Theo sự chỉ dẫn của ông Tạ Quang Chiến - chiến sĩ trong Đội cận vệ bảo vệ Bác sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, năm 2009, tôi đã đến gặp bà Trần Thị Hoa ở căn nhà nhỏ đơn sơ của tập thể 8B Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, để hiểu thêm về người đã từng nuôi giấu Bác khi ở Côn Minh. Cách mạng thành công, Bà hiến cả gia tài cho cách mạng, mua nhà ở Lò Đúc và sau đó lại mua thêm biệt thự Cây Liễu ở gần Ngã Tư Sở để Bác bí mật ở Hà Nội trong những ngày “Vận nước ngàn cân treo sợi tóc”. Giờ thì Bà đã ở cõi tiên, chỉ có những dòng tốc ký trên giấy đã ngả màu vàng vẫn còn đây, gợi tôi nhớ lại câu chuyện bà kể.
* Cơ sở của cách mạng ở Côn Minh
Quê gốc ở làng Kim Liên của Thăng Long - Hà Nội, nhưng mới 15 tuổi, bà đã theo mẹ sang Côn Minh, Trung Quốc sinh sống. Khoảng năm 1935, đồng chí Vũ Anh (bí danh là Trịnh Đông Hải) là một trong hai người được đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập, nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở Đảng ở Côn Minh - Vân Nam. Từ Thái Lan sang đây, đồng chí tập hợp bà con Việt kiều yêu nước trong “Hội đồng hương”. Chỉ trong thời gian ngắn, Hội đồng hương đã phát triển khá nhiều hội viên. Dần dần, cán bộ của Hội được tăng cường do một số nhà cách mạng từ trong nước sang. Trên cơ sở đó, “Hội đồng hương” đổi tên thành “Việt Nam cách mạng giải phóng”. Bà Hoa và chồng, ông Tống Minh Phương tích cực tham gia hoạt động cho tổ chức, quyên góp, gửi tiền về nước theo đường dây bí mật cho hiệu sách chợ Đồng Xuân - hiệu sách lớn nhất của Đảng ta ở Hà Nội, có từ thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Ngoài ra, Hội còn mua sách về chủ nghĩa Mác-Lênin cho hội viên. Ở Côn Minh, bà mở quán cà phê “Tân Nam” vừa che mắt địch, vừa có kinh phí nuôi anh em và mua sách báo, góp thêm quỹ cho Hội. Nhà bà trở thành địa điểm hội họp của Hội và là cơ sở nuôi giấu cán bộ từ trong nước sang.
Giữa năm 1941, Mặt trận Việt Minh thành lập, từ đó, Hội bắt liên lạc, ủng hộ Việt Minh chống Pháp. Năm 1944, ở Côn Minh có một số binh sĩ của lực lượng không quân Mỹ thuộc phe Đồng minh - những người Mỹ tiến bộ - hứa sẽ giúp ta vũ khí nếu được gặp đại diện chính thức của Việt Minh từ trong nước; vì vậy, Hội Việt Nam cách mạng giải phóng bí mật cử người đến chiến khu, liên lạc với Mặt trận Việt Minh. Sau đó, đích thân Bác Hồ sang Côn Minh, có đồng chí Phùng Thế Tài đi bảo vệ.
Bác ở nhà ông bà Tống Minh Phương - Trần Thị Hoa để tiếp xúc bí mật với những người thuộc phe Đồng minh và hội đàm với họ. Sau này, trong hồi ký của mình “Bác Hồ, những kỷ niệm không quên” (NXB QĐND, H.2002) thượng tướng Phùng Thế Tài nhớ lại: “Đến Côn Minh, tôi đưa đến nhà anh chị Tống Minh Phương, một cơ sở của Đảng mà tôi đã biết hồi còn hoạt động ở đây. Anh chị bố trí cho Bác ở trên căn gác tuy chật hẹp nhưng cũng đủ kê một cái giường cho Bác nằm và một cái bàn để Bác làm việc… Thời gian Bác lưu lại Côn Minh khoảng gần bốn tháng …. Mùa xuân năm Ất Dậu 1945, đến giữa lúc ba bác cháu tôi vẫn ở Côn Minh, anh chị Tống Minh Phương đã tổ chức cho chúng tôi ăn một cái Tết xa quê hương đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Sau Tết, những cuộc đàm phán với Mỹ đi vào giai đoạn kết thúc….Có thể nói, mọi yêu cầu của Bác nêu ra đều được tướng Sê-nô chấp nhận”. Quân Đồng minh đã đồng ý ủng hộ Mặt trận Việt Minh một số vũ khí, thuốc men…
Sau những cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với tướng Sê-nô, đại diện Tập đoàn Không quân số 14 của Đồng minh, vào tháng 3/1945 mối quan hệ hợp tác giữa Việt Minh và Đồng minh đã được thiết lập. Một cuộc liên hoan mừng bước khởi sự tốt đẹp với quân Đồng minh được tổ chức ngay tại nhà ông bà, do chính bà làm đầu bếp và tiếp khách quý. Ngày Bác trở lại Pác Bó, lãnh đạo toàn Đảng toàn dân khởi nghĩa, bà vẫn phải ở lại Côn Minh để làm cơ sở liên lạc của Đảng.
* Hiến 200 cây vàng cho cách mạng
Khoảng giữa năm 1946, vùng Côn Minh bị quân của Vũ Hồng Khanh theo chân Tàu Tưởng phá phách, cộng đồng người Việt cũng không được yên ổn, nên bà Hoa phải bán toàn bộ nhà cửa, gia sản để về nước. Bà mừng rơi nước mắt khi gặp lại Bác; sau đó gặp Anh Cả Nguyễn Lương Bằng nhận công tác. 200 cây vàng mang từ Côn Minh về, bà hiến toàn bộ cho tài chính Đảng. Theo sự hướng dẫn của Anh Cả, bà bỏ ra 100 cây vàng mua nhà ở số 110, 112, 114 phố Lò Đúc làm nhà an dưỡng cho các đồng chí già yếu. Cũng khoảng thời gian này, bà hiến tiếp 100 cây vàng để mua biệt thự của một Pháp kiều ở gần Cầu Mới. Đường dẫn vào cổng có hai hàng liễu rất đẹp nên gọi là Biệt thự Cây Liễu (nay là khu Cao-Xà-Lá thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội và đã được gắn biển Di tích).
Từ tháng 10-1946, lính Pháp thường gây hấn trong thành phố nên Bác ở số 8 phố Vua Lê (nay là Bảo Việt Việt Nam) cũng không an toàn. Anh Cả bố trí nhiều địa điểm ở nội và ngoại thành cho Bác nghỉ đêm. Bác chỉ xuống nhà 112 Lò Đúc một lần. Sau đó, theo lệnh Anh Cả, khoảng cuối tháng 10, bà xuống Biệt thự Cây Liễu dọn dẹp nhà cửa để Bác đến họp với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương. Nhà có ba gian, gian đầu dành cho Bác ở, gian giữa để hội họp, gian cuối ngăn đôi: vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nửa gian, bà ở nửa gian, làm luôn việc hậu cần. Cuối tháng 11-1946, tình hình giữa ta và Pháp rất căng thẳng. Bác đến đây họp với Thường vụ Trung ương Đảng, thống nhất các chủ trương lớn của cuộc kháng chiến. Đầu tháng 12/1946, tình hình Hà Nội ngày càng căng thẳng do Pháp gây hấn ở nhiều nơi trong nội thành. Bác không ở Biệt thự Cây Liễu nữa, chuyển vào làng Vạn Phúc, Hà Đông. Bà Hoa theo cơ quan Tài chính của Đảng ra Chúc Sơn rồi lên Việt Bắc.
* Thủ kho giữ vàng huy động được từ “Tuần lễ vàng”
Từ năm 1947 đến năm 1950, bà Hoa được tin tưởng giao trông coi kho vàng cho Đảng. Số vàng quyên góp được trong Tuần lễ vàng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao cho bà quản lý. Khi nào có phiếu của Anh Cả, bà mới được xuất kho, cân vàng bằng cân tiểu ly cẩn thận… Những năm tháng ở chiến khu gian khổ, nỗi khổ lớn nhất của bà không phải là ăn uống kham khổ, sinh hoạt thiếu thốn mà là không được ở cùng các đồng chí. Ở trong hang đá lạnh lẽo, bà thèm tiếng người. Mãi đến năm 1948, bà mới được ở gần mọi người, ăn cùng bếp cơ quan. Thi thoảng, lúc Bác mệt nhiều hoặc ốm, ông Tạ Quang Chiến và anh em cận vệ lại đón bà sang nấu cháo và chăm sóc Bác. Bà làm thủ kho, một mình một núi vàng của cách mạng như vậy đến năm 1950 thì chuyển công tác khác; sau đó ra nước ngoài làm công tác ngoại giao, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, để các Đảng Cộng sản anh em ủng hộ cuộc kháng chiến của ta, viện trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men suốt từ năm 1952 đến năm 1969.
Công việc thầm lặng và sự đóng góp vô giá của vợ chồng bà Trần Thị Hoa - Tống Minh Phương cho cách mạng đã được Nhà nước ghi nhận ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 30-6-1952, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba ghi công: "Ông và bà Tống Minh Phương đã tận tụy với sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời kỳ bí mật, đã cống hiến hết gia tài cho cách mạng". Năm 1996, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Bức ảnh kỷ niệm bà Trần Thị Hoa chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từ một người Việt Nam yêu nước ủng hộ cách mạng ở Côn Minh những năm 1935; bà Trần Thị Hoa đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1948. Tôi nhớ bà đã cho tôi xem ảnh chụp kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng đến thăm bà ở tập thể 8B phố Ngọc Hà. Bà tâm sự: Tôi được may mắn nấu cơm, nuôi giấu Bác từ những ngày ở Côn Minh, sau lại được ở gần Bác trên Việt Bắc. Bây giờ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tôi nghĩ không phải cao xa gì, mà làm theo ngay trong công việc giản dị hằng ngày, không xa hoa, lãng phí, không tham lợi...
Thu này, ở cõi vĩnh hằng, chắc bà sẽ lại được gặp Bác như năm nào ở Côn Minh.
Ths. Phạm Kim Thanh