Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/12/2024 08:45 702
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chủ trì thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sỹ, chủ yếu là người dân tộc ít người ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn… Với phương châm dựa vào nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, sử dụng lối đánh du kích: nhanh gọn, bất ngờ, bí mật tiêu diệt địch, chỉ trong 2 ngày sau khi ra đời đội VNTTGPQ đã diệt gọn 2 đồn Phay Khắt và Nà Ngần. Trên đà thắng lợi đó, đội VNTTGPQ đã đẩy mạnh công tác vũ trang, xây dựng cơ sở cách mạng, cổ vũ lực lượng chính trị và tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đây là một mốc son trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, làm tiền đề quan trọng cho sự ra đời, lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt nam và những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sự kiện lịch sử đó đã diễn ra 80 năm trước, song ý nghĩa và bài học lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc ta trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước ngày nay.

Sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là một trong những nội dung quan trọng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ Bảo tàng đã giành nhiều tâm sức nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng và phát huy hiệu quả sưu tập hiện vật quan trọng này.
Nhìn chung, toàn bộ hiện vật trong sưu tập này đều là hiện vật gốc với tổng số 14 tài liệu, hiện vật, 08 tư liệu hình ảnh.Trong số đó, có những hiện vật độc bản chỉ duy nhất có ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mà ngày nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ, trưng bày thực sự là nguồn sử liệu quý hiếm góp phần rất quan trọng trong việc tìm hiểu về lịch sử  Cách mạng Việt Nam, lịch sử ra đời, phát triển của quân đội nhân dân Việt Nam. Sưu tập hiện vật tài liệu với số lượng tuy không lớn nhưng mỗi hiện vật, tư liệu đều là những vật chứng đã từng tham dự vào sự kiện nên chứa đựng những giá trị lịch sử mà chúng ta và thế hệ mai sau cần khai thác triệt để nhằm góp phần khắc họa bức tranh toàn cảnh về một giai đoạn đầy gian khó nhưng hào hùng của lịch sử dân tộc một cách chính xác, trung thực, khách quan.  Về nguồn gốc, hầu hết hiện vật, tài liệu gốc của sưu tập này được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiếp nhận từ Ty Văn hóa Cao Bằng, tháng 7 năm 1958 và từ Bảo tàng Việt Bắc, tháng 5 năm 1965 và bao gồm 3 nhóm: nhóm hiện vật thể khối, nhóm hiện vật văn bản và nhóm tư liệu hình ảnh. Cụ thể:
 * Nhóm hiện vật thể khối: 12 hiện vật gốc, gồm:
- Những kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dùng trong sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cũng như những hoạt động trong thời gian đầu mới thành lập của Đội. Đây là nhóm hiện vật đặc biệt quý.
Đặc biệt hơn nữa về nhóm hiện vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhóm hiện vật mà Đại tướng đã ký trực tiếp xác nhận vào hồ sơ của từng hiện vật và trao tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) trong đợt xác minh của Bảo tàng về nhóm hiện vật liên quan đến Đại tướng tại nhà riêng vào tháng 5 năm 2004. Nhóm hiện vật này bao gồm:
+ Áo dạ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh ở Cao Bằng đưa cho đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc chống rét năm 1941. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mặc trong buổi lễ thành lập đội xung phong Nam tiến năm 1942 và lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944. Đến năm 1945, Đồng chí Võ Nguyên Giáp trao lại chiếc áo dạ này để Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh sử dụng.
+ Súng ngắn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng trong lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 và trong trận đánh đồn Phay Khắt và Nà Ngần ngày 24-25 tháng 12 năm 1944.
Khẩu súng này Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dùng trong suốt thời kỳ hoạt động ở Việt Bắc.
+ La bàn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã sử dụng từ những ngày đầu thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Cao Bằng, năm 1944 - 1945.
+ Bật lửa (Tập pooc). Đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí khác đã sử dụng trong thời gian hoạt động tại chiến khu Hoàng Hoa Thám, Nguyên Bình, Cao Bằng, năm 1944.
+ Cuốc, thuổng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã sử dụng trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, những năm 1943 - 1945.
- Nhóm hiện vật gắn với hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong những ngày đầu thành lập:
+ Trong nhóm này đặc biệt phải kể đến một hiện vật liên quan trực tiếp đến Lán đóng quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đó là chiếc:  Dao quắm của ông Nông Ngọc Định dùng chặt cây làm lán cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở trong thời gian thành lập Đội và chuẩn bị đánh đồn Phay Khắt ở Nguyên Bình, Cao Bằng, tháng 12/1944.
+ Cờ. của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Năm 1945, Đồng chí Lê Quảng Ba đã mang theo từ Tân Trào, Tuyên Quang tiến về gây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Tổng Bàng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
+ Nồi. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dùng để nấu ăn khi đóng quân ở chiến khu Hoàng Hoa Thám, Cao Bằng, năm 1944.
+ Bát. Đồng chí Hoàng Sâm, người đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã sử dụng trong thời gian hoạt động ở huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Cao Bằng từ năm 1942-1944. Điều đặc biệt là chiếc bát này do đồng chí Hoàng Sâm tự làm bằng một đoạn thân tre dùng để ăn cơm trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng. Hiện vật tuy nhỏ bé, giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa về thời kỳ đầu đầy gian khó và oanh liệt của quân đội ta.
+ Nón của lính dõng, được các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân dùng giả trang khi đánh đồn Phay Khắt tại xã Tam Kinh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, năm 1944.
 
Súng ngắn -  Đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng trong lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 và trong trận đánh đồn Phay Khắt và Nà Ngần ngày 24-25 tháng 12 năm 1944.
 
La bàn - Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đã sử dụng từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Cao Bằng, năm 1944 - 1945.
 
Dao quắm của ông Nông Ngọc Định dùng chặt cây làm lán cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở trong thời gian thành lập Đội và chuẩn bị đánh đồn Phay Khắt ở Nguyên Bình, Cao Bằng, tháng 12/1944.
 
Bát -  Đồng chí Hoàng Sâm, người đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã sử dụng trong thời gian hoạt động ở huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Cao Bằng từ năm 1942-1944.
 
Nồi -Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân dùng để nấu ăn khi đóng quân ở chiến khu Hoàng Hoa Thám, Cao Bằng, năm 1944.
 
Nón của lính dõng, được các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân dùng giả trang khi đánh đồn Phay Khắt tại xã Tam Kinh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, năm 1944.
* Nhóm hiện vật văn bản: 02 hiện vật gốc, gồm:
+ Truyền đơn binh vận, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kêu gọi binh lính phản chiến, quay trở về với nhân dân, năm 1944-1945. Truyền đơn với chữ viết tay, in li tô mực đen trên giấy ngả vàng khổ dọc 12,2 x 21,7cm, với nội dung kêu gọi, yêu cầu rất cụ thể:

HỠI ANH EM
QU
N, ĐỘI, CAI, LÍNH

VIỆT NAM

Anh em là người Việt - Nam. Anh em phải yêu nước Việt Nam, phải cứu nước Việt - Nam! Nay cơ hội cứu nước đã đến, chúng tôi thống thiết Kêu gọi anh em quay súng bắn quân phát xít Nhật Tây cùng với chúng tôi bước lên con đường quang vinh.

Một số anh em binh lính đã tiến lên con đường ấy. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh. Nếu anh em chưa định theo con đường ấy thì anh em cũng không nên làm điều gì hại nhân dân, hại cách mạng. Như thế thì chúng tôi đã không bao giờ hại đến anh em, lại còn đối đãi với anh em rất tử tế để cho anh em hiểu rõ chúng tôi. Đấy, vụ Nà-Ngần đã chứng thực điều này. Trái lại, nếu anh em cam tâm làm tay sai cho quân phát xít để giết hại người cách - mạng, quấy nhiễu nhân dân và chống lại chúng tôi, thì tội ác ấy không tha thứ được, Trong vụ Phay-Khắt một số binh lính bị Kết án tử hình là vì lẽ đó.

                                                        Hỡi anh em binh lính!

          Người Việt - Nam Không hại người Việt Nam!

Người Việt Nam phải cứu nước Việt Nam!

Đội Tuyên truyền

của Việt Nam Giải Phóng Quân 

+ Khẩu hiệu của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kêu gọi anh em quân đội, cai lính Việt Nam không bắn giết người Việt Nam. Khẩu hiệu với chữ viết tay, in li tô mực đen trên giấy ngả vàng khổ ngang 38 x19cm, với nội dung:

ANH EM QUN, ĐỘI, CAI, LÍNH VIỆT NAM

NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG BẮN

NGƯỜI VIỆT NAM!

Đội Tuyên truyền

của Việt Nam Giải Phóng Quân

(viết tắt V. N. G. P. Q)”

 

 Truyền đơn binh vận - Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kêu gọi binh lính phản chiến, quay trở về với nhân dân, năm 1944-1945.

* Nhóm tư liệu hình ảnh: 08 hình ảnh, gồm:
Ảnh: Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ngày 22/12/1944.
Ảnh: Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày 22/12/1944.
Ảnh: Đồn Phay Khắt (Cao Bằng), nơi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh chiếm trong trận đầu tiên sau ngày thành lập, ngày 24/12/1944.
Ảnh: Các đồng chí tự vệ chiến đấu ở Cao Bắc Lạng được đoàn thể chọn lọc về thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (Cảnh dựng lại sau CMT8)
Ảnh: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tuyên thệ tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ngày 22-12-1944.
Ảnh: Buổi sinh hoạt thân mật giữa các đồng chí trong đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Cảnh dựng lại sau CMT8)
Ảnh: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Cảnh dựng lại sau CMT8)
Ảnh: Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc lệnh khởi nghĩa trước đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 13-8-1945. (Cảnh dựng lại sau CMT8)
 
Ảnh: Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ngày 22/12/1944.
 
 Ảnh: Đồn Phay Khắt (Cao Bằng), nơi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh chiếm trong trận đầu tiên sau ngày thành lập, 24/12/1944.
 
 Bản ghi chép hiện vật của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia)  có chữ ký xác nhận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2004.
Có thể thấy rằng, sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tuy không lớn về số lượng nhưng đều là những hiện vật quý hiếm, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu và được các thế hệ Bảo tàng gìn giữ cẩn trọng, phát huy tốt giá trị nội dung phục vụ cho công tác trưng bày, nghiên cứu, xuất bản trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bên cạnh đó, khai thác những hiện vật, tài liệu về sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phục vụ nghiên cứu và các hoạt động vốn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Bảo tàng. Đồng thời, đây cũng là một đề tài khá hấp dẫn để các cá nhân, đơn vị,  nhất là các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước đến khai thác hiện vật về đề tài lịch sử quân sự, cách mạng của Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, qua đó đã phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí hết sức quan trọng của sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong lịch sử dân tộc cũng như của sưu tập hiện vật, tài liệu về mốc son lịch sử này trong hoạt động của Bảo tàng, thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc sưu tầm bổ sung, hoàn thiện sưu tập. Đồng thời, Bảo tàng sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng, tổ chức khai thác, phát huy sưu tập với nhiều hình thức, nội dung phong phú, hấp dẫn và hiệu quả hơn nữa nhằm góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ để tăng thêm bản lĩnh, nghị lực nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

TS. Nguyễn Văn Đoàn; Th.s.Nguyễn Hoài Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5143

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Nguyễn Ái Quốc - Những năm tháng ở Quảng Châu

Nguyễn Ái Quốc - Những năm tháng ở Quảng Châu

  • 11/11/2024 11:02
  • 1324

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi, nhiều nước, trong đó có Quảng Châu, Trung Quốc (1924 - 1927). Đây là nơi Người đã sống và hoạt động trong thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ nhất và đó cũng là địa bàn gần Tổ quốc mà Người đã lựa chọn trở về hoạt động để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc Việt Nam.