tác là phương thức thúc đẩy hơn sự gắn kết giữa khách tham quan với chủ đề, nội dung của trưng bày và qua đó nhằm mở rộng hiểu biết và trải nghiệm của khách tham quan.

Tương tác có thể là một hiện vật hay một thiết bị/ ứng dụng, cung cấp/chứa đựng các thông tin và các sự lựa chọn nhằm thu hút, khuyến khích người xem suy nghĩ và tương tác trở lại.

Công nghệ: Tương tác là một chương trình máy tính, nó có thể là online, là một đĩa CD bao gồm sự kết hợp âm thanh, phim, ảnh, ánh đèn và bản text …, là ứng dụng di động, những hỗ trợ kỹ thuật số cho phép khách tham quan tự tìm hiểu, khám phá và có thể tương tác qua chuột, bàn phím, màn hình.

Thông tin: Tương tác là cách thức/ công cụ cho phép người dùng tự thao tác để tìm thông tin phù hợp với mối quan tâm của họ.

Tóm lại, có thể hiểu ngắn gọn một trưng bày tương tác là:

-  Liên quan/ bao hàm hoạt động thể chất: Là sự gắn kết, sử dụng các giác quan chứ không đơn giản chỉ là nhìn ngắm; Yêu cầu khách tham quan tham gia, tác động vào.

- Kích thích/ khơi gợi về mặt tri thức, cảm xúc của khách tham quan: Thúc đẩy sự quan tâm sâu sắc hơn của khách với hiện vật, nội dung, chủ đề trưng bày; Cung cấp thông tin.

- (Trong một số trường hợp) Là một chương trình máy tính: Cho phép khách tham quan tự do thao tác; Tự tìm kiếm thông tin theo sự quan tâm, sở thích của họ.

2.Tương tác- trải nghiệm từ trưng bày bảo tàng

Trên thế giới:

Thực tế cho thấy, sự tăng nhanh việc xây dựng các trưng bày tương tác là cách mà hầu hết các bảo tàng trên thế giới đã và đang làm để lôi cuốn, thu hút khách tham quan. Thao tác gõ cụm từ Interactive in museum (Tương tác trong bảo tàng) trên Google, khoảng 240.000.000 kết quả đưa ra ngay lập tức trong 0,43 giây đã phần nào minh chứng cho điều đó. Giờ đây ở hầu hết các quốc gia, đến với mỗi bảo tàng dù lớn hay nhỏ, bảo tàng công lập hay tư nhân…khách tham quan đều có thể trải nghiệm những trưng bày tương tác với rất nhiều dạng thức, phương thức khác nhau.

Đó có thể chỉ là một góc trưng bày nhỏ với những chiếc hộp xinh xắn mời gọi khách tham quan tự mở nó ra để khám phá bí mật bên trong; Hay trong không gian trưng bày các loại nhạc cụ truyền thống của một cộng đồng, khách tham quan chỉ cần nhấc chiếc ống nghe được bố trí bên cạnh hiện vật lên là có thể được đắm chìm trong âm thanh của mỗi loại nhạc cụ; Trong góc trưng bày một cửa hàng bán gia vị và hương liệu ở một khu phố cổ: mỗi một ngăn đựng gia vị, hương liệu được chính khách tham quan kéo ra, ngoài các loại nguyên liệu nhìn thấy, khách tham quan còn có thể cảm nhận được mùi hương của từng loại gia vị, hương liệu đó.

Ở Bảo tàng Brisbane, Bang Queensland, Australia mà chúng tôi có dịp đến thăm năm 2015, ở một không gian trưng bày mang tên “Dòng sông- Lịch sử của thành phố Brisbane” kể câu chuyện về dòng sông Brisbane đầy sức sống (là biểu tượng và là nhân chứng chứng kiến mọi khoảnh khắc, quá trình xây dựng và phát triển của thành phố Brisban) đan xen với câu chuyện về cuộc sống của người dân Brisbane. Trưng bày kết nối những câu chuyện của thành phố bên sông trong hành trình hấp dẫn từ khi những cư dân đầu tiên định cư, lập nghiệp cho đến một thành phố hiện đại hôm nay. Trong một không gian trưng bày không lớn, hiện vật thể khối không nhiều, chỉ hầu hết là những bức ảnh đen trắng nhưng trưng bày thực sự đã đem lại cho khách tham quan trong đó có chúng tôi những trải nghiệm, tương tác đáng nhớ: Những cuốn anbum với rất nhiều những tấm ảnh được đặt dưới khung kính 3D để khách tham quan có thể giở lần lượt và trải nghiệm trong không gian 3 chiều; Một tấm ảnh panaroma toàn cảnh thành phố Brisbane trong lịch sử được trưng bày trên một bức tường lớn với rất nhiều địa điểm, ngôi nhà, khu phố, công trình tiêu biểu (ghi dấu sự hình thành và phát triển của thành phố) được đánh dấu đỏ là những điểm mà khách tham quan có thể chạm vào ngay lập tức trên đó sẽ hiện lên những thông tin sâu hơn/ liên quan đến địa điểm đó. Hay ở một góc trưng bày rất khiêm tốn, trên một tấm panô có gắn thiết bị thu âm, micrô và tai nghe lại là nơi mà khách tham quan – đặc biệt những người dân của thành phố Brisbane có thể tương tác, nói lên và lưu lại những ký ức đầu tiên của mình về thành phố nơi mà mình sinh ra, đã hoặc đang sống. …

Trẻ em tương tác và trải nghiệm hình ảnh qua kính 3D trong không gian trưng bày chuyên đề “Dòng sông- Lịch sử của thành phố Brisbane” tại Bảo tàng Brisbane, bang Queensland, Australia, 2015.

Xu hướng gần đây, việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào xây dựng các trưng bày tương tác đã được  nhiều bảo tàng trên thế giới lựa chọn. Đó là một trưng bày rất ấn tượng, độc đáo của Bảo tàng Quốc gia Singapore  mang tên 'Chuyện kể rừng sâu' (Story of the Forest) mô phỏng sống động quá trình hình thành và phát triển của những khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Trưng bày là sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh vô cùng sống động. Khách tham quan có thể tương tác trực tiếp, dõi các loài thực vật và động vật xuất hiện trên màn hình. Theo quãng đường di chuyển của khách tham quan, hình ảnh các khu rừng cũng thay đổi theo thời gian từ sáng đến tối theo 2 mùa: mùa khô và mùa mưa. Trưng bày thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt các gia đình Singapore đưa con cái đến tham quan, trải nghiệm.

Gần  đây nhất, tháng 6/2018, Bảo tàng kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới đã mở cửa đón khách tham quan tại Mori Buiding, Tokyo, Nhật Bản. Với việc tận dụng triệt để công nghệ kỹ thuật số, trong không gian 3 tầng gồm 10.000 m2, thứ mà khách tham quan ở mọi lứa tuổi được trải nghiệm ở đây không phải là những bức tranh, tượng hay phù điêu mà là 50 tác phẩm nghệ thuật “sống” được tạo nên từ các mô hình kết hợp 520 máy tính và 470 chiếc máy chiếu để tạo ra những trải nghiệm kích thích cả năm giác quan. Với 50 tác phẩm nghệ thuật tương tác công nghệ cao, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng, tương tác mà còn được hòa nhập vào từng tác phẩm, không gian như biến đổi và chuyển động theo sự tương tác của khách tham quan. Tất cả các tác động vật lý và liên kết giữa các đối tượng kỹ thuật số đều là real time (xử lý tức thời dữ liệu), tạo nên bức tranh về thế giới tự nhiên đầy phức tạp. “Chính sự tương tác này có thể đánh thức tình yêu với nghệ thuật bên trong mỗi người và thôi thúc họ khám phá nhiều hơn, để từ đó phát triển óc sáng tạo” là hy vọng và chia sẻ của ông Hisashi Sugiyama -Giám đốc Điều hành Bảo tàng này.

“Boing boing universe”, một không gian vận động thể chất kì ảo trong Bảo tàng Nghệ thuật kỹ thuật số

Nhật Bản  (MORI Building DIGITAL ART MUSEUM), 2018.

Cho dù với phương thức và cách tiếp cận trên những hướng khác nhau như: Công nghệ, Vận động thể chất, Thông tin/ tri thức hay cảm giác, kỹ năng mà khách tham quan thu nhận được thì việc xây dựng, thiết kế các trưng bày tương tác, đem lại nhiều trải nghiệm khác nhau cho khách tham quan ở tất cả các lứa tuổi, để nhiều khách tham quan có thể cùng tương tác và tương tác với nhau (thay vì chỉ một người ở một thời điểm) là điều mà các bảo tàng đang hướng tới.

 Ths. Phạm Thị Mai Thủy

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: