Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/09/2020 08:19 3995
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sự kiện Lễ Độc lập, ngày 2/9/1945 là một trong những nội dung trưng bày quan trọng được trưng bày ở phòng số 9 thuộc chủ đề Cách mạng tháng Tám 1945 trong cấu trúc nội dung trưng bày phần lịch sử cận-hiện đại Việt Nam ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong đó, sự kiện Lễ Độc lập được giới thiệu thông qua các tài liệu, hiện vật, hình ảnh và hai bộ phim tư liệu “Ngày Độc lập 2/9/1945” và “Chúng con nhớ Bác”. Về cơ bản, thông tin hiện vật còn hạn chế nên chưa có sự tương tác giữa hiện vật trưng bày và khách tham quan, chưa thực sự hấp dẫn người xem. Nhận thức được những hạn chế đó, trong những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chú trọng sưu tầm, bổ sung nguồn tài liệu ghi âm, ghi hình những câu chuyện kể, kí ức các nhân chứng lịch sử gắn với sự kiện Lễ Độc lập, ngày 2/9/1945  mà đến nay các nhân chứng còn lại không nhiều và hầu hết tuổi đã cao, hạn chế về sức khỏe, trí nhớ. Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả câu chuyện của Trung tướng Phạm Hồng Cư, người trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình trong ngày 2/9/1945.

 

Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945

 

Trung tướng Phạm Hồng Cư trao đổi với tác giả

(tại nhà riêng số nhà 20, ngõ 19, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, năm 2017).

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tên thật là Lê Đỗ Nguyên, sinh ngày 11/02/1926, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam (1986-1995), quê quán xã Đông Cương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trung tướng Phạm Hồng Cư khi đó là một chiến sĩ Việt Minh 19 tuổi đã hăng hái tham gia Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đây là lực lượng vũ trang địa phương do Thành ủy Hà Nội thành lập để bảo vệ các cơ quan của Trung ương, Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt, Đội có vinh dự được bảo vệ Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình trong ngày 2/9/1945. Đối với người chiến sĩ trẻ ngày ấy, kí ức được chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập mãi mãi là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của cả một thế hệ những người mang trong mình lời thề độc lập. Dù năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng Ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn kể cho chúng tôi câu chuyện bảo vệ Lễ đài Độc lập năm xưa.

Ông kể “…công tác bảo vệ Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội được chia làm ba vòng bảo vệ do ba lực lượng đảm nhiệm, gồm: các đơn vị Giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội trực tiếp bảo vệ Lễ đài ở vòng trong. Sở Liêm phóng Bắc Bộ (tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân) ở vòng hai, dưới chân Lễ đài, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ Lâm thời. Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cùng. Ngoài ra, còn các lực lượng quần chúng như: thanh niên cứu quốc, công nhân cứu quốc… tuy dự mít tinh nhưng có ý thức cùng bảo vệ Chính phủ Lâm thời. Ngày 2/9/1945, đồng chí Đỗ Đức Kiên trong Ban chỉ huy của Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu vinh dự dẫn hai trung đội đến Quảng trường Ba Đình làm nhiệm vụ bảo vệ Lễ Độc lập. Trung đội Tô Hiệu được phân công trực tiếp làm hàng rào danh dự, còn trung đội Hà Huy Tập của tôi được phân công bảo vệ vòng ngoài Lễ đài….

Không khí mít tinh ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 thực sự là một ngày hội lớn của đất nước, cả Hà Nội rực rỡ cờ hoa, các phố giăng đầy biểu ngữ bằng năm thứ tiếng mà đọc lên khiến tôi xúc động, như: “Độc lập hay là chết”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”. Đội hình dự mít tinh ngày Lễ Độc lập gồm đủ các thành phần, tầng lớp trong xã hội: thanh niên cứu quốc mặc áo sơ mi cộc quần ngắn, phụ nữ cứu quốc thướt tha trong tà áo dài, công nhân cứu quốc với đồng phục quần xanh áo trắng, dân quân ngoại thành thì áo nâu thắt lưng chẽn, phụ nữ nông thôn mặc áo tứ thân đầu vấn tóc, các cháu thiếu nhi nhảy múa theo nhịp trống, các cụ phụ lão, các nhà sư, các cố đạo nữa. Tất cả mọi người đều phấn khởi chờ đón sự xuất hiện của phái đoàn Chính phủ Lâm thời. Lúc đoàn xe của Chính phủ Lâm thời tiến vào quảng trường, tôi quan sát thấy đó là một đoàn xe màu đen, hai bên có công an đi bảo vệ và bước lên Lễ đài là một ông cụ dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Lâm thời. Lúc đó tôi chưa biết cụ là ai, chỉ đến khi nghe giới thiệu và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, giọng nói pha âm sắc tiếng Nghệ An, thế là đồng chí Hoàng Phương (một trong những chỉ huy của trung đội) ghé sát vào tai tôi nói: “này, này cậu có biết không, ông cụ là Nguyễn Ái Quốc!”. Tôi bỗng nghẹn ngào sung sướng, vì từ lâu chúng tôi đã biết Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, thế mà hôm nay Người đã về. Khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, cả biển người im phăng phắc lắng nghe tiếng nói của Người. Sau khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập thì đến toàn thể quốc dân tuyên thệ. Sau mỗi lời thề, toàn thể đồng bào đều giơ tay hô lớn “xin thề!”. Khi giơ tay thề, nước mắt tôi và đồng đội cứ thế trào ra. Đó là vì sao? Đó là vì sự hạnh phúc tột bậc của những người đã từng trải qua thời nô lệ, mất nước, hôm nay trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập.

Từ ngày đó, chúng tôi mang theo lời thề độc lập trong trái tim đi vào hai cuộc kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước. Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập, thế hệ ngày nay phải giữ gìn, xây dựng đất nước...”

 

Bản lời kể của nhân chứng lịch sử - Trung tướng Phạm Hồng Cư

Kí ức của nhân chứng lịch sử Trung tướng Phạm Hồng Cư - người trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình trong ngày 2/9/1945 được chúng tôi – những cán bộ làm công tác sưu tầm Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành phỏng vấn ghi âm, ghi hình, biên tập, thẩm định nội dung thông tin. Nguồn tư liệu quí giá này sẽ được lưu giữ, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, khơi gợi kí ức, tạo ra sự hấp dẫn với công chúng trong nội dung trưng bày về Cách mạng tháng Tám 1945 phần lịch sử cận - hiện đại Việt Nam ở Bảo tàng Lịch quốc gia./.

                                                                                       Nguyễn Trọng Lượng
(Phòng NCST)
  

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4413

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Nguyễn Hữu Thọ - con người của tình đoàn kết dân tộc

Nguyễn Hữu Thọ - con người của tình đoàn kết dân tộc

  • 10/07/2020 13:10
  • 2910

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ (Bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.