Ngày 28-8-1941, tại Hóc Môn (Gia Định), thực dân Pháp đã xử bắn năm cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai.
Lúc đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng mới 29 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (sinh ngày 9/7/1912, mất ngày 28/8/1941)Tổng bí thư Đảng từ tháng 3/1938 đến tháng 1/1940
Sớm giác ngộ cách mạng, 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 17 tuổi đồng chí được phân công ra hoạt động ở mỏ than Vàng Danh và xây dựng cơ sở Đảng ở đây. 19 tuổi, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở vùng mỏ. Ngày 13-5-1931, ba tháng sau ngày bị bắt, đồng chí bị đưa ra xử ở Hội đồng đề hình Hà Nội, kết án khổ sai chung thân và đầy đi Côn Đảo.
Ở Côn Đảo, để góp phần giáo dục tư tưởng, phổ biến đường lối và chỉ đạo đấu tranh, tờ báo Ý kiến chung ra đời. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một cây bút viết bài đều đặn. Ngoài tờ Ý kiến chung, ở khám 5, đồng chí Cừ còn chủ trì tập san Người tù đỏ.
Năm 1936, đồng chí được trả lại tự do. Bị đưa về quê quán, Nguyễn Văn Cừ tìm liên lạc với các đồng chí, tích cực hoạt động khôi phục cơ sở và hệ thống tổ chức của Đảng. Đầu năm 1937, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ; tháng 9-1937, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3-1938 được bầu làm Tổng Bí thư. Năm đó đồng chí mới 26 tuổi.
Với cương vị Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến xuất sắc vào việc xây dựng, vận dụng quan điểm lý luận của Đảng ta về mặt trận dân chủ, về phòng thủ Đông Dương, chống chủ nghĩa phát xít, vạch mặt bọn tơ-rốt-kít, bọn cải lương, phân tích các khuynh hướng “tả” khuynh, “hữu” khuynh trong Đảng và ngoài Đảng lúc bấy giờ.
Dựa vào phong trào cách mạng của quần chúng đang phát triển mạnh mẽ ở trong nước và sự ủng hộ của nhân dân Pháp, đồng thời dựa vào đạo luật về tự do báo chí của nghị viện Pháp ban hành ngày 29-7-1881 đã trở thành cơ sở pháp lý ở Nam kỳ lúc đó, tháng 4-1938, hai đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Tập đã thay mặt Trung ương Đảng quyết định cho phát hành một tờ báo công khai bằng tiếng Việt, là cơ quan Trung ương của Đảng, lấy tên là Dân chúng, số 1 ra ngày 22-7-1938 không xin phép. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp chỉ đạo báo đó trong thời kỳ đầu và viết nhiều bài về các vấn đề lý luận và chính trị.
Dân chúng là tờ báo ra được nhiều số, đứng thứ ba trong toàn bộ lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam trước tháng 8-1945; là tờ báo được vinh dự đăng bài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo trong nước trong thời kỳ vận động dân chủ; là tờ báo in với số lượng cao nhất, có nhiều bạn đọc nhất trước Cách mạng tháng Tám 1945. (Trong hơn một năm tồn tại, Báo Dân chúng ra được tất cả 80 số, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ trong kho quản lý hiện vật bộ sưu tập báo Dân chúng với 79 số. Để việc bảo quản sưu tập báo Dân chúng được tốt hơn, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là BTLSQG) cho in lại báo Dân chúng dưới dạng 3 tập sách. Tập I từ số 1 đến số 28 (thiếu số 14); tập II từ số 29 đến số 50; tập III từ số 51 đến số 80.)
Tập sách: Báo Dân chúng 1938-1939, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000.
Ngày 5-10-1938, Dân chúng số 22 đăng bài “Mấy lời cùng độc giả” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết. Trong bài này, sau khi nói về thắng lợi của phong trào đấu tranh của quần chúng buộc chính quyền thực dân phải ban bố quyền tự do báo chí và xuất bản, đồng chí viết:
… “Giành lại được quyền tự do xuất bản! Đó là một bước đầu mà thôi. “Dân chúng” còn có những trách nhiệm lớn lao nặng nề nầy:
Chủ trương ngôn luận đúng đắn, không “tả” mà cũng không “hữu”, bợ đỡ, rụt rè; dùng lý luận hợp thời và tiến bộ giúp độc giả tìm chân lý và vũ khí tranh đấu sắc bén; chọn tin tức đích xát và cần thiết cống hiến cho độc giả, giúp đồng bào hiểu rõ thời thế; kịch liệt tranh đấu chống chủ nghĩa phát xít và các lý luận phản bội, hành động khiêu khích của bọn trốt-kít và các màu lý luận phản động khác; phô bày những sự uất ức, những nỗi thống khổ, những nguyện vọng thiết tha và binh vực tận tuỵ quyền lợi hàng ngày của các lớp quần chúng; nghiêu cứu sự thắng lợi và thất bại trong các cuộc tranh đấu để nâng cao lực lượng tranh đấu và tinh thần đoàn kết của các lớp nhân dân; mong kết chặt lực lượng thành mặt trận dân chủ Đông - dương để tranh đấu đòi các quyền tự do dân chủ, đòi hoà bình và hạnh phúc, chống chế độ thuộc địa dã man, chống phát xít, chống chiến tranh…
…“Dân chúng” tuy mới ra đời, nhưng ra đời một cách tự do nên được các tầng lớp nhân dân toàn xứ hết sức ủng hộ.
…Giúp cho “Dân chúng” phát triển tức là giúp cho trình độ chính trị giác ngộ của quần chúng lên cao.
Giúp cho “Dân chúng” sống, tức là giúp cho tên lính đầu tiên đã tranh được giải tự do xuất bản, sống và càng thêm mạnh mẽ để làm việc cho quốc dân, cho đồng bào.
“Dân chúng” là cơ quan ngôn luận của các anh chị em.
…“Dân chúng” thắng, ấy là quảng đại quần chúng xứ nầy chiến thắng vậy!
Cuối năm 1938, Nguyễn Văn Cừ bị trục xuất từ Sài Gòn ra Bắc kỳ. Ở Hà Nội, đồng chí vừa làm công tác Đảng với cương vị Tổng Bí thư, vừa trực tiếp chỉ đạo Xứ uỷ Bắc kỳ và thành uỷ Hà Nội. Nguyễn Văn Cừ lãnh đạo rất sát báo chí của Đảng ở Hà Nội cũng như tờ Dân chúng ở Sài Gòn.
Trong cuộc tuyển cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ tháng 4-1939, Đảng ta chủ trương đưa người ra tranh cử, nhưng không thành công. Trong nội bộ Đảng ta ở Nam kỳ có một số nhận thức sai lầm về việc đánh giá thất bại của cuộc tranh cử, nhận thức lệch lạc về chính sách mặt trận của Đảng ta. Nguyễn Văn Cừ đã viết cuốn Tự chỉ trích để nói rõ quan điểm của Đảng ta, kịp thời lãnh đạo và giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên đang bàn luận xôn xao về cuộc tuyển cử đó.

Trang bìa tác phẩm: Tự chỉ trích của tác giả Trí Cường (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ)
Cuốn này do Tập sách Dân chúng xuất bản, in lần đầu tại nhà in Ngô Viết Viên, ở Hà Nội, năm 1939.
Cuốn sách ra đời vào lúc thế lực phản động ở Đông Dương đang phản công các lực lượng dân chủ. Biết rằng địch sẽ tịch thu sách và khủng bố những người đọc sách này, nên sau khi in xong, Xứ uỷ Bắc kỳ đã tổ chức phát hành rất nhanh chóng vào Nam kỳ, Trung kỳ, Lào, Miên, đưa về các cơ sở của Đảng, chỉ để lại rất ít bày bán ở hiệu sách Đồng Xuân, khi mật thám Pháp đến tịch thu thì chỉ còn có vài quyển.
Mục đích cuốn sách là từ sự phân tích cụ thể cuộc tranh cử, khái quát rõ ràng sự đúng đắn sáng tạo lớn trong đường lối, quan điểm, chính sách, chiến lược của Đảng về Mặt trận dân chủ nhằm thống nhất tư tưởng, tổ chức và hành động cho toàn Đảng, khắc phục những xu hướng lệch lạc “tả” khuynh và “hữu” khuynh, đồng thời uốn nắn phương pháp đấu tranh không bôn-sơ-vích của một số cán bộ, đảng viên.
Tác phẩm tự chỉ trích có 4 phần:
1- Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng.
2- Một vài bài học nữa về cuộc tuyển cử cần vạch rõ.
a) Mặt trận dân chủ chưa hẳn hoi thành lập được là vì ta chưa được mạnh.
b) Những khuyết điểm và cách tuyên truyền và ứng dụng chính sách của Đảng.
c) Đừng khinh thường nạn Tờ-rốt-kít.
3- Đấu tranh để bảo vệ đường lối Mặt trân dân chủ của Đảng chống “tả” khuynh và “hữu” khuynh.
4- Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Trong tác phẩm này, trình bày nhận thức của mình về tự phê bình và phê bình, đồng chí Tổng Bí thư viết:
“Tự chỉ trích bôn-sơ-vích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh… Đối với uy tín của Đảng, thì danh dự cá nhân của mình không có nghĩa lý gì, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình mà thôi”…
…“Đảng luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn công nhận để sửa đổi. Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích… Nhưng bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bôn-sơ-vích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”.
Một số nội dung trong tác phẩm Tự chỉ trích (hiện cuốn Tự chỉ trích đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vĩnh biệt chúng ta đã 80 năm. Khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của đồng chí và các chiến sĩ cách mạng năm xưa đã và đang trở thành hiện thực trên Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Trong sự nghiệp cách mạng đó, tư tưởng và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được lịch sử nhắc đến với sự trân trọng và lòng biết ơn vô hạn./.
Thu Hà