Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/12/2022 13:06 2389
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội có một con đường mang tên nhà khoa bảng Vũ Phạm Hàm nối dài từ ngã tư giao với đường Trung Kính đến cầu 361. Nhưng có lẽ, ít ai biết được ông là một vị đại khoa đỗ đầu trong ba kì thi Hương, Hội, Đình và cũng là vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn.

Lịch sử khoa cử dưới chế độ quân chủ Việt Nam ghi danh rất nhiều nhà khoa bảng. Tuy nhiên, những nhà khoa bảng có danh hiệu Tam nguyên không phải là nhiều. Triều Lê có Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Trạng nguyên Vũ Dương, Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Triều Nguyễn có 3 vị Tam nguyên là Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Đôn Thư Vũ Phạm Hàm. Song, ở triều Nguyễn chỉ có Thám hoa Vũ Phạm Hàm là Tam nguyên Đệ Nhất giáp.

Vũ Phạm Hàm (1864 - 1906) tự là Mộng Hải, Mộng Hồ, hiệu là Thư Trì. Ông là người xã Đôn Thư, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội (nay là làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội). Năm 13 tuổi, ông được quan Đốc học Vũ Nhự nhận làm con nuôi, đích thân dạy dỗ. Sau khi quan Đốc học Vũ Nhự được thăng Tham tri và vào Huế thì Vũ Phạm Hàm sang học cùng Phạm Hy Lượng. Năm 1884, khoa thi Giáp Thân, ông thi Hương và đậu giải nguyên.
Năm 1886, Vũ Phạm Hàm được bổ thụ Điển tịch Hàn lâm viện, làm Hậu bổ tỉnh Hà Nội. Năm Thành Thái thứ nhất (1889), ông được thăng hàm Biên tu, cải bổ làm Giáo thụ phủ Kiến Thụy. Vì cha ông ở quê ốm nặng nên tháng 4 năm Thành Thái thứ 2 (1890), ông xin về quê dạy học để tiện chăm sóc. Trong tờ bẩm gửi Nha Kinh lược Bắc kì ông trình bày: “Nhà tôi có cha già bỗng mắc bệnh vẫn chưa chữa khỏi hoàn toàn. Nhà tôi nghèo, em trai nhỏ, không có người phụng dưỡng thay, xin tình nguyện hoán bổ về gần dạy học để tiện chăm sóc”[1]. Tuy nhiên, khi đó ông vẫn chưa được về quê ngay.
Tháng 8 năm Thành Thái thứ 2 (1890), Thị giảng Học sĩ Đặng Trần Hanh trình quan Kinh lược Bắc kì Diên Mậu tử Hoàng Cao Khải xin thăng hàm Tu soạn cho Vũ Phạm Hàm. Tờ trình viết rõ: “Giáo thụ phủ Kiến Thụy Vũ Phạm Hàm 29 tuổi; quê ở xã Đôn Thư, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội; Cử nhân ân khoa Giáp Thân năm Kiến Phúc thứ nhất (1884); khoa Ất Dậu thi Hội. Việc xong trở về quê. Tháng 4 năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), tỉnh Hà Nội xin bổ Điển tịch Hàn lâm viện, Hậu bổ tỉnh Hà Nội. Tháng 7 năm Thành Thái thứ nhất (1889) thăng thụ Biên tu, cải bổ Giáo thụ phủ Kiến Thụy”[2]. Tháng 11 năm đó Vũ Phạm Hàm được thăng hàm Tu soạn, vẫn giữ chức Giáo thụ ở phủ Kiến Thụy. Đến cuối năm đó, ông được về quê.
 
Tờ trình ngày 06 tháng 8 năm Thành Thái thứ 2 (1890) của Thị giảng học sĩ sung Hải Phòng Hải Dương sứ Đặng Trần Hanh gửi Kinh lược Bắc kì Hoàng Cao Khải về việc xin thăng hàm Tu soạn cho Vũ Phạm Hàm. Nguồn: TTLTQGI
Cũng năm ấy, ông tham dự thi Hội đậu Hội nguyên, dự thi Đình đậu Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (tức Thám hoa). Khoa thi này dự vào hàng Tam khôi chỉ có Thám hoa, không có Bảng nhãn (triều Nguyễn không lấy Trạng nguyên). Cùng đỗ trong khoa này có các danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Chu Mạnh Trinh đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Sau khi đỗ Thám hoa, Vũ Phạm Hàm được thăng Hàn lâm viện Thị giảng, bổ làm Đốc học tỉnh Hà Nội[3]. Trong tờ tư trình ngày 03 tháng 6 nhuận năm Thành Thái thứ 4 (1892) của Tổng đốc Hà An họ Trần gửi Khâm sai Kinh lược sứ Bắc kì Diên Mậu tử Hoàng Cao Khải trình rằng: “Đốc học Khiếu[4] quý chức tỉnh tôi vâng mệnh về kinh, để lại chức khuyết. Tra có tân khoa Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh Vũ Phạm Hàm, nghĩ xét ban đầu bổ thụ Trước tác, thêm hai trật bổ thụ Thị giảng bổ làm Đốc học tỉnh tôi”[5].
Khi Đôn Thư Vũ Phạm Hàm đang làm Đốc học tỉnh Hà Nội thì phụ trách công việc của tờ Đồng văn nhật báo là Nguyễn Hoan xin nghỉ về quê chăm sóc cha già bị bệnh. Vì vậy, Khâm sai Kinh lược sứ Bắc kì Diên Mậu tử Hoàng Cao Khải đã ra nghị định điền bổ Đốc học Hà Nội Vũ Phạm Hàm kiêm biện công việc ở Đồng văn quán. Ngày 08 tháng 3 năm Thành Thái thứ 5 (1893) Khâm sai Kinh lược sứ Bắc kì Hoàng Cao Khải ra nghị định: “Nay xét Tham tá Đồng văn nhật báo đã dừng đặt, hiện công việc ở đó nhiều, nghĩ đưa Đốc học Hà Nội Vũ Phạm Hàm kiêm biện”[6].  
Năm 1895, Vũ Phạm Hàm được thăng Hồng lô tự khanh, vẫn làm Đốc học Hà Nội và kiêm biện Đồng văn nhật báo. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), ông được điều bổ làm Án sát Hải Phòng. Bản túc thư ngày 23 tháng 4 năm Thành Thái thứ 8 (1896) của quan nha gửi Toàn quyền Đông Dương viết: “các tỉnh Hải Phòng, Quảng Yên trình rằng Án sát tỉnh đó là Trần Văn Phan, Vũ Khắc Kham đều bị bệnh nên khuyết. Xét có Hồng lô tự khanh lãnh Đốc học Hà Nội Vũ Phạm Hàm cho bổ thụ làm Án sát tỉnh Hải Phòng…”.[7]
Hơn 20 năm trên con đường quan lộ, Thám hoa Vũ Phạm Hàm từng được bổ thụ các chức Giáo thụ phủ Kiến Thụy, Đốc học Hà Nội, Án sát Hải Phòng, Án sát Hưng Hóa, Án sát Hải Dương... Tuy nhiên, suốt thời gian trên chốn quan trường ông luôn muốn trở về quê vui thú điền viên. Tâm tư, tình cảm đó được ông gửi gắm vào thơ phú, đặc biệt là trong cuốn “Tập Đường thuật hoài”. Song mong muốn đó của ông chưa kịp thực hiện thì ông bị bệnh mất vào ngày 8/7/1906 (tức ngày 17 tháng 5 năm Bính Ngọ). Sau khi mất ông được truy tặng hàm Tham tri, thụy Trang Khải.
Hơn 40 năm gắn bó với cuộc đời ông đã để lại cho đương thời và hậu thế nhiều trước tác như: Kinh sử thi tập, Thám hoa văn tập, Thư Trì thi tập, Mộng Hồ gia tập, Mộng Hồ thi tuyển, Hưng Hóa tỉnh phú, Tuyên Quang tỉnh phú, Hương Sơn phong cảnh phú, Tập Đường thuật hoài… Trước tác của ông thể hiện niềm hoài cảm và tâm tư của một nhà Nho trước cảnh đất nước thay đổi, cái cựu học đang bị cái tân học thay thế. Đồng thời, ông gửi gắm vào đó nỗi chán chường công danh và khao khát cuộc sống vui thú điền viên. Đặc biệt, đọc những trước tác đó còn cho chúng ta cảm nhận sâu sắc về vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn xem vinh hoa, phú quý tựa phù vân.

[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Phông Nha Kinh lược Bắc kì, tập 1425, tờ 49.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Phông Nha Kinh lược Bắc kì, tập 1364, tờ 20.
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Phông RST, Hồ sơ 31596.
[4] Đốc học Khiếu Năng Tĩnh.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Phông Nha Kinh lược Bắc kì, tập 1574, tờ 24.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Phông Nha Kinh lược Bắc kì, tập 1575, tờ 12.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Phông Nha Kinh lược Bắc kì, tập 2331, tờ 59.

Nguyễn Hường

https://www.archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4658

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Đồng chí Võ Ngân - người chiến sĩ cộng sản tài năng và kiên trung

Đồng chí Võ Ngân - người chiến sĩ cộng sản tài năng và kiên trung

  • 25/10/2022 11:08
  • 2022

Cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ đầu thành lập Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của người cộng sản, nhà lãnh đạo tài năng, kiên trung, mẫu mực của dân tộc Việt Nam.