Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/04/2019 15:05 3932
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Mặc dù là con gái của Vua Minh Mạng nhưng Công chúa An Thường lại nổi tiếng là một người bình dị, khiêm nhường và hiếu thảo. Đặc biệt, phẩm hạnh của của công chúa không chỉ được ghi chép lại trong quốc sử mà còn thể hiện rõ qua Châu bản triều Nguyễn.

07.3.2019_001

Bình dị nơi ở của An Thường Công chúa, nguồn: sưu tầm

Công chúa tên thật là Nguyễn Phước Lương Đức, sinh năm Gia Long thứ 16 (1817), con gái thứ 4 của vua Minh Mạng và mẹ là mỹ nhân họ Nguyễn, là chị cùng mẹ với hoàng tử thứ 9 Hàm Thuận Công Miên Thủ. Lúc đầu, công chúa tên Tam Xuân, sau đổi thành Lương Đức.

Sách Đại Nam liệt truyện có ghi lại câu chuyện xúc động khi công chúa lên 9 tuổi: mẹ đẻ bị ốm, gặp tiết Vạn thọ, các hoàng nữ vào hầu cơm. Gặp đại quan tiến món đuôi dê và nầm dê, vua chia ban cho các hoàng nữ ăn. Đến lượt công chúa, chỉ ngậm mà không nuốt. Vua lấy làm lạ mới hỏi tại sao, công chúa đứng dậy ra khỏi tiệc tâu rằng: mẹ thần có bệnh, không được thấm ơn; thần nghe nói món này rất bổ, nên để lại (cho mẹ). Vua rất khen, cho riêng một đĩa khác sai mang về cho mẹ. Tả hữu đều cảm động khen ngợi. Cũng theo Đại Nam liệt truyện, năm Minh Mạng thứ 18, mùa đông, gặp tang mẹ đẻ, công chúa thương xót để cho thân thể gầy còm.[1]

Bản Tấu của Phủ Tôn nhân vào năm Tự Đức thứ 31 có nội dung đề cập việc công chúa xin tu sửa nhà thờ mẹ đã lâu ngày cũ nát: Phủ Tôn nhân tâu: … căn cứ bẩm trình của An Thường Công chúa Lương Đức, mẹ của bà là mỹ nhân họ Nguyễn vào những năm Minh Mạng được hợp thờ ở đền Ý Thục, đến năm Tự Đức thứ 22 lại được giao cho em ruột bà thờ tự nhưng nghĩ nhà thờ xây dựng lâu ngày đã cũ nát, gia cảnh nghèo túng, không biêt lấy gì tu sửa mà bà mỗi năm tuổi lại già, không nỡ ngồi nhìn. Cảnh thê lương nói ra thì đau lòng, sức khó có thể tự làm, bẩm xin đem sự việc đề đạt, mong được ban ơn phê chuẩn cho An Thường Công chúa lĩnh trước ba năm, mỗi năm nửa phần lương gạo, còn nửa phần lương gạo và tiền lương chiếu theo lệ chi lĩnh cho được tiện đem về tu bổ nhà thờ để tỏ đạo hiếu. Phủ thần đã xét lời lẽ bẩm trình của công chúa đó, về tình cũng nên lượng, có nên chuẩn y cho lĩnh trước là do ban ân đặc cách…[2]

07.3.2019_002

Châu bản triều Nguyễn đề cập nội dung An Thường Công chúa xin tu bổ nhà thờ mẹ của bà là mỹ nhân họ Nguyễn để tỏ đạo hiếu, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Năm Thiệu Trị thứ nhất, công chúa kết hôn với Phấn dũng tướng quân Đô úy Phan Văn Oánh, con của Đô thống phủ Chưởng phủ sự Chương Nghĩa hầu Phan Văn Thúy, người ở Thuận Xương, Quảng Trị. Sau khi vu quy, bà thờ mẹ chồng, dạy con, giữ đức khuê môn, không cậy mình là con vua. Năm Tự Đức thứ nhất, bà được tấn phong làm An Thường Công chúa.

Năm Tự Đức thứ 15, phò mã qua đời, công chúa dâng sớ xin đắp sinh phần và mộ của phò mã. Sự việc này được đề cập lại trong bản Tấu của Phủ Tôn nhân năm Tự Đức thứ 32: Phủ Tôn Nhân tâu: … An Thường Công chúa Lương Đức bẩm rằng năm Tự Đức 15, vâng được chuẩn cho ban cấp tiền gạo, nhân công vật liệu để xây dựng sinh phần và mộ của phò mã hợp thành một nơi. Đã qua 18 năm liên tiếp bị mưa gió làm cho tường gạch nghiêng đổ, thật là đau lòng. Lại nhà cửa của công chúa thì kèo cột phần nhiều bị hư hỏng mục dột nát, nay muốn cải tạo tu bổ luôn một thể. Có điều gia cảnh nghèo túng, chẳng biết vay mượn nơi đâu, thật khó mà tu sửa, tình hình đều rất khổ cực. Vậy cầu xin đề đạt, ơn được chuẩn cho lãnh trước lương bổng… để đem về mua sắm gỗ lạt vật liệu tu bổ, xây dựng. Phủ thần đã phái người đến xem xét, tình cảnh đúng sự thực. Vì vậy có nên chuẩn y cho lời xin của các người đó hay không là xuất phát từ ân đức của Hoàng thượng. Xin trình bày đợi chỉ thực hiện. Châu điểm.[3]

Ngoài những văn bản trên, Châu bản triều Nguyễn còn lưu một số văn bản về việc Công chúa Lương Đức dâng sớ xin cho Thí sai chánh đội trưởng Suất đội Hồ Phi Nhâm tuổi già sức yếu,  được giữ nguyên hàm về quê nghỉ hưu[4] và Chánh đội trưởng Suất đội Trần Ngọc Sự từ khi được xét bổ vào phủ gặp việc sai phái đều luôn được xong xuôi tốt đẹp, xin cho viên đó được thăng thụ Chánh đội ở đội thuộc binh của phủ để tránh bỏ mất một người tốt…[5]

Tuy xuất thân quyền quý, cao sang nhưng Công chúa An Thường luôn giữ lối sống bình dị và tấm lòng hiếu thảo, nhân hậu. Đến tuổi già, bà quy y cửa Phật với pháp danh Thanh Từ. Mùa hạ tháng tư, năm Tân Mão, bà qua đời, hưởng thọ 75 tuổi, thụy là Mỹ Thục.

HỒNG NHUNG

http://luutruquocgia1.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4646

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Vua Thành Thái và những uẩn ức của một ông vua yêu nước

Vua Thành Thái và những uẩn ức của một ông vua yêu nước

  • 28/03/2019 14:37
  • 18461

Những ngày tháng 3 này là dịp kỷ niệm 140 năm ngày sinh của vua Thành Thái (14/3/1879) và 65 năm ngày mất của ngài (20/3/1954). Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xin trân trọng giới thiệu một số tư liệu quý trong Châu bản triều Nguyễn về vua Thành Thái, vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, một người yêu nước thương dân, có tư tưởng canh tân nhưng cuộc đời gặp nhiều uẩn ức.