Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/10/2019 08:22 3348
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đường đến với cách mạng

Nhà văn Tô Hoài đã vẽ chân dung nhà văn Như Phong cái thuở còn hoạt động bí mật để chuẩn bị thành lập Hội Văn hoá Cứu quốc thế này: “Qua bóng loáng thoáng xanh đen, những lá cây thấp ven đường, thấy đằng trước cửa Nhà máy Điện Yên Phụ có một người xuống xe tay, đi lại phía này, lững thững như người đi bách bộ. Tôi nhận ra đấy là Như Phong. Trước nhất ở dáng bệ vệ, bộ quần áo trôpican xám sang kiểu mới, nách kẹp mấy quyển sách, đầu để trần, miệng ngậm cái tẩu gộc”.

Đi làm cách mạng mà ăn mặc sang như ông, thời đó thật là “của hiếm” trong số đông chỉ quần đen áo the, hoặc công chức áo trắng, quần Tây, là sang lắm rồi. Quả thật, ông cũng là của hiếm trong lớp “công tử đẹp trai con nhà giàu” của Hà Thành sớm dấn thân đi tìm và đã tìm thấy lý tưởng của thanh niên là cách mạng giải phóng dân tộc.

Ông nội của Như Phong là cụ Nguyễn Văn Viễn, quê ở Đông Lao, tỉnh Hà Đông cũ thuộc dòng tộc Nho gia yêu nước. Cụ đã tham gia nghĩa quân đánh thực dân Pháp xâm lược, sau lại ủng hộ gạo cho quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đánh trận Cầu Giấy thắng lợi. Được giáo dưỡng trong gia tộc có truyền thống tốt đẹp, Nguyễn Đình Thạc (tên thật của ông Nguyễn Như Phong) dù được học ở trường Bưởi, nhưng đã sớm dấn thân đi tìm con đường mới để góp phần cứu nước.

 

Nhà văn, nhà báo Như Phong (1917-1985)

Ngôi nhà số 36 của cha mẹ ông ở ngay trước cửa chợ Đồng Xuân chuyên bán đồ khô, từ năm 1938-1939 trở thành điểm đi lại của các ông Nguyễn Thường Khanh (tức Trần Mai Ninh), Nguyên Hồng - các biên tập viên của báo Thế giới (ra công khai) và báo Mới, Người Mới (ra bí mật) - những tờ báo của Đoàn Thanh niên Dân chủ. Bộ ba ấy đã gắn bó thân thiết trong tình bạn, tình đồng chí từ những tháng ngày vừa làm báo, vừa đi tìm một lẽ sống đúng đắn. Lúc đó, cao trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân đòi tự do dân chủ, những buổi đi tiếp xúc với công nhân, thợ thủ công, thanh niên ở ngoại thành cùng với Nguyễn Thường Khanh, từ đó, hiểu hơn cuộc sống khốn cùng của người dân và thực tiễn xã hội, bớt đi cái nhìn “sách vở”, những buổi nghe đồng chí Trường Chinh đang chỉ đạo báo Tin Tức của Đảng giảng giải và hướng dẫn ông tìm đọc sách báo mác xít và các tác phẩm văn học Xô Viết (Tiểu thuyết Người Mẹ của Mácxim Goócki, thơ Maiacôpxki…). Tiếp đó là cuộc bút chiến công khai nghệ thuật vị nghệ thuật… tất cả đã khai mở cho anh chân trời mới. “Nguyên Hồng và tôi dù sao cũng đã bắt đầu cuộc đời tư tưởng và nghệ thuật của mình giữa ngã ba thời đại…Sự lựa chọn lớn nhất của cuộc đời mình làm cho người ta trở nên mình như bây giờ, làm sao người ta có thể dễ quên đi được”(1). Ông đã viết trong hồi ký “Theo con đường đã chọn” khi nhớ lại buổi đầu hạnh ngộ đó.

Đó là bước ngoặt lớn trong đời vào những năm 1935-1937, ông luôn đau đáu câu hỏi: đi theo hướng nào? Làm gì cho dân chúng đang bị lầm than? Ông đã viết một loạt truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy mang tính hiện thực phê phán như: Kỳ, Người ở tù về, Gái nhỡ thì, Truyện một người trẻ tuổi, Cái chết, Hai bà cháu, Chuồng nuôi ngựa… để giải tỏa bức bối, để bày tỏ khát vọng của thanh niên trước xã hội tàn ác, bất công đang “thèm chân trời mà chưa hề thấy chân trời”. Và chân trời mới đã hé rạng từ khi làm báo Thế giới dưới sự chỉ bảo, dìu dắt của các đảng viên cộng sản ở báo Tin tức để rồi lúc nhận thư của đồng chí Trường Chinh nêu rõ việc cần kíp cần phải đoàn kết tập hợp văn nghệ sĩ trong tổ chức mới do Đảng lãnh đạo, ông như thấy chân trời mới, cao rộng, cho cánh diều bay trong nắng gió mới của cuộc cách mạng, xua tan đi bao bức bối ngột ngạt, bất bình  trong tâm tư mà không thể ngỏ cùng ai.

Năm 1939, ông bị bắt khi đang làm báo Mới, bị tù ở Hỏa Lò. Ra tù, các bạn đồng chí hướng mỗi người một nơi, mất luôn cả liên lạc với Đảng. Nguyên Hồng cũng bị tù ở căng Bắc Mê rồi kiếm sống ở Hải Phòng. Nguyễn Thường Khanh không có tin tức gì.

Sáng lập viên của Tổ Văn hóa Cứu quốc (mùa xuân năm 1943), tiến tới thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc (mùa thu năm 1943)

Khoảng mùa xuân năm 1943, cụ Học Phi đến tìm ông Như Phong, đưa cho ông xem thư của đồng chí Trường Chinh sau Hội nghị Tám của Trung ương - chuẩn bị mọi mặt tiến tới giải phóng dân tộc, thành lập “hội cứu quốc” của các tầng lớp nhân dân trong mặt trận Việt Minh. Sinh thời, khi tôi (tác giả) gặp cụ hỏi thêm về Tổ Văn hóa Cứu quốc, cụ đã nói rõ: Anh Trường Chinh có gửi một bức thư cho anh em văn nghệ sĩ trưng cầu ý kiến về việc này, nhất là về cái tên gọi mà Trung ương chưa quyết định, vì muốn ngành văn hóa phải có cái gì khác với các ngành các giới khác”.(2)

Người đầu tiên mà cụ Học Phi tìm đến chính là giáo sư Đặng Thai Mai, sau đó, cụ đã có cuộc gặp gỡ một số trí thức văn nghệ sĩ tại 11 Hàng Đường. Đây là nhà của ông Ngô Lê Động, một cán bộ kỳ cựu của Đảng, từng giúp Đảng có tài chính để ra báo công khai bằng tiếng Pháp Rassemblement, Le Travail, En Avant. Nhà văn Như Phong, trong hồi ký Theo con đường đã chọn, đã kể lại chi tiết cuộc gặp gỡ này với nhà văn Học Phi: Bốn chúng tôi (Học Phi, Ngô Lê Động, Như Phong, Vũ Quốc Uy - tác giả) ngồi họp ở ngay bộ bàn ghế gụ kê ở phía sau cửa hàng. Họp ở đấy thế mà an toàn. Tên chó nào ranh ma đến đâu cũng không thể ngờ được rằng, phía trong một cửa hiệu bán đường, mứt hiền lành như vậy mà lại có một cuộc họp bí mật. ”(3). Địa điểm và nội dung họp cũng được cụ Học Phi ghi rõ trong cuốn Học Phi tự truyện: “Cuộc họp tiến hành ở gian trong, giữa cửa hàng và nơi chứa hàng. Người nhà anh Động luôn qua lại. Chúng tôi phải vừa bàn chuyện công tác, vừa nói chuyện trên trời dưới biển… Tổ phân công anh Như Phong và anh Liên, mà sau này tôi mới biết là anh Vũ Quốc Uy, giữ đầu mối ở Hà Nội, anh Ngô Lê Động lo chạy vốn để giữ nhà xuất bản riêng cho hội; tôi làm liên lạc giữa Trung ương và hội ”(4). Cụ đã nói quan điểm riêng của mình khi tôi băn khoăn hỏi cụ về tổ chức Văn hóa Cứu quốc: Cuộc họp này chính thức thành lập Tổ Văn hóa Cứu quốc của văn nghệ sĩ Việt Nam gồm 4 người: Anh Vũ Quốc Uy, tôi, Ngô Lê Động, Như Phong.

 
 

  Đề cương về văn hóa Việt Nam, tháng 2-1943

Từ sau cuộc họp này, các sáng lập viên tiến tới tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc, và những cuộc họp xúc tiến cho việc thành lập Hội đã diễn ra ở nhà ông Ngô Lê Động; sau đó là nhà 124 phố Block aux Nord (Lô cốt Bắc), gần hồ Trúc Bạch (nay là phố Phó Đức Chính), nơi ông Vũ Quốc Uy thuê. Căn nhà có tên chủ Tây lai này, hoá ra lại giữ được an toàn cho các ông Vũ Quốc Uy, Như Phong, Nguyên Hồng, Tô Hoài đến họp bí mật. Về sự kiện tại căn nhà này vào đầu thu năm 1943, ông Vũ Quốc Uy đã viết rất sáng rõ trong hồi ký: “Đồng chí Lê Quang Đạo mang đến cho tôi một phong bì kín và tươi cười nói: Trên gửi cho các đồng chí tài liệu này quan trọng lắm. Tôi vào phòng, khóa cửa, mở phong bì, thấy trong đó có 8 trang giấy kẻ ô đã khá nhàu nát vì đi qua nhiều chặng đường. Những dòng chữ nhỏ viết tay phủ kín các trang giấy và trên trang đầu, đề rõ ràng mấy chữ: Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng. Vài tuần sau khi đưa bản Đề cương, đồng chí Lê Quang Đạo triệu tập chúng tôi lại để nghiên cứu” (5). Sau đó, cuộc họp “ Khai Hội” dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quang Đạo, các ông Vũ Quốc Uy, Tô Hoài, Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi đã họp trên gác thượng ngôi nhà 124 phố Lô cốt Bắc. Đồng chí Lê Quang Đạo nêu phương hướng cho các hội viên: Là một tổ chức  quần chúng của mặt trận Việt Minh, Văn hóa Cứu quốc phải tranh thủ mọi khả năng hợp pháp, hoạt động công khai để đưa tư tưởng văn hoá của Đảng vào các buổi nói chuyện, diễn kịch, cố gắng ra bằng được một tờ báo bí mật của Hội... “Cuộc họp kéo dài đến quá nửa đêm…Đường phố mờ mờ dưới ánh đèn phòng thủ. Chúng tôi cứ thắng đường mà đi, trong lòng như reo như thét. Phía trước chúng tôi đã có một đường của chúng tôi, thẳng và sáng”(6). Ông đã ghi những dòng hồi tưởng đầy xúc động về ngày chào đời của Văn hóa Cứu quốc như vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều văn nghệ sĩ tham gia Văn hóa Cứu quốc. Các tổ của Hội Văn hóa Cứu quốc đã phát triển khá nhanh.

Khoảng giữa năm 1944, một bài tiểu luận về nhiệm vụ chống phát xít của các nhà văn lúc này đã được ông Như Phong viết, gửi lên đồng chí Trường Chinh và đồng chí Mười Hương, trong đó nêu lên đường hướng văn nghệ của Đảng đối với văn nghệ sĩ, thể hiện nhận thức đã chín của ông: nghệ sĩ phải dấn thân vào cuộc cách mạng, đêm văn học nghệ thuật phục vụ nhân dân. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 4-1945, Hội có thêm các ông Thép Mới, Lưu Văn Lợi, Trần Huyền Trân, Nam Cao… đến tháng 7-1945, Hội Văn hóa Cứu quốc có khoảng 30 hội viên.

 

Tạp chí Tiên Phong: Cơ quan vận động văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc, số 1 ra ngày 10-11-1945 đăng toàn văn “Đề cương về văn hóa Việt Nam”

Nhận thức cơ hội ngàn năm cho nhân dân ta giành độc lập đang tới, Như Phong cùng Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Văn Lợi về quê Nguyễn Huy Tưởng ở Dục Tú (Đông Anh), quyết tâm ra báo Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa Cứu quốc. Ở trong ngôi nhà cổ yên tĩnh ấy, “Mỗi anh ngồi một xó, anh thì có chỗ ngồi hẳn hoi ở bàn, anh thì lấy mặt sập thờ làm bàn viết… Báo Tiên phong số đầu tiên đã làm xong, nhưng công việc in không sao chạy theo kịp với tình hình cách mạng …Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công mà báo vẫn chưa in xong”(7). Và chính đêm 17/8/1945, ông đã cùng với Ngô Lê Động lao như bay vào nhà in báo Tin mới, lại gặp các bạn ông là Chu Văn Tích, Trần Lâm, hội viên của Dân chủ Đảng, cũng có mặt ở đây, buộc chủ báo đăng bài tường thuật nhân dân mít tinh tuần hành, phá cuộc mít tinh do Tổng hội công chức của Chính phủ Trần Trọng Kim trên Quảng trường Nhà hát lớn buổi chiều hôm đó. Đêm trước của cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu bằng sức mạnh như nước vỡ bờ của nhân dân. Tin về cuộc mít tinh từ báo Tin mới đã bay đến với muôn người sáng 18/8, thúc giục, cổ vũ mọi người khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau những ngày vui bất tuyệt trong niềm vui đất nước được tự do độc lập, tháng 9/1945, nhà văn Như Phong tự hào được đứng trong đôi ngũ đảng viên tại Chi bộ báo Cứu quốc. Ông tham gia Ban chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc, làm biên tập viên báo Cứu quốc. Đường dài kháng chiến, ông dành tâm huyết cho công tác phụ trách báo Cứu quốc Thủ đô, Cứu quốc khu X, khu XII, Liên khu III, Đặc khu Hà Nội. Rất tiếc, cho đến nay, chúng ta không có được di cảo của ông về mảng báo chí phong phú này để hiểu sâu thêm sự nghiệp sáng tác của ông.

Thủ đô giải phóng, ông được Đảng giao trong trách Trưởng ban Văn hoá, rồi Trưởng ban Văn nghệ, uỷ viên Ban biên tập báo Nhân Dân. Năm 1965, ông là Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Văn học đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ dội bom đạn khốc liệt khắp miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Ở nơi sơ tán kham khổ, ông vẫn cùng anh em nghiên cứu, cho ra đời nhiều cuốn sách văn học trong và ngoài nước có giá trị cao: Lỗ Tấn, Thuỷ Hử, Những người khốn khổ, Sông Đông êm đềm, Ruồi Trâu, Viết dưới giá treo cổ, Gia đình Ti bô; Truyện Kiều, Thơ văn Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Tản Đà… Chính ông phát hiện, dày công biên tập và cho xuất bản những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử hùng tráng như Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên. Những tài năng trẻ được ông khuyến khích: Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm… đều khẳng định sớm tài năng trên thi đàn mà ông là người hồ hởi đón đọc bản thảo và  là “bà đỡ” mát tay. Tác phẩm mới “Hòn Đất” của Anh Đức, “Cửa sông” của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm được bạn đọc yên thích, giới văn học nghệ thuật đánh giá cao.

Anh em quý mến ông, người anh “khảng khái, tin tưởng, hồ hởi mà không khoan nhượng, phải trái phân minh… Có bản lĩnh là đặc sắc của tính cách anh, ngoài đời cũng như trong văn học”, đúng như nhà văn Lữ Huy Nguyên đã trân trọng viết về ông. Và hơn thế, ông là người trọng tình nghĩa, thuỷ chung với bạn bè, đồng chí. Mặc những sóng gió, khúc khuỷu trên đường đời, tình bạn của ông với nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Thường Khanh từ thuở thanh xuân, ông vẫn giữ trọn. Tình bạn tri kỷ, gắn bó sâu sắc từ những ngày đi tìm lý tưởng sống mà ông coi là may mắn vô cùng, đúng vào lúc cần thiết của tuổi trẻ đang ở ngã ba đường, với ông đó là một niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời.

Tôi đọc di cảo của nhà văn, nhà phê bình văn học Như Phong do NXB Văn học xuất bản năm 1994, đọc cả những trang giấy cũ được con trai ông, anh Nguyễn Xuân Vũ cất giữ cẩn thận như gia bảo cho con cháu, cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của nền văn học từ buổi ban đầu của cách mạng với giá trị nhân văn cao đẹp. Dòng sông thời gian giữ lại những tác phẩm văn học bồi đắp ánh sáng chân - thiện - mỹ đích thực cho các thế hệ. Nhưng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cần khẳng định rõ ràng rằng: nhà văn, nhà báo Như Phong đã có đóng góp không nhỏ, và cùng với cụ Học Phi, các ông Vũ Quốc Uy, Ngô Lê Động, Như Phong là một trong những sáng lập viên của tổ chức Văn hóa Cứu quốc, tiến tới thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc ở Thủ đô Hà Nội.

Ths. Phạm Kim Thanh

Chú thích:

(1),(3), (6), (7): Như Phong, Tuyển tập, tập 1, NXB Văn học, H. 1994, tr 222, 292, 302, 312.

(2), (4): Phạm Kim Thanh: Hồn Việt trên đất Rồng thiêng, NXBQĐ, 2013, tr 123-124.

(5): Vũ Quốc Uy: Hoạt động văn hóa cứu quốc, trong sách Hà Nội khởi nghĩa, tập 1, Ban NCLSĐ Thành ủy HN xuất bản, H. 1980, tr 186.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4343

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út – Người chiến sĩ Tiểu đoàn 307

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út – Người chiến sĩ Tiểu đoàn 307

  • 18/09/2019 13:24
  • 5613

“Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy…”