Trong lĩnh vực văn hóa được các vua triều Nguyễn chú trọng, sử học là vấn đề quan tâm trước tiên. Sở dĩ như vậy, vì thông qua sử học có thể ổn định xã hội, cố kết nhân tâm, từ đó có thể nâng cao vai trò của dòng họ cũng như của vương triều: “Triều Nguyễn ngay từ khi lên cầm quyền (1802) đã chú trọng tới công việc viết sử, xem sử học là vũ khí văn hóa quan trọng góp phần ổn định và củng cố lòng người sau một thời kỳ nội chiến kéo dài, để trên cơ sở đó củng cố vai trò và uy thế của dòng họ”(1)
Trong lĩnh vực văn hóa được các vua triều Nguyễn chú trọng, sử học là vấn đề quan tâm trước tiên. Sở dĩ như vậy, vì thông qua sử học có thể ổn định xã hội, cố kết nhân tâm, từ đó có thể nâng cao vai trò của dòng họ cũng như của vương triều: “Triều Nguyễn ngay từ khi lên cầm quyền (1802) đã chú trọng tới công việc viết sử, xem sử học là vũ khí văn hóa quan trọng góp phần ổn định và củng cố lòng người sau một thời kỳ nội chiến kéo dài, để trên cơ sở đó củng cố vai trò và uy thế của dòng họ”(1)
Chân dung vua Tự Đức (1847-1883) (nguồn: Internet)
Trong các vị vua nhà Nguyễn, vua Tự Đức là người nổi bật hơn ở lĩnh vực sử học. Dưới thời ông trì vì, hoạt động in ấn biên soạn diễn ra rầm rộ, nhiều bộ quốc sử lớn đã được biên soạn như: Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Đại Nam Nhất thống chí... Cũng giống như các vị vua trước, vua Tự Đức thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu và biên soạn lịch sử: “Sinh ra ở trăm nghìn năm sau mà biết được trăm nghìn năm trước không nhờ ở sử thì căn cứ vào đâu? Thế cho nên, từ trước đến nay, trên từ vua quan, dưới đến sĩ nữ không ai là không học sử”(2) hay “Nước Việt ta vốn xưng là nền văn hiến từ lâu. Nếu biết để ý sưu tầm biên chép, trước sau nối tiếp với nhau, mỗi đời lại có pho sử một đời, khiến sử dở, hay có đủ bằng chứng, thì cứ gì một sử Trung Hoa mới là rộng lớn”(3). Trong chỉ dụ nói về việc biên soạn cuốn Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, ban ngày 22/1/1856 ông cho rằng: “Đời nào khởi nghiệp tất phải có sử đời ấy. Nước Việt ta từ thời Hồng Bàng trở về sau, đời Trần, đời Lê trở về trước, trong khoảng hơn mấy ngàn năm, chính trị hay dở, nhân vật giỏi hay không giỏi, bờ cõi trong nước vẫn nguyên như cũ hay đổi khác, chế độ chấn chỉnh hay đổ nát sử cũ chép lại vẫn còn nhiều thiếu sót”(4). “Gần đây, việc học quốc sử chưa ra mệnh lệnh bắt phải gia công, cho nên học trò đọc sách hoặc làm văn chỉ biết có sử Trung Quốc, ít người đoái hoài đến sử nước nhà!... Đạo học sở dĩ chưa được sáng tỏ, nguyên nhân chẳng phải vì sử cũ chưa được đầy đủ đó sao?”(5).
Bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”của Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện sử học xuất bản (nguồn: Internet)
Quốc Sử quán – cơ quan biên soạn lịch sử của triều Nguyễn, dưới thời vua Tự Đức đã được giao một nhiệm vụ quan trọng hơn. Cụ thể, trong khi đang tiếp tục biên soạn các bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Minh Mệnh chính yếu, Đại nam Nhất thống chí ..v.v... nhà vua đã hạ quyết tâm phải thực hiện cho bằng được bộ sử viết đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển trong mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc. Vua cho rằng nếu bộ sử này không xong thì đây là một khuyết điểm của triều Nguyễn.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM) hay còn gọi là Cương mục (gồm 53 quyển, dài khảng 4.200 trang) bắt đầu biên soạn năm 1856 và hoàn thành năm 1884. Khi hạ lệnh biên soạn bộ Cương mục, vua Tự Đức đã nhắc nhở các vị quan chép sử phải thận trọng và chính xác, yêu cầu sưu tầm đầy đủ các bộ sử cũ, truyện ký, dã sử, xem trong sử cũ có điều gì thiếu sót thì bổ sung vào, việc nào sai lầm thì đính chính lại, việc nào nên khen, việc nào nên chê... Hơn 30 người (không kể 12 người chuyên làm nhiệm vụ chép lại) đã tham gia biên soạn bộ sử này. Cương mục là bộ quốc sử cuối cùng được biên soạn dưới thời phong kiến, ghi chép lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương đến triều Lê Mẫn Đế (1787-1789). Nếu bộ Đại Việt sử ký toàn thư in cuối thế kỷ XVII, chép lịch sử dân tộc ta đến đời Lê Gia Tông (1672- 1675), thì bộ Cương mục chép thêm được 114 năm. Cương mục, làm sau các bộ sử lớn đã kế thừa được nhiều tinh hoa của các sử gia đi trước và có một tập thể soạn giả đông đảo có điều kiện tham khảo, bổ sung thêm nhiều nguồn tư liệu mới. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, với lời thẩm định tương đối khách quan và nghiêm túc về mặt học thuật: Trong lịch sử sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (cùng một số sử thần khác thời Lê) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn (thời Tự Đức) là hai bộ quốc sử lớn nhất, quan trọng nhất.... Hai bộ sử này bổ sung cho nhau sẽ cung cấp cho chúng ta một bức tranh đầy đủ, toàn diện về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước xa xôi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII.
Không phải ngẫu nhiên mà bộ KĐVSTGCM đã được dịch ra tiếng Pháp đến 2 lần. “Lần thứ nhất, Able des Michels đã dịch dưới nhan đề “Annales inpériales de l’Annam” và in tại Versailles năm 1982. Lần thứ hai, Maurice Durand đã dịch dưới nhan đề “Texte et commentaires du miroir complet de l’histore du Viet” và xuất bản tại Hà Nội năm 1955”(6).
Ngoài KĐVSTGCM, đời vua Tự Đức còn biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC), được đánh giá là bộ sách địa lý học Việt Nam đầy đủ nhất dưới thời phong kiến. Sách được chia ra các mục như: phương vi, phân dã, kiến trí, duyên cách, phủ huyện, hình thế, khí hậu, phong tục, thành trì, học hiệu, hộ khẩu, điền phú, sơn xuyên, quan tấn, dịch trạm, thị lập, tứ miếu, tự quán, phân việt, thổ sản..v.v... Ngoài ra, Đại Nam nhất thống chí còn có quyển chép riêng về Cao Miên (Campuchia), Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Vạn Tượng.
ĐNNTC có rất nhiều tài liệu không những về địa lý mà cả về lịch sử kinh tế, chính trị, văn học nghệ thuật của tất cả các tỉnh của nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. ĐNNTC cung cấp cho người đọc rất nhiều tài liệu quý báu. Sau khi công việc biên soạn ĐNNTC đã hoàn thành, vua Tự Đức sai sửa lại và soạn thêm một quyển Bổ biên ghi chép các sự kiện cho đến hết năm 1881, tuy nhiên đã bị thất lạc. ĐNNTC đời Tự Đức vì vậy là bộ sách thiếu mất một phần. Mặc dù vậy, đây vẫn là bộ sách địa lý học của Việt Nam đầy đủ nhất dưới thời phong kiến.
Bộ Đại nam thực lục (ĐNTL) được vua Minh Mạng chỉ đạo biên soạn ngay sau khi thành lập Quốc Sử quán. Từ Chính biên đến Đệ nhị kỷ được biên soạn dưới thời vua Minh Mạng. Dưới thời vua Tự Đức phần Thực lục chính biên (Đệ nhị kỷ) chép về đời vua Minh Mạng, hoàn thành năm 1861. Các viên Tổng tài, Phó tổng tài, Toàn tu Quốc sử gồm Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Phạm Hữu Nghi, Lê Lượng Bạt làm bản tấu dâng lên vua Tự Đức xem duyệt và xin cho khắc in. Tháng 11 năm 1864 khắc in xong gồm 222 quyển. Năm 1877, vua Tự Đức giao Quốc Sử quán tiếp tục soạn xong phần chính biên, chép về vua Thiệu Trị, gồm 72 quyển và 2 quyển mục lục xin đem khắc in. Các viên Tổng tài, Phó Tổng tài phụ trách việc biên soạn gồm Trương Đăng Quế, Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản. Tháng 7 năm 1879 sách được khắc in xong. Cùng với KĐVSTGCM, bộ quốc sử ĐNTL được đánh giá là “Biểu nhất lãm tổng quát về lịch trình diễn tiến của Việt sử từ thuở sơ khai đến đời vua Đồng Khánh”(7).
Cùng với việc biên soạn, in ấn các bộ sử, quy mô của Quốc Sử quán dưới thời vua Tự Đức cũng được mở rộng. Vì số lượng công trình được biên soạn và khắc in ngày càng nhiều, triều đình cho làm thêm nhà chứa mộc bản, gọi là Tàng bản đường, ở sau lưng tòa nhà chính. Đến đến tháng 2/1884, triều đình cho dựng thêm một dãy nhà ngói 7 gian 2 chái ở phía đông tòa nhà chính để làm nơi biên soạn Thực lục chính biên đệ tứ kỷ. Chế độ lương bổng của nhân viên Sử quán cũng được quy định cụ thể dưới thời vua Tự Đức.
Lăng mộ vua Tự Đức (nguồn: Internet)
Thu Nhuần
Tài liệu tham khảo:
(1);(6);(7): Phan Thuận An, “Quốc sử quán Triều Nguyễn và giá trị của nó trong nền học thuật Việt Nam”, Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ Nhất.
(2);(3): Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta, nxb Hồng Đức; 2016, trang 198.
(4);(5): PSG.TS Trần Kim Đỉnh, “Góp phần tìm hiểu sử học triều Nguyễn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, 2008.
- Nguyễn Hữu Tâm, “Quá trình hình thành Quốc sử quán triều Nguyễn”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3, 2008.
- viensuhoc.vass.gov.vn