Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/04/2024 10:19 1740
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Để góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, lừng lẫy năm châu, biết bao tấm gương đã anh dũng hy sinh “dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”… Một trong những tấm gương xuất sắc, dũng cảm chiến đấu, "vì nước quên thân" và hy sinh đúng ngày giải phóng Điện Biên là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Can.

 

Trong trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Đại đội phó Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên xông vào sở chỉ huy địch, cắm cờ lên lô cốt Him Lam. Liệt sĩ Trần Can hy sinh anh dũng sáng 7/5/1954, ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trần Can - Anh hùng cắm cờ trên cứ điểm Him Lam
Đồng chí Trần Can sinh năm 1931, quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, đồng chí đã nung nấu quyết tâm đi bộ đội để giải phóng quê hương.
Tháng 5/1951, Trần Can xung phong nhập ngũ và được phân về Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1). Khi vào bộ đội, đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí. Dù chiến trường có khó khăn, ác liệt đến đâu, đồng chí đều kiên quyết dẫn đầu đơn vị vượt lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 1952, đồng chí Trần Can cùng Trung đoàn 209 tham gia Chiến dịch Tây Bắc. Trong trận đánh địch ở Bản Hoa, đồng chí làm nhiệm vụ xung kích và đã dùng thủ pháo diệt ụ súng địch để đơn vị tiến công. Khi tiểu đội bị thương vong nhiều, đồng chí đã hiệp đồng với các đồng chí ở tiểu đội khác và dẫn đầu tổ diệt 3 ụ súng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy, bắt sống 22 tên địch, thu 17 súng các loại.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, đồng chí Trần Can trở thành một trong những tiểu đội trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, được đồng chí kính trọng và tin yêu.
Cuối năm 1953, để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đơn vị đồng chí Trần Can được giao nhiệm vụ mở đường kéo pháo và kéo pháo vào trận địa. Việc kéo pháo của bộ đội ta qua những đèo, núi vô cùng khó khăn, gian khổ, trong khi máy bay địch liên tục thả bom trên các tuyến đường nhằm ngăn chặn quân ta. Đồng chí Trần Can đã nhiều lần hăng hái dập lửa cứu pháo; mưu trí, dũng cảm đưa pháo về vị trí tập kết an toàn.
Mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị Trần Can được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đây là một trong những trung tâm đề kháng mạnh của địch, gồm ba cứ điểm phòng ngự kiên cố nằm trên ba quả đồi liền nhau, do Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Lê dương số 13 chiếm đóng. Cứ điểm Him Lam nằm cách Mường Thanh 2,5km, có nhiệm vụ bảo vệ phân khu trung tâm Mường Thanh và án ngữ con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, trong trận đánh cứ điểm Him Lam mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đội trưởng Trần Can chỉ huy tiểu đội nhanh chóng chiếm lô cốt đầu cầu, rồi đánh thẳng vào sở chỉ huy, tiêu diệt địch còn lại trong hầm ngầm, bắt 25 tên địch, thu nhiều vũ khí. Trần Can đã cắm lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" lên trung tâm cứ điểm Him Lam. Đây là lá cờ đầu tiên quân ta cắm trên cứ điểm địch tại chiến trường Điện Biên Phủ
“Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”
Sau chiến thắng tại cứ điểm Him Lam, Trần Can cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu ở nhiều vị trí khác nhau.
Trận cuối cùng của đồng chí Trần Can là tấn công tiêu diệt điểm cao 507 - một trong bốn cứ điểm còn lại trên đường số 41 bên sông Nậm Rốm, cách Sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 300m. Trần Can dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo quân địch, đánh chiếm điểm cao. Địch bất ngờ phản kích, bắn pháo dữ dội và cho quân lên đánh chiếm lại. Ta với địch giành giật nhau từng thước đất hết sức quyết liệt. Trần Can cùng đồng đội kiên quyết giữ vững trận địa và đánh bại 4 đợt phản kích của chúng. Địch lại xông lên trong đợt phản kích lần thứ năm, chúng ném lựu đạn tới tấp trước khi xung phong. Trần Can nhặt lựu đạn ném lại và chỉ huy đơn vị đánh giáp lá cà với địch. Trận đánh diễn ra rất ác liệt suốt đêm ngày 6/5/1954. Cán bộ chỉ huy của đại đội bị thương vong hết, bản thân Trần Can cũng bị thương nặng nhưng vẫn thay cán bộ đại đội chỉ huy chiến đấu.
Rạng sáng ngày 7/5/1954, Trần Can tập trung đồng đội bị thương nhẹ, động viên, chấn chỉnh tổ chức và củng cố lại trận địa. Địch lại phản kích dữ dội, hòng đánh bật quân ta giành lại cửa ngõ tiến vào Mường Thanh. Đồng chí đã anh dũng chỉ huy đơn vị đánh tan từng đợt phản kích của địch, kiên quyết giữ vững trận địa, tạo đà cho đơn vị tiến công vào trung tâm Mường Thanh. Trong trận đánh điểm cao này, đồng chí cùng tiểu đội đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị của địch.
Trong lúc chỉ huy bộ đội đánh địch phản kích, giữ vững trận địa, tạo thế và lực cho đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh, một đợt hỏa lực mạnh của địch bất ngờ ập xuống, Trần Can trúng đạn và anh dũng hy sinh đúng vào sáng ngày 7/5/1954, kết thúc Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Khi hy sinh, đồng chí là Đại đội phó bộ binh thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1).
Ngày 7/5/1956, Liệt sĩ Trần Can được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 118/LCT. Trước đó, đồng chí Trần Can cũng được tặng nhiều danh hiệu và huân, huy chương, như: Huy chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Chiến sĩ thi đua của Đại đoàn.
Chiếc mũ nan của Anh hùng, liệt sĩ Trần Can
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiếc mũ nan của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Can dùng để che nắng, che mưa trong quá trình học tập, công tác, chiến đấu được đồng đội lưu giữ như một kỷ vật chiến trường tại nhà truyền thống của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1).
Chiếc mũ nan mộc mạc, giản dị này, được phủ lớp vải xô trắng, là loại mũ điển hình của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong trận đánh cuối cùng tiêu diệt điểm cao 507, Trần Can đã đội chiếc mũ này, cùng anh em trong tiểu đội dũng cảm chiến đấu, vượt qua nhiều lô cốt, hàng rào dây thép gai của địch để tiến công, thọc sâu vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiếc mũ nan của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Can là minh chứng sống động về một thời oanh liệt của cả dân tộc, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm những người đã từng sống, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo TTXVN
https://www.tuyengiao.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4658

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc

  • 17/04/2024 10:46
  • 1282

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng sẽ mãi mãi cổ vũ chúng ta và các thế hệ mai sau trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".