18/09/2019 13:24 5977
Điểm: 4.25/5 (4 đánh giá)
“Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy…”
Đó là những ca từ hào sảng
của bài hát “Tiểu đoàn 307” của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, phổ thơ Nguyễn Bính,
sáng tác vào cuối năm 1949. Bài hát ca ngợi những chiến công vang dội của tiểu
đoàn chủ lực cơ động đầu tiên tại Nam bộ - Tiểu đoàn 307, được Nhà nước phong tặng
danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2005. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp
không nhỏ của đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út, nguyên chiến sĩ của Tiểu
đoàn 307 năm xưa.
Đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út
Trong căn nhà đơn sơ ở phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út kể cho nghe những chiến công vang dội của Tiểu đoàn 307 anh hùng. Tiểu đoàn được thành lập ngày 1-5-1948 gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành. Sau 2 tháng tập trung huấn luyện ở Bến Tre, ngày 5-7-1948 Tiểu đoàn 307 đã làm lễ xuất quân tại Giồng Luông (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú). Sau đó tiểu đoàn liên tiếp lập nhiều chiến công vang dội ở Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long Châu Hà. Tính đến năm 1954, qua gần 7 năm chiến đấu, Tiểu đoàn 307 đã đánh trên 100 trận lớn nhỏ. Sau Hiệp định Genève, Tiểu đoàn 307 đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 7, thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 330.
Với đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út, ký ức về những ngày đầu tham gia kháng chiến vẫn còn mới nguyên trong tâm thức của người lính già này. Tìm hiểu về cuộc đời của ông, chúng tôi vô cùng khâm phục ý chí sắt đá và lòng căm thù giặc sâu sắc của ông. Năm 10 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải nương nhờ cửa Phật. Năm 15 tuổi, ông khai gian tuổi để được đi bộ đội, làm y tá cứu thương, rồi tham gia biệt động ở Sài Gòn, sau đó bị lộ, tổ chức đưa ông về bưng biền và chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 307.
Đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út (bìa phải) hàn huyên cùng đồng đội năm xưa
Nhớ lại trận đầu ra quân, ông kể: “Sau lễ xuất quân, tiểu đoàn tôi vượt sông Tiền nhận nhiệm vụ. Ngày 16-8-1948, một đại đội của tiểu đoàn vây đồn Mộc Hóa, bộ phận còn lại xây dựng trận địa “đả viện”, chặn đánh tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch ở thị trấn Kompongro (Campuchia) đi cứu viện đồn Mộc Hóa, bắt tù binh Tây, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng. Trận đầu ra quân thắng lớn, giải phóng huyện Mộc Hóa (Long An), liên kết chiến trường Việt Nam - Campuchia, nối thông Khu 8, Khu 7 và Khu 9, trở thành mốc son đầu tiên trong trang sử truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 307, đồng thời được đánh giá là điểm son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của Long An và Khu 8”.
Sau trận đầu ra quân thắng lợi, tiểu đoàn của ông liên tiếp lập chiến công ở Đồng Tháp Mười bảo vệ cơ quan đầu não của Nam Bộ và Khu 8, tham gia chiến dịch Trà Vinh từ ngày 26-3 đến 7-5-1950, hạ ba đồn bót, giải giới một trung đội bảo an, bắn cháy và bắn hư bốn xe bọc thép. Từ chiến trường quen thuộc là Phân liên khu miền Đông, Tiểu đoàn 307 thực hiện mệnh lệnh về Phân liên khu miền Tây hoạt động tác chiến từ tháng 5-1952 đến tháng 2-1954. Tại đây, Tiểu đoàn 307 tham gia nhiều trận đánh mà tiêu biểu là trận diệt cứ điểm Bảy Ngàn (Châu Thành - Cần Thơ), đồn Hộ Phòng (Giá Rai), bót Đầu Dừa (Cà Mau)… đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược, điện đài và quân trang quân dụng.
Kỷ niệm không bao giờ quên trong thời gian ông chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đó là trận đánh phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ông kể: Tháng 2-1954, Tiểu đoàn 307 phối hợp chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng huyện An Biên (Bạc Liêu), làm thiệt hại nặng hai tiểu đoàn địch, diệt và bức hàng nhiều đồn bót. Tiểu đoàn 307 còn phối hợp với đại đội địa phương 2062 cùng quân dân thị xã Rạch Giá và huyện Châu Thành (Kiên Giang) tiến công, bao vây các đồn bót quanh thị xã, thị trấn, bức rút bức hàng hàng chục đồn bót địch, mở rộng vùng giải phóng. Trong trận chiến này, ông bị thương nặng, thập tử nhất sinh, may sao, trời thương chưa cho ông chết. Chính những thành tích xuất sắc ấy mà tháng 5-1956 ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, khi ấy ông mới 25 tuổi.
Danh hiệu Anh hùng LLVTND – Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 7/5/1956
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các Anh hùng LLVT năm 1956
Tháng 7-1954, khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra Bắc, công tác trong lực lượng phòng không - không quân cho đến khi nghỉ hưu năm 1993.
Giờ đây khi ở tuổi 88, niềm vui tuổi già của ông là được quây quần bên con cháu và gặp gỡ, hàn huyên với các đồng đội năm xưa - những chiến sĩ Tiểu đoàn 307 chẳng tiếc gì máu rơi, “nguyện một lòng gìn giữ non sông”.
(Tổng hợp theo Báo Quân khu 7)