Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/09/2022 13:02 2108
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Trong những tháng ngày hoạt động cách mạng gian khổ, phải hứng chịu những tra tấn cực hình của kẻ thù, người chiến sĩ cộng sản Lê Hồng Phong vẫn giữ vững tấm lòng kiên trung với Đảng.

Hôm nay 6/9, tròn 120 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Hồng Phong (6/9/1902-6/9/2022). Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1935 đến năm 1936. Biết ông là lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách để bắt giữ và giết hại. Trong những tháng ngày hoạt động cách mạng gian khổ, phải hứng chịu những tra tấn cực hình của kẻ thù, người chiến sĩ cộng sản ấy vẫn giữ vững tấm lòng kiên trung với Đảng.

 
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh tư liệu.
“Nếu không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc”. Đó là câu nói của Lê Hồng Phong trước khi sang Thái Lan để bắt liên lạc với những người cộng sản. Sau khi gặp được Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, Trung Quốc, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận Chủ nghĩa Mác.
Ông được học tập toàn diện về quân sự, chính trị tại các trường quân sự ở Trung Quốc, Liên Xô và Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Năm 1931, theo chỉ thị của Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong về nước để khôi phục, phát triển các tổ chức Đảng. Tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra vào tháng 3/1935, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đáng chú ý, mặc dù không trực tiếp dự Đại hội nhưng vai trò và tư tưởng chỉ đạo của Lê Hồng Phong đã được thể hiện trong tiến trình và kết quả của Đại hội. Việc Đại hội bầu vắng mặt Lê Hồng Phong vào cương vị Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) đã khẳng định công lao và uy tín của ông đối với việc xây dựng đường lối chính trị, khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Lê Hồng Phong còn có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí trong quá trình tham gia chỉ đạo cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ, đó là thống nhất các quan điểm của Đảng về đấu tranh dân chủ. Thông qua các hoạt động tư tưởng, lý luận, Lê Hồng Phong đã luận giải, tuyên truyền, cổ động các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, uốn nắn những nhận thức mơ hồ, lệch lạc trên các vấn đề chiến lược, sách lược trong một bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân.
Bằng ngòi bút sắc sảo, ông còn tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh vạch trần các luận điệu sai trái, phản động, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng đó, ông đã tỏ rõ sự nhạy bén, bản lĩnh chính trị, sự kiên định và trình độ tri thức lý luận khoa học; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Đảng về mặt tư tưởng, tổ chức, đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời kỳ Mặt trận dân chủ, cũng là sự chuẩn bị tích cực để đi tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Lê Hồng Phong khi bị bắt năm 1939 (Ảnh: hoalo.vn)
Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Chợ Lớn và bị kết án 6 tháng tù giam, 3 năm quản thúc ở Nghệ An. Mặc dù bị quản thúc gắt gao, theo dõi chặt chẽ, ông vẫn không nản chí, thường xuyên bí mật liên hệ với tổ chức, với Đảng và dành thời gian viết bài, bí mật gửi cho các tờ báo của Đảng, thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người cách mạng kiên trung.
Lo ngại về sự tự do của người cộng sản, tháng 1/1940, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn. Trong gần 1 năm giam giữ, tra tấn, hành hạ, thực dân Pháp vẫn không tìm được lý do để kết tội tử hình, chúng buộc ông phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, chúng đày ông ra Côn Đảo.
 
 Khám Lớn (Maison Centrale de Sai Gon), nơi thực dân Pháp giam đồng chí Lê Hồng Phong (Ảnh: hoalo.vn)
Biết Lê Hồng Phong là cán bộ cao cấp của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn bằng những cực hình dã man nhất. Không lung lay được tinh thần người chiến sĩ cộng sản, cũng không tìm được lý do để kết tội tử hình, thực dân Pháp giam ông trong khu chuồng cọp, nơi biệt giam khắc nghiệt nhất.
Tù nhân bị giam trong căn phòng 5 mét vuông, nằm trên nền xi măng, bị cùm chân và thường xuyên bị tra tấn. Khi bị kẻ thù dùng roi đánh bầm tím cơ thể, máu chảy từ đầu, từ mặt rớt xuống, Lê Hồng Phong vẫn bình thản cầm bát cơm chan máu, thản nhiên ngồi ăn với quyết tâm phải sống để “còn sống còn chiến đấu”.
Những bạn tù chứng kiến dũng khí bất khuất của Lê Hồng Phong đã nhận xét: Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt gang thép, nhưng nó sẽ oằn mình khi chặt phải dũng khí của người cộng sản.
Chế độ cầm tù tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho Lê Hồng Phong bị suy sụp về sức khỏe. Rắp tâm giết hại Lê Hồng Phong, chúng không phát thuốc chữa bệnh, không cho bác sĩ điều trị. Trưa 6/9/1942, đúng ngày sinh nhật thứ 40 của mình, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng. Trước lúc hy sinh, Lê Hồng Phong đã gửi lại lời nhắn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
 
Xà lim ở Nhà tù Côn Đảo - nơi thực dân Pháp biệt giam đồng chí Lê Hồng Phong (Ảnh: hoalo.vn)
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Hồng Phong là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu quả cảm, tấm lòng kiên trung, son sắt với cách mạng, bão táp không chuyển lay, cám dỗ không thể mua chuộc, thử thách đòn roi quân thù không bao giờ gục ngã. Tấm gương của ông giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về giá trị của độc lập, tự do, giá trị của hòa bình mà các thế hệ tiền bối đã đánh đổi bằng máu xương mới có được.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, tấm gương của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong sẽ tiếp thêm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, có ý chí và dũng khí để vượt lên những cám dỗ vật chất, giữ vững phẩm chất, đạo đức và tư cách của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân./.

PV

https://baonghean.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4339

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo tiên phong trong sự nghiệp đổi mới

Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo tiên phong trong sự nghiệp đổi mới

  • 05/08/2022 15:12
  • 1618

Với tài năng, nhân cách và sự cống hiến to lớn qua suốt hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công xứng đáng là người chiến sỹ cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.