Nhắc đến Tây Tiến, ai ai cũng chợt nhớ ngay câu thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Quang Dũng “Tây Tiến những đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá giữ oai hùm…”. Và những trang sử của Trung đoàn Tây Tiến đã được ghi bắt đầu từ tháng 2-1947.
Ông Lê Tuấn (đứng giữa) và gia đình Liệt sĩ Cao Tự Cường tại Mường Lầm, Sơn La, nơi diễn ra trận đánh của chi đội Tây Tiến năm 1946 và tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Cao Tự Cường
Không mấy ai còn nhớ, có một chi đội đầu tiên của Quân giải phóng đã lên đường đi Tây Tiến ngay sau Lễ Độc lập. Hơn 100 ngưòi ra đi, chiến đấu, hy sinh; khi đến Tông (Sơn Tây), tháng 9/1946, chỉ còn 18 người. Cao Tự Cường là một trong số những chiến sĩ đã hi sinh trong đợt Tây Tiến này. Câu chuyện năm 2000 tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Cao Tự Cường (tức Trần Tự) ở bản Mường Cang, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, tôi đã được ông Cao San, em trai liệt sĩ và ông Lê Tuấn, nguyên Phân đội trưởng trong chi đội Tây Tiến do ông Nông Ích Cao chỉ huy kể, nay ghi lại để các bạn hiểu thêm về chiến sĩ giải phóng quân Hà Nội đã lên đi Tây Tiến từ mùa thu năm 1945.
* Những ngày hoạt động Việt Minh sôi nổi
Là con thứ hai trong gia đình có 9 anh em, Cao Tự Cường được cha - ông giáo nghèo Cao Văn Chinh cho học trường Bưởi nhưng rèn giũa nghiêm khắc theo nếp nhà thanh bạch, không đua đòi các “cậu ấm” con nhà giàu. Nhưng thanh thế của Việt Minh như ngọn sóng trào, cuốn Cao Tự Cường cũng như thanh niên các trường trung học Thăng Long, Gia Long, Văn Lang hướng theo ngọn cờ cứu nước. Anh giấu cha, mang tiền của gia đình đi tham gia các hoạt động của Đội tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu. Chiếc xe đạp có ghi đông vuông là “mốt” của thanh niên lúc đó, anh cưa đi, uốn thành chữ U để “cua” trên phố cho nhanh. “Tôi nhớ trong dịp chuẩn bị bảo vệ cho cuộc diễn thuyết của Đội tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu ở chợ Canh, anh Nguyễn Văn Tiết (đã hi sinh trong kháng chiến chống Mĩ), dẫn đến một thanh niên dáng thâm thấp, mặc quần soóc, áo sơ mi cộc tay, trông có vẻ thể thao lắm. Chúng tôi làm quen với nhau và nhanh chóng thân thiết bởi tính tình đều cởi mở, bộc trực, cương quyết. Tiếng cười vô tư của Cường toả sáng gương mặt còn rất học trò”- ông Lê Tuấn đã từng kể cho tôi nghe về anh như thế.
Nhanh nhẹn, hoạt bát, nên Cao Tự Cường tham gia bảo vệ các cuộc diễn thuyết, mít tinh của Đội tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu ở nội ngoại thành (Mễ Trì, rạp Tố Như, Nhà hát lớn…). Ngày 19-8-1945, người người lớp lớp xuống đường giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay sau đó, những chiến sĩ đã tham gia chiếm phủ Khâm Sai (nay là nhà khách Chính phủ), Trại bảo an binh của địch ở Hàng Bài trở thành Giải phóng quân để bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong phân đội Giải phóng quân do ông Lê Tuấn làm Phân đội trưởng, Cao Tự Cường được cử làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1. (Cuối tháng 8-1945, Hà Nội có thêm Chi đội Giải phóng quân từ chiến khu về do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy).
* Mặt trận Tây Tiến
Sau Lễ độc lập 2/9/1945, Phân đội được lệnh của đồng chí Vương Thừa Vũ hành quân lên Ba Thá (Hà Tây) cấp tốc luyện tập quân sự để làm nhiệm vụ đặc biệt. Khoảng giữa tháng 9-1945, Phân đội Giải phóng quân Hà Nội được tổ chức lại, cùng với hai phân đội người Tày, lập thành một chi đội do ông Nông Ích Cao chỉ huy, nhận nhiệm vụ lên đường Tây Tiến với trọng trách: giúp bạn Lào đánh đuổi thực dân Pháp, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân Sầm Nưa và cả vùng Thượng Lào; đó cũng là cách tốt nhất để bảo vệ vùng Tây Bắc của ta.
Ba Thá - Xuân Mai - Suối Rút, cứ thế xuyên rừng, trèo đèo, lội suối, mặc vắt cắn no máu và đá tai mèo nhọn hoắt, đói, rét hành hạ những chiến sĩ đang sức ăn, sức ngủ…Những chàng trai Hà Nội chỉ quen với ánh điện phố phường, chỉ được trang bị dép cao su “Con hổ”, hai bộ quần áo và súng đạn đã kiên gan hành quân tới đích. Giữa tháng 10-1945, ta từ bản Sốp Hào tiến sang Sầm Nưa (Hủa Phăn). Quân Pháp ở đây không xin được viện binh đã bỏ chạy lên Luông Phrabăng trước khi ta tiến vào. Giải phóng quân Việt Nam được nhân dân Lào và đồng bào ta nhiệt liệt đón chào. Một cuộc mít tinh trọng thể đã được tổ chức ngay tại tỉnh lỵ. Đồng chí Lê Hiến Mai, đại diện Tổng bộ Việt Minh nói chuyện với nhân dân Lào - Việt về việc phối hợp cùng các bạn Lào đánh Pháp. Ông Phumivôngvichit vốn là Tỉnh trưởng của chính quyền cũ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lào; Đại uý Khăm Kiểu được cử làm chỉ huy quân giải phóng Lào. Nhân dân và quân đội Việt - Lào đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập của hai dân tộc. Lễ uống máu ăn thề giữa hai nước và hai quân đội anh em thật cảm động.
Chi đội Nông Ích Cao có ba phân đội: hai Phân đội người Tày do ông Kim Thành và Nông Văn Tần làm Phân đội trưởng đóng ở vòng ngoài. Phân đội người Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ do ông Lê Tuấn đóng bên trong tỉnh lỵ, bảo vệ nhân dân, huấn luyện cho bộ đội Lào. Nửa tháng sau, quân ta vượt 60km đánh quân Pháp ở Mường Láp và thắng lớn, thu nhiều chiến lợi phẩm, súng đạn phân phát cho anh em rồi trở lại Sầm Nưa ăn Tết. Lần đầu tiên xa nhà, xa Tổ quốc, các chiến sĩ Việt Nam vui Tết trong tình cảm hồn hậu, cởi mở của nhân dân và các thiếu nữ Lào; nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương thân thương cũng dịu bớt…
Sau Tết Bun pi mảy (té nước), Phân đội hành quân lên bản Na Vương, phía bắc Sầm Nưa đánh Pháp. Đường núi cheo leo hiểm trở, những trận sốt rét không chăn đắp, thiếu thuốc cắt cơn, một số chiến sĩ đã nằm lại trên đường hành quân; đội hình vơi dần. Tháng 7/1946, các chiến sĩ được lệnh đánh địch ở Mường Lầm, một bản lớn ven thượng nguồn sông Mã. Tiểu đội của anh Cao Tự Cường có khẩu súng máy Brenn hai càng bố trí quân theo hình chữ chi từ ven sông lên đến bìa rừng để chặn địch ở đầu bản. Tiểu đội của anh Tôn và anh Tước rải quân phía sau bản. Quân Pháp và lính khố đỏ tràn vào đầy bản. Khẩu súng máy của anh đã phát huy tác dụng khi địch đang vãi đạn vào giữa bản. Chiến sự quyết liệt kéo dài đến chiều mới tạm ngừng. Tôi nhớ ông Lê Tuấn bùi ngùi kể: “Chúng tôi rút qua hai con suối đến sườn núi thì nghỉ lại. Quá mệt và đói, anh em trèo lên cây me cổ thụ hái quả me chín ngọt lịm chống đói. Đúng lúc ấy, địch rót pháo mooc-chi-ê ra xung quanh, tiếng nổ như sét đánh. Khi đến chỗ Cường và Tần, thấy người hai anh nát tơi tả. Cách đấy một quãng, có một số chiến sĩ đã mất. Chiều tối, chúng tôi dùng dao găm đào hố sâu, đặt Cường, Tần và các chiến sĩ người Tày nằm chung, đầu gối lên cao, lấy chiếc áo dạ ca pốt sĩ quan mà Cường được phát đắp lên, lại lấy hòn đá to chặn phía trên, chặt cành cây phủ rồi mới lấp đất. Sau trận này, chúng tôi còn đánh địch ở Mường Hung, Sốp Cộp và một số bản nhỏ rồi lui quân về bản Khoái để bồi dưỡng sức quân và bổ sung thêm quân số do đồng chí Tuấn Sơn chỉ huy mới đưa lên. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đánh địch dọc sông Mã, nhưng quân số vơi khá nhiều. Chúng tôi về Mai Sơn (nay thuộc huyện Sông Mã), dân trông thấy chúng tôi gầy còm, quần áo tơi tả, tưởng phỉ. May mà còn lá cờ bạc thếch, dân nhìn thấy mới đón vào bản”.
* Hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ Cao Tự Cường
Theo lệnh trên, chi đội Tây Tiến chỉ còn 18 người được về xuôi chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Ông Lê Hiến Mai lên tận Mai Sơn đón, đưa anh em về Tông (Sơn Tây) nghỉ ngơi. Ngay sau đó, ông Lê Tuấn cử ông Nguyễn Quý Hợp, người thay liệt sĩ Cao Tự Cường làm tiểu đội trưởng đến gia đình báo tin. “Gia đình tôi vẫn nhớ anh Hợp đến nhà tôi, mang về ba lô, nhật ký của anh Cường viết bằng bút chì và nhận cha tôi là cha nuôi. Năm 1958, anh Cường được truy tặng Huy chương chiến thắng hạng Nhất. Mường Lầm xa xôi và điều kiện gia đình có khó khăn, mãi đến năm 1990 thông qua ông Nguyễn Bắc, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội, tôi mới được biết địa chỉ của anh Hợp. Chúng tôi nối lại liên lạc để tìm hài cốt anh Cường trong hy vọng rất mong manh”, ông Cao San đã kể lại và đưa cho tôi xem những giấy tờ chứng nhận của ông Lê Tuấn, ông Nguyễn Quý Hợp, biên bản khảo sát mộ liệt sĩ của UBND xã Mường Lầm năm 1995, thư phúc đáp của Sở LĐ-TBXH tỉnh Sơn La năm 1996… Đoàn khảo sát đã tìm kiếm 3 ngày tại 5 địa điểm như ông Lê Tuấn mô tả và gia đình ông Cao San vẽ sơ đồ, sau đó toạ đàm với các nhân chứng, đoàn đi đến kết luận trong biên bản khảo sát mộ liệt sĩ của UBND xã Mường Lầm năm 1995: “Địa điểm thời gian không gian đều phù hợp, nhưng ngôi mộ chôn ba liệt sĩ thì nhân dân không hề biết chôn nơi nào. Mặt khác, thực địa đã thay đổi rất nhiều nên rất khó xác định”. Tất cả đều khó có hy vọng.
“Nhưng rồi trời đất đã phù hộ cho gia đình tôi”, ông Cao San kể tiếp. Ông đưa cho tôi xem bức thư của ông Tòng Minh Quốc ở xã Mường Lầm, trong thư có những thông tin hé mở rất quan trọng rằng: ông được tin ông Lò Văn Sắm thôn Mường Cang đào ao, mới đào khoảng 30-40 cm đã thấy có hài cốt và có chiếc khuy đồng lớn của áo dạ. “Nơi thấy xương cốt không phải là nơi dân địa phương chôn người vì dân tộc trên này qui định chọn ở khu vực nghĩa địa trong rừng…Nếu theo sơ đồ mà gia đình vẽ thì có khả năng nơi chôn bốn chiến sĩ là nơi ông Sắm đào ao…” trong thư ông Quốc ghi rõ như vậy.
Sau buổi đào ao, ông Sắm bị đau bụng rồi bị chết đuối khi đi trên sông Mã vớt gỗ, củi. Bà vợ ông rất sợ, cho là ông Sắm đã động đến hồn thiêng, nên bán vườn và nhà mình cho ông Thuận, dời đi nơi khác ở.
Theo những thông tin đó và được ông Quốc nhiệt tình nhận lời giúp đỡ, gia đình ông Cao San đã quyết định mời ông Lê Tuấn đi cùng lên bản Mường Cang, xã Mường Lầm để xem xét cụ thể.
Lễ Truy điệu Liệt sĩ Cao Tự Cường và ba liệt sĩ cùng chiến đấu, hy sinh năm 1946, đưa hài cốt về Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hà Nội, năm 2000
Hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ Cao Tự Cường cuối năm 2000 từ Hà Nội lên xã Mường Lầm đã được tỉnh đội Sơn La, huyện đội Sông Mã và UBND xã đón tiếp tạo điều kiện và cử cán bộ tham gia tìm kiếm rất chu đáo. Khi xe qua lòng con lạch nhỏ, bằng trí nhớ và mẫn cảm của người bao năm xông pha trận mạc, ông Lê Tuấn đi cùng gia đình ông Cao San đi tìm mộ nhớ ngay đây chính là con suối mà ông đã cho anh em lội qua, rút khỏi bản lên rừng. “Chúng tôi đến vườn nhà ông Sắm, thì chủ mới tên là Thuận dẫn chúng tôi đến ao mà ông Sắm đào được hài cốt. Khi đắp đất làm nền nhà, ông Thuận thấy xương cốt đã gom lại, chôn dưới gốc cây me cổ. Đến gốc cây me, ông Lê Tuấn nói như reo: “Nó đây rồi”. Đó chính là gốc me mà ông Lê Tuấn đã cho anh em nghỉ ngơi và trèo lên hái quả ăn đỡ đói sau trận đánh Pháp chiều ấy. Chúng tôi nhanh chóng đào sâu xuống, thấy ngay hài cốt.
Vậy là 54 năm, liệt sĩ Cao Tự Cường cùng ba liệt sĩ âm thầm nằm trong lòng đất Mường Lầm, nay mới được trở về với gia tộc, với thành phố quê hương. Hài cốt các liệt sĩ được phủ cờ Tổ quốc, sau lễ bàn giao của Tỉnh đội Sơn La đã được đưa về Hà Nội. Ngày 24.12.000 (tức 29/11/2000), lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Cao Tự Cường, Nông Văn Tần và hai liệt sĩ người Tày được tổ chức trọng thể trong Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố tại quận Bắc Từ Liêm.
Lịch sử của cuộc trường chinh đi Tây Tiến chống thực dân Pháp xâm lược đã được bắt đầu bằng chi đội Nông Ích Cao, mà máu đào của các liệt sĩ như Cao Tự Cường đã tô thắm truyền thống anh hùng của Trung đoàn Tây Tiến.
Ths. Phạm Kim Thanh