Còn mãi trong ký ức tôi hình ảnh nhà cách mạng lão thành, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi ngồi trên xe lăn, đang cặm cụi viết. Năm ấy, 2013, cụ đã 101 tuổi, nhưng vẫn minh mẫn, thông tuệ lạ thường. Cụ đưa cho tôi xem bản đánh máy viết về Tổ văn hóa cứu quốc đầu tiên và khẳng định “Đầu năm 1943, tại số nhà 11 Hàng Đường, anh Ngô Lê Động, Vũ Quốc Uy, Như Phong và tôi đã họp để thành lập Tổ văn hóa cứu quốc”. Câu chuyện của cụ đã làm sáng tỏ nhiều điều mà bấy lâu, tư liệu lịch sử vẫn còn khoảng trống.
Còn mãi trong ký ức tôi hình ảnh nhà cách mạng lão thành, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi ngồi trên xe lăn, đang cặm cụi viết. Năm ấy, 2013, cụ đã 101 tuổi, nhưng vẫn minh mẫn, thông tuệ lạ thường. Cụ đưa cho tôi xem bản đánh máy viết về Tổ văn hóa cứu quốc đầu tiên và khẳng định “Đầu năm 1943, tại số nhà 11 Hàng Đường, anh Ngô Lê Động, Vũ Quốc Uy, Như Phong và tôi đã họp để thành lập Tổ văn hóa cứu quốc”. Câu chuyện của cụ đã làm sáng tỏ nhiều điều mà bấy lâu, tư liệu lịch sử vẫn còn khoảng trống.
Ngày 6/5/2014, cụ đã rời cõi Tạm, về cõi Vĩnh Hằng. Thu về, nhớ cụ, xin dâng cụ đôi dòng của hậu thế với tất cả niềm kính phục, biết ơn sâu sắc.
* Người cán bộ lão thành cách mạng đã ba lần chịu cảnh lao tù
Lớp hậu sinh chúng tôi kính phục nhà văn, nhà viết kịch Học Phi với sự nghiệp sáng tác đồ sộ, nhưng có mấy ai biết cụ đã từng trải qua ba lần chịu cảnh lao tù, và trở thành đảng viên cộng sản khi tròn 20 tuổi?
Lần thứ nhất vào cuối năm 1929 ở thị xã Hưng Yên vì tội hoạt động yêu nước chống Pháp theo tôn chỉ cứu nước của Nguyễn Thái Học. Vào xà lim rồi, cụ mới được giác ngộ chủ nghĩa cộng sản sơ giản. Ra tù khoảng giữa năm 1930, cụ có cơ may gặp được cán bộ của đảng nên đã tự nguyện chuyển sang hoạt động bí mật cho đảng. Cụ lên Hà Nội để tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng; vào cả Trung kỳ rồi lại trở ra, hoạt động cùng với các cụ Lê Đình Tuyển, Nguyễn Tạo, Phạm Văn Huệ, lần lần chắp mối cơ sở ở các xóm lao động nghèo. Cụ trở thành người Đảng viên cộng sản thực sự năm 1933 và tham gia thành lập chi bộ dự bị của Thành ủy ở nhà ông Hoàng Văn Dinh tại Thái hà ấp năm 1934 và ngay sau đó, cụ bị địch bắt, chịu cảnh lao tù lần thứ hai tại Hỏa Lò. Biến nhà tù thành trường học, chi bộ Hỏa Lò đã mở các lớp huấn luyện chủ nghĩa cộng sản do các cây lý luận kỳ cựu là Đặng Việt Châu, Trần Đức Sắc (tức nhà sử học Văn Tân) giảng. Cụ Học Phi khi đó, vừa làm biên tập tập chí Lao tù, vừa học cả tiếng Pháp, chữ Nho. Tháng 9-1936, cụ mới được “ ân xá” bằng cách cho ra khỏi nhà tù, bị quản thúc ở quê.
Nhà văn Học Phi (1913-2014)
Đầu năm 1937, cụ bắt được liên lạc với đồng chí Đinh Xuân Nhạ và hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận dân chủ cùng với các yếu nhân của mặt trận: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Ngô Lê Động, Đặng Thai Mai… Cứ như thế, cụ thuộc từng ngõ phố Hà Nội, đi về trong những túp lều của người lao động nghèo để tuyên truyền, vận động dân đi tranh đấu, và cũng trải nghiệm bao chua cay, buồn tủi khi phải vừa làm thuê kiếm sống, vừa hoạt động. Làm việc quần quật ở tòa soạn tuần báo “Tiểu thuyết thứ năm”, cụ vui sướng được thỏa chí tang bồng khi được viết báo, đông đảo bạn đọc đón đọc. Lúc ấy, nhờ có sự nhiệt thành ủng hộ, cổ vũ của đồng chí Trần Huy Liệu Hạnh phúc đầu tiên trong nghiệp văn chương là bản thảo Hai làn sóng ngược của cụ đã được đăng trên báo Tiếng trẻ (chương đầu tiên), sau đó, đăng lại trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm. Những hoạt động công khai sôi nổi của Đảng tổ chức cuộc mít tinh 1-5-1938, trên nghị trường, trong Hội truyền bá quốc ngữ… cụ đều xông pha hoạt động. Và rồi cụ lại bị vào lao tù lần thứ ba (cuối năm 1939) ở thị xã Hưng Yên vì tội viết bài tố cáo bọn quan lại cướp ruộng đất của nông dân.
*Tổ văn hóa cứu quốc
Chiến tranh thế giới thứ II đã cuốn các nước vào thảm họa lớn. Ở Việt Nam, thực dân Pháp ra tay đàn áp người yêu nước tham gia các hội ái hữu và đoàn thể, xóa bỏ các quyền tự do dân chủ tối thiểu mà ta vừa giành được. Tòa soạn các báo công khai của Đảng bị địch bắt đóng cửa; các đồng chí chưa kịp rút vào bí mật bị bắt. Không khí khủng bố bao trùm khắp nơi. Các cụ Học Phi, Ngô Lê Động, Khuất Duy Tiến … đều bị đưa về an trí ở quê. Bị Pháp bó chân nhưng chúng làm sao bó tim óc họ? Ở Hưng Yên, cụ đã xin làm được chân phóng viên cho các báo hàng ngày ở Hà Nội, viết cả cho tờ Volonté Indochinoise (Ý nguyện Đông Dương), đăng truyện dài Đắm tàu cho tờ Trung bắc chủ nhật.
Xuân 1943 là mùa xuân đầy hân hoan với cụ, khi thư Kính cáo đồng bào của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được đồng chí Hoàng Quốc Việt truyền tay về tới Hưng Yên. Cụ kiên trì chép lại thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rồi nhân dịp năm mới mà nảy ra sáng kiến cho thư vào phong bì, gửi theo Sở giây thép (tức Bưu điện) đến những quần chúng và cơ sở tin cậy ở thị xã. Quả nhiên, cách làm ấy đã có hiệu quả. Những trí thức yêu nước mở thư ra, bàng hoàng sung sướng trước cái tên Nguyễn Ái Quốc mà họ ngưỡng vọng và tin theo con đường giải phòng dân tộc. Đầu năm 1943, theo chỉ thị của đồng chí Hoàng Quốc Việt, cụ lên Hà Nội gặp gỡ văn nghệ sĩ trong nội thành, chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức văn hóa cứu quốc (VHCQ). Sinh thời, khi tôi gặp cụ hỏi thêm về Tổ văn hóa cứu quốc, cụ đã nói rõ: Anh Trường Chinh có gửi một bức thư cho anh em văn nghệ sĩ trưng cầu ý kiến về việc này, nhất là về cái tên gọi mà Trung ương chưa quyết định, vì muốn ngành văn hóa phải có cái gì khác với các ngành các giới khác”.
Người đầu tiên cụ tìm đến chính là giáo sư Đặng Thai Mai để đưa cho giáo sư thư của đồng chí Trường Chinh gửi văn nghệ sĩ và bàn bạc việc thành lập tổ chức riêng của văn nghệ sĩ trong mặt trận Việt Minh. Sau đó, cụ đã có cuộc gặp gỡ tại 11 Hàng Đường, nhà của cụ Ngô Lê Động, một cán bộ kỳ cựu của Đảng, từng giúp Đảng có tài chính để ra báo công khai bằng tiếng Pháp Rassemblement, Le Travail, En Avant. Nhà văn Như Phong, trong hồi ký Theo con đường đã chọn, đã kể lại chi tiết cuộc gặp gỡ này với nhà văn Học Phi: Bốn chúng tôi (Học Phi, Ngô Lê Động, Như Phong, Vũ Quốc Uy - TG) ngồi họp ở ngay bộ bàn ghế gụ kê ở phía sau cửa hàng. Họp ở đấy thế mà an toàn. Tên chó nào ranh ma đến đâu cũng không thể ngờ được rằng, phía trong một cửa hiệu bán đường, mứt hiền lành như vậy mà lại có một cuộc họp bí mật.
Tôi đã từng đến nhà 11 Hàng Đường, gặp chị Ngô Thị Ngọc Hân, con gái cụ Ngô Lê Động. Chị cho xem di cảo của cha và cho tôi đi xem phía sau căn nhà, có cửa thông sang ngõ Gạch, là nơi cân thuốc của ông ngoại chị, rất thuận tiện cho cán bộ thoát mỗi khi có “động”. Địa điểm và nội dung họp được cụ Học Phi ghi rõ trong cuốn Học Phi tự truyện: “Cuộc họp tiến hành ở gian trong, giữa cửa hàng và nơi chứa hàng. Người nhà anh Động luôn qua lại. Chúng tôi phải vừa bàn chuyện công tác, vừa nói chuyện trên trời dưới biển… Tổ phân công anh Như Phong và anh Liên, mà sau này tôi mới biết là anh Vũ Quốc Uy, giữ đầu mối ở Hà Nội, anh Ngô Lê Động lo chạy vốn để giữ nhà xuất bản riêng cho hội; tôi làm liên lạc giữa Trung ương và hội ”. Cụ đã nói quan điểm riêng của mình khi tôi băn khoăn hỏi cụ về tổ chức VHCQ: Cuộc họp này chính thức thành lập tổ VHCQ của văn nghệ sĩ Việt Nam gồm 4 người: Anh Vũ Quốc Uy, tôi, Ngô Lê Động, Như Phong. Người tôi liên lạc đơn tuyến, hoạt động cho văn hóa cứu quốc ngay sau khi thành lập tổ văn hóa cứu quốc là nhà báo, nhà văn Ngô Tất Tố. Còn cuộc họp sau đó của anh Lê Quang Đạo, Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội với các anh Vũ Quốc Uy,Tô Hoài, Nguyên Hồng…ở 124 Blockhaus Nord, nơi anh Vũ Quốc Uy thuê ở, là do anh Đạo thực hiện chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, phát triển tổ chức văn hóa cứu quốc ở Hà Nội.
Văn hóa cứu quốc đã đáp ứng nguyện vọng của văn nghệ sĩ và khơi đúng mạch nguồn cội rễ từ truyền thống văn hóa dân tộc, tạo thành sức mạnh vô bờ trong cuộc cách mạng vì dân tộc, vì tổ quốc với cẩm nang dân tộc - khoa học - đại chúng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh phát triển rực rỡ trong lịch sử văn hóa dân tộc.
* Trên con đường văn học nghệ thuật
Cụ Học Phi là một trong những người đầu tiên của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Con đường của một nhà văn yêu nước, dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ thực dân phản động, góp tâm trí đem lại tự do, độc lập dân tộc là con đường của một văn nghệ sĩ chân chính, suốt đời phục vụ nhân dân. Bao nhiêu người đã viết về cụ - những câu chuyện kỳ lạ, có thật giữa đời thường về một nhà văn, nhà viết kịch đã sống, trải nghiệm, sáng tác suốt gần một thế kỷ qua. Còn tôi, lại muốn tìm căn cốt trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của cụ. Sau một vở diễn thành công, sau một giải thưởng vinh quang, là máu thịt mình dứt ra trên con chữ, là vật vã, trăn trở cho mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện. Không hiểu sao, trong gia sản đồ sộ cụ để cho đời, tôi chỉ ấn tượng sâu đậm nhất, say mê nhất vở Ni cô Đàm Vân. Hơn chục đoàn chèo dàn dựng vở này, tạo nên hiện tượng sân khấu đặc sắc những năm 80 của thế kỷ XX. Khi ấy nghệ thuật chèo đang ở trong cảnh khó có đất diễn mà các đoàn chèo vẫn mê dựng vở Ni cô Đàm Vân. Cụ nói như tâm sự rằng “Đó là do, mình đã trải nghiệm nhiều, nhân vật của mình không cứng như trước nữa”; nhưng tôi biết, sâu lắng bên trong, cái chất cộng sản, chất nhân văn, hào hoa, sau bao giông gió cuộc đời, đã hòa quyện, nhuần nhuyễn đến độ thăng hoa trong vở kịch. Từ vở đầu tiên Cà sa giết giặc công diễn tại Nhà Hát Lớn sau cách mạng tháng Tám đến vở Ni cô Đàm Vân, cụ vẫn lấy bối cảnh chùa chiền mà ca ngợi lòng yêu nước và sự hy sinh của nhân dân cho Đảng, nhưng nghệ thuật thì đã lên đỉnh cao của độ chín trong đời.
*Thay lời kết
Cụ đã từng khiêm tốn nói với các nhà báo rằng Đảng đưa tôi đến với văn học, rồi trở thành nhà văn, nhà viết kịch. Nhưng, tôi biết, trong tim óc, cụ thuộc về những người nghèo khổ. Cụ đã lấy hình ảnh đồng chí Ngô Huy Ngụ, cán bộ Tỉnh ủy Nam Định là nguyên mẫu hình tượng anh Trọng trong vở Ni cô Đàm Vân; rồi cô Yên, người hát ca trù tuyệt hay, đã tiếp tế cho cụ khi bị tù ở thị xã Hưng Yên, đã bí mật tham gia Việt Minh cũng đi vào một truyện ngắn của cụ…Người cách mạng chiến đấu vì khát vọng độc lập tự do của dân tộc, yêu thương con người… như mọi người trên thế gian này. Tháng 8/1945, cụ được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Cách mạng Lâm thời tỉnh Hưng Yên; sau đó được bổ nhiệm là Đổng lý Văn phòng Bộ Thông tin Tuyên truyền, chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Từ 1957 - 1983, cụ là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (khoá I).
Cụ đã dâng hiến những đứa con yêu và cả đời mình cho đất nước. Nhớ lời cụ bảo tôi khi đang ngồi trên xe lăn trò chuyện: Phải viết chứ, không thì buồn lắm. Tôi cảm nhận trong âm sắc trầm xuống, bao nhiêu điều cụ nén lại để sống có ích cho con cháu, cho văn bút mà suốt đời cụ đã vui buồn, hạnh phúc với duyên nghiệp người cầm bút. Với trên 30 vở kịch, 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký và kịch bản sân khấu... mà nhân vật, hình tượng trung tâm là người đảng viên cộng sản tiêu biểu nhất là các tác phẩm Xung đột, Đắm tàu, Một đảng viên, Ni cô Đàm Vân, Ngọn lửa, Hừng đông...cụ đã có đóng góp lớn cho văn học nghệ thuật đát nước.
Cụ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 năm 1996).
Ths.Phạm Kim Thanh