Trong kho của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh về các chí sỹ yêu nước, trong số đó có một số hiện vật gốc gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Văn Tố.
Chân dung Cụ Nguyễn Văn Tố khắc gỗ in trên giấy nứa, Ty Bình dân
học vụ Phú Thọ ấn hành để kỷ niệm Lễ chiến thắng giặc dốt, ngày 21-12-1949
Như chúng ta đã biết cụ Ứng Hòe Nguyễn văn Tố sinh năm 1889 trong một gia đình Nho giáo gốc Hà Nội. Với bằng tốt nghiệp Thành chung, cụ làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, một cơ quan chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hoá vùng Viễn Đông thuộc Pháp thời bấy giờ.
Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố không chỉ uyên thâm về Hán học mà cụ còn tinh thông cả văn hoá phương Tây. Ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX, cụ Ứng Hòe được coi là một trong những danh kiệt hiếm hoi người Việt uyên bác. Chính do sự học rộng, hiểu sâu cộng với uy tín lớn, nên cụ ứng Hòe đã được bầu làm Hội trưởng Hội Trí Tri Bắc kỳ các năm 1934-1935. Hội Trí Tri, theo tiếng Pháp là La Société d’enseignement Mutuel du Tonkin là một Hiệp hội dân lập với chủ trương quảng bá Tây học đến trí thức Việt Nam, gồm các đề tài khoa học như vệ sinh, phong tục cùng các kiến thức mới lạ khác. Với chức trách là Hội trưởng cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các đồng nghiệp tổ chức những buổi diễn thuyết, trình diễn nhạc, triển lãm tranh ảnh, tổ chức xuất bản…nhằm góp phần nâng cao dân trí và làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử dân tộc. Liên quan đến Hội Trí Tri, hiện nay BTLSQG còn lưu giữ được một con dấu bằng đồng, hình tròn, có đường kính là 3 cm. Ở vành ngoài có dòng chữ Pháp La Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin ở trong mặt dấu có dòng chữ Pháp Comité Central de Hanoi và 5 chữ Hán: Hà Nội Trí Tri Hội xếp dọc theo mặt dấu(1). Đây là một di sản vật thể liên quan đến Hội Trí Tri, liên quan đến những năm tháng hoạt động yêu nước của cụ ứng Hòe Nguyễn văn Tố.
Song Hội Trí Tri vẫn chỉ dừng lại ở tầng lớp trí thức, trong khi đó ở Việt Nam hầu hết người dân vẫn còn mù chữ, chẳng thế mà trong tập Kỷ yếu của Nha Học chính Đông Pháp thời đó đã từng thừa nhận 95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì. Trước tình hình ấy, đầu năm 1938, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Thực hiện chủ trương đó, các đồng chí Trần Huy Liệu, Chủ bút báo Tin Tức, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, giáo sư trường Tư thục Thăng Long đã gặp gỡ một số trí thức tâm huyết với văn hóa nước nhà, thành lập Hội truyền bá học Quốc ngữ và cử Ban Trị sự do cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng và ông Phan Thanh làm Tổng thư ký. Thế là từ đây cuộc đời của cụ Ứng Hòe bước sang một trang mới. Cụ được làm việc trong môi trường của các trí thức Việt Nam yêu nước, công việc ích nước lợi dân, gần gũi và gắn bó với cả các tầng lớp người cần lao. Mặc dù luôn luôn bị Mật thám Pháp theo dõi và bị chính quyền thực dân o ép, gây khó dễ, nhưng với mục đích lấy con đường hoạt động văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí làm sự nghiệp, cụ Nguyễn Văn Tố dốc sức dốc lòng cho các hoạt động của Hội. Sau Bắc Kỳ, vào tháng Giêng năm 1939 ở Trung kỳ và Nam kỳ cũng lần lượt thành lập các Hội truyền bá học Quốc ngữ.
Nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng, cộng với sự khôn khéo, sáng suốt của Hội trưởng Nguyễn văn Tố và các vị trong Ban Trị sự của Hội, với sự tận tụy của các giáo viên (đa phần nghiệp dư) cũng như tinh thần hiếu học của nhân dân ta, phong trào truyền bá học chữ quốc ngữ nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi suốt từ Bắc vào Nam, từ thành phố đến nhiều vùng thôn quê. Mỗi một cuộc mít tinh, hoặc diễn thuyết Hội đã tập hợp được hàng nghìn người tham gia, đúng là một cuộc biểu dương lực lượng quần chúng, một hoạt động gắn kết cộng đồng thức dậy lòng tự hào dân tộc, thức tỉnh tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng trong dân chúng. Đặc biệt qua phong trào truyền bá học Quốc ngữ nhiều trí thức được giác ngộ tinh thần yêu nước, tích cực tham gia các phong trào cách mạng và sau này trở thành các nhân tố quan trọng của chính quyền cách mạng non trẻ.
Sau gần 7 năm hoạt động (1938-1945), khoảng 8 vạn người đã đã được xóa nạn mù chữ biết đọc, biết viết, biết cả những điều thường thức cần thiết. Chỉ tính riêng ở Bắc kỳ, trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1944 đã tổ chức được 820 lớp học, có 2.903 giáo viên và 41.118 học viên theo học, còn ở Hà Nội trong hai năm 1938-1939 có trên 4.000 người theo học các lớp xóa nạn mù chữ(2). Liên quan đến Hội Truyền bá học Quốc ngữ, ngoài một số hình ảnh tư liệu, Bảo tàng LSQG có hai hiện vật gốc, đó là con dấu đồng của Hội và một bức chân dung cụ Nguyễn Văn Tố. Con dấu của Hội bằng đồng, hình tròn, đường kính 3,5 cm vành ngoài khắc dòng chữ in ngay ngắn dễ đọc: Hội truyền bá học quốc ngữ, trên bề mặt của dấu là hình một thầy giáo và một học trò đang dạy nhau học bài được khắc nổi trên nền các chữ cái HTBHQN khắc theo dạng chữ Triện(3). Còn bức chân dung Cụ Nguyễn Văn Tố khắc gỗ in trên giấy nứa; kích thước 16x23,5cm; Phía dưới chân dung cụ Nguyễn Văn Tố với vẻ mặt nghiêm nghị, đôn hậu, áo the, khăn xếp là dòng chữ: Nguyễn Văn Tố Hội trưởng Hội truyền bá học quốc ngữ; Ty BDHV Phú Thọ ấn hành để kỷ niệm Lễ chiến thắng giặc dốt, 21-12-1949 và đóng dấu tròn màu đỏ của Ty Bình dân học vụ tỉnh Phú Thọ.(4) Bức chân dung của vị cố Hội trưởng Hội truyền bá học Quốc ngữ là phần thưởng quí giá cho các cá nhân có thành tích trong phong trào Bình dân học vụ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, việc xóa nạn mù chữ của Hội truyền bá học Quốc ngữ được giao cho Nha Bình dân học vụ. Mến vì đức, trọng vì tài, cụ Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, trọng dụng và mời giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Lâm thời. Sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường trực Quốc hội và đến khi thành lập Chính phủ Liên hiệp Quốc dân tháng 11 năm 1946, cụ là Quốc vụ khanh (Bộ trưởng không Bộ).
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ lên Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những tháng ngày cam go của năm đầu tiên trong cuộc trường chinh đầy nguy nan, ác liệt, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố vẫn hăng hái cùng các thành viên trong Chính phủ gánh vác công việc kháng chiến. Không quản tuổi cao, băng qua rừng núi chập trùng, trèo đèo, lội suối sâu, vượt thác ghềnh, Cụ Nguyễn Văn Tố vẫn thực hiện các chuyến công du để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ, nắm bắt tình hình thực tế của cuộc chiến. Thế rồi, trong một cuộc tấn công của quân đội Pháp lên chiến khu Việt Bắc vào đầu tháng 10 năm 1947, Cụ Nguyễn văn Tố đã sa vào tay giặc. Mặc dù bị tra khảo dã man, nhưng với khí tiết của một nhà Nho chân chính, với lòng quyết tâm giữ bí mật choTổng hành dinh kháng chiến của Chính phủ, cụ không hề bị lung lạc và không khai báo, không tiết lộ nhân thân. Không khai thác được thông tin, quân Pháp đã hèn hạ sát hại Cụ Nguyễn Văn Tố tại Bắc Kạn. Cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho cách mạng Việt Nam.
Liên quan gián tiếp đến sự hy sinh của Cụ Nguyễn Văn Tố, Bảo tàng LSQG đang lưu giữ một hiện vật, đó là Giấy thông hành số 9, ngày 2/11/1947 của Ban ATK (An toàn khu Việt Bắc). Nội dung của Giấy thông hành như sau: Phụ trách Ban ATK trong Văn phòng Chủ tịch Chính phủ trân trọng giới thiệu cùng các Uỷ ban hành chính kháng chiến Định Hóa và Bắc Kạn, các đơn vị bộ đội, công an, các đoàn thể dân quân các địa phương, Ông Ngô Quốc Thập là nhân viên của Ban có công tác đặc biệt đi Bắc Kạn.
Yêu cầu các nhà chức trách hết sức giúp đỡ ông Ngô Quốc Thập về mọi phương diện (nhất là giao thông liên lạc) để cho ông Thập làm tròn công vụ một cách mau chóng và chu đáo(5). Phần cuối của Giấy thông hành có dấu tròn màu đỏ của Ban ATK thuộc Văn phòng Chủ tịch Chính phủ và chữ ký của đồng chí Phụ trách Ban ATK.
Giấy thông hành của Ban ATK cử ông Nguyễn Quốc Thập tìm cách đón cụ Nguyễn Văn Tố về ATK gặp Bác Hồ, ngày 2-11-1947
Theo Hồ sơ gốc hiện lưu tại BTLSQG, thì đây là tấm Giấy thông hành của Ban ATK cử ông Nguyễn Quốc Thập vào sâu trong Thị xã Bắc Kạn để tìm cách đón cụ Nguyễn Văn Tố về ATK gặp Bác Hồ và dự một cuộc họp quan trọng. Nhưng đoàn của ông Ngô Quốc Thập chưa tới nơi thì nhận được thông tin cụ Nguyễn Văn Tố đã bị giặc Pháp sát hại.
Đã 72 năm trôi qua (1947 -2019), kể từ ngày cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh, cây rừng Việt Bắc vẫn đổi thay theo năm tháng, suối ngàn Việt Bắc vẫn chảy ra sông về biển, nhưng công lao của cụ ứng Hòe Nguyễn văn Tố đối với đất nước, cũng như tinh thần xả thân của Cụ vì độc lập tự do của dân tộc vẫn sống mãi trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Những hiện vật gốc hiện đang lưu gữ tại BTLSQG là những di sản văn hóa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng Hội truyền bá học Quốc ngữ, nhà bác học thông kim, bác cổ, nhà sử học anh hùng, vị Bộ trưởng liệt sĩ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam khóa I, một nhân vật kiệt xuất trong dòng chảy của Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam ở thế kỷ XX./.
Phương Ngân
Chú thích:
1.Xem Hồ sơ Hiện vật gốc của BTLSQG, số đăng ký.546/KL.244
2.Xem Tạp chí Xưa & Nay, số 41B tháng 7/1997
3.Xem Hiện vật gốc lưu tại BTLSQG, số đăng ký 545/KL-234
4.Xem Hồ sơ Hiện vật gốc của BTLSQG. Số đăng ký 872/Gy.90
5.Hiện vật gốc của BTLSQG. Số đăng ký: 22393/Gy17441