Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/08/2018 08:30 5358
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Trần Văn Đạt quê gốc ở xã Thụy Ứng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội). Ông từng làm chức quan quản lĩnh tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Trần Văn Đạt quê gốc ở xã Thụy Ứng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội). Ông từng làm chức quan quản lĩnh tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Năm 1471, ông cùng một người cùng quê Thượng Phúc là Huỳnh Công Chế theo vua Lê Thánh Tông tham gia cuộc Nam chinh, lập được nhiều công trạng trong cuộc tiến binh thu phục Chiêm Động, Cổ Lũy Động (nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng). Sau đó, theo lệnh nhà vua, ông ở lại vùng đất mới để kinh dinh. Lúc bấy giờ, vùng Cổ Lũy Động (Quảng Ngãi) nói chung, phần đất phía Nam (nay là các huyện Mộ Đức, Đức Phổ) nói riêng, dân cư thưa thớt, chằng chịt ao đầm. Do vậy vua Lê Thánh Tông giao cho các tướng lĩnh trực tiếp mộ dân và đưa con cháu từ phía Bắc vào tổ chức khai phá, lập làng. Nhà vua phong cho Lê Ỷ Đà, người Châu Hoan, tỉnh Nghệ An làm Tri Châu Cổ Lũy (sau là phủ Tư Nghĩa), còn Trần Văn Đạt được giao trông coi việc khẩn hoang, lập trại ở vùng đất nay thuộc huyện Mộ Đức.

Nhận chỉ dụ của triều đình, ngoài số quân sĩ được lưu lại, Trần Văn Đạt mộ thêm người dân và con cháu từ quê nhà vào Nam để ra công khai phá, biến miền đất vốn hoang hóa trở nên thuần thục, dân cư tụ tập thành làng xóm. Ông cho lập trại, đặt tên là Vạn Phước (lấy từ tên Vạn Phúc quê ông trên đất Bắc) để mọi người tưởng nhớ về nơi chốn quê xưa. Đến năm Quang Hưng thứ 25 (1598), đời vua Lê Thế Tông, trại Vạn Phước trở thành xã Vạn Phước. Con cháu họ Trần từ phương Bắc di cư vào đây ngày càng đông đúc, đời sống ổn định trên quê hương mới.

Kể từ thời cắm đất, mở làng Vạn Phước (cuối thế kỷ XV) đến đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), Trần Văn Đạt, Huỳnh Công Chế cùng các bậc tiền nhân nhiều đời đã ra công kiến lập 6 xã có tên chung là Vạn Phước, đó là: Vạn Phước, Vạn Phước Đông, Vạn Phước Tây, Vạn Phước Trung, Vạn Phước Hưng và Vạn Phước Chánh. Đến nay, người dân trong vùng vẫn tôn xưng 4 dòng họ đầu tiên đến lập làng, mở đất là “Trần, Huỳnh, Hồ, Phạm”.

Căn cứ vào địa bạ tỉnh Quảng Ngãi, đến đời Minh Mệnh (1820 – 1840), 6 xã Vạn Phước thuộc tổng Quy Đức, huyện Mộ Hoa, tương ứng với địa phận 2 xã Đức Hòa, Đức Phú (huyện Mộ Đức) và một phần hữu ngạn sông Vệ, từ Hành Thịnh đến Hành Thiện, Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) ngày nay.

Ngoài ra, trong quá tình khai hoang lập ấp, Trần Văn Đạt và các bậc tiền nhân còn đề ra nhiều kế sách phù hợp với nguyện vọng của người dân, khuyến khích sự tương trợ lẫn nhau, trung hòa lợi lạc, như sử dụng một phần ruộng đất đã thuần thục chia cho người nghèo mới di cư đến để họ có cơ sở ban đầu làm ăn, giúp đỡ những gia đình gặp hoạn nạn, ốm đau …v..v.

Đức độ và công lao của Tiền hiền Trần Văn Đạt được các triều đại phong kiến Lê, Nguyễn ghi nhận trong các đạo sắc phong. Rất tiếc, vì sự tàn phá của thời gian cùng bao phen binh hỏa, phần lớn các sắc phong đã bị hư hao, thất tán. Hiện nay, gia tộc còn chỉ giữ được một đạo sắc phong đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), gia phong cho Trần Văn Đạt là “Dực Bảo Trung hưng linh phò tôn thần” đồng thời chuẩn cho các quan sở tại thờ phụng Tiền hiền theo định kỳ hằng năm.

Đạo sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924), gia phong Trần Văn Đạt là “Dực Bảo Trung hưng linh phò tôn thần”

Nhà thờ Tiền hiền Trần Văn Đạt còn gọi là nhà thờ Thủy tổ do con cháu ông xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI để tưởng nhớ vị tổ di dân lập nghiệp của dòng họ - người có công mở đất lập làng Vạn Phước Xã xưa kia. Nhà thờ  đã được tu sửa nhiều lần, song vẫn nằm trong khuôn viên vườn cũ, có tổng diện tích 3572,0m2 ở thôn Vạn Phước, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức.

Năm 1978, nhà thờ được trùng tu, song vẫn giữ nguyên bộ khung 4 cột gỗ mít với bộ vì kèo vỏ cua chạm trổ sắc sảo. Tuy có qui mô nhỏ, nhưng kiến trúc nhà thờ thể hiện rõ nét phong cách kiến trúc truyền thống miền Trung. Nhà thờ thờ xây bằng vôi vữa, quay mặt về hướng Bắc. Phần chánh điện chia làm 3 gian: Gian chính giữa thờ Tiền hiền Trần Văn Đạt, gian bên phải và bên trái thờ các vị tiền hiền của chi phái cùng trưởng phái chi nhánh của các thế hệ nối tiếp.

Năm 2007, con cháu trong họ tộc đã tập trung tài lực xây dựng một kiến trúc mới phía trước nhà thờ cũ và có quy mô lớn hơn hẳn. Xung quanh nhà thờ được xây tường bao bằng gạch. Cổng tam quan cao ráo trang trí rồng nổi có gắn bảng chương ghi dòng chữ quốc ngữ: “Nhà thờ Tiền hiền sáu xã Vạn Phước”. Hai bên cổng có đôi câu đối chữ Hán:

“墾土民創開六社

平占地功德千秋”.

Phiên âm:

Khẩn thổ dân sáng khai lục xã

Bình Chiêm địa công đức thiên thu

Dịch nghĩa:

Mở đất an cư khai sáng vùng sáu xã

Bình định đất Chiêm, công đức tỏ rõ thiên thu

 Cổng tam quan nhà thờ Tiền hiền Trần Văn Đạt (xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi)

Nội thất tiền đường bài trí sơ đồ gia phả dòng họ Trần, các pano hình ảnh ghi lại hoạt động tế lễ của dòng tộc. Các gian thờ bên trong nhà thờ được bố trí và sắp xếp theo thứ tự như nhà thờ cũ. Gian chánh điện chia làm 3 gian: gian chính giữa thờ Tiền hiền Trần Văn Đạt, phía trên cửa võng bằng gỗ chạm kiểu rồng lá. Tại đây bày một hương án gỗ, xung quanh chạm trổ trong các ô, hộc đề tài rồng mây theo lối chạm nổi, kích thước cao 1,4m x 1,2m. Trên hương án bày biện các đồ thờ tự như đầu đao chạm rồng, cán võng chạm rồng lá dài 3,6m.

Gian bên phải và bên trái thờ các vị tiền hiền của chi phái cùng trưởng phái chi nhánh của các thế hệ nối tiếp. Ngoài ra trong nhà thờ còn có hoành phi, liễn đối bằng chữ Hán thể hiện sự tôn thờ của nhân dân địa phương và con cháu các đời với bậc tiền hiền:  

Đặc biệt trong nhà thờ còn lưu giữ được một số hiện vật như:

Một đạo sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924).

Một bộ gia phả của dòng họ Trần Vạn Phước.

Các đồ tế khí: Chiêng đồng, trống da, lư hương, chân đèn.

Ngày 16 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Tiền hiền Trần Văn Đạt, được tổ chức tôn nghiêm, thành kính và long trọng để nhắc nhở cháu con về ý thức cội nguồn tổ tiên, uống nước nhớ nguồn. Đồng thời, đối với nhân dân địa phương cũng là dịp tri ân bậc tiền hiền đã có công khai khẩn lập làng.

Phần mộ Tiền hiền Trần Văn Đạt nằm cách nhà thờ khoảng 6km về hướng Tây Nam tại gò Cây Sanh, thôn Phước Hòa, xã Đức Phú, huyện Mộ Đức. Theo tộc họ Trần, khu mộ này từ ngày xây dựng đến nay trải qua nhiều lần trùng tu. Lần gần đây nhất là năm 1992.

Bình diện ngôi mộ hình chữ nhật, có diện tích 192m2. Lối cổng vào có gắn biển chương bằng chữ quốc ngữ: “Trần Tiền hiền, sáu xã Vạn Phước”. Hai bên lối vào là hai trụ biểu xây hình lăng trụ có đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ nhằm nhắc nhở con cháu ghi nhớ công lao, đức độ của ông:

Ông bà xưa dày công khai sáng,

Con cháu nay dựng mộ nhớ ơn

Bao quanh mộ là bức tường cao 1,2m. Bên trong tường mộ là mộ ông và mộ bà nằm song song, đầu quay hướng Bắc, chân đạp hướng Nam. Mỗi ngôi mộ có kích thước 3m x 2m x 1m. Khoảng trước cách chân mộ 3m dựng một nhà bia có mái che 2 tầng, mái ngói âm dương tạo bằng xi măng, góc mái cong, xung quanh có trang trí hình hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Bên trong nhà bia dựng một tấm bia bằng đá xanh, trán bia hình khánh, thân hình chữ nhật đứng. Trên trán bia chạm “lưỡng long chầu nhật”, kiểu rồng lá. Diềm xung quanh bia chạm nổi đề tài bát bảo Nho giáo và chữ Vạn (卍). Vòng trong có đường gờ nổi. Mặt trước bia khắc 4 dòng chữ Hán, kiểu chữ chân, nét khắc khá đều đặn.Bia lập vào mùa xuân năm Qúy Mùi (1943).

Trần Văn Đạt vừa là Thủy tổ của họ Trần vừa là bậc Tiền hiền của 2 xã Đức Hòa và Đức Phú. Sự nghiệp khẩn hoang của ông đã được ghi rõ trong văn bia và gia phả họ Trần Vạn Phước. Hậu thế cũng ghi nhớ Trần Văn Đạt là người góp công lớn đắp đập, khai kênh, xây dựng hệ thống dẫn nước tưới tiêu trong vùng như đào sông Thoa, kênh Đồng Kén, kênh Mương Chợ, kênh Bàu Đế - Phước Sơn; khai mương Bà Hệ; đắp các đập Phước Khánh, Bàu Tuần, Cây Ké, Bà Hùng…

Di tích Mộ và nhà thờ Tiền hiền Trần Văn Đạt đang được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cho đến ngày nay, người Mộ Đức nói chung, người dân 2 xã Đức Hòa, Đức Phú nói riêng thường nhắc đến Trần Văn Đạt với tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính bậc tiền nhân đã dày công khai phá một vùng đất hoang vu, bùn lầy nước đọng thành miền quê trù phú, tạo dựng sinh cơ cho đời sau.Ông là một trong số những người con xứ Bắc có công khai hoang mở đất góp phần dựng lên dải đất hình chữ S Việt Nam hôm nay.

Nguyễn Ái Dung

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Đào Duy Anh, Phạm Trọng Điềm (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Quyển VIII. Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.

2.Hồi ký ông Trần Quang Trị (Trưởng tộc Trần) xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

3.Tổng phổ dòng họ Trần sáu xã Vạn Phước, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4330

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Trần Văn Đạt – Tiền hiền sáu Xã Vạn Phước Huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi)

Trần Văn Đạt – Tiền hiền sáu Xã Vạn Phước Huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi)

  • 27/08/2018 08:30
  • 4773

Trần Văn Đạt quê gốc ở xã Thụy Ứng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội). Ông từng làm chức quan quản lĩnh tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.