Ngày 15.5 tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu cơ”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự hội thảo.
Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”
Ghi nhận công lao của một danh nhân lịch sử
Hội thảo được chủ trì bởi nhiều chuyên gia, nhà khoa học: GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á; PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam.
Thái sư Lưu Cơ sinh ngày 3 tháng Giêng năm 940 ở Tri Hối, châu Đại Hoàng - nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Lưu Cơ cùng quê, là đồng hương, cùng thế hệ của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú từ thuở cờ lau tập trận. Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư thuộc Gia Hưng, Gia Viễn ngày nay, Lưu Cơ khi mới ngoài 20 tuổi đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại - Bắc Ninh.
Năm Mậu Thìn 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại thắng Minh Hoàng, định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ, Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Đinh Điền làm Ngoại giáp.
Thành Đại La - Kinh thành Thăng Long xưa
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nhấn mạnh, trong bối cảnh lịch sử đó, vị trí chính trị và vai trò lịch sử của Đô hộ Phủ Thái sư Lưu Cơ rất to lớn. Việc sắp đặt vị trí cao thấp của các quan trong triều dựa vào tài năng và công trạng phò tá Hoàng Đế lên ngôi, trong đó công lao trong việc trấn trị và thu phục các thế lực hào trưởng cát cứ địa phương (sử cũ thường gọi là các sứ quân) nổi lên sau khi Ngô Quyền mất được đặc biệt chú trọng.
Thái sư Lưu Cơ là vị tướng có tài thao lược, là vị quan đầu triều trông coi hình án, là nhà cai trị giỏi, nhất quán vì độc lập, tự chủ của đất nước. Với tư cách là người giúp Đinh Tiên Hoàng đế coi sóc đất nước về mặt hình pháp của nhà nước độc lập đầy đủ đầu tiên, ông đã được ngành Tòa án nhân dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang cân nhắc tôn vinh như là ông Tổ của ngành mình.
Cũng từ năm 971, với tư cách là Thái sư Đô hộ phủ, Lưu Cơ được Đinh Tiên Hoàng giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ - tức Bắc Bộ ngày nay - đóng bản doanh tại thành Đại La, Thủ phủ của Giao Châu. Ông có công lớn trong việc cải tạo, xây dựng thành Đại La - tòa thành của An Nam đô hộ phủ từ thời thuộc Đường - thành tòa thành của nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ. Từ tòa thành hướng vọng về phía Bắc, Lưu Cơ đã cho sửa sang tòa thành hướng về phía Nam - nơi định đô của Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư.
Khi triều Đinh suy vong, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế lập nên nhà Tiền Lê, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ đã giúp Lê Hoàn huy động nhân tài vật lực tổ chức cuộc kháng chiến chống Tống vào năm 981 thắng lợi.
Thái sư Lưu Cơ là vị tướng cai quản, tu tạo thành Đại La liên tục trong vòng 40 năm (971-1010) qua ba triều đại, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long thành công tốt đẹp vào tháng 7.1010. Chính ông là người đã "trao chìa khóa" thành Đại La cho triều đại mới và cáo quan về ở ẩn khi đã 70 tuổi.
Đề xuất những hành động tôn vinh cụ thể
Có thể nói Thái sư Lưu Cơ là nhân vật lịch sử lớn có công dẹp loạn 12 sứ quân lập nên nhà Đinh, liên tục phục vụ đất nước 50 năm qua ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: “Lưu Cơ là một khai quốc công thần của triều Đinh, nhưng còn ít được biết đến, không chỉ trong nhận thức đại chúng, mà ngay cả đối với giới sử học. Một trong những lý do quan trọng là triều đại mà ông có nhiều đóng góp, trong một thời gian dài, chưa được nghiên cứu đầy đủ, vị trí của nước Đại Cồ Việt cũng chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng. Mặt khác, tư liệu về vị Thái sư họ Lưu cũng như toàn bộ giai đoạn lịch sử này còn lại khá hiếm hoi nên việc nghiên cứu để có được nhận thức sâu sắc về vai trò của ông là điều không đơn giản”.
Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ thờ ở Đình Đại Từ, xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên)
TS. Nguyễn Việt cho biết thêm, đề tài khoa học chuyên đề nhằm đánh giá vai trò lịch sử của Lưu Cơ được Hội Sử học Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam chính thức khởi động từ hơn 10 năm trước. Sau các cuộc điền dã, tra tìm, nhiều tư liệu mới liên quan đến Lưu Cơ đã được phát hiện. Từ năm 2019, một kế hoạch cụ thể đã ra đời nhằm tiến đến một Hội thảo khoa học chuyên đề về Lưu Cơ. “Do tình hình Covid - 19, đến hôm nay, tại nơi Ngài đã từng hiện diện trong 40 năm ròng (971 - 1010), với gần 20 báo cáo khoa học, chúng ta hân hạnh được đánh giá và vinh tôn những giá trị lịch sử mà Ngài đã làm cho các triều đình Đinh, Tiền Lê và Lý…”, TS. Nguyễn Việt nhấn mạnh.
Một số ý kiến nêu, Hội thảo khoa học này được thừa hưởng một trong những phát hiện và nghiên cứu quan trọng bậc nhất của nền khảo cổ học Việt Nam, đó là nghiên cứu khai quật khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long. Vì vậy, sự nghiệp của Lưu Cơ sẽ được các nhà khoa học bắt đầu với việc lật lại từng viên gạch thời Đại La khi ngài nhậm chức Đô hộ Phủ Thái sư, đến những viên gạch, đầu ngói uyên ương thời Hoa Lư, Đại Cồ Việt thấm đẫm mồ hôi dân binh Đô hộ Phủ được Ngài tổ chức động viên để biến các dinh thự, cổng thành Đại La vốn thuộc Đường ngảnh về Tràng An phương Bắc trở nên một tòa thành Đại Việt hướng vọng về Hoa Lư, Tràng An phương Nam…
Hội thảo cũng lắng nghe những báo cáo mở rộng hơn nhằm đánh giá ý nghĩa lịch sử gắn với sự kiện thống nhất đất nước, tạo lập nhà nước độc lập đầu tiên sau nhiều trăm năm đô hộ của ngoại bang: Quốc gia Đại Cồ Việt. Sự nghiệp đó của Đinh Tiên Hoàng Đế không thể tách rời những cận thần quan trọng trong “nhóm trẻ trâu Cờ Lau” mãi lưu truyền trong dân gian, mà Lưu Cơ là một nhân vật đứng đầu.
Tại Hội thảo , các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, ở các cơ quan nghiên cứu của Trung ương và một số địa phương bước đầu làm sáng tỏ những đóng góp của Thái sư Lưu Cơ với đất nước
Nhiều bài viết gửi đến Hội thảo đã liệt kê những đền miếu thờ phụng Lưu Cơ rộng khắp các vùng Bắc bộ, cho thấy tầm ảnh hưởng công lao và đức độ của Ngài trong dân chúng.
“Công lao, đức độ của Thái sư Lưu Cơ đã được nhân dân ở những nơi có sự hiện diện của ông hoặc biết đến ông ghi nhận qua hệ thống rất nhiều đền thờ, các gia phả, thần phả…. Với tầm vóc và công lao đóng góp của mình, Thái sư Lưu Cơ xứng đáng có vị trí được tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long và ở Thủ đô Hà Nội…”, GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định.
TS Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam bày tỏ, Thái sư Lưu Cơ và nhiều danh nhân dòng họ Lưu của Ngài xứng đáng được Nhà nước có những giải pháp, dự án ghi nhận công trạng và những giá trị tinh thần, phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, như đặt tên đường, công trình tôn vinh và mang tên tại Hà Nội và các địa phương có dấu tích, chiến công của các Ngài.
Với cuộc Hội thảo đầu tiên dành riêng về ông, các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, ở các cơ quan nghiên cứu của Trung ương và một số địa phương bước đầu làm sáng tỏ những đóng góp của Thái sư Lưu Cơ với đất nước. “Trên cơ sở nhận thức giá trị những đóng góp lịch sử của Đô hộ Phủ Thái sư Lưu Cơ, một số báo cáo khoa học đã mạnh dạn đề xuất những hành động cụ thể để ghi nhận, vinh tôn và truyền bá công lao của Ngài, như phục hồi, tu bổ di tích đền miếu thờ Lưu Cơ và liên quan, đặt tên đường phố, trường học, giải thưởng… mang tên ông”, TS. Nguyễn Việt phát biểu.
MINH NGỌC