Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, ký ức hiện về những kỷ niệm xúc động: trong cuộc Hội thảo “Liệt sỹ Trần Thị Bắc với quê hương Sóc Sơn anh hùng” do Huyện ủy tổ chức vào mùa hè năm 2014, chúng tôi đã được gặp những người thân trong gia đình Liệt sĩ Trần Thị Bắc, nguyên mẫu trong bài thơ Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao, càng hiểu sâu sắc hơn câu chuyện tình rất đẹp và sự hy sinh dũng cảm của chị.
Chân dung Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Bắc (1932-1954)
Hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao “Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”, đã đi theo bước chân các chiến sỹ trên đường hành quân ra trận thời chống Mỹ và gieo vào tâm khảm lớp lớp thế hệ hôm qua, hôm nay, niềm xúc động, tự hào về người liệt sỹ anh hùng, chính là một hình ảnh có thực. Những câu chuyện mà tôi được nghe người trong gia đình chị và người xã đội trưởng năm 1954 kể lại, ông Nguyễn Văn Lịch, đẹp hơn, anh hùng hơn, sâu đậm hơn những gì tôi đã mường tượng qua bài thơ của nhà thơ Vũ Cao.
Ông Trần Văn Nhuận, em trai Liệt sĩ Trần Thị Bắc thắp hương tại phần mộ chị tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sóc Sơn
“Xuân Dục, Đoài Đông hai nhánh lúa/ Bữa thì anh tới bữa em sang”. Câu thơ của Vũ Cao đã nói hộ chúng ta về thôn Xuân Dục Đoài, xã Phù Linh, quê hương chị, thuộc xã Lạc Long, huyện Đa Phúc, nay là huyện Sóc Sơn. Chị chào đời năm 1932 và tuổi thơ đã sớm phải chứng kiến cảnh cha bị thực dân Pháp bắt đi tù ở Sơn La, rồi Hỏa Lò. Khi đã là thiếu nữ, chị hiểu con đường cách mạng chông gai khi biết ông Trần Văn Bích là cơ sở của Huyện ủy Đa Phúc năm 1945-1946, chú ruột Trần Văn Nghiêm xung phong đi bộ đội giải phóng quân đã hy sinh. Năm 1949, 17 tuổi, chị tham gia Ban Chấp hành phụ nữ xã Lạc Long; sau đó xung phong vào du kích, như một lẽ tất yếu của lý tưởng cao đẹp, muốn dâng hiến tuổi trẻ cho độc lập tự do của đất nước, quê hương. Lúc đó, Núi Đôi - tên hai trái núi thơ mộng, cũng là cao điểm để quân đội Pháp xây dựng bốt kiên cố và trang bị hỏa lực mạnh. Ông Nguyễn Văn Lịch, nguyên xã đội trưởng kể: “Tháng 7 năm 1949, địch đã xây bốt gạch ở Núi Đôi cùng với hệ thống từ núi Thằn Lằn, Mán Tép, Đạc Tài, Tú Tạo, Phù Lỗ, tạo thành hệ thống phòng thủ, khống chế hoạt động của ta. Từ năm 1950, chúng cho xây hệ thống boong ke từ trung du về đồng bằng, lập vành đai trắng, triệt phá phong trào kháng chiến dữ dội với phương châm “không cho lọt một tấc đất vào tay cộng sản”. Do đó, ở Núi Đôi, ngoài bốt gạch cũ, chúng xây thêm năm bốt mới bằng bê tông cốt thép và tăng cường lực lượng gồm một đại đội Tây trắng, Tây đen, một trung đội lính bảo hoàng, có cả bọn batizăng. Sóc Sơn là cửa ngõ để cán bộ ta từ vùng tự do vào vùng địch hậu, luồn sâu về Hà Nội và ngược lại. Do đó, nhiệm vụ bám dân, giữ đất, liên lạc đưa đón cán bộ là hết sức quan trọng. Du kích xã Lạc Long có khoảng 30 người, chia thành ba tổ: Tổ du kích Thượng Dược theo dõi bốt La-ni-vê; tổ du kích Lương Châu theo dõi bốt Miếu Thờ, tổ du kích Xuân Đoài theo dõi bốt Núi Đôi. Gan dạ, mưu trí, nhanh nhẹn, chị Bắc là tổ trưởng của du kích Xuân Đoài. Năm 1951, chị được giao làm cả ba nhiệm vụ: quân báo, cứu thương, binh vận. Thông minh, đẹp người, đẹp nết, chị làm công tác địch vận rất hiệu quả. Dân trong xã luôn thấy cô gái xinh tươi, tóc dài vấn trong vành khăn mỏ quạ, gánh thúng hàng đi bán ở chợ phiên, không ai biết chị đang làm nhiệm vụ, nắm tin tức. Dân làng còn lưu truyền đến tận bây giờ, câu chuyện tên chỉ huy vào làng càn quét, thấy chị xinh đẹp, muốn lấy chị làm vợ bé. Tận dụng cơ hội thuận lợi đó, chị đã binh vận được cai Năm và cai Đinh, tự động mang súng ra hàng. Ông Tám Hồng, thợ mộc trong bốt Núi Đôi và bà Tuệ là vợ Tây trở thành cơ sở nội ứng, cung cấp tin tức kịp thời cho chị kế hoạch càn quét của địch. Cũng nhờ có nhân mối mà du kích xã đã thâm nhập vào bốt Núi Đôi, lấy được lựu đạn, mìn của địch để đi mai phục chúng. Bọn giặc đánh hơi, biết chị hoạt động du kích, vào làng bắt cha chị tra tấn dã man, nhưng ông kiên gan chịu đòn thù, không nhận con là du kích.
Tình yêu và sự hy sinh anh dũng, đẹp hơn cả trong thơ
“Em sống trung thành chết thủy chung/ Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng thông bờ cỏ con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”. Nhà thơ Vũ Cao nghe câu chuyện dân làng Phù Linh kể về chị, xúc động sáng tác nên bài thơ Núi Đôi nổi tiếng. Tôi cũng như bao người đinh ninh rằng, có một người con gái đã hy sinh giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp. Chỉ đến khi lên Sóc Sơn, gặp bà Trần Thị Thiệp, em gái liệt sỹ, có khuôn mặt hao hao như ảnh chị Bắc, lại được đọc tư liệu của các nhân chứng lịch sử, tôi mới được biết thêm về cuộc đời và mối tình của chị với anh bộ đội Trịnh Khanh thuộc đại đội Trần Quốc Tuấn, trung đoàn 121- đơn vị chủ lực chiến đấu ở vùng đồng bằng- trung du Bắc Bộ.
Chị và anh đã tình cờ gặp nhau ở xã Bắc Sơn khi anh đóng quân tại đây và chị theo học lớp y tá. Họ cùng nhận nhau là đồng hương Phù Linh, bởi anh là người Vệ Linh. Tình yêu chớm nở và đơm hoa trên nẻo đường kháng chiến. Họ hẹn nhau sẽ tổ chức đám cưới sau khi anh đánh thắng giặc ở trận Bắc Hồng (Đông Anh). Thông cảm với hai con, mẹ chị đã gánh bánh kẹo ra vùng tự do Hồng Kỳ cho anh chị làm lễ cưới ngày 9-12-1953. Chiếc giường hạnh phúc thời kháng chiến là ổ rơm thơm dịu ngọt mùi rơm rạ. Hai ngày sau, chị phải tạm biệt anh, trở về quê hương làm nhiệm vụ. Anh không ngờ đó lại là cuộc chia ly vĩnh viễn.
Tọa đàm: “Liệt sĩ Trần Thị Bắc với quê hương Sóc Sơn anh hùng”,
tháng 3-2014
Ngày 16-3-1954, 22 giờ đêm, chị dẫn đường cho đoàn cán bộ từ vùng tự do vào vùng tạm chiếm ở xã Phù Linh để chuẩn bị cho một trận chiến đấu. Vừa đến khu ruộng ở bãi Thái Hòa (nay ở gần trạm máy nước Xuân Đoài), cả đoàn rơi vào ổ phục kích của địch. Chị đã hô to lên cho các đồng chí biết. Giặc điên cuồng xả đạn vào người chị. Ngay trong đêm, xã đội cử bốn du kích là ông Túc, ông Thuộc, ông Hội, ông Viết Thị làm nhiệm vụ lấy xác chị Bắc. Các ông đến được nơi chị ngã xuống thì máu đã chảy loang trên bãi cỏ. Đồng đội gạt nước mắt, cõng chị về chùa Vệ Sơn Đoài (Tân Minh). Lễ mai táng liệt sỹ Trần Thị Bắc ở khu vực Cầu Cốn được tổ chức trang trọng với sự có mặt của các đồng chí huyện ủy Đa Phúc và đồng đội, nhân dân trong xã Lạc Long. Riêng gia đình chị đang ở Lương Sơn cùng bà con trong khu địch dồn dân, không có mặt trong giây phút thương đau ấy. Bà Trần Thị Thiệp, em gái liệt sỹ Trần Thị Bắc kể: Đêm ấy, nghe nó vãi đạn mooc chi ê liên tục từ Núi Đôi, mẹ tôi cũng không ngủ được, luôn cầu trời khấn phật cho chị thoát khỏi nguy hiểm. Sáng sớm hôm sau, chị Hợi tôi ra đồng Sen, thấy chiếc khăn láng đen giống hệt khăn của chị Bắc trên đồng, mang về cho mẹ tôi. Bà cụ khóc, đau cắt ruột mà cũng không ra mộ chị ở Cầu Cốn được. Bọn địch gọi hết dân làng ra bãi Chè thôn Lương Châu để điểm mặt, kiểm thẻ căn cước. Lúc ấy, cha tôi đang đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng không về được. Con gái mất, chồng đi dân công biền biệt không tin tức, mẹ tôi ốm mấy trận, tưởng không qua khỏi. Mãi đến sau hòa bình, mới thấy ông cụ về.
Tôi hỏi bà Thiệp câu chuyện ông Trịnh Khanh, bà kể: Năm 1955, ông về Cầu Cốn tìm mộ vợ rồi chuyển mộ về quê ông ở làng Vệ Linh (sau này, các liệt sĩ của Sóc Sơn được chuyển về xã Tiên Dược, chị Bắc quây quần với đồng đội ở đó).
Các đại biểu tham dự Tọa đàm: “Liệt sĩ Trần Thị Bắc với quê hương Sóc Sơn anh hùng”,
tháng 3-2014
Sau ba năm để tang vợ, chính mẹ chị Bắc cùng mẹ đẻ và mẹ nuôi của ông Khanh đã đi hỏi vợ cho ông. Từ đó đến trước khi ông mất (năm 2013), dù ông sống ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (Đông Anh), gia đình chị Bắc vẫn coi ông Khanh như anh rể lớn trong nhà, tình nghĩa trước sau vẹn tròn trong mỗi dịp lễ tết, hiếu hỉ của gia tộc chị.
Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cho liệt sĩ Trần Thị Bắc, tháng 7-2018
Câu chuyện tình đời kết thúc có hậu, nhân nghĩa, có thủy, có chung. Hình ảnh chị sống trung thành chết thủy chung càng đẹp trong tâm khảm mỗi người hôm nay. Tháng 7-2018, Nhà nước đã vinh danh liệt sĩ Trần Thị Bắc là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Quê hương Sóc Sơn thật tự hào về người nữ Anh hùng đã trở thành biểu tượng cao đẹp cả trong thơ và trong đời cho thế hệ sau noi theo.
Ths. Phạm Kim Thanh