Thứ Ba, 05/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/08/2019 14:22 2162
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Có những con người mà cuộc đời và sự nghiệp của họ đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với sự phát triển của một ngành, một lĩnh vực…; nhưng họ lại là người rất khiêm nhường, âm thầm, lặng lẽ, ít khi nói về mình. Nhà Bảo tàng học, GS Lâm Bình Tường là một trong những trường hợp như thế.

Đến một lúc nào đó, khi có điều kiện biên soạn và xuất bản Lịch sử ngành Di sản văn hóa Việt Nam, ở giai đoạn sau năm 1954, không thể không nhắc tới tên tuổi và sự nghiệp của ông như là một trong những người đi đầu, đặt nền móng cho ngành Bảo tàng học nước nhà.

Từ lâu, tôi đã ấp ủ cần phải viết một cái gì đó về ông, vừa là để bày tỏ lòng cám ơn của tôi đối với ông, người thày đã dạy tôi những chữ đầu tiên về bảo tàng, di tích, di sản văn hóa và truyền cho tôi tình yêu đối với di sản văn hóa, từ khi tôi chập chững vào nghề hơn 50 trước cho đến tận bây giờ; vừa là để góp phần giúp cho các bạn trẻ trong ngành ít nhiều có sự hiểu biết về ông.

Thế rồi, thời gian cứ nối tiếp trôi đi, với nhiều lý do, bây giờ tôi mới thực hiện được điều đó.

 

Nhà Bảo tàng học Lâm Bình Tường (15-9-1924 / 7-1-2012)

Bằng trí nhớ của mình, trao đổi với một số đồng nghiệp quen biết ông, đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm cao của các đồng nghiệp ở Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, đã giúp tôi có được những tư liệu cần thiết, có thể chưa thật đầy đủ, để phác họa những nét chính về ông. 

Nhà Bảo tàng học Lâm Bình Tường sinh ngày 15 tháng 9 năm 1924, trong một gia đình viên chức nghèo, yêu nước; nguyên quán xã Hải An, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; trú quán xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Ông tham gia cách mạng ngày 25 tháng 8 năm 1945, gia nhập Đảng ngày 12 tháng 9 năm 1947. Từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954, ông hoạt động ở vùng Long Châu Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên) thuộc miền Tây Nam Bộ, trên nhiều cương vị công tác khác nhau.

Tháng 7 năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Trong những năm đầu, ông công tác tại Bộ Tuyên truyền. Từ năm 1959 đến năm 1963, ông được cử đi nghiên cứu sinh về Bảo tàng học tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia M.I. Lô-mô-nô-xốp, Mát-xcơ-va.

Từ tháng 7-1963 đến tháng 4-1975 ông là Trưởng Phòng Bảo tàng, Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa. Từ 30 tháng 4 năm 1975 đến 18 tháng 10 năm 1978, ông được cử tiếp quản và phụ trách Bảo tàng Sài Gòn - Thảo Cẩm Viên (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh). Từ tháng 10 năm 1978 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1987, ông là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa (nay là Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Sau khi nghỉ hưu, ông về sinh sống tại phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục làm Cố vấn chuyên môn cho Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh. Ông qua đời vào ngày 7 tháng 1 năm 2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi.

Ông được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến Hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Hạng Nhất, Huy hiệu Kháng chiến “Thành đồng Tổ quốc”…

Giáo sư Lâm Bình Tường là người Việt Nam đầu tiên được cử đi học trên đại học về ngành Bảo tàng học tại trường đại học danh tiếng của Liên Xô và thế giới  - Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mát-xcơ-va mang tên V.I Lô-mô-nô-xốp, từ năm 1959 đến năm 1963. Chính trong những năm tháng đó, ông đã miệt mài nghiên cứu, tiếp thu một cách hệ thống lý luận, phương pháp và kinh nghiệm bảo tàng của một đất nước có nền khoa học bảo tàng phát triển vào loại tiên tiến hàng đầu trên thế giới, đem những kiến thức đó cùng rất nhiều tài liệu tham khảo về Việt Nam. Có thể ví ông như là một cuốn từ điển về kiến thức bảo tàng, cần gì, thiếu gì, tìm đến ông đều có thể được ông vui lòng giúp đỡ. Nhiều tài liệu về Bảo tàng học bằng tiếng Nga và tiếng Pháp trong tư liệu của ông đã được chúng tôi mượn để dịch dùng làm tài liệu giảng dạy và tham khảo ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Hiếm thấy một nhà Bảo tàng học nào lại tâm huyết, yêu nghề, cần mẫn, khả năng tự học, chỉn chu trong công việc như ông. Trong 88 năm của cuộc đời mình, Nhà Bảo tàng học Lâm Bình Tường có tới 53 năm công tác và hoạt động liên tục không ngừng nghỉ trong lĩnh vực di sản văn hóa trên nhiều cương vị, nhưng công việc chính, sở trường chính của ông là nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn nghiệp vụ bảo tàng và di tích. Ông là một trong những người có công lớn trong việc đào tạo chuyên ngành Bảo tàng học ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ những ngày đầu, tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề về Bảo tàng học.

Nhà Bảo tàng học Lâm Bình Tường cũng là người đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh từ đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước, với tư cách là Cố vấn chuyên môn, đặc biệt là về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng cho cán bộ; hướng dẫn việc bảo tồn Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và các khâu công tác bảo tàng.

Trong công việc ông là người rất nghiêm túc, tôn trọng nguyên tắc khoa học và kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc đó.

Trong hơn nửa thế kỷ ấy, ông đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp mà ông tâm huyết theo đuổi và từ đó để lại nhiều dấu ấn sâu sắc.

Trong cuộc sống đời thường, ông là người đức độ, lịch lãm, ít nói, sống giản dị, hòa đồng, gọn gàng, ngăn nắp, pha chút dí dỏm. Ông rất tình cảm và thương yêu cánh sinh viên, cán bộ trẻ chúng tôi. Ông sống một mình ở tập thể, lương khá cao, thỉnh thoảng lại trích tiền lương ra mời chúng tôi một bữa. Nhiều tài liệu khoa học của ông đều được ông viết tay bằng bút mực, trên giấy trắng không có dòng kẻ, chữ rõ ràng, đều tăm tắp, trăm chữ như cả trăm, không tẩy xóa…

Ông cũng là người thích lưu giữ các kỷ niệm của riêng mình. Mọi người có thể mượn hoặc xin ông từ cái kim, sợi chỉ, chiếc cúc, miếng vải vá, cục tẩy, ít tờ giấy trắng… Tôi còn được ông cho xem bộ sưu tập các mảnh vải nhỏ, được ông cắt giữ lại mỗi khi may quần áo mới từ năm 1945 đến mãi sau này… Tình yêu di sản văn hóa đã ngấm vào ông từ thời còn trai trẻ.

Tôi bắt đầu được biết ông vào khoảng 1967 - 1968, khi được Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phân công học Chuyên ban Bảo tàng học, có thời gian dài nằm ở Trụ sở Vụ Bảo tồn Bảo tàng tại 22A phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, để hàng ngày được sự hướng dẫn của ông và các chuyên gia của Vụ. Nhiều năm tiếp theo, tôi có hân hạnh được đồng hành cùng ông trong nhiều hoạt động, đặc biệt là trong công tác đào tạo chuyên ngành Bảo tàng học ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và quá trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Ông cũng là một thành viên trong Hội đồng chấm thi tuyển Nghiên cứu sinh đi nước ngoài của tôi vào năm 1974.

Theo đạo lý “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tôi phải gọi ông là thày theo đúng nghĩa thực của từ này, nhưng không biết vì sao và chính xác từ khi nào, tôi và một số đồng nghiệp của tôi vẫn quen gọi ông là chú: Chú Lâm Bình Tường, chú Tường một cách thân mật như người trong gia đình.

Tưởng nhớ GS Lâm Bình Tường, chú Lâm Bình Tường, một Nhà Bảo tàng học chân chính, tài ba, một nhân cách đáng kính trọng.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

 

http://thegioidisan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4535

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Anh hùng lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Nguyễn Như Trang

Anh hùng lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Nguyễn Như Trang

  • 23/07/2019 08:23
  • 4065

Anh Nguyễn Như Trang sinh năm 1927 trong một gia đình nhà giáo ở làng Nam Nhạc, thôn Vĩnh Mộ, xã Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ. Cha anh là cụ giáo Nguyễn Như Hoàn, đã từng được giải nhất thơ Ngụ ngôn của Hội Khai trí Tiến đức từ trước tháng Tám năm 1945. Anh là hậu duệ thứ 15 của Thám hoa, Tướng công Nguyễn Như Thức, cụ thủy tổ của dòng họ Nguyễn làng Nam Nhạc. Sớm được cha mẹ cho ăn học ở trường Thăng Long đúng vào thời kỳ sôi nổi của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, lòng yêu nước thương nòi trong anh đã được bồi đắp từ những bài giảng của các thầy giáo Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám…