Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/06/2019 09:52 7464
Điểm: 4.18/5 (11 đánh giá)
Tìm hiểu lai lịch hoạt động của Lê Xuân Phương qua sách báo, tài liệu hồi cố thì được biết cụ chuyển về làm công tác lưu trữ ngay từ những ngày đầu tiếp quản Kho Lưu trữ Trung ương, khi Thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội. Với khả năng Hán học và Tây học ở tầm giáo sư, tuy không xuất thân từ nghề nghiệp lưu trữ, cụ vẫn tham gia công tác chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ.Trí thức thời Tây được đào tạo rất kỹ về nghiệp vụ tổ chức văn phòng, bản thân cụ đã từng là giám đốc Trường Quốc học Huế danh giá nên mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn khi tổ chức yêu cầu cụ nhận nhiệm vụ mới. Trước khi về hưu, cụ nguyên là phó giám đốc Kho Lưu trữ Trung ương Hà Nội, cơ quan tiền thân của Trung tâm Lưu Trữ Quốc gia 1 ngày nay.

 

Giáo sư Lê Xuân Phương (1904-1989)

Tôi về cơ quan Lưu trữ năm 1981, khi cụ Phương đã nghỉ hưu được khá lâu rồi (1965). Sức khoẻ cụ lúc này đã suy giảm, cụ đi lại chậm chạp với một cây gậy hỗ trợ cho bước chân đã không còn biết nghe lời nữa. Cụ sống độc thân mặc dù cụ có con cháu ở Hà Nội. Được biết ông con trai trưởng của cụ phải sống ở quê để giữ ngôi nhà thờ họ, nghe nói mãi tận trong Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Ông con thứ là một bác sỹ tim mạch khá nổi tiếng, làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy từ sau ngày Sài Gòn giải phóng, 1975. Cô gái út làm việc cho một tạp chí của Đảng. Về đường con cái vậy là ổn. Cụ bà mất đã lâu nhưng cụ vẫn ở vậy... nên không có cơ sở tối thiểu -một gia đình để cơ quan phân cho cụ chỗ ở riêng. Điều đó cũng không làm cụ bận tâm vì cụ hiểu đất nước còn nghèo. Từ địa vị là hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, cụ đã từ bỏ tất cả để đi theo cách mạng, nay đất nước đã được độc lập, được thống nhất toàn vẹn thì niềm vui có gì so sánh nổi?

Vậy là cho đến cuối đời, cụ vẫn chỉ có chiếc gường một cá nhân, tiêu chuẩn cho cán bộ độc thân và nhất định cụ phải ở cùng anh em độc thân khác trong cơ quan cho đến lúc mất (tháng8-1989).

Căn phòng trước kia là phòng khách của một căn biệt thự Pháp, nay được sử dụng cho 6 người có hoàn cảnh độc thân, chỉ có 4 người thường xuyên có mặt, 2 người chỉ đăng ký hộ khẩu để nhận tem phiếu còn về sống ở ngoại thành cùng gia đình làm nghề nông, không tem phiếu.

Để cho riêng biệt, căn phòng được chia cắt bằng một giá sách gỗ thấp, đứng bên này, nghển cổ sẽ nhìn thấy bên kia. Cụ Phương ở cùng với một đồng chí xuất thân là sỹ quan biên phòng chuyển ngành về làm cán bộ tổ chức. Tuy chênh lệch về trình độ, đẳng cấp và tuổi tác nhưng xem ra cuộc sống chung đụng đó cũng tạm ổn, họ đối xử với nhau một cách ôn hoà, cơm ai người ấy ăn, áo quần ai người ấy mặc, cả năm chẳng có ngày giỗ, ngày tết nào cả.

Phòng vệ sinh của tầng 2 là một khu vực tách rời với phòng khách, từ lâu nay đã phân cho gia đình một nhân viên đội bảo vệ canh gác Cổng Đỏ (cổng ra vào Phủ Thủ tướng và Nhà sàn Bác Hồ) khi anh này cưới vợ, sinh con. Như vậy là, để giải quyết các nhu cầu cá nhân như tắm rửa, vệ sinh... cho hơn chục con người của tầng 2, không còn cách nào, tất cả mọi người đều phải xuống tầng một (trong Nam gọi là tầng trệt). Đó là một khu vệ sinh tăm tối, nhớp nháp và bẩn thỉu màđám thanh niên như chúng tôi còn muốn ngất nữa là với một cụ già ngoài 80 tuổi chân chậm, mắt mờ như Giáo sư Lê Xuân Phương thì hẳn là một cực hình không hơn không kém.Khổ hạnh là vậy mà, gần chục năm sống bên cạnh cụ, tôi chưa từng nghe một lời than thở nào nơi cụ cả. Cụ sống như một ông tiên giữa cõi trần cực khổ này. Một mình cụ lọ mọ chợ búa, cơm nước. Sau này mới  có cô cháu gái từ quê ra học đại học ở cùng để giúp cụ.

 

Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng,sau này là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
(31 Tràng Thi, Hà Nội)

Cụ kể cho tôi nghe câu chuyện hài hước có thật nhưng với một thái độ không buồn. Năm 1975, Quốc trưởng Cămpuchia khi đó là ông Nôrodom Sihanuc có chuyến thăm Hà Nội. Ngài đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng bố trí cho Ngài được tới thăm Thầy cũ Lê Xuân Phương tại nhà riêng. Đây là cả một vấn đề ngoại giao tế nhị vì từ ngày đi theo cách mạng, Lê Xuân Phương đã thực sự là một người vô sản rồi. Ông không có bất cứ thứ tài sản gì có giá trị ngoài chiếc gường và cái bàn do cơ quan cấp. Lệnh trên truyền xuống, tất cả các bộ phận bên Ngoại giao đoàn phải lo sao cho Giáo sư Lê Xuân Phương được tiếp khách quý tại "chính căn biệt thự sang trọng của mình" ở Hà Nội, ngay giữa lòng Thủ đô nước Việt Nam DCCH. Cụ nói, tôi nhớ mang máng đó là căn biệt thự Tây trên đường Phan Chu Trinh thì phải. Họ đưa ô tô đến rước tôi trước vài tiếng. Tất cả đã được bài trí rất sang trọng. Có hoa tươi, rượu Tây, trái cây và bánh ngọt. Thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi, chuyện trò thăm hỏi xã giao chừng một giờ đồng hồ thì kết thúc. Sau đó xe ô tô lại đưa Giáo sư Lê Xuân Phương trở về lại căn hộ tập thể của mình trên đường Quán Thánh.
Khu tập thể của cán bộ Phủ Thủ tướng ở Quán Thánh giữa những năm 80 thế kỷ trước rất nghèo. Cán bộ ở đây chủ yếu là cấp Vụ hoặc tương đương nhưng tài sản được cho là giá trị nhất chỉ có chiếc xe đạp, vậy mà nhiều người còn không có nổi. Cả khu nhà 3 tầng chỉ có 2 chiếc máy truyền hình. Một cái tivi mầu Neptuyn 21 in của Ba Lan ở tầng trệt. Và một cái tivi đen trắng Sony 14 in của cụ Phương do con trai, ông bác sỹ tim mạch mang về tặng bố sau chuyến công tác sang Nhật Bản. Chiếc tivi của cụ Phương hầu như được mở liên tục cho có tiếng người. Những chương trình truyền hình trực tiếp hoặc thi đấu thể thao, nhất là bóng đá thì cửa phòng cụ luôn rộng mở để đón khách, khuya mấy cụ cũng vui vẻ tiếp, không tỏ ra khó chịu vì sự bất tiện chút nào. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cụ ngồi bên cạnh màn hình tivi, vừa xem, vừa ăn, vừa ngủ gật... nhìn rất tội và cũng rất đáng trân trọng.
Một hôm vừa đi làm về, gặp cụ ở cửa, cụ vui vẻ gọi tôi vào, chỉ cho xem bức tranh cụ vừa vẽ treo trên tường ở giường ngủ. Đó là bức vẽ "Thiếu nữ ngủ ngày" mô phỏng theo bài thơ của nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương. Một thiếu nữ xiêm áo xộc xệch nằm ngủ trưa trên chiếc chõng kê dưới gốc tre ngà. Đôi đào bồng nửa kín nửa hở hút hồn cánh mày râu... Cụ kể rằng để vẽ được bụi tre ngà với cành lá xum xuê đó, cụ phải mang giá vẽ ra tận Lăng Bác để vẽ thực địa đấy, thực là kỳ công.

Năm 1987, tôi sang chào cụ đi du học. Cuối năm 1989, từ Sofia tôi về nghỉ phép thì cụ đã mất được vài tháng rồi. Tôi sang thắp nén hương cho cụ, bức tranh thiếu nữ ngủ ngày vẫn treo ở vị trí cũ, bàn thờ cụ vẫn ngày ngày nghi ngút khói hương...

Tiếc thương cụ vô cùng, một mẫu trí thức đáng ngàn lần trân trọng- Giáo sư Lê Xuân Phương!

Giáo sư Lê Xuân Phương sinh năm 1904, tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Ông đã từng làm giám đốc Trường Quốc học Huế (thời gian ông Phạm Đình Ái làm hiệu trưởng). Thời gian này ông có quan hệ thân thiết với các ông Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và cùng chung tư tưởng kháng Pháp, giành độc lập dân tộc. Ông đã có lần giúp giấu ông Tố Hữu khi bị mật thám Pháp truy đuổi ngay trong ngôi nhà của mình.Đây là câu chuyện do GS.TS ngôn ngữ Nguyễn Tài Cẩn kể.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông từ giã Trường Quốc học Huế để tham gia cách mạng, là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Giáo sưLê Xuân Phương làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 1-1955, ông được điều chuyển về phụ trách tổ địa lý, Ban Văn Sử Địa Trung ương. Năm 1959, ông lại được điều chuyển về công tác tại Cục Lưu trữ Trung ương thuộc Phủ Thủ tướng với chức vụ Phó trưởng Kho Lưu trữ Trung ương tại 31 phố Tràng Thi Hà Nội. Khi nghỉ hưu ông được hưởng lương cấp chuyên viên 3.Ngày15-8-1989, ông qua đời.

Ngày 23-5-2008, nhà địa lý học Lê Xuân Phương đã được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, với danh nghĩa một lão thành cách mạng.

Cuốn Sơ thảo địa lý Việt Nam do ông làm chủ biên và Ban Văn Sử Địa Việt Nam cho xuất bản tháng 6-1957 (*)đã từng gợi ra những ước mơ: “Nước ta có nhiều núi và nhiều mưa. Lưu lượng các sông mạnh… Có nhiều thác lớn có thể sử dụng vào việc sản xuất điện lực.. Điện lực mà một nhà thủy điện xây trên sông Đà vào khoảng chợ Bờ sản xuất ra có thể bằng gấp đôi điện lực của tất cả bao nhiêu nhà máy điện thực dân ở Bắc bộ trước kia cộng lại. Nếu ta đào một cái kênh độ 20 km nối sông Đa Nhim và sông Cơ-rông-pha ở Lang-bi-ang lại với nhau, ta sẽ tạo ra một cái thác cao 300m có thể sản xuất một điện lực để cung cấp cho Liên khu 5, Tây Nguyên và một phần Nam bộ.

Những công trình nghiên cứu của ông đã được công bố như: Đối tượng của địa lý kinh tế (tập san Văn Sử Địa, số 2-1958); Vấn đề địa đồ phiên âm địa danh (tập san Văn Sử Địa, số 1-1957); Ảnh hưởng giữa thiên nhiên và sinh hoạt xã hội (tập san Văn Sử Địa, số 1-1955)… Tất cả đều đã tiếp cận được những vấn đề cơ bản của khoa học địa lý. Đồng thời, ông cũng không quên ứng dụng những thành tựu ban đầu vào phục vụ trực tiếp cho sản xuất và xây dựng đất nước, với các công trình: Vấn đề phân chia khu vực địa lý của nước ta (tập san Văn Sử Địa tháng 2-1957); Mưa ở nước ta ảnh hưởng đến việc trồng trọt như thế nào? (tập san Văn Sử Địa tháng 7-1957)…

Hãy xem ý kiến của Nhà Sử học Văn Tạo viết về Lê Xuân Phương như sau:

"Điều đáng ghi nhớ ở ông là lòng nhiệt thành, muốn đem những tri thức tích luỹ được ra để cống hiến cho dân tộc, cho khoa học, chứ đâu có cầu danh, cầu lợi! Bởi vì, nhưng chúng ta đã biết Lê Xuân Phương của chúng ta, một người thuộc lớp trí thức được đào tạo dưới chế độ thực dân, nếu muốn được sung sướng thì đã có thể sống trong nhung lụa mà đế quốc phong kiến sẵn sàng dành cho. Nhưng nhà giáo ấy đã giữ gìn được phẩm chất yêu nước trong sáng của mình. Ông đã từng dạy dỗ được những học trò mà sau này trở thành những nhà cách mạng có tên tuổi. Đặc biệt là có học trò đi làm cách mạng, khi vượt ngục tù đế quốc và gặp phải nguy nan đã tìm đến nương tựa ở nhà thầy được thầy hết lòng bảo vệ, giúp đỡ để có điều kiện tiếp tục hoạt động.

Rồi khi đất nước giành được độc lập lại bị đế quốc xâm lăng, kháng chiến chống Pháp bắt đầu, nhà sư phạm yêu nước Lê Xuân Phương đã quyết tâm từ bỏ biệt thự xinh đẹp của mình ở Huế, tạm biệt một bộ phận nhỏ của gia đình vì điều kiện không đi kháng chiến được, đã lưu lại ở trong thành - dứt bỏ sang giàu mà đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn. Ông đi vào kháng chiến trong hàng ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính với tinh thần, động cơ đó mà nhà sư phạm Lê Xuân Phương đã trở thành nhà địa lý cách mạng - một trong những cán bộ chủ chốt của Ban Văn Sử Địa Việt Nam, thành lập từ tháng 12-1953.

Ông cũng như nhà thư tịch học Trần Văn Giàu có hoàn cảnh tương tự, đã từng tâm sự với tôi “muốn được cái lớn là độc lập, tự do của dân tộc thì phải hy sinh cái nhỏ là giàu sang, phú quý, hạnh phúc riêng tư”. Sự dấn thân của các trí thức lão thành là như thế..."

Thiết nghĩ, với những đống góp thiết thực của cá nhân Giáo sư Lê Xuân Phương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước cũng như trong công tác bảo tồn, lưu trữ văn hoá dân tộc... chúng tôi hy vọng tên ông sẽ lưu lại trên một đường phố mới ở Thủ đô Hà Nội, ở thành phố Huế và ở chính quê hương ông- Thanh Hoá để các thế hệ mai sau noi theo.

NXV, 6-2019

Chú thích:

(*) Sơ thảo địa lý Việt Nam, NXB.Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.Lê Xuân Phương (chủ biên), Nguyễn Việt, Hướng Tân (cộng tác viên), tr 148.

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4658

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 - 5/6/2019):Cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” ở Việt Nam

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 - 5/6/2019):Cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” ở Việt Nam

  • 31/05/2019 08:38
  • 2498

Cụ Nguyễn Văn Tố là nhà trí thức Nho học và Tây học danh tiếng; được xếp trong nhóm tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn) ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Những đóng góp nổi bật trong Hội Trí Tri và Hội Truyền bá chữ quốc ngữ cùng các hoạt động báo chí, nghiên cứu của cụ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” của nước nhà.