Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/04/2023 11:33 2094
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Với 35 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập (24/4/1906 - 28/8/1941) đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc ta từng nói: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và nhiều đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết trái như ngày nay… Tất cả chúng ta phải noi theo gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

 
Đồng chí Hà Huy Tập – Người cộng sản kiên trung và nhà lý luận xuất sắc của Đảng
Đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 28/8/1941) với 35 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí là đã góp phần tích cực vào việc khôi phục Ban lãnh đạo của Đảng và các tổ chức Đảng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, khi các tổ chức Đảng bị địch phá vỡ sau cao trào 1930-1931. Đồng chí là người chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng. Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Điều lệ Đảng, Điều lệ của các tổ chức quần chúng và nhiều văn kiện quan trọng khác, đã cử ra một Ban Chấp hành Trung ương và một Ban Thường vụ của Đảng, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo kéo dài suốt 4 năm liền (4/1931 đến 3/1935).
Khi Ban Chấp hành Trung ương và tổ chức Đảng nhiều nơi trong nước một lần nữa bị kẻ thù phá vỡ, được Đảng phái trở về nước, tận dụng những thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào quần chúng, khôi phục và bắt liên lạc với các tổ chức Đảng ở trong nước, thành lập lại Ban Chấp hành Trung ương của Đảng. Trong gần một năm, đồng chí Hà Huy Tập đã triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương (3/1937, 9/1937 và 3/1938). Các Hội nghị đó đã tổng kết tình hình, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, lãnh đạo, đưa phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên những bước mới. Đến trước Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương do Đồng chí đứng đầu đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả ba Xứ ủy và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau.
Đồng chí có công lao lớn trong xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của Đảng ta thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng nắm bắt kịp thời tình hình trong nước và quốc tế, giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng nước ta trong thời kỳ này. Đây là yếu tố quyết định tạo nên phong trào đấu tranh dân chủ mạnh mẽ, phong phú ở nước ta những năm 1937 - 1938, một trong những phong trào cách mạng sôi nổi, rầm rộ, một cuộc tập dượt lớn của Đảng ta trong việc vận động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh, đã tạo cơ sở để đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau này.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc sảo và rất quan tâm đến tổng kết các kinh nghiệm lịch sử, thành công và chưa thành công ở những thời kỳ đã qua của Đảng để soi sáng việc chỉ đạo cho các vấn đề hiện tại. Đồng chí đã viết nhiều tác phẩm tổng kết kinh nghiệm hoạt động của Đảng ta những năm đầu thời kỳ xây dựng Đảng như: Lịch sử của Tân Việt cách mệnh Đảng (1929); Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931); Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1932); Thư gửi Ban biên tập Tạp chí Bônsơvích (1932); Kỷ niệm ba năm ngày Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất (1933)… Nổi bật là tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (xuất bản 1933, bằng tiếng Pháp, 291 trang). Đây là tác phẩm công phu đầu tiên viết về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng ta đến tháng 3/1933. Các bài viết của đồng chí đã góp phần làm sáng tỏ và tuyên truyền cho đường lối của Đảng, nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, đem lại niềm tự hào, tin tưởng cho quần chúng cách mạng ở thời điểm cách mạng thoái trào. Trên mặt trận đấu tranh vạch trần bộ mặt giả hiệu, đầu cơ cách mạng của bọn Tờrốtxkít, đồng chí Hà Huy Tập là một trong những cây bút sắc sảo. Ngay từ khi đồng chí còn ở nước ngoài, các năm 1931, 1932 khi kẻ thù khủng bố tàn bạo, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống, phụ họa với luận điệu của chủ nghĩa đế quốc, bọn Tờrốtxkít đã vội la lên: ''Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị tiêu diệt!''. Bác lại luận điệu đó, đồng chí Hà Huy Tập đã viết nhiều bài vạch trần những thủ đoạn gian trá của bọn Tờrốtxkít ở Đông Dương.
Sau khi về nước, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội, thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đồng chí đã lãnh đạo cuộc tiến công trên mặt trận tư tưởng lý luận, báo chí nhằm vạch mặt đội lốt cách mạng ''cực tả'' của bọn Tờrốtxkít. Đồng chí Hà Huy Tập đã viết hai cuốn sách: Tờrốtxky phản cách mạng, Ai chia rẽ nhóm La Lutte và một số bài báo xoay quanh chủ đề này. Các cuốn sách và bài báo của đồng chí đã góp phần quan trọng vào cuộc tranh luận nhằm đập tan các luận điệu xuyên tạc của bọn giả danh cách mạng, đưa tư tưởng và lý luận chân chính của Đảng đến với quần chúng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Cuộc đấu tranh chống bọn Tờrốtxkít gắn liền với cuộc đấu tranh ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp, vận động thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương, sau này là Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trong phong trào dân chủ, phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Các tác phẩm của Hà Huy Tập như: Vì một Mặt trận nhân dân Đông Dương, Vì sao cần ủng hộ Mặt trận bình dân bên Pháp; Thư ngỏ về Đại hội Đông Dương gửi Việt Nam Quốc dân Đảng, các Đảng cách mạng, Đảng lập hiến, các nhóm cải lương dân chí các hội ái hữu, các tổ chức công, nông, binh, phụ nữ, sinh viên, người buôn bán, các báo chí, các tổ chức quần chúng và toàn thể nhân dân Đông Dương (tháng 8/1936), Thư ngỏ gửi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp (tháng 10/1936)... là những tác phẩm lý luận và chính trị có giá trị to lớn trong lịch sử Đảng ta.
Được Quốc tế Cộng sản đào tạo, hướng dẫn, đồng chí Hà Huy Tập quán triệt sâu sắc tinh thần các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản và có ý thức rất cao trong chấp hành các chỉ thị đó. Tiếc rằng các chỉ thị đó của Quốc tế Cộng sản không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tiễn cách mạng các nước phương Đông, nhất là với các nước chậm phát triển như Đông Dương. Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nhận thức, quan điểm của Hà Huy Tập. Nhưng với cái tâm trong sáng, tất cả vì sự nghiệp cách mạng và với tinh thần cầu thị, rất thẳng thắn tự phê bình và phê bình của người cộng sản, càng đi sâu vào hoạt động cách mạng thực tiễn, đồng chí Hà Huy Tập càng điều chỉnh được nhiều những sự ngộ nhận ban đầu, càng đến gần với cái đúng, cái chân lý, càng thống nhất cao hơn với những quan điểm sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam và đấy cũng chính là lý do trong những năm cuối, khi trở về nước lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Cách mạng trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã có những đóng góp ngày càng xuất sắc cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Tự nguyện dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng gian khổ, đồng chí Hà Huy Tập sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp lớn lao của Đảng và của dân tộc. Sự tàn bạo của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí kiên cường của người cộng sản. Trước tòa, nêu cao khí tiết của người cách mạng, bác lại lời cầu xin của trạng sư bào chữa, đồng chí khảng khái tuyên bố: ''Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động''. Cùng với các bậc tiên liệt cách mạng khác, đồng chí đã anh dũng hy sinh trước họng súng của kẻ thù. Đồng chí Hà Huy Tập ngã xuống với niềm vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Tinh thần Hà Huy Tập bất tử. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí sống mãi trong lịch sử vinh quang của Đảng và của dân tộc Việt Nam.
Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi tưởng nhớ và tự hào về đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc ta, nhân dân ta./.

Hà Huy Trinh

https://dangcongsan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4329

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Đại tướng Chu Huy Mân: Nhà quân sự tài ba

Đại tướng Chu Huy Mân: Nhà quân sự tài ba

  • 24/03/2023 10:35
  • 2055

Đại tướng Chu Huy Mân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng; được Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh soi đường, đồng chí sớm xác định tinh thần và quyết tâm sẵn sàng đối diện với những thử thách, khó khăn trên con đường cách mạng.